Wednesday, September 11, 2024
Trang chủUncategorizedBẮC KINH MƯU TOAN GẠT BỎ VẤN ĐỀ BỂN ĐÔNG RA KHỎI...

BẮC KINH MƯU TOAN GẠT BỎ VẤN ĐỀ BỂN ĐÔNG RA KHỎI HỘI NGHỊ AMM VÀ ARF DIỄN RA TẠI CĂMPUCHIA

Nhân dân nhật báo, mội tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 3/7 đã đăng bài “Cảnh giác với âm mưu quấy nhiễu Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN” và đổ lỗi cho Philippin cố tình gây ra tình hình căng thẳng châm ngòi cho việc bùng nổ vấn đề Biển Đông tại diễn đàn Hội nghị AMM sắp diễn ra tại PhnomPenh, thủ đô Cămpuchia sắp tới.

Tiếp theo, để phụ họa cho tờ Nhân dân nhật báo, tờ Đông phương buổi sáng của Trung Quốc cũng phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN sắp diễn tại diễn tại Cămpuchia từ 8 đến 13/7/2012 trích dẫn lời Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng “Hội nghị AMM không phải là diễn đàn thích hợp để bàn luận về các vấn đề Biển Đông”. Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM), các hội nghị ngoại trưởng giữa ASEAN với các đối tác và Diễn đàn ngoại trưởng an ninh khu vực (ARF) tại thủ đô PhnomPenh, Cămpuchia. Phải chăng Trung Quốc đang lo sợ trước làn sóng phẫn nộ của các nước ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung về những hành động gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Sự hiếu chiến của Trung Quốc ngày càng leo thang kể từ khi Trung Quốc cho lưu hành bản đồ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc tháng 5/2009. Trước những hành động ngạo mạn của Trung Quốc ở Biển Đông, vấn đề Biển Đông lần đầu tiên trở thành chủ đề nổi bật tại diễn đàn ARF 17 ở Hà Nội tháng 7/2010 khi mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Hội nghị ARF tại Hà Nội tuyên bố “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải Biển Đông”. Một năm sau đó, tháng 7/2011, tại Hội nghị ARF 18 Bali, Indonexia bà Ngoại trưởng vẫn giữ nguyên lập trường và cảnh báo “Những sự cố này (chỉ những hành động hung hãn của Trung Quốc) gây nguy hiểm cho an ninh biển, làm leo thang căng thẳng, xói mòn tự do hàng hải và đặt sự rủi ro với thương mại hợp pháp cũng như phát triển kinh tế”. Những chỉ trích trên của Mỹ nhằm phê phán các hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, coi đó là những hành động đe dọa an ninh khu vực.

Bất chấp những phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngày càng điên cuồng gia tăng các hoạt động gây hấn với hai nước hiện đang có bất đồng sâu sắc với Trung Quốc về chủ quyền tại các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông là Việt Nam và Philippin. Năm 2010, tàu chiến Trung Quốc va chạm với tàu của Mỹ ở Biển Đông và Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tháng 3 năm 2011, tàu chiến đã ngăn cản hoạt động của tàu khảo sát của Philippin tại khu vực bãi Cỏ Rong. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2011 Trung Quốc 2 lần cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường bắt giữ uy hiếp tàu cá, ngư dân Việt Nam, thậm chí nổ súng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam; từ đầu tháng 4/2012 Trung Quốc chủ động gây ra tranh chấp căng thẳng với Philippin tại khu vực bãi cạn Scarborough; chưa đầy 1 tháng trước hội nghị AMM và ARF 19, Trung Quốc tiến hành thêm những bước leo thang mới như ngày 21-6-2012, Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; ngày 23-6-2012, Trung Quốc ngang nghiên mời thầu quốc tế thăm dò ở 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Điều này một lần nữa đã phơi bày bộ mặt thật của chính quyền Bắc Kinh khi đưa ra các chiêu bài và hành động phi đạo lý, gây bức xúc lớn trong dư luận quốc tế. Biển Đông là nơi đan xen lợi ích của nhiều nước, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Vấn đề Biển Đông đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực và theo nhận định của một học giả người Anh, nó đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Do vậy, việc cả cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi tình hình và bất bình trước những hành động ngạo mạn coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Điều đáng lưu ý là việc Trung Quốc tập trung tăng cường mạnh mẽ cho lực lượng hải quân gần đây cho thấy, không giống như các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, Trung Quốc hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của họ bằng sức mạnh quân sự. Báo chí Trung Quốc cũng dẫn lời Thiếu tướng đã nghỉ hưu La Viện khi ông ta kêu gọi Bắc Kinh thành lập khu vực “không phận cảnh giới”, “khu vực phòng không” và triển khai quân đội cấp sư đoàn ở 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tướng La Viện đề xuất, chiến đấu cơ và chiến hạm Trung Quốc phải thực hiện cái gọi là hoạt động tuần tra cảnh giới không định kỳ trên Biển Đông nhằm ứng phó với hoạt động của quân đội Việt Nam. Trong tuyên bố hôm 28/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, quân đội nước này đã thành lập các đội tuần tra biển thường xuyên tại Biển Đông. Đầu tháng Bảy, nhật báo “United Daily News” của Đài Loan đưa tin Trung Quốc vừa thành lập một lữ đoàn tên lửa mới ở tỉnh Quảng Đông. Đơn vị này có tên gọi Lữ đoàn Tên lửa Đạn đạo 827. Theo đó, trong số các tên lửa đặt tại căn cứ của lữ đoàn mới này có các tên lửa Đông Phong-21D và Đông Phong-16. Đông Phong-21D là tên lửa đạn đạo diệt hạm, có tầm bắn từ 2.000-3.000 km, có thể bắn trúng mọi mục tiêu đang di chuyển với độ chính xác rất cao. Ngoài việc triển khai tên lửa trên đất liền, Trung Quốc ngày càng mở rộng những hoạt động ngang ngược trên biển; tăng cường diễn tập quân sự, đưa nhiều tàu chiến, tàu ngư chính, tàu hải giám vào hoạt động ở Biển Đông với cái mũ là “tuần tra vùng biển quản hạt của Trung Quốc”.

Những hành động và toan tính của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới và dư luận quốc tế. Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen, mới đây trong chuyến thăm Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng các vụ va chạm có thể leo thang trở thành xung đột vũ trang, gây nguy cơ cho hòa bình khu vực. Báo chí Nhật Bản gọi hành động này của Trung Quốc là không đếm xỉa đến luật Biển quốc tế, trong đó có các quy định liên quan đến vấn đề lãnh hải. Theo báo Sankei của Nhật Bản, hành động của Trung Quốc càng khiến cho tình hình khu vực thêm căng thẳng, đi ngược lại chủ trương giải quyết một cách hòa bình các vấn đề chủ quyền. Ngày 24/6/2012, Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cảnh báo việc Viện Khoa học Quân đội của Quân đội Giải phóng Trung Quốc vừa công bố một tài liệu nội bộ, trong đó kêu gọi Trung Quốc “củng cố sức mạnh hải quân ở Hoàng Hải, Biển Hoa Nam và Biển Đông”. Trước đó, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cũng đăng bài chỉ trích việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và coi đây là động thái “Bắc Kinh không tôn trọng luật biển quốc tế và đi ngược với chủ trương giải quyết hòa bình các vấn đề chủ quyền và hành động này càng khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng”. Đây là điều đáng báo động bởi Trung Quốc đang đi ngược lại với ý nguyện của cộng đồng thế giới, các nước hữu quan khi tìm mọi cách để độc bá Biển Đông. Do đó, dư luận thế giới và những quốc gia hữu quan đặc biệt là khối ASEAN nếu không liên kết lại để phản đối, lên án, đấu tranh thì thái độ ngạo mạn của Trung Quốc sẽ dẫn tới những sự việc “nằm ngoài kiểm soát”.

ASEAN có vại trò trung tâm ở khu vực, không thể thờ ơ trước những căng thẳng đang diễn ra ở khu vực, do vậy việc ASEAN thảo luận những vấn đề an ninh nóng bỏng đang diễn ra ở Biển Đông là hết sức cần thiết. Cách đây 10 năm (2002), ASEAN và Trung Quốc đã ký kết một văn kiện hết sức quan trọng, đó là bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tạo cơ sở cho việc duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh tình hình ngày càng leo thang ở Biển Đông thì ASEAN cần phát huy vai trò trong việc kiềm chế những hoạt động quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới quan sát cho rằng giải quyết căng thẳng ở Biển Đông có thể được xem như một phép thử đối với khối ASEAN.

Vậy tại sao Trung Quốc lại né tránh việc đưa vấn đề Biển Đông lên bàn Hội nghị sắp tới với đông đảo sự tham gia của 10 nước ASEAN và 10 bên đối thoại là các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada và EU) và các nước khác. Nếu các hành động của Trung Quốc là “đúng” thì cớ sao Trung Quốc lại lo ngại nó được mang ra mổ xẻ tại Hội nghị khu vực hết sức quan trọng này? Rõ ràng là những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vừa qua đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đe dọa hoà bình, ổn định khu vực và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Với những gì đang diến ra ở Biển Đông cả trên lời nói và hành động thì ai cũng hiểu rõ dã tâm thôn tính Biển Đông bằng mọi giá và coi thường luật pháp cũng như công luận quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc có thể chiêu bài “cá lớn nuốt cá bé” để uy hiếp những nước láng giềng nhỏ, nhưng không thể lừa bịp cả cộng đồng quốc tế. Các nước không thể làm ngơ trước những hành động thô bạo bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Do vậy, vấn đề Biển Đông nhất định sẽ trở thành một chủ để nóng bỏng được thảo luận rộng rãi tại các cuộc hội nghị trong khuôn khổ ASEAN từ 8 đến 13/7/2012 tại PhnomPenh, thủ đô Cămpuchia. Những hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây nhất định sẽ được mang ra bàn luận tại các hội nghị này. Mưu toan gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi các hội nghị AMM, ARF sắp tới của Bắc Kinh sẽ thất bại. Chúng ta tin rằng, tại Hội nghị ARF 19, nơi hội tụ các ngoại trưởng của các nước lớn khác Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga, Úc… sẽ vang lên những phát biểu mạnh mẽ bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông và kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các lợi ích của các nước ven Biển Đông.

Thành Trần

RELATED ARTICLES

Tin mới