Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTheo chân người săn tôm hùm

Theo chân người săn tôm hùm

BienDong.Net: Ních vào người bộ quần áo lặn nặng trịch cùng 20kg chì, Liêu ngồi thần ra một lúc chờ anh em gỡ nốt đoạn ống thở, dây điện rồi nhẹ nhàng thả mình xuống biển. Hắn đi săn “vua” của những rặng ngầm: Tôm hùm.

Trước khi về xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam, chúng tôi đã được báo trước rằng Liêu và Linh là 2 “sát thủ” chuyên săn tôm hùm. Cũng đã đi biển nhiều lần, từng đi lặn sò ở biển Cô Tô có độ sâu đến 30 – 40m, nhưng chẳng hiểu sao lần này tôi lại tò mò đến vậy.

 

Gặp hai “sát thủ” dưới biển

17h chiều chúng tôi có mặt tại xã Tam Hải. Liêu, một anh chàng nhỏ con tỏ vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi mang theo tới 3 chiếc máy ảnh “xịn”. Khi biết là nhà báo, Liêu có vẻ chờn. Nhưng “quân tử nhất ngôn, đã hứa đưa các anh đi rồi thì không hủy được” – Liêu nói. Điều anh ta lo nhất cho chúng tôi là “Có say sóng không?”. Chúng tôi vừa cười vừa sốc đồ lên vai. Vậy là lên đường.

Chân dung thợ săn biển

Thuyền chuyên phục vụ dân lặn ở Tam Hải khá nhỏ. Đi biển nhiều nhưng đây là lần đầu tôi ra biển trên một phương tiện mà 6 người phải người co, người duỗi mới đủ chỗ. Nhưng khổ hơn nữa là phải ngồi chờ trên con thuyền chòng chành hơn 1 giờ đồng hồ, đến khi tắt hẳn nắng mới ra khơi. Liêu nói nhỏ: “Ra giờ dễ bị chú ý”. Có vẻ như chuyện đi săn tôm hùm ở đây không được công khai cho lắm. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, chẳng ai có ý kiến gì cả.

Để mặc chúng tôi trò chuyện với ông Bông lái tàu và ông Danh phụ việc, Liêu và Linh cắm cúi mài lại tên bắn cá và kiểm tra những cục chì chuyên dùng đeo vào người khi lặn. Mạng sống của cả hai lại phụ thuộc vào ông Danh, người phụ trách ống thở, dây điện. Khoảng 40m dây điện buộc kèm ống thở được trải ra sàn tàu, tất cả đều khá mới. Chuyến đi lặn sò ở Cô Tô từng khiến tôi sởn gai ốc khi thợ lặn phải cá cược mạng sống của mình với những ống thở thủng lỗ chỗ, khí phun ra khắp nơi. Lần này thì trang thiết bị có khá hơn.

Lặn bắt tôm hùm không hề dễ. Trước, vùng biển Núi Thành này nhiều, dân bắt tôm hùm dễ kiếm sống. Mỗi ngày kiếm vài ký bán chơi cũng được vài triệu. Nhưng giờ bị khai thác cạn kiệt, chả còn mấy ai bắt được nên người ta bỏ nghề chuyển sang đánh lưới, bắn cá. Giờ dân buôn muốn có tôm hùm chỉ còn cách tìm anh em nhà Liêu, Linh. Lần nào cũng vậy, đã lên thuyền là hai anh em cũng xách về đủ tiền dầu cho vài chuyến tiếp theo. Còn lượng cá, bắt ốc, cua, ghẹ… bắt được thì coi như đủ tiền cho cả nhà đi chợ.

“Lặn dưới 20m nước thực ra không khó. Khó cái nỗi dưới đó ban đêm lạnh như nước đá, mò mẫm ở rặng tìm tôm mà đá nó cứa rách cả đồ lặn. Chưa kể gặp phải mấy con cá dữ, nó đánh gai vào tay thì nhức vô cùng. Tụi em quen rồi không sao, chứ anh cứ thử dính một cú coi, đảm bảo về đất liền đi cấp cứu ngay”, Linh nói với tôi bằng cái giọng rặt Quảng Nam hơi khó nghe.

Đi tìm “vua rặng ngầm”

Cuối cùng, chiếc thuyền cũng nổ máy rồi hướng ra phía cảng Dung Quất. Những con sóng nhỏ tưởng vô hại hóa ra vẫn đủ sức khiến con thuyền lúc tung đầu lên, lúc chúi mũi xuống. Tôi bắt đầu sợ sẽ say sóng khi nghĩ rằng bãi lặn ở đâu đó xa lắm. Nhưng chỉ cách bờ khoảng 4km, thuyền giảm tốc độ, anh em nhà Liêu, Linh khẩn trương mặc bộ đồ lặn. Để chống lạnh, Linh mặc kèm thêm bên trong cả 1 chiếc áo mưa. “Ngồi trên mát mát vầy chứ xuống dưới lạnh tê người luôn”.

