Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc chuẩn bị cuộc “xâm lược bằng bản đồ” ở Biển...

Trung Quốc chuẩn bị cuộc “xâm lược bằng bản đồ” ở Biển Đông?

Bắc Kinh ráo riết vẽ lại bản đồ Biển Đông và Hoa Đông nhằm giành lợi thế trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Chính quyền Bắc Kinh thời gian qua đã liên tục tăng cường thực lực áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng việc tăng cường tuần tra và vẽ lại bản đồ hai vùng biển này nhằm giành lợi thế trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên hai vùng biển này với các nước có liên quan.

 

Thủ đoạn quen thuộc: xâm lược bằng bản đồ

Trung Quốc vốn có truyền thống đưa nhiều vùng lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của nước mình, sau đó đòi hỏi chủ quyền khi điều kiện cho phép. Năm 1947, Trung Quốc Tưởng Giới Thạch công bố Đường Lưỡi bò và từ năm 2009, CHND Trung Hoa công bố trở lại những nét vẽ mơ hồ này, rồi mặc nhiên coi đó là “vùng biển của minh”. Theo báo cáo Yale Global của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale, Bắc Kinh đã nộp một bản đồ với chín đường đứt đoạn đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông lên Liên hợp quốc. Đường Lưỡi bò “nuốt chửng” hầu hết vùng đặc quyền kinh tế của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruney. Nếu các nước không kịp thời lên tiếng phản bác, thì Trung Quốc khẳng định rằng đó là vùng biển Trung Quốc do “không có ai phản đối cả”. Đó gọi là cuộc “xâm lược bằng bản đồ”. Thế rồi họ kéo tàu chiến và các loại tàu chấp pháp ra thực thi “quyền” của họ.


Khu vực Biển Đông. Ảnh: Internet.

Lần này, Bắc Kinh sẽ đưa những vùng biển mà họ có đòi hỏi về chủ quyền vào bản đồ Biển Đông, nhằm tăng cường yêu sách của họ đối với các khu vực có tranh chấp. Việc xuất bản bản đồ lần này là một phần trong chiến dịch quốc gia, nói là nhằm “nâng cao nhận thức về lãnh thổ” của dân chúng Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền đối với các khu vực có tranh chấp.

Theo thông tin được đăng trên website của Cục Thông tin địa lý và Bản đồ Quốc gia Trung Quốc, Nhóm chỉ đạo quốc gia sẽ đề ra các công việc ưu tiên giải quyết của mình trong năm nay, “Chính phủ sẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu, đo vẽ và xuất bản bản đồ các khu vực thuộc Biển Đông và các đảo bãi liên quan mà Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền”.

Thời báo Hoàn cầu (TQ) đã đăng tải một thông tin cho biết có tổng cộng 13 cơ quan trực thuộc bộ phận tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao đã phối hợp vẽ bản đồ liên quan đến một số đảo tại Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền tại đây. Tờ báo này cũng chỉ trích Trung Quốc đã bỏ quên việc vẽ lại bản đồ tại các đảo quan trọng trên Biển Hoa Đông như quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) khiến cho Nhật Bản có lợi thế trong việc khẳng định chủ quyền tại vùng biển tranh chấp này.

Theo báo Yomiuri (NB), đây là những động thái cho thấy Trung Quốc đã có kế hoạch vẽ lại bản đồ tại Biển Đông và sau đó sẽ tính toán tới công việc tương tự trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, tờ Nam Phương cuối tuần (TQ) ra ngày 22/3 đã đăng tải một bài bình luận cho biết Luật pháp quốc tế sẽ phân định vùng đảo nào thuộc chủ quyền của nước nào dựa trên các chứng cứ đầy đủ, trong trường hợp không đầy đủ thì sẽ phân định theo hướng ai là người quản lý thực sự. Đây là cách nhìn cho thấy Trung Quốc muốn tăng cường tuần tra và thể hiện trên bản đồ để chứng tỏ sự quản lý thực sự và coi đây là những chứng cứ thuyết phục một khi tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản hay các nước Đông Nam Á được đưa ra Tòa án Quốc tế.

Từ những cách nhìn nhận vấn đề như trên, chính quyền Bắc Kinh đã chỉ thị cho các địa phương trong nước thống nhất cách gọi một cách chính xác trên các loại bản đồ. Ví dụ như Trung Quốc hiện đang có bản đồ thể hiện chủ quyền trên cả một khu vực rộng lớn hình “lưỡi bò” kéo dài từ vùng biển Trung Quốc ra tận eo Borneo (Kalimantan) trên Biển Đông. Hiện thời tuy chưa thể hiện trên bản đồ nhưng trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ chắc chắn vẽ lại bản đồ trong đó thể hiện vùng quần đảo Senkaku và vùng biển xung quanh là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh bằng các tên gọi theo kiểu của nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường tuần tra nhằm phá vỡ từng bước sự quản lý của các bên liên quan trên Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Trong tháng 3/2012, tàu tuần tra của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã xâm nhập vùng lãnh hải Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku, sau đó còn tiến hành huấn luyện tại mỏ khí Shirakaba (Trung Quốc gọi là Xuân Hiểu). Sau đó, một quan chức thuộc Cục Hải dương còn tuyên bố thẳng trên tờ Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản rằng đây là biện pháp nhằm “làm lung lay sự quản lý của Nhật Bản” tại quần đảo Senkaku và các vùng biển xung quanh. Còn theo hãng tin AP, Trung Quốc kể từ tháng 3/2012 cũng đã thúc đẩy kế hoạch bắn đạn thật và mời thầu khảo sát mỏ dầu dưới đáy Biển Đông, đồng thời bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam dưới tội danh “hoạt động đánh bắt trái phép”. Song song, Bắc Kinh cũng có những động thái nhằm “chia rẽ” sự thống nhất trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để vấn đề tranh chấp Biển Đông không diễn biến theo hướng bất lợi cho Trung Quốc. Vào ngày 30/3, Chủ tịch Trung Quốc đi thăm Campuchia, nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2012 và không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, để làm tăng trọng lượng sức ép với nước chủ nhà để gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự ASEAN.

Chính sách hai mặt trong thăm dò khai thác dầu khí Biển Đông

Mạng Tinh đảo hoàn cầu dẫn lại tin của báo Press Trust of India (Ấn Độ) ngày 25/3 đưa tin, mới đây, Vụ phó Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vĩ Đông đã cảnh báo Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở biển Đông vì đây là khu vực tranh chấp. Trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc phản đối các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở các lô dầu khí của Việt Nam tại biển Đông trong khi các công ty Trung Quốc lại thực hiện các dự án hạ tầng ở khu vực tranh chấp Kashmir (Ấn Độ – Pakistan), Tôn Vĩ Đông cho rằng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ông ta nói các công ty Trung Quốc chỉ tập trung phát triển kinh tế địa phương ở Kashmir trong khi tranh chấp ở biển Đông là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bên.

Ở vùng Bắc Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu cho đấu thầu khảo sát, thăm dò 15 lô dầu khí. Có lô tiến sát đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Lập luận của Trung Quốc chắc cũng không có gì khác với luận điệu của Tôn Vĩ Đông về Kashmir.

Long Đặng

RELATED ARTICLES

Tin mới