Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKHỐI ASEAN ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN QUAN TRỌNG

KHỐI ASEAN ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN QUAN TRỌNG

Sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong tháng 7 này là việc Hội
nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không đưa ra được Thông cáo chung. Có thể nói đó là
một trang bi đát trong lịch sử 65 năm của khối ASEAN. Dư luận lên án Chủ tịch
đương nhiệm ASEAN là Campuchia đã phản bội khối ASEAN để đánh đổi quan hệ với
Bắc Kinh. Nghiền ngẫm một cách bình tĩnh thì thấy rằng Campuchia quả thật có
lỗi nhưng phải thương hại cho nước này. Campuchia cũng chỉ là sân nhà của nhà
cầm quyền Bắc Kinh. Ai cũng biết Bắc Kinh gây áp lực, mua chuộc Campuchia, đồng
thời họ cũng gây áp lực đối với cả các nước ASEAN khác.

Trong thời gian diễn ra
Hội nghị ở Phnôm Pênh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hết gặp Đại sứ ASEAN
này lại gặp Đại sứ ASEAN khác vận động rằng ASEAN không nên bàn vấn đề Biển
Đông, văn kiện của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN chỉ tập trung bàn vấn đề kinh
tế, thương mại, v.v… Trong 3 ngày 9, 10 và 12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc liên tục 3 lần yêu cầu Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tập trung bàn vấn
đề kinh tế, thương mại. Việc làm đó của Bắc Kinh là sự can thiệp thô bạo vào
công việc nội bộ của ASEAN. Trung Quốc không phải là thành viên của ASEAN. Vậy
Trung Quốc có tư cách gì để yêu cầu như vậy. Còn xét về thực chất, yêu sách của
Bắc Kinh là phi lý. Khối ASEAN đã quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm
2015 theo đó Cộng đồng này có 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh – Chính trị, Cộng
đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Đã có Cộng đồng An ninh – Chính trị
thì tất yếu phải thảo luận và có các cam kết liên quan cộng đồng này. Lâu nay,
Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN và Hội nghị Ngoại
trưởng ASEAN đều bàn về các vấn đề an ninh – chính trị, trong đó có vấn đề Biển
Đông. Năm 1992 thậm chí ASEAN đã từng ra Tuyên bố về Biển Đông. Tuyên bố chung
của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đều có nêu vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn Tuyên bố
chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (năm 2011) ở Indonexia có 6
đoạn nói về Biển Đông: đoạn 22 nêu việc các Ngoại trưởng bày tỏ lo ngại sâu sắc
về những sự cố gần đây ở Biển Đông (tức là việc Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò
của Việt Nam trong thềm lục địa Việt Nam, việc Trung Quốc cản trở Philippines
thăm dò dầu khí trong thềm lục địa Philippines v.v…) và nhấn mạnh tầm quan
trọng của duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan kiềm
chế và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Các Ngoại trưởng cũng khẳng
định tầm quan trọng và ý nghĩa của DOC, kêu gọi tôn trọng hòa bình, tự do hàng
hải và tự do hàng không ở Biển Đông. Đoạn 23 nêu việc các Ngoại trưởng nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác
ở Biển Đông v.v…

Việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thảo luận các vấn đề chính
trị, an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông là việc bình thường. Mặc dù Bắc Kinh
tìm đủ mọi cách ngăn chặn nhưng các Ngoại trưởng ASEAN vẫn tiếp tục thảo luận
tình hình Biển Đông tại các Hội nghị ASEAN và các Hội nghị liên quan khác. Các
Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng nhiều nước bày tỏ lo ngại thực sự về tình
hình căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật
Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, tôn trọng DOC, giải quyết các tranh chấp bằng
các biện pháp hòa bình, lên án việc đe dọa và sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Tại Hội
nghị các Ngoại trưởng ASEAN, ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam nhấn
mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành
lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí hoàn toàn
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhấn mạnh các nguyên
tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển
đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982
của Liên hợp quốc, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không
sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm
1982 và DOC. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN + 3 (với ba nước Trung Quốc, Nhật
Bản và Hàn Quốc), Thứ trưởng Phạm Quang Vinh của Việt Nam bày tỏ quan ngại về
những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, khẳng định lại lập trường của
Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là
“thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các
quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo các quy
định của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và trái với tinh thần
DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Ngoại trưởng Philippines tố cáo một loạt hành động phi pháp của Trung Quốc ở
Biển Đông, khẳng định Trung Quốc đang có thái độ “lá mặt lá trái” khi hành xử ở
Biển Đông. Nhiều Ngoại trưởng khác cũng khẳng định yêu cầu duy trì và ổn định ở
Biển Đông.

Việc các Ngoại trưởng ASEAN không ra được Tuyên bố chung có
thể làm cho Bắc Kinh hả hê. Nhưng việc đó cũng làm cho cả thế giới hiểu rõ hơn
bộ mặt của Bắc Kinh. Các nước ASEAN nghi ngờ và cảnh giác hơn đối với Bắc Kinh.
Do đó, có thể nói Bắc Kinh mất nhiều hơn được. Các được là nhất thời, còn cái
mất là lâu dài. Về phần ASEAN, câu chuyện Tuyên bố chung lần này là bài học
quý. Các thành viên thấy rằng tình đoàn kết ASEAN bị đe dọa do hành động của Trung
Quốc và cần nỗ lực để siết chặt sự đoàn kết trong ASEAN. Indonexia đã tích cực
trao đổi với Philippines, Việt Nam và các nước ASEAN khác. Kết quả là ngày
20/7/2012, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra một lập trường chung 6 nguyên tắc về
Biển Đông.

Một là, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển
Đông DOC 2002.

Hai là, thực hiện Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC năm
2002.

Ba là, sáng kiến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Bốn là, tôn trọng đồng thời các nguyên tắc luật pháp quốc
tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

Năm là, các bên liên quan cam kết kiềm chế không sử dụng vũ
lực.

Sáu là, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa
bình tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật
Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

Đó là một thỏa thuận quan trọng. Tuyên bố đó đồng nghĩa là
công sức và mưu đồ đen tối của Bắc Kinh phá hoại tình đoàn kết và quan tâm của
khối ASEAN đã thất bại. Bắc Kinh cần suy tính lại và tỉnh táo hơn trong hành xử
ở Biển Đông cũng như trong quan hệ với các nước ASEAN. Tiền bạc là quý nhưng
không phải cứ có tiền là Bắc Kinh muốn gì được nấy./.

Chương Lương

RELATED ARTICLES

Tin mới