Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamYêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc –...

Yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc – lịch sử ra đời và các luận điểm pháp lý

alt1. Đặt vấn đề

Tranh chấp biển Đông được coi như một trong những tranh chấp lãnh thổ phức tạp bậc nhất trên thế giới. Sự phức tạp của tranh chấp biển Đông đến từ các yêu sách phức tạp về chủ quyền của nhiều quốc gia đối với các khu vực chồng lấn, vả lại, nó không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà hơn thế nữa nó còn được đan xen với những lợi ích chiến lược nhất là về kiểm soát con đường vận tải trên biển, và về khai thác các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu mỏ.

Tranh chấp biển Đông vẫn đang là một nguy cơ gây bất ổn rất lớn trong khu vực. Đặc biệt với những sự kiện mới xảy ra gần đây như phía Việt Nam và Philippines đã cáo giác các hành động quyết đoán của phía Trung Quốc như đe dọa các tàu của Philippines tại khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vào hồi tháng 3/2011, cũng như cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngày 26/5/2011, đe dọa cắt cáp tàu Viking 02 ngày 09/06/2011 của Việt Nam, mặc dù các tàu này đều hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo các quy định của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (sau đây viết tắt là Công ước).

Việt Nam và Philippines cùng viện dẫn các quy định của Công ước, theo đó các quốc gia ven biển như Việt Nam hay Philippines đều có các vùng biển như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Và theo đó, Việt Nam hay Philippines đều có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ, trong đó có các quyền khai thác đối với các tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng, Việt Nam đã thăm dò dầu khí trong vùng biển “đang tranh chấp” giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Vùng biển mà Trung Quốc cho là vùng “đang tranh chấp” với các nước chính là vùng biển nằm bên trong “đường lưỡi bò” vốn bị phản đối của tất cả cộng đồng quốc tế.

Thực tế gần đây cho thấy, tranh chấp Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất trong khu vực do Trung Quốc yêu sách gần 80% biển Đông sẽ có tác động rất lớn đến việc phân định các đường biên giới biển của khu vực này trong tương lai, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và hàng hải trên thế giới, và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền lợi trên biển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu lại lịch sử ra đời của “đường lưỡi bò” này, cũng như các luận điểm pháp lý xoay quanh nó và thái độ của các học giả cùng cộng đồng quốc tế đối với “đường lưỡi bò” này.

2. Lịch sử ra đời “đường lưỡi bò”

Theo một số học giả cả ở Trung Quốc, ở Đài Loan và các nơi khác(1) thì tháng 1 năm 1948, Bộ Nội Vụ Đài Loan công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Bản đồ các đảo trên Nam Hải), tháng 2 năm 1948 bản đồ này được xuất bản chính thức, trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà nhiều học giả Trung Hoa gọi là “đường hình chữ U” hay “đường chín đoạn”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông(2), đường này được thể hiện trên bản đồ lúc đó là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn.

Một số học giả Trung Hoa còn muốn đẩy xa hơn thời điểm xuất hiện đầu tiên của “đường lưỡi bò”, họ cho rằng bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” đầu tiên đã từng xuất hiện trong một bản đồ của một cá nhân có tên là Hu JinJi(3) (Hồ Tấn Tiếp) năm 1914, rồi sau đó lại xuất hiện trong một bản đồ cũng của một cá nhân khác là Bai Meichu (Bạch Mi Sơ) năm 1936, tuy nhiên các sử liệu về đường lưỡi bò này còn nhiều điều không rõ ràng(4), và các học giả này cũng thừa nhận “không biết là liệu Bạch có đủ kiến thức về luật hàng hải quốc tế trong thời điểm ông ta vẽ (bản đồ này) hay không?”(5).

Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại phải chạy ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (sau đây gọi tắt là Trung Quốc), quốc gia này sau đó thay thế Cộng hòa Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Đài Loan) trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc(6). Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.

Trong bản đồ đó đường chữ “U” hay “đường lưỡi bò” này được thể hiện bao trùm xung quanh cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

“Đường lưỡi bò” này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ (hai đoạn đầu tiên đi qua Vịnh Bắc Bộ), rồi chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam tới cực Nam của bãi đá san hô Scaborough Shoal (Tăng Mẫu) tại vĩ tuyến 40 Bắc và sau đó quay ngược lên phía Bắc theo hướng đi song song với đường bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan của Philippines và quần đảo Luzon, kết thúc tại khoảng giữa eo Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines(7). Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác(8).

Tuy nhiên, sau đó một thời gian, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra giải thích vì sao lại bỏ đi hai đoạn đó, thời điểm bỏ đi hai đoạn này cũng không nhất quán trong các tài liệu của các học giả Trung Quốc(9). Điều đặc biệt là trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả chính quyền Đài Loan lẫn Chính phủ Trung Quốc đều chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả.

Trong các tuyên bố và các văn bản luật quan trọng của chính phủ Trung Quốc như Tuyên bố về lãnh hải tháng 8 năm 1958, Tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải năm 1996, Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998 đều không thấy nhắc gì tới yêu sách “đường lưỡi bò” này cũng như không có bản đồ nào có hình “đường lưỡi bò” được đính kèm.

