Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ ra biển Đông

Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ ra biển Đông

BienDong.Net: Theo thông tin của phía Trung Quốc, sáng 9/5, giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981 của Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation viết tắt là CNOOC) đã chính thức đi vào hoạt động tại giếng Lệ Loan 6-1-1 có độ sâu 1.500 m trong hành động đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược khai thác dầu khí nước sâu của Trung Quốc.

Khu vực hoạt động của giàn khoan này nằm trong lòng chảo Châu Giang, ở cửa sông Châu cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.

 

Giàn khoan 981 ( ảnh Tân Hoa Xã ).

Ocean Oil 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm, nửa nổi có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m, thuộc thế hệ giàn khoan thứ sáu trên thế giới và là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Công suất của giàn khoan này được mô tả là lớn hơn công suất của các giàn khoan dầu hiện tại tới 18 lần.

Dài 114 m, rộng 90 m, cao 136 m, trọng tải 30.000 tấn, giàn khoan 981 được người Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí”. Tổng kinh phí để xây dựng nó lên tới 935 triệu USD và chi phí hoạt động có thể lên tới 1 triệu USD/ngày.

Bắc Kinh cho rằng hầu hết hoạt động khai thác dầu khí của họ hiện chưa đạt đến độ sâu 300m dưới đáy biển, trong khi khoảng 70% nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông nằm ở độ sâu trên 300m. Bắc Kinh dự đoán trữ lượng dầu khí ở biển Đông có thể từ 23-30 tỷ tấn dầu và 16.000 tỷ m3 khí thiên nhiên.

Một quan chức đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và kinh tế của một trường đại học ở Trung Quốc từng nói với Thời báo Hoàn Cầu: “Các giàn khoan nước sâu sẽ được các tàu lớn di chuyển tới điểm hoạt động và sẽ giúp Trung Quốc có sự hiện diện đáng kể tại vùng Biển Đông hiện chưa được thăm dò”.

Với sản lượng khai thác từ các giếng dầu trên bờ đang giậm chân tại chỗ và tiềm năng có hạn tại các vùng biển cạn sau 30 năm khai thác, Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới – đang tính đến các nguồn cung cấp khác, trong đó có các mỏ dầu nước sâu.

Theo Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần”, giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty khi đó.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền đối với 80% diện tích biển tại đây, tức là hiện thực hoá yêu sách đường chữ U.

Ngoài ra, nỗ lực thăm dò khai thác các tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng, cũng là một mục tiêu quan trọng khi nền công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh.

Chính vì vậy, sự hiện diện và hoạt động của giàn khoan 981 đang thu hút sự chú ý của các nước láng giềng bị đe doạ bởi yêu sách biển phi lí của Trung Quốc, làm cho bầu không khí trong khu vực thêm căng thẳng. Ngoài ra, hoạt động của giàn khoan cũng gây ra mối lo ngại về nguy cơ tràn dầu.

Cần nhắc lại rằng việc giàn khoan 981 đi vào hoạt động diễn ra vào lúc ở phía nam mỏ Lệ loan, tại khu vực bãi cạn Scarborough, Trung Quốc và Philippines vẫn đang đối đầu nhau trong một vụ tranh chấp giằng co từ ngày 10/4, khi hải quân Philippines cáo buộc tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong hải phận nước này.

Trước đó, ngày 15/12/2011 , Trung Quốc cũng đã cho xuất xưởng một chiếc tàu thăm dò biển sâu tối tân sẽ hoạt động tại vùng Biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã, con tàu thăm dò này mang ký hiệu HYSY708 dài 105 m, rộng 23,4 m, trọng tải 11.600 tấn, có khả năng thăm dò ở độ sâu 3.000 m dưới mặt biển, và khoan sâu 600 m dưới lòng biển. Tàu được thiết kế và trang bị bằng công nghệ tối tân để thực hiện việc thăm dò địa chất và địa chấn ở các vùng biển nước sâu.

Trường Sa ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới