Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHỌC GIẢ TRUNG QUỐC “CHUYỂN MÌNH” KHI NÓI VỀ BIỂN ĐÔNG CHĂNG...

HỌC GIẢ TRUNG QUỐC “CHUYỂN MÌNH” KHI NÓI VỀ BIỂN ĐÔNG CHĂNG ??

Gần đây, khi đọc báo chí và tạp chí nghiên cứu của Trung Quốc, tôi có thấy đăng một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn của một số học giả Trung Quốc khi phân tích tình hình Biển Đông. Trong số này tôi để ý đến học giả Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải. Vốn là một chính trị gia lão luyện và là một người tích cực biện hộ cho yêu sách đường lưỡi bò phi lịch sử, phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Ngô Sĩ Tồn được biết đến trong giới học giả Trung Quốc sau khi cho xuất bản cuốn sách “ khởi nguồn và sự phát triển của tranh chấp Nam Sa” hay “Tập tư liệu sưu tầm về vấn đề Nam Hải”…

Tôi còn nhớ, tháng 6 vừa qua, tại cuộc thảo luận về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC tổ chức, Ngô Sĩ Tồn từng bóp méo sự thật khi tuyên bố, những căng thẳng ở Biển Đông vừa qua “trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc.”

Cũng trong tháng 8 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn cho báo The New York Times, sau này được Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu đăng lại hôm 13/8, vị học giả này còn tuyên bố rất ngạo mạn và trịch thượng rằng “Trung Quốc không đòi kiểm soát toàn bộ Biển Đông mà chỉ muốn chiếm 80% diện tích Biển Đông thôi !?”. Ngô Sĩ Tồn còn ngang nhiên khẳng định, trên Biển Đông “không một hành động nào của Trung Quốc là không đúng lúc”.

alt

 

Tàu Hải giám TQ. Ảnh: Xinhua.net.

Tuy nhiên, trong báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore số ra ngày 19/8 tôi đọc thấy trong trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Ngô Sĩ Tồn đã thừa nhận: Việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông xem ra thì dễ, nhưng trên thực tế không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào. Ngô Sĩ Tồn còn kiến nghị Trung Quốc cần phải học theo “Hiệp ước Thân hiện và Hợp tác ASEAN” ký năm 2003, đề ra một hiệp ước tương tự, cam kết không dùng vũ lực giải quyết tranh chấp để tăng cường niềm tin an ninh lẫn nhau… và Bắc Kinh nên tìm biện pháp xoá bỏ sự nghi ngại của ASEAN cũng như khỏa lấp hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN.

Người thứ hai tôi muốn nói đến là chuyên gia Tô Hạo, học giả có tiếng của khoa Nam Á và Đông Nam Á của Học viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc. Tô Hạo đã từng đưa ra những phát biểu không mang tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tại Hội thảo về Biển Đông ở CSIS năm 2011, vị học giả này cho rằng “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có chứng cứ lịch sử”, nhưng khi bị các học giả quốc tế nhận xét rằng tuyên bố trên chẳng mang tính thuyết phục thì Tô Hạo đã lý luận rằng: “Hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại không thể giải thích đầy đủ và quyết định lợi ích cũng như quyền lợi của Trung Quốc về Biển Đông”, nghĩa là Trung Quốc tự đưa ra luật và tự quyết định luật.

Tuy nhiên, gần đây, trong mục Ý kiến của báo China Daily hôm 6/7/2012, tôi có đọc bài viết của Tô Hạo với nhan đề “Phép thử cho quan hệ Trung Quốc – ASEAN”. Trong bài viết, Tô Hạo nhận thấy “hình ảnh mà Trung Quốc phải dày công mới đạt được, như là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực Đông Nam Á, đang phải đối mặt với khủng hoảng về lòng tin”.

Tô Hạo thừa nhận một thực tế là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông lo ngại rằng sự lớn mạnh và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, kết hợp với tinh thần dân tộc ngày càng tăng, sẽ đẩy Trung Quốc đến chỗ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tô Hạo nhận xét rằng trong nội bộ Trung Quốc đang có những tiếng nói diều hâu, cực đoan, kêu gọi sử dụng vũ lực, đồng thời cắt đứt quan hệ với ASEAN, và cho rằng “việc sử dụng vũ lực chống Việt Nam và Philippines chỉ đẩy hai nước này, và có thể là tất cả các nước ASEAN, vào vòng tay của phương Tây, khiến cho các công sức ngoại gaio hàng chục năm nay của Trung Quốc đối với Đông Nam Á trở thành công cốc” và “hệ quả là Trung Quốc sẽ không đạt được các mục tiêu chiến lược, thay vào đó, sẽ tạo ra một môi trường rất khó khăn. Trong trường hợp đó, biển Nam Trung Hoa sẽ trở thành một cái bẫy trên con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”.

Thêm nữa, Trong bài viết “ Vấn đề Biển Đông sẽ không trở thành cục diện bế tắc”, đăng trên tuần báo kinh tế Trung Quốc số 34/2012, tôi đọc thấy Tô Hạo, giờ đây đã là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quản lý khủng hoảng thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói “ trong tương lai, phương thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ truyền thống có thể sẽ không giai quyết được vấn đề một cách hoàn toàn và thực sự. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có tư duy và biện pháp mới để giải quyết, không nên giải quyết vấn đề theo tư duy “cùng thua” và phương thức“ anh còn tôi mất”. Tất nhiên, những vấn đề này còn phải tiếp tục tìm kiếm, làm thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông là một công việc cần tất cả các nước, kể cả Trung Quốc phải suy nghĩ”.

Tình hình Biển Đông hiện nay luôn luôn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn và rất phức tạp do các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, song hành với những hành động táo tợn của nước này nhằm cố hiện thực hóa chủ trương độc chiếm, biến Biển Đông thành ao nhà của mình, đang gây mất ổn định đối với hoà bình, anh ninh trong khu vực và làm ảnh hưởng tới nhịp sống kinh tế của các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông. Ngô Sĩ Tồn và Tô Hạo được biết đến là những học giả luôn tìm mọi cách, kể cả nói bừa, để giải thích cho những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, qua đọc những phát biểu gần đây, tôi đang suy nghĩ có phải là họ đã “chuyển mình” trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông ?. Điều đó chúng ta còn chờ xem. Nhưng chí ít thì họ cũng đã nhận ra rằng giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những lời lẽ hiếu chiến, đe dọa sử dụng vũ lực chỉ làm tổn hại nghiêm trọng sức mạnh của Trung Quốc cũng như hình ảnh của nước này đối với thế giới. Chí ít thì những phát biểu này cũng khác với những phát biểu sặc mùi bành trướng và chiến tranh của một số nhân vật trong giới quân sự Trung Quốc thường xuyên trả lời phỏng vấn về vấn đề quốc phòng và Biển Đông như thiếu tướng hải quân Doãn Trác, Uỷ viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó tổng thư ký Ủy ban Chính sách an ninh quốc gia thuộc Hội Nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc; Thiếu tướng La Viện ở Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc; Chuẩn đô đốc Dương Nghị thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Thiếu tướng không quân Kiều Lương.

Minh Trí, 9/2012

RELATED ARTICLES

Tin mới