Năm 2009 là năm mà theo quy định của Công ước, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng(10) của mình lên ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 06/05 Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước(11), cùng khi đó, Việt Nam cũng gửi một Báo cáo riêng của mình lên CLCS(12).

Ngày 07/05/2009, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam(13) và Malaysia cũng như Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam(14), trong Công hàm phản đối này có kèm theo một bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích chính thức về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 này.

Cho đến nay, vẫn không rõ quan điểm chính thức của Trung Quốc về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” này. Mặc dù, trong Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 này, Trung Quốc cho rằng:

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và các vùng biển kế cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của vùng biển đó. Lập trường trên đây đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra một cách nhất quán và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi”(15).

Với công hàm ngày 7/5/2009 có kèm bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường này các học giả Trung Quốc coi là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng tìm cách kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa”.

3. Quan điểm của các học giả Trung Quốc đối với tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò”

Cho đến nay, việc giải thích về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” này đều do các học giả Trung Quốc và Đài Loan đưa ra, tuy nhiên, sự giải thích của các học giả này cũng rất khác nhau. Gao ZhiGuo(16) thì cho rằng đường này yêu sách quyền sở hữu với các đảo nằm bên trong hơn là một đường biên giới biển. Ông ta nhận xét: “Một nghiên cứu thận trọng đối với các tài liệu Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ các cột nước của vùng Biển Đông mà chỉ yêu sách các đảo và các vùng nước xung quanh chúng nằm trong đường này”(17). Còn Zhao LiHai thì cho rằng: “Đường đứt khúc chín đoạn thể hiện rõ lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc đối với 4 quần đảo trên Biển Đông và khẳng định ranh giới biển của Trung Quốc xung quanh các đảo ở Biển Đông đã thuộc lãnh thổ của Trung Quốc ít nhất là từ thế kỷ 15. Tất cả các đảo và vùng biển kế cận nằm trong đường ranh giới nên thuộc quyền tài phán và kiểm soát của Trung Quốc”(18).

Jiao Yongke cho rằng:

“Các khu vực biển nằm trong đường ranh giới biển Nam Hải của Trung Quốc cấu thành các khu vực biển mà Trung Quốc có danh nghĩa sở hữu lịch sử, các vùng này cấu thành vùng đặc quyền kinh tế đặc biệt, hay vùng đặc quyền kinh tế lịch sử của Trung Quốc, do đó, các vùng này phải có quy chế tương tự như quy chế của vùng đặc quyền kinh tế theo các quy định của Công ước Luật biển năm 1982” (19).

Cuối cùng, Zou Keyuan tin rằng Trung Quốc đã có yêu sách lịch sử nhưng yêu sách này có quy chế pháp lý tương tự như vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”(20).

Zhao Guocai cho rằng: “Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và vùng nước nằm trong đường yêu sách chín đoạn. Biển Đông được xem là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, đã được công nhận rộng rãi vào thời gian đó. Tính đến bây giờ đã nửa thế kỷ trôi qua”(21).

Pan ShiYing(22) thì cho rằng: “chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua việc ấn bản các bản đồ này muốn gửi ba thông điệp tới cộng đồng quốc tế:

1. Khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử.

2. Phù hợp với các công ước quốc tế, vị trí và hướng đi của con đường đứt khúc 11 đoạn này (sau thay bằng 9 đoạn) đã được vạch ra theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong biển Nam Trung Hoa và đường bờ biển của các quốc gia kế cận. Điều này đã và đang là hợp pháp vào thời gian đó của chiếm cứ, chiếm hữu và quản lý.

3. Thực tiễn sử dụng các đường đứt khúc hơn là một đường liên tục để đánh dấu một số các khu vực chủ chốt đã chỉ ra thực chất của việc “chưa dứt điểm” để lại những khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai.”

Nói cách khác, theo quan điểm này của Pan Shiying thì vùng nước do con đường này bao bọc là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của Trung Quốc. Con đường này chỉ là hình thức, còn danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc trên vùng biển này mới là nội dung.

4. Quan điểm của chính quyền Đài Loan

Nếu như phía Trung Quốc vẫn im lặng trước việc giải thích tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” thì chính quyền Đài Loan lại cho rằng vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” là “vùng nước lịch sử”.

Hai học giả của Đài Loan là Yann HueiSong và Peter Kien Hong Yu cho biết là năm 1988, sau cuộc đụng độ giữa hải quân của Trung Quốc và Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, một số học giả của Đài Loan đã được tập trung lại để nghiên cứu về vấn đề “vùng nước lịch sử” và bản chất pháp lý của “đường lưỡi bò”. Yann HueiSong và Kien Hong Yu cũng cho biết thêm là trong các nhà khoa học Đài Loan nói trên, hình thành hai nhóm có ý kiến đối lập nhau về vấn đề này(23): Một nhóm cho rằng vùng nước được bao bọc trong “đường lưỡi bò” nên được coi như là “vùng nước lịch sử” của Đài Loan. Lập luận này được chứng tỏ bởi hai lý do, thứ nhất, khi bản đồ được xuất bản vào năm 1948, không có sự phản đối cũng như không có phản ứng của quốc gia nào được đưa ra. Thứ hai, việc yêu sách các vùng nước bị bao bọc như là vùng nước lịch sử đã không vi phạm Điều 4(1) của Công ước. Nhóm thứ hai thì chống lại quan điểm này, họ cho rằng yêu sách vùng nước lịch sử của Đài Loan khó có thể biện minh được, bởi vì “đường lưỡi bò” được vạch ra một cách tùy tiện, không thể định vị đường này trên biển vì thiếu hệ thống tọa độ và khái niệm về “vùng nước lịch sử” đã trở nên lỗi thời, khó có thể sử dụng để trợ giúp cho yêu sách này của chính quyền Đài Loan.

Tuy nhiên, cuối cùng ủy ban nghiên cứu về vấn đề này của Đài Loan đã chấp thuận với quan điểm của nhóm đầu tiên.

Để chính thức hóa quan điểm đó, trong một tuyên bố chính thức, chính quyền Đài Loan đã cho rằng: “Về khía cạnh lịch sử, địa lý, luật quốc tế và thực tiễn, các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung sa (Macclesfield), Đông sa (Pratas) là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan; chủ quyền đối với các quần đảo đó thuộc về Đài Loan. Khu vực Biển Đông nằm trong giới hạn vùng nước lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Đài Loan, nơi mà Đài Loan sở hữu tất cả quyền và lợi ích liên quan”(24).

Năm 1994, một Bộ trưởng Hành pháp Chang Kinh-yu của Đài Loan cũng tuyên bố rằng “các vùng biển nằm trong “đường chữ U” ở Biển Đông là vùng nước lịch sử của chúng tôi và Đài Loan được hưởng tất cả các quyền tương ứng” (25).

Tuy nhiên, dường như gần đây quan điểm của chính quyền Đài Loan có những thay đổi nhất định, một ví dụ gần đây nhất là trong Tuyên bố tháng 5/2009 phản đối báo cáo của Việt Nam và báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia lên CLCS có nêu:

“Chính quyền Đài Loan nhắc lại rằng các đảo Điếu Ngư (Senkaku), Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield), và Đông Sa (Pratas) cũng như các vùng biển xung quanh là vùng lãnh thổ và vùng biển không thể tách rời của Đài Loan dựa trên các danh nghĩa chủ quyền không thể chối cãi được dựa trên các cơ sở lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, Đài Loan được hưởng tất cả các quyền và lợi ích đối với các đảo nêu trên, cũng như các vùng biển xung quanh và vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tương ứng” (26).

Trong Tuyên bố này ta thấy, các dẫn chiếu đối với quyền lịch sử/vùng nước lịch sử không còn nữa trong khi đó Tuyên bố này có vẻ tập trung vào chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và các vùng nước xung quanh(27).

5. Các luận điểm pháp lý đối với “đường lưỡi bò”

Các luận điểm pháp lý chủ yếu đối với “đường lưỡi bò” sẽ tập trung vào hai vấn đề:

Thứ nhất, “đường lưỡi bò” đã chính thức là yêu sách chưa?

Thứ hai, quan điểm hầu hết của các học giả Đài Loan, Trung Quốc và chính phủ Đài Loan đều cho rằng vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” được coi như “vùng nước lịch sử” của họ, do đã tồn tại một “danh nghĩa lịch sử từ lâu đời của Trung Quốc”, vậy thì vấn đề đó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế được giải thích như thế nào?

Về vấn đề thứ nhất, các học giả quốc tế (kể cả các học giả Đài Loan) cho rằng thời điểm chính phủ Trung Quốc gửi hai Công hàm ngày 7/5/2009 lên Liên Hợp Quốc, trong đó có kèm bản đồ có “đường lưỡi bò” mới là thời điểm đầu tiên bản đồ này xuất hiện công khai trước cộng đồng quốc tế(28).

Trong vấn đề này, ta có thể tham khảo ý kiến của thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu: “…một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”(29). Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu của mình cho rằng “Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía chính phủ Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về đường chữ U do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này”(30). Chúng ta còn nhận thấy, bên cạnh cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong công hàm, ví dụ như “các vùng biển liên quan” và “các vùng biển lân cận” gây khó hiểu vì các thuật ngữ đó không hề xuất hiện trong Công ước luật biển 1982. Sự cố ý mập mờ lại càng bị cường điệu hoá khi mà Trung Quốc vẫn chưa (cho đến năm 2011) thông qua bất cứ luật nào làm cho “đường lưỡi bò” có hiệu lực trong hệ thống luật quốc gia của họ(31).

Như vậy thì ngay cả việc gửi bản đồ có kèm theo “đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 mà không có giải thích gì khác thì cũng chưa hình thành một yêu sách, còn tới việc cho xuất bản bản đồ theo bản đồ của một cá nhân mà không công bố rõ ràng thì không thể gọi là một yêu sách lãnh thổ của một quốc gia được. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Các hành vi này phải có tiếng vang như những hành vi bình thường của một quốc gia. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử; ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội để biết được cái gì đang diễn ra(32).

