Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và vấn đề Biển Đông

Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và vấn đề Biển Đông

BienDong.Net: Cùng với các nhân tố quan trọng như lịch sử tranh chấp phức tạp, xung đột lợi ích quốc gia, đa dạng chủ thể, các vấn đề pháp lý và cơ chế giải quyết xung đột,… thì chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc mà trọng tâm phản ánh là vấn đề chủ quyền đã và đang làm phức tạp thêm tình hình.

Người Trung Quốc có thể nói không

Qua việc xuất bản cuốn “Trung Quốc không hạnh phúc” (Zhongguo bu gaoxing) vào mùa hè năm 2009, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ làn sóng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. Wang Xiaodong, một trong số tác giả của cuốn sách nhấn mạnh: “Một đất nước mạnh như Trung Quốc cần có quân đội mạnh, một quân đội có thể chế ngự bất cứ nước nào tại bất kỳ đâu trên thế giới.”

Theo tác giả Trần Vinh Dự, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay được định hình bởi ba yếu tố: (1) Niềm kiêu hãnh về một nền văn minh vĩ đại kéo dài tới 5000 năm (2) Nỗi đau về “một thế kỷ ô nhục” trước khi Thế chiến II kết thúc (3) Ý thức mạnh mẽ về sức mạnh mới sau 30 năm cải cách và phát triển kinh tế.

Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bởi lẽ khi Trung Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị thì quốc gia này càng ý thức sâu sắc về “vòng hào quang bị đánh mất trong quá khứ”. Trung Quốc muốn giành lại vị trí và lợi ích mà họ cho rằng mình xứng đáng được hưởng.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chính là Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc chủ nghĩa để nắm quyền và sử dụng nó như là chất kết dính xã hội.

Liu Kang, Giáo sư nghiên cứu văn hóa Trung Hoa tại Đại học Duke phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc hiện nay là một sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hơn là một sản phẩm của hệ tư tưởng như chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Cộng sản”.

Hiện nay, các bộ ngành trong nước, các quan chức bậc trung và các phe phái trong giới tinh hoa có chọn lọc của Trung Quốc có xu hướng dân tộc chủ nghĩa hơn các quan chức cấp cao thuộc Bộ ngoại giao. Ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa dân tộc này càng gia tăng. Hiện nay, Bộ An ninh quốc gia đặc biệt có vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại. Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia cũng có quyền lực hơn.

Một bộ phận giới lãnh đạo và học giả Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa dân tộc chính là nền tảng quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định trong nước và giúp Trung Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Động thái ở Biển Đông

Có thể nói những lập luận mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc thái quá của Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng. Một trong những hệ quả của nó là các bất đồng hiện nay có liên quan đến biển Đông ngày càng khó giải quyết.

Theo chuỗi phát triển logic từ nhận thức chi phối thái độ, thái độ chi phối hành vi thì chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đã được thể hiện rõ qua các tuyên bố và hành động cụ thể của nước này.

Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của mình tại biển Đông thông qua việc nhấn mạnh các yêu sách lịch sử. Tháng 5/2009, phản ứng trước hồ sơ đăng kí chung của Việt Nam và Malaysia trình lên LHQ về thềm lục địa mở rộng, Trung Quốc đã đính kèm bản đồ đường 9 đoạn bao phủ phần lớn biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với các đảo thuộc Nam Hải (Biển Đông), mà không đưa ra bất kì một bằng chứng lịch sử, pháp lý nào có sức thuyết phục.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên cao, sức ép của dư luận nhằm buộc chính quyền hành động quyết đoán hơn dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền ngày càng lớn. Và để chứng minh tính chính danh, củng cố vai trò lãnh đạo, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không nhượng bộ trước vấn đề chủ quyền. Thậm chí, các lực lượng thực thi pháp luật, các nhóm lợi ích và các chính quyền địa phương Trung Quốc càng lợi dụng, để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng cũng như phân tán sự quan tâm đối với các vấn đề nóng thuộc về quốc kế dân sinh của nước này. Hệ quả tất yếu là sẽ tạo nên tình thế ngày càng phức tạp tại biển Đông.

Các lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Trung Quốc tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Ảnh minh họa: Beijingshots

Trong khi Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc bàn thảo dự luật bảo vệ hải đảo (2009) thì hàng loạt các cuộc tập trận tác chiến của không quân và hải quân Trung Quốc cũng diễn ra tại biển Đông. Các trang mạng Trung Quốc cũng liên tiếp có bài viết về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông đầy tính khiêu khích. Đúng vào thời điểm Quốc hội Trung Quốc mở khóa họp thường niên, ngày 05/03/2012, Thiếu tướng La Viện, Giám đốc điều hành Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, đã đề nghị sát nhập ba quần đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát hay đòi chủ quyền, thành một đặc khu hành chính, và trên cơ sở đó, đưa người đến khai thác và đưa quân đến canh giữ. Ngoài ra, La Viện còn bộc lộ quan điểm diều hâu qua việc đề nghị chính quyền Bắc Kinh công bố sách trắng về Biển Đông để chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Quan điểm của La Viện và thái độ cao ngạo kèm theo đã được sự tán đồng của một số tướng lĩnh quân đội và một bộ phận quần chúng có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Điều này phản ánh xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc đang có phần quá đáng.

Những hành động gây căng thẳng trên biển Đông trong thời gian qua là một kết quả tất yếu của chủ nghĩa dân tộc phát triển.

Con dao hai lưỡi

Nhìn nhận một cách tổng quan thì chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc không chỉ gây bất ổn và khó khăn hơn để giải quyết tranh chấp, mà chính Trung Quốc cũng gánh chịu những bất lợi đáng kể.

Trước tiên là tình trạng mất lòng tin từ các quốc gia khu vực đối với Trung Quốc đến những lo lắng thường trực và tình trạng chạy đua vũ trang khu vực luôn tiềm ẩn.

Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc luôn cố gắng truyền tải thông điệp rằng Bắc Kinh luôn tuân theo “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”, và luôn nỗ lực duy trì, củng cố chính sách ngoại giao láng giềng tốt với các nước thông qua phương châm “mục lân, an lân, phú lân”. Tuy nhiên, thái độ nước lớn của nước này khi kết hợp với chủ nghĩa dân tộc có phần thái quá sẽ làm sâu sắc hơn các căng thẳng trên biển Đông liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ.

Quan trọng hơn, không phải là Trung Quốc sử dụng sức mạnh chủ nghĩa dân tộc trong thực thi đường lối ngoại giao để giải quyết các vấn đề biển Đông ra sao mà chính việc phản ứng lại các hành động của Trung Quốc mới thực có ý nghĩa quan trọng.

Từ tháng 1/2010 đến nay, trên mạng và trên báo chí, các tiếng nói dân tộc chủ nghĩa đã đòi Bắc Kinh phải quyết liệt hơn trên sân khấu quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc đã lan rộng ra các khu vực thành thị, tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp từ quân đội đến cả công nhân, trí thức, cán bộ công chức, doanh nhân. Hơn nữa, công nghệ truyền thông và Internet cũng góp phần tiếp sức cho những cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính sách ngoại giao của nhà nước. Trong những nỗ lực vỗ về thành phần chủ nghĩa dân tộc thái quá trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra lúng túng và bị cuốn theo guồng quay này, nhiều lần phải ở vào thế phải tự vệ.

Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức chính sách ngoại giao của các nước trong khu vực lẫn các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Úc trong một thời gian dài sắp tới. Vấn đề biển Đông, trên hết, phải được đặt trong mối quan hệ khăng khít với chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc cùng những phản ứng của giới lãnh đạo Trung Quốc vốn đang trong tâm trạng bất an.

Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới sẽ chứng kiến những đổi thay đáng kể về thành phần ban lãnh đạo nước này. Liệu rằng bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc có tiếp tục những lập luận và đường lối kiểu dân tộc chủ nghĩa thái quá hay không hay quay lại tư thế trung hòa để tìm lại đồng thuận chung với cộng đồng thế giới vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Huỳnh Tâm Sáng

 

RELATED ARTICLES

Tin mới