Nói xong, Linh vơ lấy cái ống thở, cuốn quanh cổ 2 vòng rồi ngậm chặt trước khi thả mình xuống biển. Liêu chậm hơn, đợi anh trai lặn ra cách thuyền một đoạn, mới rời thuyền. Mặt nước loáng loáng ánh đèn pin công suất lớn rồi tối dần. Khoảng 1 phút sau ánh đèn mới cố định ở một điểm. Cả hai đang lần mò dưới độ sâu 20m.

“Ghẹ kìa, ghẹ kìa”, tiếng ông Bông vang lên từ phía đuôi thuyền, ông Danh vứt luôn 2 đoạn ống thở đang gỡ cho thợ lặn lao ra chộp lấy chiếc vợt rồi xục xuống nước. Một chú ghẹ chắc chỉ cỡ 2 ngón tay lập tức vào thùng đá. “Sao nhỏ vậy chú”, tôi thắc mắc. “Nhìn vậy chứ ngon lắm à. Chú chịu khó đứng ngó xung quanh đi. Tụi nó lặn chắc cỡ 1 tiếng, giờ anh em ta vớt ghẹ kiếm đồ nhậu trước là vừa”. Chỉ với 2 chiếc đèn chiếu sáng nho nhỏ, trong vòng nửa tiếng chúng tôi đã vớt được gần chục con to nhỏ đủ cỡ. Ông Danh vỗ vai: “Không phải ngóng tụi ở dưới nha. Để tui làm cho mồi mỳ tôm ghẹ nhậu trước”.

Sâu bên dưới đáy biển, Liêu và Linh vẫn lần mò từng bước. Lúc hai ánh đèn chụm vào nhau, lúc lại tách ra cách nhau cả mấy chục mét. Thật tiếc là tôi không thể biết 2 sát thủ này đang làm gì.

1 tiếng đồng hồ trên biển thật dài. Sóng vẫn đánh đều đều. Lon bia mở ra uống mãi chẳng hết. Bỗng ông Bông hét lớn: “Lên kìa lên kìa”. Dưới biển, ánh đèn pin xoay tròn, lấp loáng như ngọn hải đăng. Ông Danh đang lúi cúi với đám ghẹ nấu mì vứt vội đó ra thu dây. Sợi ống thở buộc cùng dây điện bây giờ trở thành dây kéo lôi cả 2 thợ lặn quay trở lại thuyền. Chiếc giỏ đầu tiên của Linh lên thuyền với 4 chú tôm hùm to cỡ 2/3 cổ tay. Giỏ thứ 2 rớt xuống sàn nghe lục cục. Toàn ốc nhảy, cá các loại. Hắn chẳng tỏ thái độ hài lòng hay thất vọng mà chỉ há mồm ra thở. Hắn lạnh.

Thành quả của chuyến đi săn

Liêu lên sau đó ít phút. Chiếc túi đầu tiên của hắn nặng cá với ốc. Chiếc túi thứ hai hắn đặt xuống thuyền cẩn thận hơn. Đâu đó khoảng 7 con tôm hùm đang giẫy bần bật trong giỏ. Đúng như lời đồn đại, hắn chuyên bắt tôm hùm và trong lần lặn thứ nhất này hắn đã thể hiện được khả năng vượt trội của mình. Dường như còn sung sức, hắn bật bia: “Uống chơi với 2 anh vài ngụm thôi chứ cái giống này uống xong xuống nước chết lạnh”. Chiêu vài ngụm bia, Liêu và Linh lượn ra đuôi thuyền vớ lấy mấy cái càng ghẹ nhai rau ráu.

Tôi tò mò về đống tôm hùm, đang mở giỏ ra thì ông Danh cuống cuồng chỉ: “Túm râu nha. Túm thân nó nó búng cho sái tay đấy”. Tôi hí hoáy tóm râu lũ tôm chụp hình kỷ niệm. Đúng như lời ông Danh nói, chúng búng mình phần phật, chắc nịch. Chẳng dại nghịch lâu, chúng tôi trả lũ tôm về giỏ trước khi ông Danh xách ra buộc ở đuôi thuyền. Ông muốn giữ chúng sống và hình như cũng là để tẩu tán khi cần thiết. Như tôi loáng thoáng nghe thì biết tôm hùm ở đây thuộc dạng cấm khai thác gần bờ.

