Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐánh bắt xa bờ trong phát triển kinh tế biển và...

Đánh bắt xa bờ trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Việt Nam

Hiện nay, việc khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ thiếu kiểm soát đang khiến nguồn lợi này dần cạn kiệt, một số loài đã trở nên khan hiếm. Để khai thác thủy sản ven bờ, nhiều ngư dân vẫn sử dụng những công cụ đánh bắt không đúng quy định về kích thước mắt lưới, có nơi còn sử dụng các phương tiện khai thác hủy diệt (chất nổ, xung điện, chất độc).

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ tài nguyên tự nhiên có giá trị kinh tế cao nhưng với cường độ khai thác như hiện nay thì khả năng tái tạo của nguồn lợi thủy sản là khó khăn, đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài thủy sản, nguồn lợi này trở nên cạn kiệt.

Tuy nhiên, tốc độ tăng dân số ngày càng nhanh, trong khi nguồn lợi thủy sản ven bờ có hạn khiến việc giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho bà con ngư dân cũng là vấn đề nan giải. Do đó, giải pháp cho tình hình trên là phát triển loại hình đánh bắt xa bờ vừa giúp bảo vệ tài nguyên thủy sản ven bờ vừa giúp phát triển kinh tế.

Hiện nay, hoạt động đánh bắt của Việt Nam chủ yếu là hình thức đánh bắt quy mô nhỏ trong vòng 3 – 10 hải lý tính từ đất liền, sử dụng tầu cá dưới 20 tấn. Để giảm tình trạng khai thác tài nguyên thủy sản ven bờ, Việt Nam đã và đang tập trung vận động ngư dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản xa bờ. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Tổng cục Thủy sản đang khẩn trương hoàn tất đề án dự báo ngư trường khai thác trong tháng 6 tới với nội dung tập trung vào hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu dựa vào hải trình các đội tàu biển để dự báo sản lượng khai thác các loài hải sản, phục vụ công tác quản lý, giám sát; xây dựng dự báo cấu trúc các trường khí tượng, hải dương học nghề cá để cung cấp thông tin về ngư trường, các loài hải sản có giá trị kinh tế cao cho các đội tàu theo qui mô tháng.

280 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi sẽ được gắn bộ thiết bị vệ tinh.

Ảnh: VNE

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ra Quyết định số 834/QĐ-BNN-TCTS phân bổ bổ sung 157 tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc Dự án MOVIMAR cho 18 tỉnh ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà mau, Kiên Giang và lực lượng Bộ đội Biên phòng. Hiện đã cung cấp cho 3.000 tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho các địa phương có biển. Ngày 17-5, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) vừa có dự thảo về Đề án quy hoạch và phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với dự kiến kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo dự thảo quy hoạch, giai đoạn 2011-2020 chủ yếu là khai thác xa bờ. Cùng đó, sẽ tập trung hoàn chỉnh hệ thống cảng cá, và dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền nghề cá. Hiện nay, một số tỉnh thành như Quảng Bình, Khánh Hòa, Hải Phòng cũng đang có sự chuyển dịch cơ cấu đánh cá từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ và được sử ủng hộ của ngư dân, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đánh bắt xa bờ còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ.

Một là,khai thác thủy sản vẫn là khâu yếu nhất trong ba trụ cột là khai thác, nuôi trồng và chế biến. Đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm. Có thể nói lực lượng, trình độ và năng lực đánh bắt xa bờ của Việt Nam còn thua thế giới, các nước trong khu vực. Cụ thể là các điều kiện cơ sở hạ tầng như cảng cá, chợ cá, tàu thuyền, nơi tránh trú bão… đều hạn chế. Trong khi việc đánh bắt xa bờ của các nước đã bỏ qua tàu gỗ, thay bằng tàu sắt, tàu bằng vật liệu composite cùng với thiết bị hiện đại để vươn ra đại dương thì Việt Nam vẫn ra khơi bằng tàu gỗ rất nhiều và công nghệ đánh bắt chậm thay đổi.

Hai là, số lượng tàu đánh bắt xa bờ có thể nhiều lên nhưng chất lượng chưa được cải thiện tương ứng. Việt Nam đã có nhiều chính sách cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ nhưng cách quản lý không đáp ứng yêu cầu. Việc đánh bắt xa bờ đòi hỏi đầu tư công nghệ cao, cải tiến liên tục và có chiến lược phát triển cụ thể.

Để có được những đội tàu đánh bắt xa bờ ngang tầm khu vực và thế giới Việt Nam nên chọn lọc, xem xét học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư và hợp tác với các nước bên ngoài như Nga, Tây Ban Nha… Ngoài ra, việc hỗ trợ ngư dân bám biển là vô cùng cần thiết để giúp ngư dân yên tâm đi biển. Việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản nói chung, nghề cá nói riêng cũng hết sức quan trọng. Tăng cường lực lượng kiểm ngư để kiểm soát tàu cá trong nước và nước ngoài là hết sức cần thiết. Tiếp theo là các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân theo định hướng hạn chế đánh bắt gần bờ, ưu tiên cho đánh bắt xa bờ. Việc tổ chức cộng đồng đánh cá là rất quan trọng đối với nghề cá, thông qua tổ chức cộng đồng mới có thể thực hiện tốt nhất các hoạt động về tiêu chuẩn hóa, về quản lý, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi…

Tony Trần

RELATED ARTICLES

Tin mới