Tuesday, December 24, 2024
Trang chủUncategorizedCả giận mất khôn

Cả giận mất khôn

Ngày 21-6-2012, Quốc hội Việt Nam thông qua 13 luật, trong đó có Luật Biển Việt Nam, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ngay sau đó, báo chí chính thức và không chính thức của Trung Quốc đăng nhiều bài vu cáo Việt Nam khiêu khích, gây căng thẳng tình hình Biển Đông, làm trái Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, Công ước Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và làm phức tạp tình hình Biển Đông, thậm chí còn đe dọa “dạy” cho Việt Nam một bài học.

Cần phải khẳng định rằng việc Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường. Các nước khác ven Biển Đông, trong đó có Trung Quốc cũng đã thông qua các luật khác nhau về biển. Luật Biển Việt Nam xác định nguyên tắc, chính sách quản lý biển, đảo của Việt Nam, nội hàm pháp lý các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp biển, đảo đối với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 và tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng không phải là điều gì bất thường vì Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003 cũng đã khẳng định lập trường nhất quán này. Do đó, việc gán cho Luật Biển Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở và thiếu tính xây dựng.

Thực tế, tình hình Biển Đông trong những năm gần đây đang trở nên phức tạp và căng thẳng hơn, gây lo ngại không chỉ cho khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay là hệ quả của việc Trung Quốc đưa yêu sách đường lưỡi bò phi lý ra Liên hợp quốc năm 2009 và các hành động của Trung Quốc vào các năm sau đó nhằm hiện thực hóa yêu sách này trên thực địa. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả Ma-lai-xia, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin đều đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc để bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Mỹ và Xinh-ga-po cũng lên tiếng bác bỏ yêu sách này. Nhiều học giả Việt Nam và đông đảo học giả quốc tế đều đã lên án tính phi lý của yêu sách này ở nhiều diễn đàn quốc tế.

Để hiện thực hoá yêu sách phi lý nói trên, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc liên tục cho tàu cản trở, lấy tài sản, thậm chí đánh đập và bắt giữ ngư dân Quảng Ngãi đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc tăng cưòng hoạt động diễn tập quân sự ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có nhiều bước đi xâm phậm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo. Nghiêm trọng hơn, bất chấp lẽ phải, bất chấp các cam kết và quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên, cuối tháng 5 – đầu tháng 6 năm 2011, Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò dầu khi Bình Minh 02 và cản trở tàu thăm dò dầu khí Viking II của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 23/6/2012 Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc lại chào thầu một loạt lô dầu khí ngay trong trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những việc làm đó vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, vi phạm thoả thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam- Trung Quốc “cùng giữ gìn hoà bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp hoá, mở rộng tranh chấp”.

Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau thống nhất phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hành động theo phương châm và tinh thần đó, Tuyên bố chung giữa Việt – Trung nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2011) long trọng ghi nhận cam kết của hai bên “đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt – Trung, tăng cường định hướng dư luận và báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn tuân thủ và thực hiện đúng thỏa thuận đó cũng như các thỏa thuận khác của hai bên nêu trong Tuyên bố chung nói trên. Đáng tiếc là trên các trang báo của Trung Quốc mấy ngày gần đây người ta bắt gặp nào là Việt Nam “trộm tài nguyên” của Trung Quốc, Việt Nam “vong ân bội nghĩa” và đe dọa “phải phang cho Việt Nam một cái” và đe dọa sử dụng vũ lực dạy bài học, v.v…

Nhân đây, cũng cần phải nói rõ rằng: Là một nước có chủ quyền với một bề dày lịch sử hào hùng và thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo của mình. Việc Việt Nam thăm dò, khai thác các nguồn lợi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vì thế là một việc làm chính đáng. Không có bất cứ ai có quyền áp đặt và buộc Việt Nam phải làm những gì họ muốn.

Biết rằng cả giận sẽ mất khôn. Nhưng điều cần lưu ý là những ngôn từ chà đạp sự thật và thiếu xây dựng nêu trên đối với Việt Nam chỉ có lợi cho những thế lực xấu đang tìm cách phá hoại quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Những ngôn từ đó đi ngược lại thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và hoàn toàn không góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước như lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận. Những ngôn từ đó cũng không đe dọa được ai. Nhưng cái mà một vài cá nhân cầm bút Trung Quốc nói trên không nghĩ đến là những ngôn từ của họ đã xóa đi hình ảnh một nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình mà hàng trăm triệu người Trung Quốc kỳ vọng và đang dày công phấn đấu./.

Lương Thanh

RELATED ARTICLES

Tin mới