Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÀI LOAN MUỐN DÙNG VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN ĐỂ NÂNG CAO ...

ĐÀI LOAN MUỐN DÙNG VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN ĐỂ NÂNG CAO VỊ THẾ CHÍNH TRỊ Ơ KHU VỰC VÀ TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Chỉ được coi là một thực thể kinh tế, Đài Loan không có quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng nên không gian hoạt động đối ngoại bị hạn chế. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông nóng lên do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên biển, Đài Loan đang tranh thủ cơ hội này để nâng cao vị thế của mình ở khu vực.

Những động thái của Đài Loan liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông gần đây thể hiện rõ ý đồ này. Chúng ta cùng phân tích những động thái của Đài Loan liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông để thấy rõ ý đồ này của Đài Loan.

 

1. Đối với Biển Đông, về cơ bản quan điểm của Đài Loan về các tranh chấp biển gần giống như quan điểm của Trung Quốc Đại lục vì Chính quyền ở Đài Loan chính là chính quyền Trung Hoa Dân Quốc – Chính quyền tiền nhiệm của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở Đại lục. Đài Loan yêu sách với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa ở Biển Đông và vùng biển theo yêu sách “đường lưỡi bò” vẽ năm 1947. Tuy nhiên, do không có địa vị chính trị ở khu vực nên Đài Loan không được tham gia vào quá trình thảo luận giải quyết các tranh chấp trên biển dù là đàm phán song phương đa phương. Đài Loan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được tham gia vào các cơ chế đa phương về các vấn đề trên biển, mong muốn được tham gia vào quá trình xây dựng Quy tắc ứng xử ở Biển Đông DOC, nhưng không được các nước liên quan hưởng ứng.

alt

Đài Loan hiện đang chiếm giữ đảo Ba Bình (đảo lớn nhất) trong quần đảo Trường Sa. Thời gian qua, cùng với những hoạt động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, Đài Loan cũng ráo riết triển khai các hoạt động trên thực địa tại vùng đảo này, đồng thời chủ động giao thiệp với các bên liên quan về vấn đề trên biển, tăng cường phát biểu công khai về các vấn đề trên biển như: đưa ra Ba Bình nhiều vũ khí trang thiết bị mới gồm pháo 40 mm và súng cối 120 mm; đưa tàu chiến đấu xuống trực và lên kế hoạch đưa tàu nghiên cứu khảo sát xuống hoạt động; xây dựng kế hoạch kéo dài đường bay; tiến hành lắp đặt hệ thống ăng ten dẫn đường có chiều cao 7m, theo giới chức Đài Loan cho biết, sau khi hoàn thành, hệ thống ăng ten này sẽ cho phép tăng tần suất chuyến bay đến đảo Ba Bình. Đặc biệt, ngày 20/8/2012, Người phát ngôn cơ quan ngoại giao của Đài Loan tuyên bố sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình vào đầu tháng 9/2012. Đài Loan còn ngang nhiên gửi thông báo tới “các nước láng giềng” về việc bắn đạn thật và nhấn mạnh đây là cuộc diễn tập “thường kỳ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối kế hoạch này của Đài Loan. Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: Việc Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông; yêu cầu Đài Loan hủy bỏ kế hoạch này. Trong khi đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Hạ Quý Xương thì biện hộ cho hành động của mình, cho rằng Đài Loan tiến hành bắn đạn thật trên đảo “Thái Bình” là hành vi hợp pháp, sẽ không gây ra tình hình căng thẳng ở khu vực, đồng thời kêu gọi các bên ở Biển Đông tránh áp dụng các hoạt động phiến diện ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đồng thời tự kiềm chế, thông qua hiệp thương và đối thoại để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Điều này cho thấy Đài Loan đang muốn qua các hoạt động của mình để khẳng định vai trò và “thanh thế” của mình trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Một điểm mới đáng chú ý là, cùng với sự phát triển của quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan (giữa Trung Quốc và Đài Loan) thời gian qua, các cơ sở nghiên cứu của Đài Loan và Trung Quốc Đại lục đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, toạ đàm về vấn đề Biển Đông. Tại các cuộc hội thảo và toạ đàm đó, giới nghiên cứu của Đài Loan và Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường sự phối hợp giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Tuy Đài Loan và Trung Quốc Đại lục có đồng quan điểm trong vấn đề Biển Đông cả về yêu sách lẫn chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng việc triển khai trên thực tế hợp tác giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục trong vấn đề Biển Đông vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề phức tạp trong việc xử lý những vấn đề còn nghi kỵ lẫn nhau trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Do mục tiêu của Đài Loan trong việc tăng cường các hoạt động ở Biển Đông là nhằm mở rộng không gian hoạt động đối ngoại, tăng cường vị thế ở khu vực song đây lại chính là điều Trung Quốc muốn hạn chế Đài Loan.

2. Đối với biển Hoa Đông, Đài Loan nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với đảo Senkaku (tiếng Trung là Điếu Ngư). Đặc biệt là ngày 8/5/2012, trong phát biểu tại buổi lễ khai trương Triển lãm đặc biệt kỷ niệm 60 ngày Hiệp ước Hoà bình Trung – Nhật có hiệu lực, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã đưa ra sáng kiến hoà bình 5 điểm về tranh chấp ở biển Hoa Đông: (i) kiềm chế không tiến hành các hoạt động thù địch; (ii) gác tranh chấp và không từ bỏ đối thoại; (iii) tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; (iv) tìm kiếm động thuận về một bộ luật ứng xử (COC) ở Đông Hải; (v) thiết lập cơ chế hợp tác nhằm khai thác và phát triển nguồn tài nguyên ở Đông Hải. Trong bối cảnh Nhật đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Senkaku, Đài Loan chủ động đưa ra sáng kiến này hòng lôi kéo Nhật vào thảo luận về tranh chấp ở Đông Hải, khẳng định với quốc tế rằng Đài Loan là một bên tranh chấp ở Đông Hải, bao gồm cả quần đảo Senkaku. Đài Loan đang ráo riết vận động các nước ủng hộ sáng kiến được Mã Anh Cửu nêu ra ngày 8/5/2012; Đài Loan muốn nhân cơ hội nảy để tăng cường tiếp xúc với các chính giới cũng như các học giả của các nước để mở rộng không gian hoạt động đối ngoại của mình.

Khó khăn lớn nhất của Đài Loan trong việc thúc đẩy sáng kiến này là Đài Loan ở vị thế không có quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng xung quanh. Đặc biệt, các nước đều có lợi ích lớn trong quan hệ với Trung Quốc nên đều tránh tiếp xúc chính thức với Đài Loan lại càng không thể ủng hộ sáng kiến của Đài Loan cho dù nó có một số điểm tích cực (xây dựng COC ở Đông Hải. Đài Loan hiểu rõ vị thế của mình nên cũng không đặt mục tiêu cao là đưa sáng kiến này thành hiện thực, song Đài Loan muốn chí ít là sáng kiến này được đưa ra thảo luận tại các hội thảo để từng bước nâng cao vị thế của mình. Đáng chú ý là trong các tài liệu kèm theo sáng kiến này Đài Loan cho rằng tranh chấp về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) cần được giải quyết thông qua cơ chế đối thoại đa phương; Đồng thời Đài Loan đặt vấn đề đưa tranh chấp về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ra giải quyết tại Toà án Công lý quốc tế (ICJ). Đây là 2 điểm khác biệt so với chủ trương của Trung Quốc Đại lục trong việc giải quyết các tranh chấp biển (Trung Quốc Đại lục luôn phản đối giải quyết đa phương mà chủ trương giải quyết song phương các tranh chấp biển; Trung Quốc phản đối việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế).

Sở dĩ có sự khác biệt đó giữa Trung Quốc và Đài Loan là vì Trung Quốc được coi là một nước lớn với tiềm lục kinh tế ngày càng mạnh có vị thế quốc tế ngày càng cao và mang tính toàn cầu. Thông qua giải quyết tay đôi thì Trung Quốc có thể áp đặt ý kiến của mình lên đối phương. Đài Loan chỉ là một thực thể kinh tế, không có vị thế chính trị ở khu vực cũng như trên quốc tế; không có nước nào trao đổi song phương với Đài Loan về các vấn đề tranh chấp biển vì không muốn mất lòng Trung Quốc; Đài Loan muốn thúc đẩy trao đổi đa phương để có cơ hội tham gia dưới một góc độ nào đó. Trung Quốc phản không chấp nhận giải quyết các tranh chấp biển đảo tại ICJ vì Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý; họ muốn dùng sức mạnh để lấn án những yếu tố pháp lý. Đài Loan thì cho rằng hiện Nhật đang quản lý Senkaku (Điếu Ngư) nếu vấn đề được đưa ra ICJ thì Đài Loan có cơ khuyếch trương “thanh danh” của mình.

Tóm lại, cho dù Đài Loan hay Trung Quốc Đại lục thì đều chung nhau một dòng máu Đại Hán và luôn có tư tưởng bá quyền trong các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, bao gồm chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, do có vị thế khác nhau ở khu vực và trên trường quốc tế nên cách tiếp cận của Đài Loan và Trung Quốc Đại lục có khác nhau và mục tiêu của họ cũng khác nhau. Trung Quốc Đại lục thì đang muốn dùng sức mạnh kinh tế, quân sự của mình để thôn tính lãnh thổ, vùng biển của các nước láng giềng, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. Còn Đài Loan thì đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến biển cả ở Biển Đông lẫn Hoa Đông để tìm kiếm cơ hội nâng cao địa vị chính trị, mở rộng không gian hoạt động đối ngoại của mình. Mặc dù vậy, các nước láng giềng cần hết sức cảnh tỉnh với cả Trung Quốc Đại lục và Đài Loan; đề phòng khả năng cấu kết giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan trong việc thực hiện mục tiêu bá quyền, Đại Hán về biển đảo./.

                                                                      

                                                                        Thu Vân

                                                                                                                     

RELATED ARTICLES

Tin mới