Căng thẳng trên Biển Đông những tháng đầu năm 2012 đang ngày càng leo thang bởi một loạt các hành vi ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Dư luận hẳn chưa quên những hành vi lấn lướt, hăm dọa của Trung Quốc đối với Philippin trong vụ bãi cạn Scarborough hồi tháng 4 vừa qua, mà bây giờ cũng chưa kết thúc.
Rồi tiếp đến là một loạt động thái của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, một quốc gia ven biển Đông. Đó là thông báo của Bộ Dân chính Trung Quôc về việc thành lập “thành phố Tam Sa cấp địa khu” trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, rồi Cục Hải dương Trung Quốc thông báo mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa và vùng ĐQKT của Việt Nam, rồi vụ Trung Quốc điều 4 tàu Hải giám từ Hải Nam đi tuần xuống Biển Đông, kết hợp diễn tập hợp đồng tác chiến, và còn nhiều động thái khác ngang ngược nữa. Thực chất của những hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông là gì? Câu trả lời là: Những hành động nói trên nằm trong một loạt các bước đi có tính toán của Trung Quốc, kể từ năm 2009 đến nay nhằm độc chiếm Biển đông, hiện thực hoá và pháp lý hoá yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, phi lịch sử của Trung Quốc trên một vùng biển rộng 3,5 triệu km2, vốn liên quan đến 9 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đương nhiên là những hành động đó của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, từ không những các nước có chủ quyền đối với Biển Đông như Philippines, Việt Nam, mà còn từ các nước khác ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU… Bởi những hành động đó là sự vi phạm thô bạo những quy chuẩn được trù định trong luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về Luật biển 1982, là những hành động ngang ngược thách thức dư luận tiến bộ trên thế giới, để tỏ ra đây là Trung Quốc là nước lớn mạnh, muốn làm gì thì làm.
Hỗ trợ cho những hành động ngang ngược đó, ngày nào báo chí Trung Quốc cũng đăng những bài xã luận, phỏng vấn… của một số học giả Trung Quốc và một số tướng lĩnh Trung Quốc như Doãn Trác (thiếu tướng hải quân), La Viện (Phó ban nghiên cứu quân sự thế giới thuộc Viện KHQS Trung Quốc), Trịnh Minh (thiếu tướng HQ về hưu), Dương Nghị (thiếu tướng HQ) với những giọng điệu vu cáo, bóp méo sự thật, rằng Việt Nam “vong ơn bội nghĩa” “cướp đoạt quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc”, và cổ suý cho những hành động quân sự như “cần phải đánh một gậy vào đầu Việt Nam thì mới làm cho họ tỉnh lại”, “chỉ có sử dụng vũ lực để dạy cho Việt Nam một bài học”…
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng cần nhớ rằng, đã có những tiếng nói không đồng tình từ ngay trong chính nội bộ người Trung Quốc, cụ thể là tiếng nói chân thực của một số học giả Trung Quốc.
Còn nhớ, chính thời báo Hoàn Cầu ngày 11/5 có bài tập hợp những ý kiến của các chuyên giaTrung Quốc cảnh báo về những sai lầm chiến lược mà Trung Quốc đang muốn “trỗi dậy hoà bình” cần phải nghiêm ngặt phòng tránh, trong đó có sai lầm tai hại là dựa vào vũ lực để giải quyết tranh chấp, Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng: “Một Trung Quốc phát triển nhanh cần phải kiên trì phát triển hoà bình, không thể dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp” và “nếu xảy ra chiến tranh sẽ đem lại nhiều tổn thương, tai hại lớn cho KTXH, làm mất đi lợi thế phát triển nhanh”. Hoàng Nhân Vĩ, Phó Viện trưởng Viện KH và XH Thượng Hải nói: “Trung Quốc không được đối đầu với phần lớn các quốc gia, không thể làm hình ảnh của một quốc gia hiếu chiến trong dư luận quốc tế”. Thiệu Phong, Chủ nhiệm Phòng chiến lược, Ban nghiên cứu KT và CT thế giới, Viện KH và XH Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc có rất ít bạn trên thế giới nên cần phải tranh thủ nhiều bạn hơn trong cộng đồng quốc tế, nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc”.
