BienDong.Net: Sáng 29/5, tại Xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền Lý Cư (phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng), chiếc tàu hậu cần nghề cá đầu tiên và lớn nhất miền Trung của tư nhân đã được đưa xuống nước, sẵn sàng hành trình ra Hoàng Sa làm dịch vụ nghề cá.
Con tàu này, mang số hiệu ĐNa 90444TS của ông Lê Mến, trọng tải 160 tấn, công suất 1.200 mã lực.
Tàu có chiều dài 26,3 m; rộng 6 m; cao 6 m; mớn nước 3,1 m; sử dụng 95 m3 gỗ kiền kiền; tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng.
Tàu chia thành 27 khoang chứa hàng, rộng 120 m3. Giữa các khoang là 17 m3 hóa chất PU để giữ độ đông lạnh bảo quản hải sản đánh bắt.
Mỗi chuyến ra khơi, tàu có thể thu gom 60 – 70 tấn hải sản của 20 – 30 tàu cá, đồng thời tiếp tục cung ứng hàng hóa để tàu cá tiếp tục bám biển.
Tàu có thể chứa khoảng 5.000 – 7.000 lít dầu, 1.200 – 1.500 cây đá, 20 tấn lương thực như gạo, mì gói, rau xanh, dầu ăn, thịt… tiếp tế cho những chuyến đi biển dài 2-3 tháng.
Hiện nay, tàu cá đánh bắt nhiều nhưng hiệu quả chưa cao do thời gian bám biển ngắn, phải trở vào bờ để xả hàng, tiếp lương thực, nhiên liệu.
Tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444TS ( Ảnh: SGGP )
Theo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ( Bộ NN&PTNT), có ít nhất 30% lượng hải sản bị hao hụt trên biển hằng năm mà nguyên do chính là chất lượng bảo quản kém. Vì thế, sự ra đời của dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển, đặc biệt tại ngư trường Hoàng Sa là tất yếu.
Liên Bộ Tài Chính – NN&PTNT đã có những nghiên cứu cụ thể và sắp tới sẽ ra một dự thảo hỗ trợ ngư dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá trực tiếp trên biển. Cụ thể, sẽ hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu, mua máy mới và các vật dụng, hỗ trợ giá xăng dầu.
Hỗ trợ ngư dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá là cực kì quan trọng nếu xét tới những vấn đề khó khăn mà mô hình tàu mẹ- tàu con tại tỉnh Khánh Hoà đã vấp phải trong thời gian qua.
Tháng 2-2012, Tổ hợp tác liên kết khai thác và thu mua thủy sản tại vùng biển Trường Sa theo mô hình tàu mẹ – tàu con được thành lập. Công ty CP Thủy sản Hải Vương có trụ sở TP. Thanh Hóa, đại diện cho tàu mẹ Hải Vương 68 đã ký hợp đồng hợp tác khai thác và thu mua với 6 ngư đội câu cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hòa, theo đó tàu mẹ sẽ mua hết cá của 30 tàu con ngay trên biển, đồng thời cung cấp dầu, đá, nước ngọt và nhu yếu phẩm khác với giá bằng giá trên bờ… Giá thu mua cá ngừ đại dương do Giám đốc Sở NNPTNT quyết định dựa trên thống nhất của hội đồng thẩm định giá.
Sau khi ra biển chuyến đầu, tàu mẹ đã mua được gần 20 tấn cá ngừ đại dương nhưng với giá thấp hơn giá mua tại bờ 5.000 đồng/kg. Hầu hết những ngư dân phấn khởi bởi nếu mô hình “tàu mẹ- tàu con” hoạt động tốt sẽ tiết kiệm cho ngư dân khoảng 70% phí nhiên liệu do kéo dài được thời gian bám biển, chấm dứt cảnh ngư dân bị tư thương, đầu nậu ép giá vì phải vay tiền của họ.
Thế nhưng, sau hơn 3 tháng triển khai, tàu mẹ Hải Vương 68 phải ngưng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu được cho là: Giá thu mua thấp hơn trong bờ, hình thức mua cá của tàu mẹ chưa chuyên nghiệp, hầm lạnh liên tục trục trặc, nhiều tàu con phải chầu chực rất lâu mới bán được cá.
Ông Võ Thiên Lăng- Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Do bất đồng về giá cả mua bán giữa hai bên dẫn đến tàu mẹ Hải Vương 68 đã tạm ngừng mua cá của các ngư đội”.
Ông Lê Thanh Hải- Tổng Giám đốc Công ty Hải Vương, cho biết: “Chuyến đầu tiên, chúng tôi đã thua lỗ nặng vì phải trả cho ngư dân với giá cá tươi loại 1 bằng với giá ở bờ. Thua lỗ quá cao nên chúng tôi không thể tiếp tục hợp tác”.
Theo ông Hải, đã là hợp tác thì cả hai bên đều phải có lợi, lợi ích đó phải hài hòa. Ngư dân cần phải nhìn xa hơn để lựa chọn giữa hai phương án: Chịu chi phí xăng dầu cao hơn 70% để tàu liên tục chạy vào bờ bán được một số cá tươi loại 1 với giá cao (chưa tính sẽ có một số cá bị dạt xuống loại 2). Hai là, hợp tác với tàu mẹ bám biển dài ngày, tiết kiệm được 70% chi phí xăng dầu và bán được cá với giá thấp hơn giá bờ khoảng 16- 20%.
Còn theo những ngư dân trong tổ đội tàu mẹ- tàu con phản ánh: “Ngoài giá thu mua thấp, hình thức chưa chuyên nghiệp… thì mặc dù bán cá cho tàu mẹ ngay trên biển có thể kéo dài thời gian khai thác, tiết kiệm được chi phí xăng dầu đi lại, nhưng không đủ bù chênh lệch về giá cả; vì vậy đại đa số chủ tàu vẫn quyết định duy trì phương thức hoạt động cũ và chuyển nguyên liệu vào bờ bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản.
Hiện tại Sở NNPTNT và Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hoà chưa tìm ra được phương pháp can thiệp nhằm điều chỉnh và kết nối mối quan hệ giữa “tàu mẹ- tàu con”. Tuy nhiên, ông Lăng khẳng định: “Hội Nghề cá Việt Nam, Sở NNPTNT Khánh Hòa, cùng Công ty Hải Vương đang bàn thảo đưa ra những giải pháp nhằm điều chỉnh hướng hoạt động hợp tác hợp lý để mô hình đánh bắt này trở nên hiệu quả hơn. Quan điểm của chúng tôi là vẫn tiếp tục triển khai thực hiện mô hình đánh bắt tàu mẹ – tàu con, ông nói.
Hoàng Sa (tổng hợp theo DDK, TP và TN)