Ăn xong đống ghẹ, thuyền quay ngược hướng về phía bờ. Ông Danh cười vì sự ngạc nhiên của tôi: “Giờ là lúc lặn sát bờ chứ chưa về đâu”. Hóa ra sau khi không thấy ai kiểm tra thuyền, cả đội yên tâm vào gần bờ hơn kiếm tôm cá. Liêu và Linh lặp lại quy trình xuống nước. Có cảm giác độ sâu lúc này chỉ còn vài mét bởi nhìn kỹ có thể thấy cả bóng người dưới sâu. Đôi lúc, cả 2 đi vào tới tận bờ đành phải nhô lên xác định phương hướng rồi lại tiếp tục lặn ngụp.

Thưởng thức đặc sản trên thuyền

Đây đã là lần lặn thứ 4 của Liêu và Linh. 3 lần lặn sau mỗi lần chỉ khoảng 30 phút và lượng tôm cá cũng ít dần. Nhưng hắn khoe với tôi 1 con cua cực kỳ đặc biệt. Cua huỳnh đế (hoàng đế). Khi cầm nó trên tay, tôi chỉ thấy nó đẹp và… có vẻ bệ vệ chứ không hề biết nó rất có giá. Liêu cười cười rồi kêu ông Danh đem hết đống cua ghẹ cùng một mớ cá vào luộc. Hắn còn nháy mắt: “Cho anh thưởng thức 2 cái càng cua sừng cho biết thế nào là thịt cua số dzách ở đất này”.

Cách nấu nướng của dân đi biển khá đơn giản. Chỉ cần 1 cái bếp và 1 cái nồi là mọi thứ đâu vào đó. Tất cả đều luộc và chấm muối. Hai vị khách chúng tôi được ưu tiên 2 con tôm hùm, 2 chiếc càng cua sừng và con cua hoàng đế. Biết phải miêu tả thế nào nhỉ? Mùi vị của cua sừng giống như được tẩm ướp thuốc bắc vậy. Đậm, thơm, là lạ. Còn cua hoàng đế thì thơm, béo và ngọt vô cùng. Đặc biệt, khi húp nước và gạch của loài này, người ta chả còn thiết ăn món gì khác bởi nó rất béo mà không hề ngấy.

Liêu vỗ vai tôi nói: “Rượu cho ấm bụng đi huynh. Xài mấy cái đồ thành phố này chỉ tổ chướng bụng”. Hắn gạt đống lon bia sang một bên rồi rót rượu. Nhìn cái vẻ niềm nở đúng chất miền biển của hắn thật dễ thương.

Mong thành khu du lịch

“Nói thiệt với chú, nghề này kiếm được, nhưng cũng ớn lắm. Một đêm nếu thuận thì cũng được cả triệu. Nhưng lỡ bị bắt có khi mất cả chục triệu. Giờ chưa có nghề gì khác thì cứ làm vầy thôi chứ cũng đang ngóng xem cái khu du lịch sắp tới được đầu tư thế nào rồi xoay nghề dần”, ông Danh vừa xếp lại đống dây thở vừa tâm sự.

Thực tế, khu vực bãi biển ở Tam Hải đẹp chả kém gì các khu du lịch. Đã thế, quanh xã đảo này lại có nhiều rặng san hô ngầm rất đẹp, núi ngoài biển cũng chỉ cách vài cây số, phù hợp với các loại hình du lịch hoang dã.

Dân “phượt” từ Đà Nẵng cũng đã từng đến đây chơi cho biết. Đi thuyền ra núi ngoài biển chơi rất thích, chẳng kém gì đi Cù Lao Chàm, cũng tổ chức picnic, bắt cá, cua ăn uống vui vẻ. Điều đáng tiếc nhất là chưa có dịch vụ nên muốn chơi lâu hơn 1 chút cũng khó.

“Trước chú cũng có ông nhiếp ảnh gia về đây ở cả tuần. Thấy ổng loay hoay ngoài đảo chụp bình minh với hoàng hôn hoài. Ảnh đẹp lắm. Ổng cũng bảo sao không tổ chức tour cho khách đi mà tụi tôi đâu biết đằng nào mà tổ chức”, ông Bông thêm chuyện. Có vẻ như ông rất hứng thú với ý tưởng lái tàu phục vụ khách du lịch để kiếm sống, bởi thu nhập như vậy ổn đ ịnh hơn mà lại an toàn. Đang vui câu chuyện về du lịch, ông Danh lại tất tưởi kéo 2 thợ lặn về thuyền khi thấy tín hiệu đèn.

Chia tay anh em nhà Liêu, Linh trong bình minh, tôi tự nhủ sẽ còn quay lại đây không chỉ 1 lần nữa. Và cũng chắc chắn rằng, lần quay lại tới, tôi sẽ đến với những người bạn khác cùng hy vọng biến nơi đây trở thành một điểm đến của những người yêu du lịch chứ không phải đi “lén lút” như lần này.

Cao Mạnh Tuấn

RELATED ARTICLES

Tin mới