BienDong.Net: Đảo chìm Len Đao gắn với Chiến dịch bảo vệ Chủ quyền năm 1988 của Hải quân nhân dân Việt Nam và nhất là sự kiện đẫm máu ngày 14/3/1988 tại vùng biển Cô Lin – Gạc Ma – Len Đao.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, cho đến ngày hôm nay, vùng biển này vẫn còn nguyên sự căng thẳng, trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển – đảo của bộ đội ta trước những hành động hung hăng, khiêu khích của lính Trung Quốc ở điểm Gạc Ma ngay bên cạnh.
Trở lại Len Đao lần này, bọn “cảnh khuyển” xúm xít quanh mình bởi có lẽ nhận ra người thân quen. Chào nhé các chú mày, anh sẽ viết về nơi mà các chú mày và những người chủ kiên cường, gan góc, dũng cảm, thông minh- để những người ở đất liền biết là phía trước biển, nơi họ đang sống trong đầy ắp nhung lụa và ánh sáng, vẫn có những con người đêm ngày căng óc trước mọi động thái của địch và ngón tay luôn áp trên cò súng..
Ở nhiều đảo chìm ngoài Trường Sa, khách được lên thăm các vọng gác trên nóc đảo, tinh ý sẽ thấy vài sợi dây ni lông chằng chịt trên chòi, treo đầy những vỏ hộp, ống bơ và chiến sĩ trực canh khi nào cũng nắm tay lên sợi dây đó, nhất là khi trực canh ban đêm.
Lý do rất đơn giản nhưng cũng rất khốc liệt: Nếu trong trường hợp địch đánh chiếm đảo, tiêu diệt chiến sĩ trực canh bằng súng bắn tỉa, giảm thanh thì khi ngã xuống, ngón tay người lính vẫn kịp kéo dây, gây tiếng động báo cho đồng đội…
Trên vọng gác của đảo đá Len Đao, bao năm nay cũng có những sợi dây ni lông treo đầy vỏ hộp, ống bơ như thế.
Len Đao nhìn từ trên đường từ tàu vào
1/ Đảo Len Đao cùng với 2 đảo đá Cô Lin và Gạc Ma (Gạc Ma hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nổi như 3 cạnh của hình tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Len Đao nằm ở vị trí 90 45’ 40” độ vĩ bắc; 1140 21’ 50” độ kinh đông, cách đảo Cô Lin 6,4 hải lý về phía Đông, cách đảo nổi Sinh Tồn 6,5 hải lý về phía Đông Nam.
Đảo được hình thành nhờ bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý.
Bề mặt tương đối bằng phẳng, khi thuỷ triều xuống thấp bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m, khi thuỷ triều lên cao bãi ngập khoảng 1,8m chất nền chủ yếu là cát và đá san hô.
Bãi cát san hô quanh đảo lấy tâm là nhà lâu bền, cứ xoay một vòng là hết một năm. Vào tháng 3, tháng 4 gió mùa Đông Bắc, bãi cát dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo.
2/ Nói đến Len Đao, không thể không nhắc đến Chiến dịch Bảo vệ chủ quyền năm 1988 (CQ-88) của Quân chủng Hải quân.
Những người lính biển vẫn nhớ: Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, trước 6 giờ ngày 14/3/1988. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng ngày 14/3/1988 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Tàu Hộ vệ tên lửa của Trung Quốc tại khu vực biển Gạc Ma – Len Đao
Ngay sau thời điểm này, ở phía Gạc Ma – Cô Lin, các tàu chiến đấu Trung Quốc đã bất ngờ nổ súng vào phân đội Công binh Hải quân đang xây dựng trên đảo Gạc Ma, bắn cháy – chìm 2 tàu vận tải của ta, làm 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân hy sinh, bắt sống 9 người và chiếm đảo Gạc Ma.
Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam khiến tàu bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3/1988.
Trước tình hình ngày càng phức tạp, yêu cầu giữ đảo ngày càng khẩn trương và bí mật, Đại tá Lê Văn Thư Chỉ huy trưởng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng xây dựng nhà cho đảo.