Thứ hai, đối với vấn đề “vùng nước lịch sử” thì:

Khái niệm “vịnh lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” mà ở đó một quốc gia thực hiện quyền lực thuộc chủ quyền của mình đã được luật pháp quốc tế chấp nhận trong một số hoàn cảnh hạn chế. Điều 10 (6) của Công ước Luật biển 1982 thừa nhận sự tồn tại của một vùng nước như vậy, và một số các vịnh biển mà không đáp ứng được các tiêu chuẩn chính thức của một “vịnh” theo Điều 10 đã được trao cho quy chế này theo thời gian. Tuy vậy, phải nói rằng, cho đến nay chưa có một định nghĩa nào về “vùng nước lịch sử” được chấp nhận rộng rãi, nhưng theo nghĩa rộng, “vùng nước lịch sử” bao hàm các quyền thuộc về một quốc gia ven biển liên quan đến các vùng biển mà thông thường quốc gia đó không được hưởng. Phạm vi của các quyền liên quan đến vùng nước lịch sử khác nhau tùy từng trường hợp.

Khái niệm về yêu sách lịch sử được chấp nhận vào năm 1951 bởi Tòa án quốc tế (ICJ) khi phán xét về yêu sách của Na uy về vùng nước nằm tiếp liền bờ biển của nước này. Những yêu sách về chủ quyền lịch sử cũng được chấp nhận trong những hoàn cảnh thích hợp tại Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải. Gần đây, trong vụ án Vịnh Fonseca, Tòa án quốc tế đã chấp nhận vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử và vùng nước của nó là vùng nước lịch sử.

Năm 1962, ủy ban pháp luật quốc tế đã thực hiện một nghiên cứu với tựa đề: “Quy chế pháp lý của vùng nước lịch sử, bao gồm cả vịnh lịch sử”, trong nghiên cứu này đã có những câu trả lời cho câu hỏi những tiêu chuẩn nào sẽ được áp dụng để xác định tính hợp pháp của một yêu sách chủ quyền lịch sử. Nghiên cứu trên có cho biết rằng:

“Dường như có sự nhất trí tương đối chung rằng có ít nhất 3 yếu tố phải được xem xét khi quyết định một quốc gia có đạt được danh nghĩa lịch sử đối với một vùng biển hay không. Những yếu tố này bao gồm: (1) Việc thực thi chủ quyền đối với vùng biển mà quốc gia có yêu sách quyền lịch sử; (2) tính liên tục của việc thực thi chủ quyền đó; (3) quan điểm của các quốc gia khác”(33).

“Mặt khác, cần nhắc lại là quyền về các “vịnh lịch sử” được dựa trên việc thi hành hữu hiệu chủ quyền đối với vùng yêu cầu, cùng với thái độ không phản đối của các quốc gia khác. Chủ quyền được thi hành có thể là chủ quyền đối với các vùng nội thủy, hay chủ quyền đối với lãnh hải. Theo nguyên tắc, phạm vi danh nghĩa lịch sử mới xuất hiện không thể rộng hơn phạm vi chủ quyền đang thi hành hiện tại. Nếu quốc gia đưa ra đòi hỏi đã thi hành chủ quyền như đối với vùng nội thủy, thì vùng được đòi hỏi có thể sẽ là vùng nội thủy, và nếu chủ quyền được thi hành là chủ quyền đối với lãnh hải thì vùng đó có thể là lãnh hải” (34).

Như vậy, bất cứ chính quyền nào yêu sách vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử thì quy chế pháp lý đối với vùng nước này như thế nào? Nếu các vùng nước này được yêu sách như vùng nội thủy thì các chính quyền yêu sách đó phải chứng minh được là họ đã thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với các vùng nước bao bọc trong “đường lưỡi bò” qua một thời gian tương đối giống như đã thực thi chủ quyền đối với các vùng nội thủy khác. Nếu các vùng nước này được yêu sách như lãnh hải thì quốc gia yêu sách phải chỉ ra được rằng họ đã thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với các vùng nước bị bao bọc này trong một thời gian dài như họ đã thực thi chủ quyền đối với các vùng lãnh hải khác. Cũng tương tự như vậy, nếu họ muốn yêu sách các vùng nước bị bao bọc như là vùng nước quần đảo. Tuy nhiên, trong thực tế thì:

Đối với yêu sách như các vùng nội thủy

Theo chế độ pháp lý của các vùng nội thủy, một quốc gia ven biển thực thi chủ quyền đầy đủ đối với vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, tàu nước ngoài không có quyền đi qua không gây hại trong vùng nội thủy của quốc gia ven biển, trừ khi được sự đồng ý của quốc gia đó.

Vậy vùng nước bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò”có thể được coi là vùng nội thủy không? Câu trả lời đến ngay từ các học giả Đài Loan là không(35), bởi những lý do sau đây: thứ nhất, chính quyền Đài Loan chưa bao giờ yêu sách vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” như là vùng nội thủy. Thứ hai, tàu nước ngoài, trong đó có cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” này từ khi “đường lưỡi bò” này xuất hiện trên bản đồ do Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948, và chính quyền Đài Loan đã không có một hành động nào ngăn cản các tàu nước ngoài qua lại vùng này.

Đối với yêu sách như “lãnh hải”

Theo quy định tại Điều 3 Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS) thì: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”. Mọi quốc gia có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình. Tàu thuyền nước ngoài chỉ được hưởng quyền đi qua không gây hại cho trong vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển, trừ khi có các điều khoản, điều ước chuyên môn khác. Đối với vùng trời phía trên lãnh hải, các máy bay nước ngoài không được quyền bay qua không gây hại.

Vậy thì câu hỏi tiếp theo là các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” có thể được coi là lãnh hải của Trung Quốc không? Câu trả lời cũng là không. Máy bay nước ngoài đã bay qua vùng trời phía trên của vùng nước này từ năm 1948 khi bản đồ được xuất bản. Như đã trình bày ở trên, máy bay của nước ngoài không được phép bay qua không gây hại trên vùng trời phía trên lãnh hải của quốc gia ven biển.

Đối với yêu sách như các vùng nước quần đảo.

Khái niệm về các vùng nước quần đảo là một khái niệm mới trong luật biển quốc tế, được đưa ra trong Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần III (UNCLOS III), theo đó, các vùng nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng của quần đảo là vùng nước quần đảo, nó không phải là nội thủy, cũng không phải là lãnh hải. Một quốc gia quần đảo có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng nước quần đảo của mình. Chủ quyền quốc gia “được mở rộng đến vùng trời phía trên của vùng nước quần đảo cũng như đến đáy của vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các nguồn tài nguyên ở đó”(36). Tàu nước ngoài được quyền đi qua không gây hại tại vùng nước quần đảo, tàu biển và máy bay nước ngoài được quyền có đường hàng hải, đường hàng không đi qua vùng nước quần đảo.

Do chế độ pháp lý của “các vùng nước quần đảo” được phát triển trong giai đoạn hội nghị lần thứ III của UNCLOS (từ năm 1973 – 1982) và bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” xuất bản lần đầu năm 1948, nên khó có thể chứng minh được vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” đó có được quy chế pháp lý của các vùng nước quần đảo, chính quyền Đài Loan cũng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không thực thi chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này, tàu và máy bay nước ngoài vẫn tiếp tục được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng nước nằm trong đường này, thay cho quyền đi qua không gây hại và quyền được qua lại các tuyến hàng hải và hàng không đã được ấn định của vùng nước quần đảo. Vì thế, có thể kết luận là toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” không thể được xem là các vùng nước quần đảo Đài Loan cũng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chưa kể tới việc tất cả các bộ chính sử của nhà nước phong kiến Trung Quốc, từ Sử ký cho đến Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”(37). Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc công ty Đông ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ(38)…

Một số học giả Trung Quốc như Zhao Li Hai, Pan Shi Yng cho rằng “đường lưỡi bò” biểu thị “đường biên giới truyền thống” của Trung Quốc. Ta có thể thấy “đường lưỡi bò” khó có thể là một đường biên giới quốc tế được vì nó không phải là con đường ổn định. Từ 11 đoạn, sau này Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Trong khi đó, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát(39). “Đường lưỡi bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó mà biểu thị là một đường biên giới được(40).

Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:

“Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”(41).

Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thủy của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của các nhà chức trách Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị các học giả đánh giá là mâu thuẫn với chính “đường lưỡi bò” (42).

Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc ngày 15/5/1996 càng làm cho sự mập mờ này của họ tăng lên bởi họ yêu sách một đường cơ sở nối cả Hoàng Sa nhưng lại không đề cập gì đến Trường Sa.

Các học giả Trung Quốc còn cho rằng cộng đồng quốc tế đã không lên tiếng phản đối để ngăn chặn sự củng cố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nên đã tạo cho yêu sách này của Trung Quốc được “mặc nhận”:

“Lúc tuyên bố về đường chín đoạn, cộng đồng quốc tế không hề thể hiện sự phản đối. Không một quốc gia lân cận nào bày tỏ phản đối ngoại giao. Sự im lặng này đối với một tuyên bố công khai có thể coi như tạo nên sự công nhận, và có thể nhấn mạnh rằng đường đứt đoạn đã được công nhận trong một nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một vài quốc gia Đông Nam á liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mới thắc mắc về quy chế pháp lý của đường chín đoạn”(43).

Zhao Guocai cho rằng: “Kể từ khi tuyên bố về đường chín đoạn, cộng đồng quốc tế vào thời điểm đó không hề đưa ra bất kỳ sự phản đối nào. Các quốc gia lân cận cũng không có phản đối ngoại giao nào về đường chín đoạn. Những yếu tố này cấu thành nên sự công nhận” (44).

Như đã trình bày ở trên, với sự mập mờ, không rõ ràng của Trung Quốc đối với việc xuất bản bản đồ có “đường lưỡi bò” nên chưa thể nói đó là một yêu sách lãnh thổ để các quốc gia khác phải lên tiếng. Chưa kể các luận điểm các học giả Trung Quốc đưa ra còn mâu thuẫn với các tuyên bố chính thức của chính quyền Trung Quốc.

Tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(45), và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận.

Sau khi Trung Quốc gửi hai Công hàm lên Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009, ngày 8/5/2009 Việt Nam đã gửi ngay Công hàm để phản đối:

“Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo này. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông như được minh hoạ trên bản đồ đính kèm với các Công hàm CLM/17/2009 và CLM/18/2009 không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế, do đó vô hiệu”(46).

Ngày 08/07/2010, Indonesia – một quốc gia lớn của ASEAN, không có những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng đã gửi công hàm No. 480 /POL-703/VII/10 lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách trên vùng biển này của Trung Quốc(47). Công hàm của Indonesia có nêu rõ:

“…Do vậy, dựa vào những tuyên bố trên, cái gọi là “bản đồ đường đứt đoạn” được kèm theo Công hàm Số: CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 nói trên rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.”

Trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng phản đối những yêu sách biển không tuân thủ Công ước Luật biển 1982, mà “đường lưỡi bò” chính là đối tượng được nhắc tới(48).

Ngày 5/4/2011, Philippines cũng gửi một Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc: “…yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về “các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển” (được đính kèm với Công hàm số CML/17/2009 và Công hàm số CML/18/2009) đã được nói trên ở đây, bên ngoài các cấu trúc địa chất của KIG, “các vùng nước liên quan” này không có cơ sở nào trong luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982”(49).

Như vậy, có thể thấy hoàn toàn không có cái gọi là “mặc nhiên thừa nhận” của cộng đồng quốc tế đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

6. Kết luận

Yêu sách về “đường lưỡi bò” bắt đầu từ một bản đồ của cá nhân, sau đó được Đài Loan xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Sau này, cả chính quyền Đài Loan và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều đã dựa vào bản đồ đó để chứng minh cho yêu sách về vùng biển này trên Biển Đông.

Bản chất thực sự của yêu sách này vẫn đang bị bao phủ bởi sự bí ẩn, Trung Quốc luôn mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Tuy nhiên, những hoạt động của Trung Quốc gần đây cho thấy, Trung Quốc thực tế đang yêu sách tất cả các vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng biển này.

Những phân tích về yêu sách này theo luật pháp quốc tế cho thấy vì cơ sở pháp lý thiếu thuyết phục cho nên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đưa ra những yêu sách lịch sử của mình với các tọa độ rõ ràng, và giữ im lặng về bản chất của đường lưỡi bò và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường đó” (50). Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng không nhất trí được với nhau về chế độ pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi đường lưỡi bò này(51).

Các học giả Trung Quốc đã nỗ lực tìm mọi luận cứ chứng minh cho yêu sách này của họ, còn các học giả nước ngoài thì đưa lại những ý kiến khách quan hơn. Nhóm Mark J Valencia cho rằng: “ một yêu sách của Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa là một vùng nước lịch sử không thể đứng vững được dưới góc độ pháp luật quốc tế hiện đại”(52).

Dựa trên pháp luật quốc tế hiện đại, chúng ta có thể kết luận về yêu sách về “đường lưỡi bò”này của Trung quốc “không có cơ sở yêu sách nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó(53)”, “yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết Biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh”(54).

Hoàng Việt*

Chú thích:

* Hoàng Việt, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Xem Li Jin Ming and Li De Xia , The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note ,Ocean Development & International Law, 34:287–295, 2003, trang 289; Yann Huei Song and Peter Kien HongYu, China’s “historic waters” in the South China Sea:an analysis from Taiwan, American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101); Zou Keyyuan, Law of the sea in East Asia, Routledge, 2005, trang. 49.

2. Chi Kin Lo, “ China’s policy towards territorial disputes”, Routledge, 1989, trang 43.

3. Peter Kien-Hong Yu, “The Chinese (Broken) U-shaped Line in the South China Sea: Points, Lines, and Zones”, Contemporary Southeast Asia 25, no. 3 (2003): 405-30

4. Kien Hong Yu trong tài liệu đã dẫn có trích lời một số học giả Trung Quốc cho biết năm 1990 Trung Quốc đã mời Bạch Mi Sơ đến để hỏi lý do ông vẽ ‘đường lưỡi bò” này, nhưng Bạch quá già nên không thể trả lời được. Nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi qua các thông tin về Bạch trên trang web:

http://baike.baidu.com/view/1161198.htmthì được biết Bạch đã qua đời từ năm 1940.

5. Peter Kien-Hong Yu, tài liệu đã dẫn, trang 407.

6. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay thế Đài Loan trở thành Thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ năm 1971.

7. Nien-Tsu Alfred Hu, “South China Sea: Troubled Waters or a Sea of Opportunity?”, Ocean Development and International Law, vol. 41, 2010, trang. 208.

