Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhân chứng Hoàng Sa lên tiếng

Nhân chứng Hoàng Sa lên tiếng

Trong những ngày qua, dư luận trong nước bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tại Đà Nẵng, các nhân chứng từng một thời làm việc, canh giữ quần đảo Hoàng Sa đã lên tiếng phản đối việc làm bất hợp pháp này của chính quyền Trung Quốc. BDN trích đăng lại những ý kiến này.

Một việc làm bất hợp pháp

Ông Phạm Khôi (phường Thạch Thang, quận Hải Châu; từ năm 1969-1970 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa):

Tôi cực lực phản đối việc chính quyền Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Trên bình diện luật pháp quốc tế về biển, không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng thấy không thể chấp nhận được việc dùng vũ lực chiếm giữ lãnh thổ của nước khác rồi thành lập chính quyền trên vùng lãnh thổ ấy. Hoàng Sa là của Việt Nam, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Đó là chân lý, là điều không thể chối cãi. Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ chân lý, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền cũng nên có kế hoạch đưa vấn đề bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa vào chương trình học tập của học sinh các cấp, qua đó giáo dục thế hệ trẻ ý thức về chủ quyền biển đảo và tiếp nối, duy trì đấu tranh pháp lý, ngoại giao bảo vệ chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hành động vô lý

Ông Trần Văn Sơn (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà; từ tháng 01-04/1973 làm nhiệm vụ bảo vệ, canh giữ quần đảo Hoàng Sa):

Chính Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa trong tay người Việt Nam và giờ đây lại thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thì thật là vô lý và bất hợp pháp. Bản thân tôi từng có những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, giờ đây nghe tin này tôi rất bức xúc. Rõ ràng đây là hành vi tiến thêm một bước nhằm thực hiện đòi hỏi chủ quyền vô lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã bảo vệ, canh giữ. Tôi hoan nghênh Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 3 vừa qua đã thông qua Luật Biển Việt Nam trên cơ sở Công ước về Luật Biển. Như vậy, ta có thêm một công cụ pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh mạnh mẽ với những đòi hỏi vô lý, bất hợp pháp về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động làm tổn hại đến tình cảm nhân dân hai nước

Ông Trương Văn Quảng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn; từ năm 1953-1973 hơn 10 lần nhận lệnh ra Hoàng Sa để tiếp tế nước ngọt, lương thực cho Trung tâm khí tượng Hoàng Sa):

Là một công dân Việt Nam, tôi phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây. Đặc biệt, mới đây, Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm tổn hại đến tình cảm của nhân dân hai nước, tổn hại đến mối quan hệ “16 chữ vàng” và “4 tốt” giữa hai nước. Tôi hoan nghênh Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Luật Biển Việt Nam. Việc này đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp bước các thế hệ cha ông, những người đã xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để gìn giữ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Đây sẽ là căn cứ pháp lý phù hợp với luật  pháp quốc tế cùng với những chứng cứ lịch sử để chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính của Đà Nẵng

Ông Ngô Tấn Phát (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu; năm 1959 là nhân viên Trung tâm khí tượng tại quần đảo Hoàng Sa):

Cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc vừa công bố là một hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền quản lý Nhà nước của chính quyền thành phố Đà Nẵng đối với Hoàng Sa. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc khai thác, quản lý đối với Hoàng Sa được thực hiện liên tục qua nhiều thế hệ người Việt Nam mà không hề có tranh chấp. Hiện nay, Hoàng Sa là đơn vị hành chính của Đà Nẵng. Nhiều lớp cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn chúng tôi từng công tác ở đó mãi cho đến trước ngày 19-1-1974. Họ cưỡng chiếm Hoàng Sa và giờ đây lại thành lập đơn vị hành chính là điều bất hợp pháp. Chúng ta cần tạo dư luận phản đối mạnh mẽ hành động này. Về lâu dài nên tổ chức đưa Luật Biển Việt Nam mà Quốc hội khóa XIII vừa thông qua sớm đi vào cuộc sống. Qua đó tuyên truyền nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ kiên trì đấu tranh bền bỉ bảo vệ chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa, nhất là thế hệ trẻ của thành phố Đà Nẵng.

BDN (Theo Báo Đà Nẵng)

RELATED ARTICLES

Tin mới