Ngày 9/7/1988, nhà đã làm xong và bàn giao cho cán bộ, chiến sỹ Len Đao bảo vệ đảo…
3/ Trước hôm tàu rời Quân cảng Cam Ranh, mình lếch thếch ra chợ Mỹ Ca mua cả chục kg ớt, chanh tươi, bưởi chua, đóng gói mang xuống tàu, khiến các chú đi lần đầu nhìn mình như thể nhìn mấy anh em cửu vạn ngoài chợ Long Biên.
Lại thêm cả chục thùng rượu Vodka Men in dấu đỏ chót “Quà biếu tặng – Không được bán” của lão Kinh Kha từ Hưng Yên gửi tặng Đoàn Công tác và nếu có thể thì… nhấm nháy cho đảo chút tý ty (vì ngoài đó, lệnh cấm bia rượu ban hành từ lâu, được tuyệt đối chấp hành, chỉ được sử dụng chút chút dịp Lễ Tết gọi là, cho bộ đội đỡ nhớ nhà), được đóng gói kín mít trong túi bảo quản đen sì.
Bộ đội đảo chìm đóng quân ở cái nhà gọi là lâu bền cho oách, chứ thực ra là dạng lô cốt bê tông, nhô lên ở giữa biển xa kia.
Ở đảo nổi đã cực, ở cái lô cốt xây trên bãi san hô ngập nước này, sự cùng cực còn tăng lên gấp vạn lần.
Thứ duy nhất không phải chở từ đất liền ra là nắng, gió và không khí.
Thứ để nuôi sống con người, sau nữa là mấy con cá nhỏ lờ vờ mắc cạn ngay rìa đảo, được nhặt vội vàng khi nước rút chiều hôm.
Cậu chiến sĩ người Ninh Thuận, ở Len Đao đã gần 1 năm nay khi thấy mình lọ mọ mở thùng nước dự trữ, biết ngay loại thổ công thổ địa nên cười tươi, hở răng trắng lóa: “Mấy hôm trước có mưa, tụi em bịt cả giao thông hào, lô cốt làm chỗ… trữ nước, nên các anh cứ yên tâm rửa tay!”.
Nói thế chứ, ở ngoài này nước được ví như máu, họa có lơ đãng – vô tình mới rửa mặt – kỳ chân bằng nước ngọt của lính, chỉ sau có chặng đường ngồi xuồng chuyển tải từ tàu vào đảo.
Đồ ăn chính, lâu dài, liên tục của lính đảo Len Đao
Chui vào bếp với lính, họng cứ khô lại khi thấy đống vỏ đồ hộp cà, măng, rau, dưa, thịt, cá, hoa quả… được giấu kỹ phía sau chạn bát.
Thấy mình sờ những vỏ hộp nào được rửa sạch, mài nắp nhẵn nhụi, cậu chiến sĩ ngượng nghịu: “Để hôm nào mưa, mang ra hứng nước. Nếu không thì cũng để trồng rau hoặc làm dây báo động!” và thú thật: “Cất đi kẻo các anh chị nhìn thấy, lại thương lính gian khổ!”.
Rõ khổ!. Khổ đến cùng cực mà cũng phải giấu, không cho khách biết.
Mình thì lạ gì: Lính đảo chỉ được tắm 2 ngày 1 lần và phải tắm bằng nước mặn, xong mới đứng vào chậu, tráng người bằng 1 ca nước ngọt để lấy nước tráng tưới rau.
Đặc biệt ngoài đảo chìm, lính ta không có khái niệm… xà phòng tắm, bởi nước có xà phòng tưới vào, rau chết sạch.
Ở Len Đao, đến đâu cũng thấy rau trồng tận dụng: Treo trên cửa; kề bên ụ pháo; vắt vẻo trên mặt nước; rậm rạp trên sân thượng…
Rau hình như sống bằng mồ hôi, nước mắt của lính nên thân gầy mà lá cứ xanh rời rợi, trong cẩn thận bịt bùng cót ép, gỗ thùng đạn, tránh gió biển chực luồn lách thổi bung.
Nhiều rau thế, nhưng cũng chả dám ăn. Mỗi ngày, nhà bếp chỉ dám vặt vài cọng, cẩn thận cho vào nước sôi nấu thành canh lõng bõng toàn nước là nước, chia nhau từng mẩu lá chín, ăn cho mát ruột, chống táo bón. Thức ăn còn lại, ngày qua ngày, quay đi quay lại là đồ hộp, đồ đông lạnh và… đồ khô.
Len Đao nuôi rất nhiều chó, nhưng đặc biệt không bao giờ thịt chó.
Anh em bảo: “Chúng sống với mình, gian khổ cùng mình như thể đồng đội mình, người thân của mình, ăn thịt sao được!” và kể: Chó còn làm nhiệm vụ canh gác đảo ngày đêm. Nhất là chống biệt kích, người nhái ban đêm định tập kích đảo …
Rời đảo, mình lấn bấn ở lại chờ chuyến cuối cùng. Mấy anh em đứng nói chuyện với nhau, bạn đồng hương sống trên đảo đã gần 1 năm mới thú thật: “Ông cho tôi xin điếu thuốc!”.
“Ơ! Sao lúc nãy mời không hút?”. Đồng hương mình ngượng nghịu: “Có các Thủ trưởng và khách nên không dám. Giờ nói chuyện lâu, biết chất đồng hương nên mới xin điếu cho anh em cùng hút. Đảo hết thuốc lá từ 2 tháng nay rồi, thèm lắm!”
“Sư bố đồng hương. Đã là dân thành phố Hoa cải đỏ với nhau, lại còn khách khí?” – Nói bậy thế, nhưng nước mắt cứ rưng rưng: Bộ đội Trường Sa mình là thế đấy. Gian khổ, thiếu thốn chỉ căng mình chịu đựng, giấu hết đi dù đó là những chuyện rất bình thường, để người thân – đất liền yên tâm.
Quay sang cậu em Vinh Hải, PV Báo Lao động cũng đang thẫn thờ nghe chuyện. Vinh Hải nhanh nhảu: “Em còn 1 cây thuốc lá, xin được tặng các anh trên đảo!!”.
Ừ! Cảm ơn Hải rất nhiều, ít nhất là tuy không biết hút thuốc nhưng cũng chuẩn bị được mấy cây thuốc Thăng Long đặc sệt chất Hà Nội, tặng cho anh em.
Xuồng chuyển tải về đến tàu, mình tót lên phòng lục lọi, còn đúng 1 thùng bưởi, hoa quả, chanh… dành cho cả chuyến đi. Gói lại hết và chuyển xuống cho đảo, cho đồng hương.
Thế là anh em mình có thuốc lá, có hoa quả tươi và chanh ớt tươi, thêm mấy chai rượu của lão Kinh Kha biếu tặng gửi lại cho đảo, để ấm lòng cả người đi kẻ ở.
Tưởng đã yên tâm, nhưng xuồng cập đảo rồi, mới đập đầu tiếc vì quên không sẻ nửa lọ muối vừng, cho đồng đội đang nhớ vị bùi vừng lạc đất liền. Trời ạ!. Cái đầu của mình sao ngu thế!.
Sĩ quan giữ đảo Len Đao này có tên cực độc: Tưởng Nguyên Soái
4/ Chào tạm biệt Len Đao, tay cứ bỏng lên bởi những bàn tay lính biển bóp chặt, níu mãi không rời, chợt nhớ đến 1 câu đáng nhớ nhất trong bài viết giới thiệu dài ngoằng của Cục Chính trị Hải quân: “Trong hơn 20 năm qua, với lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của đảo luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, mưu trí, dũng cảm, bình tĩnh, sáng suốt quan sát, xử lý tình hình, đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù”.
Thương đồng đội, bao nhiêu năm chong mắt giữ đảo trước mưu đồ xâm chiếm của lũ tham lam, ở ngay sát nách.
Càng thương hơn khi những sự thiếu thốn, từ thứ nhỏ nhất cứ đeo đẳng những người lính biển mãi, dù với họ vẫn còn rất nhiều, rất nhiều tháng năm nữa, phải chong mắt giữ Len Đao…
BDN ( biên tập theo bài viết của Mai Thanh Hải)