Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Đảo nhỏ- rắc rối lớn

Biển Đông: Đảo nhỏ- rắc rối lớn

BienDong.Net: Tất cả những tranh chấp trên Biển Đông đều liên quan đến khu vực gọi là “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu hết Biển Đông. Đó là nhận định của SCOTT NEUMAN trong bài viết về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và Đông Á, đăng trên ấn phẩm điện tử NPR.

Bài báo viết: Một cơn bão đã ngấm ngầm hình thành trong nhiều thập kỷ qua tại Biển Đông và không liên quan đến thời tiết. Thay vào đó, đây là một cơn bão những yêu sách đối chọi nhau liên quan tới một chuỗi các đảo nhỏ không người chạy vòng trên Biển Đông và vươn xa hơn lên phía bắc.

Chúng có một điểm chung: Trung Quốc đòi quyền kiểm soát các hòn đảo này.

Trong chuyến thăm châu Á tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã xen vào cuộc cuộc tranh cãi mới nhất, ở đây là giữa Trung Quốc và Philippine, liên quan đến một nhóm đảo gồm các bãi đá và đảo san hô mà phía Philippine gọi là Bãi cạn Scarborough, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.

alt

Tháng trước, Trung Quốc đã chặn lối vào bãi Scarborough bằng cách chăng dây qua vùng hồ nước hình móng ngựa này để ngăn không cho ngư dân của Philippine chỉ nằm cách đó 120 dặm về phía Đông tiến vào hồ.

Còn tuần này, Nhật Bản công bố đã đạt được thỏa thuận với các chủ tư nhân để mua lại 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku ( thực chất là 3 đảo- BDN )ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Nhật. Trung Quốc đã nhanh chóng lên án hành động trên là “bất hợp pháp và không có giá trị”.

Robert Kaplan, nhà phân tích địa chính trị cấp cao của hãng tin Stratfor và là tác giả cuốn sách sắp xuất bản mang tên “Revenge of Geography” nói các yêu sách của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ vấn đề kinh tế và uy tín quốc gia. Ông nói thêm: “Đó là ngưỡng tin mang tính lịch sử, rất giống với niềm tin đã thúc đẩy nước Mỹ hành động tại vùng biển Caribê trong suốt phần lớn thế kỷ 19 và 20.

Trung Quốc coi các đảo này và coi việc kiểm soát rộng lớn hơn đối với các vùng biển lân cận như là một quyền lịch sử, hợp với vai trò cường quốc thống trị ở Đông Á mà họ vừa đạt được. Còn một yếu tố nữa: Đây là một vùng biển chiến lược với dự trữ dầu và hơi đốt khổng lồ mà về tiềm năng có thể giúp nuôi dưỡng các ngành công nghiệp và các thành phố đang khát nhiên liệu của Trung Quốc.

Phát biểu tại Indonesia trước khi đặt chân đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhắc lại lập trường của Mỹ cho rằng “những vụ tranh chấp biển đảo”- vốn đang đẩy Trung Quốc vào cuộc xung đột với hầu hết các nước láng giềng có chung đường biển với họ- “cần phải được giải quyết trên tinh thần hợp tác, không gây áp lực, không hăm dọa, đe dọa và không sử dụng vũ lực”.

 alt

Cảnh sát Nhật bắt giữ nhóm người mang cờ Trung Quốc và Đài Loan đổ bộ lên Uotsuri Island, thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ( Ảnh AP )

Tuy nhiên, gây áp lực, hăm dọa, đe dọa và thậm chí đôi khi sử dụng vũ lực lại là một phần của những tranh chấp đó, trong đó có rất nhiều tranh chấp bắt đầu từ Thế chiến 2. Các yêu sách và phản yêu sách của các bên đều có thể rất phức tạp… Tất cả những tranh chấp trên Biển Đông đều liên quan đến khu vực được biết đến là “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu hết Biển Đông.

Xa hơn nữa về phía Bắc, Bắc Kinh và Tokyo cũng đang tranh cãi gay gắt về quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong 40 năm qua, đã hai lần xảy ra đấu súng giữa các lực lượng hải quân Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam), nơi Trung Quốc đã thiết lập một lực lượng đồn trú. Tháng trước một chiếc tàu chở người Hồng Kong đã tới quần đảo SenKaku với ý đồ chiếm quần đảo này, nhưng bị lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đẩy lùi.

Trong một hành động khiêu khích tương tự, một nhóm nghị sĩ Đài Loan đã tới quần đảo Trường Sa để quan sát cuộc diễn tập bắn đạn thật do lực lượng phòng vệ bờ biển Đài Loan tiến hành.

Giáo sư John Ciorciari chuyên gia các vấn đề quốc tế của trường Đại học chính sách công Michigan nói: “Tôi nghĩ rằng điều làm cho tình hình tại khu vực Biển Đông trở nên đặc biệt gay cấn đó là lợi ích chiến lược của Trung Quốc trùng khít quá nhiều với lợi ích kinh tế tại Biển Đông.

