Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXung đột Scarborough khó giải quyết vì liên quan Trường Sa

Xung đột Scarborough khó giải quyết vì liên quan Trường Sa

Chiến thuật nhượng bộ của Philippines không được Trung Quốc đáp trả. Vụ Scarborough vẫn bế tắc, vì nó liên quan cuộc tranh chấp Trường Sa.

Trong những ngày đầu tháng 6, chính phủ Philippines đã cố gắng làm dịu bớt cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại Scarborough.

Philippines rút hết tàu thuyền, 30 tàu cá Trung Quốc vẫn hoạt động

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sau một số cuộc tham vấn, Trung Quốc đã rút hai tàu của chính phủ nước này khỏi một phá ở trung tâm bãi đá ngầm Scarborough và một tàu của Cục Ngư nghiệp Philippines cũng có động thái tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hai tàu Trung Quốc đã hợp với đội hình sáu tàu khác của Trung Quốc neo đậu ngay bên ngoài phá, trong khi chiếc tàu Philippines hiện cùng với một chiếc tàu khác của nước này cũng neo đậu bên ngoài khu vực trên. Với động thái trên, hiện còn 30 tàu cá Trung Quốc tại phá này, trong khi Philippines không còn ngư dân nào, và hai bên đang tiếp tục tham vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh hải.

Sự xuống thang cục bộ này của Philippines nhằm giảm căng thẳng. Nhưng căng thẳng có giảm không, sẽ đợi hành động tiếp theo của Trung Quốc.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhấn mạnh việc cùng phối hợp rút tàu khỏi khu vực tranh chấp trên là một bước đi đúng hướng: “Đây là một động thái giảm căng thẳng và chúng tôi đánh giá cao thái độ của cả hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại bãi đá ngầm Panatag”.

Tuy nhiên, ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố tàu thuyền của chính phủ nước này tiếp tục “canh chừng” tại vùng đảo đá ngầm.

Nhật báo Daily Inquirer (PLP) cho biết thực tế không như Manila mong đợi. Trong bản tuyên bố cuối tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Thuyền đánh cá Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng biển Hoàng Nham một cách bình thường và không còn bị phá rối”. Người phát ngôn này nói, do tàu chiến Philippines đe dọa ngư dân Trung Quốc vào hôm 10/4 gây ra “sự cố Hoàng Nham”, khiến Trung Quốc phải đưa tàu hải giám đến giải cứu và hai bên đối đầu nhau cho đến ngày 3/6 vừa qua rồi Philippines mới rút đi. Hai ngày sau, hai tàu chính phủ Trung Quốc mới rời vịnh Scarborough nhưng tiếp tục “canh chừng” để hỗ trợ dịch vụ cho ngư dân Trung Quốc theo luật lệ hiện hành.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố rằng không muốn thấy phía Philippines “có hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với Manila về cách xử lý sự cố Hoàng Nham nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Phía Philippines hy vọng hai bên sẽ tìm ra một giải pháp thương lượng tuy vẫn còn 30 tàu cá của Trung Quốc săn bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tranh chấp Scarborough khó giải quyết vì liên quan Trường Sa

Một số nhà phân tích ở Philippines đang rất bi quan về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và Trung Quốc xung quanh bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông.

Giáo sư Clarita Carlos của Khoa học chính trị thuộc trường Đại học Philippines, nhận định vấn đề Scarborough không thể được giải quyết thỏa đáng chừng nào hai bên vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với cùng một vùng lãnh thổ. Bà này cho rằng bế tắc kéo dài hai tháng nay tại bãi đá ngầm Scarborough là một vấn đề thực sự khó giải quyết vì “chúng ta có thể tiếp tục tranh luận tại mọi khuôn khổ quốc tế về luật pháp cho tới khi chán nản, nhưng ít có khả năng vấn đề chủ quyền và lãnh thổ được giải quyết triệt để”.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng này, Tổng thống Aquino nhận xét rằng sự bế tắc trong việc giải quyết vụ Scarborough chỉ là “một phần rất nhỏ trong toàn bộ cuộc tranh chấp”. Ông Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của Đại học Hạ môn, trả lời Thời báo Hoàn cầu ngày 12/6, cho rằng “Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc tranh chấp tại Nam Hải (Biển Đông) là các hòn đảo ở Trường Sa, chứ không phải đảo Hoàng Nham… Tất cả các nước xung quanh Nam Hải đều đang đấu tranh cho dầu khí, trừ Philippines, là nước không có dầu”. Ông này nêu rõ nguyên nhân của tình trạng bế tắc hiện nay: “Cả Philippines cũng như Trung Quốc đều không từ bỏ đảo Hoàng Nham vì điều này có nghĩa là sẽ buộc phải nhân nhượng nhiều hơn nữa trong vấn đề Trường Sa. Cuộc tranh chấp tại Nam Hải liên quan 5 nước 6 bên. Malaysia và Brunei có thể sẽ xung đột với Trung Quốc trong tương lai”.

Trung Quốc trả đũa kinh tế

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông nay đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, với những hậu quả không chỉ giới hạn trong cuộc “chiến tranh chuối”. Sau chuối, Trung Quốc cũng kiểm tra gắt gao hơn các loại trái cây khác của Philippines, như đu đủ, xoài, dừa và dứa, khiến các nhà xuất khẩu Philippines phải vội tìm các thị trường khác ở Trung Đông và những vùng khác để bán kịp lượng hàng ứ đọng.

Chuối hiện chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Philippines nhưng kể từ khi Bắc Kinh thi hành những hạn chế đối với chuối của Philippines, các doanh nghiệp nước này đã bị mất hơn 23 triệu USD. Cuộc “chiến tranh chuối” này làm nổi rõ sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng nhiều của Philippines đối với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ. Dự kiến, đến năm 2013, Trung Quốc sẽ là bạn hàng lớn nhất của Philippines. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểm tra gắt gao như vậy, có thể sẽ đến lượt hàng điện tử xuất khẩu của Philippines bị ảnh hưởng, trong khi đây là mặt hàng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Vào năm 2010, Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, có thể là nhằm trả đũa vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku. Nếu thật sự Bắc Kinh cũng sử dụng vũ khí kinh tế đối với Manila thì chắc chắn Philippines sẽ là nước bị thua thiệt. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gay gắt, bên cạnh việc huy động tàu chiến, Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng lá bài kinh tế để áp đảo đối phương.

Nếu muốn vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa muốn giữ ổn định xuất khẩu cho nền kinh tế, Manila không tránh khỏi phải đa dạng hóa thị trường và hiện đại hóa nền kinh tế của họ. Nếu không suốt đời sẽ bị kẻ mạnh bắt nạt./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới