Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ VỀ VIỆC TRUNG QUỐC MỜI...

PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ VỀ VIỆC TRUNG QUỐC MỜI THẦU 9 LÔ DẦU KHÍ TRÊN THỀM LỤC ĐỊA CỦA VN

Sau hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chưa có một ý kiến nào đồng tình với những hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế này của Trnng Quốc, trong khi đó đã có rất nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ hành động leo thang mới này của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngày 23/6/2012, Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC công bố Thông báo mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Ngay ngày hôm sau hàng loạt báo chí và các trang mạng của Trung Quốc đồng thanh một giọng điệu là Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí là để “trả đũa” Việt Nam thông qua luật biển. Thực tế thì đây chỉ là những lời biện hộ thô thiển cho một hành động sai trái được chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện cái mục tiêu mà Trung Quốc ấp ủ lâu nay là hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”.

Tại Hội thảo công nghệ ngoài khơi (Offshore Technology Conference) ở Houston, Hoa Kỳ (từ 30/4 dến 03/5/2012), đại biểu của Tập đoàn Dầu khí Hải dương, Trung Quốc (CNOOC) đã đưa ra bản đồ 9 lô dầu khí nói trên làm cho các đại biểu tham dự Hội thảo hết sức ngạc nhiên không hiểu nổi vì sao CNOOC lại có thể ngang nhiên phân lô dầu khí trên thềm lục địa 200 hải lý Việt Nam như vậy? Và sau chưa đầy 2 tháng, Trung Quốc đã ngang nhiên cho công bố mời thầu 9 lô dầu khí đó. Các lô dầu khí này chỉ cách bờ biển của Việt Nam khoảng 60 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc từ khoảng 450 – 700 hải lý. Cộng đồng dầu khí quốc tế hết sức bất bình trước hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế.

Tại cuộc Hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ tổ chức tại Washington trong hai ngày 27 và 28/6/2012. Thượng Nghị sỹ Mỹ Lieberman khẳng định việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò – khai thác tại 9 lô trên Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ; các lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận. Nhiều ý kiến khác tại Hội thảo cũng khẳng định 9 lô trên Biển Đông mà CNOOC mời thầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Chính phủ Mỹ, Nga, Ấn Độ – là những nước mà các công ty của họ đang có các hợp đồng hợp tác với Việt Nam tại các lô nằm trong khu vực Trung Quốc mời thầu đã có hình thức gián tiếp phê phán hành vi mời thầu thô bạo của Trung Quốc. Trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Việt Nam ngày 10/6/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đặc biệt, trong tuyên bố chung Nga – Việt Nam nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Nga đã khẳng định kiên trì triển khai hợp tác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ngoại trưởng Ấn Độ trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia cũng khẳng định ủng hộ việc tiếp cận các nguồn tài nguyên theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC cũng đã công khai thông báo kiên trì triển khai hợp đồng hợp tác với Việt Nam tại lô 128. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ có thái độ kiên quyết như vậy là bắt nguồn từ sự khiêu khích của Trung Quốc khi quyết định đưa ra đấu thầu lô dầu đã được Việt Nam giao cho Ấn Độ.

Trong khi cộng đồng dầu khí tẩy chay lời mời thầu 9 lô dầu khí của Trung Quốc thì Chủ tịch Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc lại rêu rao rằng “đã có một số công ty của Mỹ tỏ ý tham gia” và “cũng có một số công ty của Thái Lan và Malaysia có ý định”. Phát biểu của ông Vương Chí là một trò lừa bịp vì các Tập đoàn dầu khí chân chính sẽ chẳng bao giờ hưởng ứng lời mời thầu bất hợp pháp này của Trung Quốc.

Vì sao cộng đồng quốc tế phản ứng như vậy trước lời mời thầu của Trung Quốc? Câu trả lời rõ ràng là 9 lô dầu khí mà CNOOC của Trung Quốc thông báo mời thầu nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các nước và các công ty dầu khí trên thế giới đều hiểu rất rõ rằng đây là khu vực thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền triển khai các hoạt động kinh tế biển, bao gồm hoạt động dầu khí ở khu vực này và Chính phủ Trung Quốc cũng như Tập đoàn dầu khí Hải dương Trung Quốc không có quyền tự vạch ra những lô dầu khí ở khu vực này rồi mời các công ty khác đến hợp tác.

Theo Khoản 1 điều 76 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó đến mép ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”. Khoản 1 Điều 77 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quy định “Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình”. Khoản 2 điều 77 quy định “nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển đó”.

Những quy định trên đây trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 cho thấy hành động mời thầu 9 lô dầu khí của Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trái lại, việc Việt Nam ký kết hợp đồng hợp tác dầu khí ở những khu vực này là hoàn toàn hợp pháp. Các Tập đoàn dầu khí nước ngoài đã nghiên cứu rất kỹ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này trước khi ký kết các hợp đồng hợp tác dầu khí với Việt Nam Công ty ONGC của Ấn Độ hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam ở lô 128; Gasprom của Nga hợp tác với Việt Nam ở các lô từ 129, 130, 131, 132 còn Exxon Mobil của Mỹ hợp tác với Việt Nam ở lô 156.

Bắc Kinh thật quá ngang ngược và tự tin khi đưa ra chào thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Thực ra, Trung Quốc cũng hiểu rằng việc làm của họ là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, do vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không dám đề cập khía cạnh luật pháp quốc tế khi nói đến 9 lô dầu khí mà CNOOC đã mời thầu.

Việc Trung Quốc thông báo mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam là một bước leo thang mới hết sức nghiêm trọng trong việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Đông. Với hành động này Trung Quốc đã đẩy Việt Nam buộc phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ mặc dù vẫn luôn mong muốn tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này. Tại các diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-45) và ARF 19, hành động của Trung Quốc đã bị một số nước ASEAN lên án và phê phán mạnh mẽ. Các nước ven Biển Đông như Philippin, Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore cũng tỏ ra quan ngại về mối đe dọa của Trung Quốc trong tương lai đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của họ.

Chính quyền Hà Nội cần đấu tranh kiên quyết với những hành động thô bạo của Trung Quốc, ngăn chặn việc Trung Quốc triển khai trên thực tế ở khu vực 9 lô dầu khí để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của Việt Nam. Là một nước nhỏ, luôn bị Trung Quốc chèn ép, Chính phủ Hà Nội cần sớm đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế để làm rõ trắng đen, vạch trần bộ mặt thật của Bắc Kinh trong âm mưu độc chiếm Biển Đông./.

                                                                                Thu Vân

RELATED ARTICLES

Tin mới