Lợi ích kinh tế có thể là rất lớn. Các con số ước lượng chênh lệch nhau rất nhiều, nhưng một công trình nghiên cứu của Trung Quốc ước tính tiềm năng dự trữ dầu lửa tại Biển Đông là 213 tỉ thùng, tương đương 80% dự trữ dầu đã được xác định của Arập Xêút. Dự trữ khí đốt trong khu vực này lớn gấp 5 lần dự trữ của Mỹ.

Tuy nhiên, lợi ích chiến lược và chủ nghĩa dân tộc giản đơn cũng đóng vai trò quan trọng giống như vậy trong các tranh chấp. Trung Quốc tự cho mình là cường quốc thống trị trong khu vực, rất giống cách mà Mỹ trở thành thủ lĩnh trên thực tế tại Tây bán cầu, một vai trò mà Mỹ gọi là Học thuyết Monroe, được Tổng thống James Monroe thông qua đầu tiên vào năm 1823.

Christopher Johnson, Trưởng Ban nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nói: Trên quan điểm của Bắc Kinh, “ đây là một phần trong khu vực ảnh hưởng tự nhiên của Trung Quốc, và nó đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay”.

Chỉ có sự chuệch choạc trong 150 năm trở lại đây- mà người Trung Quốc gọi là thời kì sỉ nhục- đã khiến cho tình hình này thay đổi- ông nói. “ Giờ đây, Trung Quốc muốn sắp xếp lại cái mà Trung Quốc coi là tôn ti trật tự tự nhiên và cán cân trong khu vực”.

Việc sắp xếp lại này có thể phải mất thời gian, và mặc dù Trung Quốc không ngại sử dụng sức mạnh cơ bắp song họ cũng có thể chờ đợi, ông Ciorciari nhận định.

Tôi cho rằng lợi ích của Trung Quốc là giành thắng lợi tối đa trong các cuộc tranh chấp này và chịu thất bại tối thiểu theo dự kiến” ông nói. “ Bởi lẽ Trung Quốc chờ đợi rằng ( Bắc Kinh ) sẽ có sức mạnh tương đối lớn hơn so với các nước láng giềng của họ trong tương lai, Trung Quốc… sẵn lòng gác lại giải pháp cho vấn đề này cho tới khi họ có khả năng giải quyết nó với các điều kiện có lợi hơn”.

Kaplan, nhà phân tích của Stratfor cũng đồng ý như vậy: “Những hòn đảo này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông vì tất cả các nước có liên quan đều lần đầu tiên có khả năng triển khai sức mạnh hải quân trên biển, vượt ra ngoài phạm vi đất liền của họ”.

Trong những năm 1950, 1960 và đầu những năm 1970, Việt Nam, Philippine, Malaysia và Trung Quốc đều bận rộn với các vấn đề trong nước, với các cuộc nội chiến hoặc nổi dậy, hoặc cách mạng văn hóa trong trường hợp Trung Quốc. Chỉ đến cách đây trên dưới một thập kỉ mới có sự gia tăng đầy đủ sức mạnh quốc gia vì vậy các nước này mới có thể phô diễn sức mạnh ra bên ngoài.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nghi ngờ vai trò trợ giúp quân sự của Washington đối với các nước trong khu vực có tranh chấp biển đảo. Mỹ có mối quan hệ quân sự mật thiết với Nhật Bản, Philippine và  Đài Loan. Mỹ cũng có quan hệ tốt với Malaysia và một mối quan hệ ngày càng nồng ấm với Việt Nam.

Trung Quốc cũng nghi ngờ tuyên bố đứng trung lập của Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Tôi hy vọng (Mỹ )sẽ giữ lời hứa và làm nhiều hơn để giúp cho sự ổn định chứ không phải là làm điều ngược lại”.

Ngoài việc để mắt cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc, Mỹ cũng có lợi ích trong việc bảo đảm lưu thông hàng hải quốc tế tới khu vực không bị cản trở, điều mà Trung Quốc cũng cam kết thực hiện.

Ciorciari so sánh tình trạng án binh bất động giữa Trung Quốc và một số nước có yêu sách chủ quyền biển đảo trong khu vực như câu chuyện giữa Gulliver và người Lilliputians.

Ông nói: Người Lilliputians cần thời gian để ràng buộc Trung Quốc vào một mớ các quan hệ mà họ hi vọng sẽ cho họ ít nhất là cơ hội được chia sẻ nguồn lợi ( dầu lửa và hơi đốt thông qua những thỏa thuận chung, hơn là để cho Trung Quốc thi hành sự kiểm soát đối với toàn vùng Biển Đông”.

Tuy nhiên người Lilliputians cũng không dễ lùi bước. Đối với họ, cũng giống như Trung Quốc, đây là vấn đề chủ quyền quốc gia. Ngoài vấn đề tiềm năng thu nhập về dầu lửa và hơi đốt, cũng còn mối quan tâm sát sườn hơn liên quan đến quyền đánh cá…

Chương Dương ( chuyển ngữ )

RELATED ARTICLES

Tin mới