Ngày 9/5 vừa qua, trong bài phát biểu tại một cuộc hội thảo khoa học, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhằm đảm bảo các lợi ích của Mỹ trên các đại dương.
Bài phát biểu của ông Panetta đã khơi lại cuộc tranh luận kéo dài tại Mỹ về vấn đề phê chuẩn UNCLOS, đồng thời là bước đầu tiên trong một loạt các động thái của chính quyền Tổng thống Obama và đảng Dân chủ nhằm thúc đẩy Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc tham gia công ước quốc tế này.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là thỏa thuận quốc tế đạt được tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982.
Xem thêm: Tại sao Mỹ chưa tham gia UNCLOS 1982 ? kỳ I
Tại sao Mỹ chưa tham gia UNCLOS 1982 ? kỳ II
Nội dung của UNCLOS quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. Sau khi chính thức có hiệu lực năm 1994, đến nay đã có 162 quốc gia và Liên minh Châu Âu tham gia Công ước.
Đối với Mỹ, mặc dù Mỹ tham gia Hội nghị thành lập UNCLOS, đồng thời giam gia đàm phán điều chỉnh nội dung Công ước diễn ra trong thời gian từ năm 1990 đến 1994 song đến nay Mỹ vẫn chưa chính thức tham gia Công ước mà chỉ thực hiện các nội dung của Công ước dưới dạng tập quán quốc tế.
Kể từ khi chính quyền Tổng thống Bill Clinton ký kết UNCLOS và trình Thượng viện phê chuẩn vào năm 1994, vấn đề này đã gây ra sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Những người ủng hộ phê chuẩn UNCLOS đã đưa ra một loạt dẫn chứng về những lợi ích của Mỹ khi tham gia Công ước như: tạo điều kiện cho Mỹ tập trung sức mạnh hải quân vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương; giúp các tàu chiến Mỹ có thể tiếp tục hoạt động ở Thái Bình Dương và tiến hành các cuộc tập trận; củng cố uy tín của Mỹ trước các nước đồng minh và đối tác; thúc đẩy giải pháp hòa bình cho những tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông và các nơi khác; đảm bảo hoạt động bình thường của các tuyến hàng hải sống còn đối với Mỹ như eo biển Hormuz và Biển Đông. Trong khi đó, phe phản đối cho rằng phê chuẩn Công ước sẽ mang lại những bất lợi cho Mỹ như: làm mất chủ quyền quốc gia; Mỹ phải thực hiện nhiều trách nhiệm đề cập trong Công ước trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường; gây tốn kém cho các công ty khai thác nguồn lợi trên các vùng biển quốc tế. Ngoài ra, phe phản đối còn cho rằng Mỹ không cần thiết phải phê chuẩn UNCLOS vì trên thực tế Mỹ đã thực hiện phần lớn các điều khoản của Công ước.
Theo luật pháp Mỹ, UNCLOS cũng như tất cả các thỏa thuận quốc tế khác phải được Thượng viện phê chuẩn với số phiếu ủng hộ tối thiểu là 67/100 phiếu. Đến nay, Chính quyền Obama đã đạt được đồng thuận trong đảng Dân chủ Mỹ ủng hộ việc tham gia UNCLOS. Tuy nhiên, quan điểm của đảng Cộng hòa về vấn đề này có sự chia rẽ sâu sắc, theo đó các nhân vật bảo thủ, đứng đầu là các Thượng nghị sỹ (TNS) như Mitch McConell, John Kyl, Jim DeMint… thể hiện kiên quyết phản đối Mỹ tham gia UNCLOS. Trong khi đó, các nhân vật có quan điểm ôn hòa như cựu Tổng thống George W. Bush và TNS Richard Lugar ủng hộ phê chuẩn thỏa thuận này. Trong năm 2007, Chính quyền Tổng thống Bush đã thúc đẩy thông qua UNCLOS song bị phe bảo thủ của đảng Cộng hòa chặn lại. Đến thời Tổng thống Obama, trong buổi điều trần tại Thượng viện trước khi bổ nhiệm làm Ngoại trưởng ngày 13/1/2009, bà Hillary Clinton đã tuyên bố việc tham gia UNCLOS là một ưu tiên trong nhiệm kỳ của bà, tích cực thúc đẩy vấn đề này hơn trong giai đoạn gần đây.
Dư luận báo chí Mỹ cho rằng Tổng thống Obama và TNS John Kerry – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đang đứng sau nỗ lực thúc đẩy Thượng viện Mỹ phê chuẩn UNCLOS lần này. Trên thực tế, TNS John Kerry dự kiến thúc đẩy phê chuẩn UNCLOS từ năm 2011 song ông Richard Lugar (người đứng đầu đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, có quan điểm ủng hộ phê chuẩn UNCLOS) cho rằng việc thúc đẩy vào thời điểm đó sẽ bất lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông nên đã trì hoãn lại. Đến nay, ông Lugar đã thất bại ngay từ vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa nên đây là cơ hội thuận lợi để Chính quyền Obama và đảng Dân chủ thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn UNCLOS.
Các nỗ lực của đảng Dân chủ đã được cụ thể hóa thông qua buổi điều trần về việc phê chuẩn Công ước diễn ra ngày 23/5 tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ với sự tham gia của Ngoại trưởng H.Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, trong đó cả ba quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ và giới quân sự Mỹ đều khẳng định sự ủng hộ phê chuẩn Công ước. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của chính quyền Obama và đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy phê chuẩn UNCLOS trong năm 2012.
Việc phê chuẩn UNCLOS có nhiều điểm thuận lợi do có sự ủng hộ của các chính quyền Mỹ (cả Dân chủ và Cộng hòa từ năm 1994 đến nay); giới tướng lĩnh quân sự cấp cao của Mỹ; đảng Dân chủ hiện chiếm đa số tại Thượng viện và một số thành viên có quan điểm ôn hòa của đảng Cộng hòa. Với lợi thế trên, UNCLOS sẽ dễ dàng được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện bởi cần ít nhất 67/100 phiếu ủng hộ, trong khi các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Thượng viện vẫn kiên quyết phản đối phê chuẩn Công ước. Khả năng UNCLOS được phê chuẩn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng vận động của mỗi bên đối với các thành viên của đảng Cộng hòa chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Sơn Hà