Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sử dụng vụ tranh chấp với Philippines để đẩy nhanh yêu...

TQ sử dụng vụ tranh chấp với Philippines để đẩy nhanh yêu sách “đường lưỡi bò”

BienDong.Net: Cùng với việc điều hàng loạt tàu tới bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981, tàu thăm dò dầu khí Hải dương 201, tổ hợp chế biến Hải Nam Bảo Sa 001 ra biển Đông trong mưu đồ hiện thực hoá yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lí.

Nhìn nhận về hành động này, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông nói: Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bị quốc tế phản đối gay gắt vì đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế.

 

Nhưng vì lợi ích của mình, Trung Quốc vẫn đang ra sức biến yêu sách này thành hiện thực.

Vừa qua, Trung Quốc và Philippines đã rất căng thẳng xung quanh bãi ngầm Scarborough – nơi chỉ cách Philippines chưa tới 130 hải lý. Trung Quốc tìm cách gây hấn với Philippines ngay tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được quy định tại Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Trung Quốc thì lại cho đây là vùng đánh cá truyền thống của mình, đây chính là lập luận cho “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa.

Tàu Trung Quốc áp sát khu vực bãi cạn Scarborough ( Ảnh Internet )

Với các tuyên bố và bước đi cứng rắn trên thực địa, có thể thấy chiến lược của Trung Quốc về biển Đông không thay đổi. Tuy nhiên, chiến thuật thực hiện năm nay có nhiều điều chỉnh khá bất ngờ.

Khi xem xét các chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông, học giả Mỹ Mark J. Valencia đã tổng kết: Trung Quốc tăng cường sức mạnh của hải quân; mở rộng và bành trướng sự hiện diện thực tế tại các khu vực tranh chấp, từ đó hợp thức hóa việc chiếm đóng của họ; thu hút các công ti dầu khí phương Tây đến thăm dò khai thác tại các vùng tranh chấp; khăng khăng đòi thương lượng song phương với từng quốc gia có tranh chấp.

Báo cáo về an ninh Trung Quốc năm 2011 của Học Viện nghiên cứu quốc phòng của Nhật Bản thì nhận định rằng Trung Quốc đang tiến hành ba cuộc chiến nằm ngoài cuộc chiến quân sự: cuộc chiến truyền thông; tâm lý và luật pháp. Chính sách này của họ luôn là nhất quán và xuyên suốt, tuy họ trình bày với thế giới hết sức mập mờ, có thể lúc vận dụng UNCLOS, lúc vận dụng yêu sách “đường lưỡi bò” với mục đích là để duy trì lợi ích của họ trên biển Đông.

Sự căng thẳng xung quanh tranh chấp bãi ngầm Scarborough gần đây cho thấy cả Philippines và Trung Quốc đều đang đi những nước cờ chiến lược đầy toan tính. Philippines khá tự tin khi mời Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp này trước Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS). Đây không phải lần đầu Philippines làm như vậy.

Nhưng Trung Quốc cũng tự tin không kém với nước đi của họ.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi Scarborough, Philippines đã không đủ sức mạnh cho các lực lượng tuần duyên khi so sánh với các lực lượng tương tự của Trung Quốc. Khả năng để duy trì sức mạnh trên biển thông qua các lực lượng không phải quân sự của Philippines hay của các quốc gia ASEAN khác là yếu hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Vì thế, Trung Quốc có những lợi thế nhất định của kẻ mạnh.

Bản đồ thể hiện yêu sách phí lí của Trung Quốc tại Biển Đông

Tôi cho rằng, khả năng xung đột quân sự tại khu vực này hiện nay không cao. Nhìn vào hành động của cả Philippines và Trung Quốc ta sẽ thấy điều đó. Philippines đã phải rút ngay lực lượng tàu chiến của hải quân mình, còn Trung Quốc cũng không đưa lực lượng hải quân tới, và cũng có những hành động hạ nhiệt nhất định. Tuy một số báo đài Trung Quốc tuyên bố rất mạnh, nhưng gây chiến trong lúc này đều là điều bất lợi cho cả hai.

Philippines đã có Hiệp ước an ninh 1951 với Mỹ, trong trường hợp Philippines bị đe dọa thì chắc chắn Mỹ sẽ phải dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ Philippines. Nhưng cũng còn một ẩn số là hiệp ước này có bao gồm cả vùng bãi ngầm Scarborough thì chưa rõ.

Trong Hiệp ước này, Mỹ đã nhiều lần giải thích là không bao gồm vùng KIG (Kalayaan Island Group – tức quần đảo Trường Sa), nhưng bãi ngầm Scarborough lại không thuộc quần đảo Trường Sa.

Nếu Trung Quốc thành công trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng tương tự với các quốc gia khác nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc chiếm biển Đông. Tất cả quốc gia ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế sẽ đứng trước nguy cơ bị thua thiệt khi một vùng biển rộng lớn và quan trọng nhất nhì thế giới lại bị một quốc gia đầy tham vọng xâm chiếm.

Như một chuyên gia Australia đã lên tiếng, nếu Philippines thất bại trong tranh chấp này thì đó sẽ là một nguy cơ đối với các nước ASEAN. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc sau khi “liếm” Philippines sẽ “liếm” tới các quốc gia ASEAN khác liên quan.

BDN ( nguồn Vnexpress )

RELATED ARTICLES

Tin mới