Báo “Quan sát kinh tế” của Trung Quốc trong số ra gần đây có bài “Những gợi ý từ chiến tranh Malvinas cho vấn đề Biển Đông”. Bài báo cho biết chiến tranh Malvinas (người Anh gọi là quần đảo Folkland) giữa Anh và Ác-hen-ti-na đã trở thành vấn đề cần tìm hiểu chiến tranh hiện đại trong quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Bài báo phân tích: ở góc độ quân sự, Trung Quốc không những phải tính đến sự can dự của “nhân tố Mỹ” mà còn phải tính đến việc đối mặt với chiến tuyến dài hàng ngìn km trên biển. Làm thế nào để tổ chức và hiệp đồng về chỉ huy, trinh sát, thông tin, hậu cần… vẫn là chủ đề lớn cần phải tính toán. Ở khía cạnh ngoại giao, nếu Trung Quốc sử dụng chiến tranh giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quôc phải có được lợi thế như Anh trong cuộc chiến tranh Malvinas, đó là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, do Ác-hen-ti-na không tuân thủ Nghị quyết số 502 ngày 3/4/1982 của HĐBA Liên hợp quốc, và Nghị quyết này đã giúp Anh ngăn chặn được sự chỉ trích của các quốc gia đối với quyết định tiến hành chiến tranh của mình. Tuy nhiên, chính Anh cũng đã phải trả giá đắt cho cuộc chiến tranh này, Anh phải chi 2,16 tỷ USD, bị tổn thất 4 tàu mặt nước, 2 tàu đổ bộ, 1 tàu vận tải cỡ lớn, cùng một lượng lớn tàu chiến và 2500 người bị thương vong. Sau chiến tranh, Anh không giải quyết được vấn đề chủ quyền với Ác-hen-ti-na, mất đi mối quan hệ với nước này và Tổ chức Thương mại Nam Mỹ. Bộ Ngoại giao Anh sau đó phải đóng cửa ĐSQ tại 6 nước Mỹ La tinh. Bài báo kết luận: Kinh nghiệm và bài học đến từ cuộc chiến Malvinas cho thấy không thể giả quyết vấn đề Biển Đông một cách đơn giản bằng chiến tranh, nếu chỉ giải quyết hoàn toàn bằng biện pháp quân sự sẽ chỉ làm xấu đi tình hình an ninh khu vực và gây hậu quả mang tính thảm hoạ đối vói Trung Quốc. Vì thế, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần phát huy thêm trí tuệ.
Ngay cả cái “đường lưỡi bò” tự vẽ của Trung Quốc năm 1947 cũng nhận được nhiều phản bác của những nhà nghiên cứu, luật gia không chỉ trên toàn thế giới, mà ngay cả tại Trung Quốc. Ngày 14/6/2012 vừa qua, Viện nghiên cứu KT Thiên Tắc và báo điện từ Sina.com đã tổ chức hội thảo với chủ đề “tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế”. Tham dự hội thảo có nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, các trường đai học của Trung quốc. Ngày 21/6/2012 các trang báo điện tử, các diễn đàn mạng và các blog tiến Trung Quốc đã đăng tải các ý kiến phát biểu tại hội thảo. Hội thảo được mô tả là cuộc tranh luận gay gắt giữa các quan điểm của “phái bồ câu” và “phái bao thủ”. Ông Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin hải đương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về biển và luật biển được đăng trên các báo chí Trung Quốc, nói: “Hiện nay, nhiều học giả trong nước khẳng định về “Đường 9 đoạn” (còn gọi là đường Lưỡi bò, hay Đường hình chữ U) nhưng trên toàn thế giới từ xưa đến nay không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển như thế. Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra Đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật”. Ông cho rằng: “Chúng ta cần chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương pháp đàm phán hoà bình theo tinh thần của Công ước Luật biển 1982, không được sử dụng vũ lực giải quyết”. Lý Lệnh Hoa cho biết: “Chính phủ ta xưa nay chưa hề chính thức tuyên bố về Đường 9 đoạn. Nhưng nhiều sách giáo khoa và báo chí lại coi Đường 9 đoạn là biên giới biển chính thức của Trung Quốc, nên dẫn đến việc dân chúng coi Nam Hải thành vùng biển của Trung Quốc” và “Nước ta là quốc gia đã ký Công ước Biển 1982, thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần Công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình”.
Lý Lệnh Hoa nhận xét: “Là con người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác… Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải được vẽ thành “biển nhà” (của Trung Quốc) như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”.
Còn nhiều ý kiến phát biểu của Lý Lệnh Hoa và một số học giả Trung Quốc khác như Thịnh Hồng (Viện trưởng Viện NCKT Thiên Tắc), Trương Thử Quang (Chủ tịch Hội đồng học thuật Viện NCKT Thiên Tắc), Hà Quang Hộ (giáo sư Học viện Triết học thuộc Đại học ND Trung Quốc), Trương Ký Phạm (giáo sư Học viện PL, ĐH Bắc Kinh).. Đây là những quan điểm rất thức thời, có cơ sở pháp lý khoa học, của những học giả Trung Quốc chân chính, không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hỏi và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Người viết bài này, do dung lượng bài viết không cho phép, nên không viện dẫn nhiều ở đây.
Câu hỏi đặt ra là: CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC CÓ THÀNH TÂM LẮNG NGHE VÀ CÂN NHẮC ĐỐI VỚI Ý KIẾN CỦA CHÍNH NHỮNG HỌC GIẢ NƯỚC MÌNH HAY KHÔNG ??
Minh Minh, 7/2012.