8. Yann Huei Song, tài liệu đã dẫn, xem chú thích 1

9. Li Jinming and Li Dexia, trong tài liệu đã dẫn, trang 290 thì cho rằng năm 1953, Thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai đã bỏ đi hai đoạn này. Nhưng quan điểm này lại khác với quan điểm của Zou Keyuan, người cho rằng 2 đoạn này bị xoá đi vào những năm 1960s. Xem Zou Keyyuan, Law of the sea in East Asia, Routledge, 2005, trang 50.

10. Ngày 13/09/2009 là hạn chót các quốc gia phải nộp Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình lên CLCS.

11. Malaysia-CHXHCN Việt Nam, Báo cáo chung lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa theo điều 76.8 UNCLOS liên quan đến vùng biển phía Nam, Báo cáo tóm tắt, 5/2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/mys_vnm2009excutivesummary.pdf

12. CHXHCN Việt Nam, Báo cáo lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa theo điều 76.8 UNCLOS, Báo cáo riêng liên quan đến Thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: vùng biển phía Bắc (VNM-N), Tóm tắt Báo cáo, 4/2009, xem tại

www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm2009n_executivesummary.pdf

13. CHND Trung Hoa, Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, New York, 7/5/2009, CML/17/2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf

14. CHND Trung Hoa, Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, New York, 7/5/2009, CML/18/2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf

15. CHDCND Trung Quốc, Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, New York, 7/5/2009, CML/17/2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf CHND Trung Hoa, Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, New York, 7/5/2009, CML/18/2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf

16. Cao Chí Quốc hiện là một trong 21 thẩm phán của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS).

17. Li Jin Ming & Li De Xia, tài liệu đã dẫn, trang 291.

18. Dẫn lại theo Li Jin Ming & Li De Xia, tài liệu đã dẫn, trang 291.

19. Jiao Yongke, Dẫn lại từ Erik Franckx & Marco Benatar, “Dotted Lines in The South China Sea: Fishing for (legal) Clarity”, Tài liệu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại TP. HCM tháng 11 năm 2010, trang 11.

20. Zou KeyYuan, Hướng dẫn Chính sách đối với Biển Đông, Điểm 1.10, 10/3/1993, trong bài viết của Kuan-Ming Sun, “Policy of the Republic of China Towards the South China Sea: Recent Developments”, Marine Policy, vol. 19, 1995, tr. 408 (Phụ lục I).

21. Zhao Guocai, “Analysis of the Sovereign Dispute over the Spratlys under the Present Law of Sea”, Asian Review, vol. 9, 1999, tr. 22, dẫn lại từ Li Jin Ming & Li De Xia, xem chú thích 1, trang 293.

22. Pan Shiying (Phan Thạch Anh): The petropolotics of the Nansha islands – China’s indisputable legal case (Chính trị dầu mỏ của các đảo Nam Sa – lập luận pháp lý không thể tranh cãi của Trung Quốc), Economic Information & Agency, July 1996.

23. Yann Huei Song và Peter Kien Hong Yu, tài liệu đã dẫn.

24. Hướng dẫn Chính sách đối với Biển Đông, Điểm 1.10, 10/3/1993, trong bài viết của Kuan-Ming Sun, “Policy of the Republic of China Towards the South China Sea: Recent Developments”, Marine Policy, vol. 19, 1995, tr. 408 (Phụ lục I).

25. Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute:Who’s On First? International Boundaries Research Unit, Volume 2 Number 1, trang 14.

26. Bộ Ngoại giao Đài Loan, Tuyên bố của nước Cộng hoà Trung Hoa về Ranh giới ngoài thềm lục địa, n° 003, 12/5/2009, xem tại www.mofa.gov.tw/webapp/content.asp?cuItem=38077&ctNode=1036&mp=6.

