BienDong.Net: Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm phản đối việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước đó, ngày 26/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp.
Ông Nghị yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Cũng trong ngày 27/6, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) Đỗ Văn Hậu đã họp báo về việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu thông báo: Từ ngày 23-6-2012, mạng tiếng Trung và tiếng Anh của CNOOC đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, với tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PetroVietnam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay.
Ông Đỗ Văn Hậu tại cuộc họp báo ( ảnh Tuổi Trẻ )
Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên hiệp quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở biển Đông.
Tổng giám đốc PetroVietnam nhấn mạnh, PetroVietnam cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái trên, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Các khu vực mà CNOOC mời thầu quốc tế nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ( Ảnh VNA )
PetroVietnam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
PetroVietnam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc và coi trọng hợp tác hữu nghị với CNOOC. Trên thực tế, PetroVietnam và CNOOC đã ký và triển khai một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. PetroVietnam hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia hợp tác cùng PetroVietnam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như đối với các đối tác nước ngoài khác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết, PetroVietnam đã có giao thiệp gì với CNOOC về sự việc này, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết: Việc làm này của CNOOC không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà còn vi phạm thỏa thuận giữa CNOOC và PVN. PetroVietnam sẽ sớm có văn bản phản đối, chính thức gửi tới lãnh đạo CNOOC về việc này.
Về câu hỏi liên quan đến hoạt động hợp tác giữa PetroVietnam và các đối tác tại 9 lô dầu khí này và các điều kiện mà các công ty nước ngoài hợp tác với PVN cần tuân thủ, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết: Hiện tập đoàn đã có hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) tại lô 128; Tập đoàn Gazprom (Nga) tại các lô từ 129 đến 133; Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) tại các lô từ 156 đến 158 và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP – đơn vị thành viên của PetroVietnam) tại các lô 148, 149. Ngoài các điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, các công ty nước ngoài hợp tác với PetroVietnam phải đảm bảo về kinh nghiệm và nguồn lực cho các hoạt động dầu khí, đặc biệt là phải tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; phù hợp với Luật pháp Việt Nam và Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật Biển.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của hành động này của CNOOC đối với các hoạt động dầu khí của PVN và các đối tác, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu khẳng định, khu vực 9 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu là khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. PetroVietnam và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng dầu khí đã ký và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam bảo đảm cho các hoạt động này triển khai thuận lợi.
BDN ( Nguồn: VNA )