27. Xem thêm Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan liên quan đến DOC do ASEAN và CHND Trung Hoa ký tại Campuchia vào 4/11/2002, xem tại www.mofa.gov.tw/webapp/ct.asp?xItem=2357&ctNode=1902&mp=6: “Chính phủ nước CH Trung Hoa nhắc lại chủ quyền lãnh thổ của mình đối với Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Parcel), Trung Sa (Macclesfield) và Nam Sa (Spratly) ở Biển Đông, những vùng mà mình có quyền hợp pháp theo luật quốc tế.”; Bộ Ngoại giao Đài Loan, Lập trường của Bộ Ngoại giao về chủ quyền của Đài Loan đối với các đảo ở Biển Đông 20/11/2007, xem tại www.mofa.gov.tw/webapp/ct.asp?xItem=27782&ctNode=1903&mp=6: “Các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Macclesfield Bank và Pratas luôn luôn là phần lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan, dù có nhìn từ góc độ lịch sử, địa lý, luật quốc tế hay đơn thuần là thực tế. Theo các nguyên tắc của luật quốc tế, chủ quyền của chính quyền Đài Loan đối với các đảo là không thể tranh cãi và Đài Loan có quyền hưởng tất cả các quyền lợi tương ứng.”; Bộ Ngoại giao Đài Loan, chính quyền Đài Loan nhắc lại chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và đã đề xuất sáng kiến Trường Sa tập trung Bảo vệ môi trường thay vì tranh chấp lãnh thổ, 15/8/2008, xem tại www.mofa.gov.tw/webapp/ct.asp?xItem=32920&ctNode=1903&mp=6: “Quần đảo Trường Sa, bao gồm Swallow Reef (Layang-Layang atoll), nằm trong vùng lãnh hải của Đài Loan. Từ góc độ lịch sử, địa lý hay luật quốc tế, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Macclesfield, Pratas và các vùng biển kế cận là một phần lãnh thổ và lãnh hải của Đài Loan.”; Bộ Ngoại giao Đài Loan. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan liên quan đến Đạo luật 2699 của Thượng viện Philippine và Đạo luật 3216 của Hạ viện, 6/2/2009, xem tại www.mofa.gov.tw/webapp/ct.asp?xItem=36914&ctNode=1902&mp=6: “về khía cạnh lịch sử, địa lý, thực tế hay luật quốc tế, các quần đảo Hoàng Sa, Truờng Sa, Macclesfield, Pratas, cũng như các vùng biển xung quanh là lãnh thổ của Đài Loan. Việc chủ quyền đối với các khu vực này thuộc về chính phủ chúng tôi là không thể chối cãi, Đài Loan có quyền và xứng đáng hưởng các quyền tương ứng. Bất kỳ yêu sách nào hay sự chiếm cứ các đảo này và các vùng nước xung quanh sẽ không được chính quyền Đài Loan công nhận.”

28. Xem Erik Franckx & Marco Benatar, “Dotted Lines in The South China Sea: Fishing for (legal) Clarity”, Tài liệu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại TP. HCM tháng 11 năm 2010, trang 4; Kuan-Hsiung Wang, “The ROC’s Maritime Claims and Practices with Special Reference to the South China Sea “, Ocean Development and International Law, vol. 41, 2010, trang. 247.

29. Kasikili/Sedudu Island, ý kiến riêng của Thẩm phán Oda. Xem tại http://www.icj-cij.org/docket/files/98/7587.pdf , trang 92 – 93.

30. Erik Franckx & Marco Benatar, tài liệu đã dẫn, trang 11.

31. Robert W. Smith, tài liệu đã dẫn, trang 224.

32. Tuyển tập các phán quyết, lệnh của Tòa án công lý quốc tế ICJ, 1951, vụ Ngư trường Anh – Na Uy, tr.116, 139; G. Fitzmaurice: “Luật pháp và điều lệ của Tòa án pháp lý quốc tế, 1951-1954”, BYIL 1954, quyển 30, tr. 1-30.

33. UN Doc. A/CN.4/143. Trong ILC Yearbook 1962, vol. 2, trang 13.

34. UN Doc A/CN.4/143. Trong ILC Yearbook, vol II, 1962, trang 23.

35. Yann Huei Song, tài liệu đã dẫn; Kuan-Hsiung Wang, “The ROC’s Maritime Claims and Practices with Special Reference to the South China Sea”, Ocean Development and International Law, vol. 41, 2010, trang. 248.

36. Điều 49, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)

37. Xem thêm, Phạm Hoàng Quân, Những ghi chép liên quan đến Biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6, 2011, tr.22-54.

38. Peter de Goyer and Jacob de Keyzer: An Embassy from the East – India company united Provinces to the Grand Tartar Cham Emperor of China…, thư viện Menzies, Australia, v. Ige. Rare b DS 708.N64

14. G.M.C Valero, Spratly archipelago: is the question of sovereignty still relevant?, IILS, University of the Philippines, Law Center, Diliman, Quezon city, 1993.

39. Tuyển tập các phán quyết , sắc lệnh của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), 1962, vụ đền Preáh Viheár,Tài liệu dịch của Ban Biên giới chính phủ, tr. 34

40. Yann huei Song & Peter Kien HongYu, tài liệu đã dẫn

41. Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute:Who’s On First? International Boundaries Research Unit, Volume 2 Number 1, trang 14.

42. Daniel J. Dzurek, đã dẫn, trang 15.

43. Li JinMing & Li DeXia, tài liệu đã dẫn, trang 290.

44. Zhao LiHai, dẫn lại theo Li JinMing & Li DeXia, tài liệu đã dẫn, trang 294.

45. Monique Chemillier- Gendreau, Sovereignty over Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, 208, p. 41

46. Việt Nam, Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, New York, 8/5/2009, 86/HC-2009, xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm_re_chn_2009re_vnm.pdf.

47.Xem tại

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010re_mys_vnm_e.pdf

48. Xem tại

http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm

49. Xem tại

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pdf…50. Yann Huei Song và Kien Hong Yu, đã dẫn

51. Daniel Dzurek, đã dẫn, tr. 13

52. Mark J. Valencia, John M. Van Dyke, and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, Martinus Nijhoff publisher, 1997, p 28

53. Yann Huei Song và Kien Hong Yu, như trên.

54. Brice M. Claget, Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 99.

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới