Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTIÊU CHUẨN KÉP CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRÊN...

TIÊU CHUẨN KÉP CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRÊN BIỂN

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông thời gian qua có một điểm chung là do những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về biển. Trên thực địa, cả ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, Trung Quốc đều dùng sức mạnh quân sự (tàu chiến, tàu khu trục, liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự…) để răn đe và lực lượng “chấp pháp” (tàu Hải giám, tàu ngư chính) và tàu cá với số lượng lớn để áp đảo đối phương.

Thời gian qua, Trung Quốc đã điều nhiều tàu chiến, bao gồm tàu khu trục và cả tàu ngầm tới các khu vực mà Trung Quốc cho là có tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, qua cách hành xử của Trung Quốc gần đây đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) và những gì họ đã làm với các nước ven Biển Đông thời gian quan cho thấy, Trung Quốc đang thi hành một tiêu chuẩn kép trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Một là, đối với tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc luôn yêu cầu các nước liên quan “giải quyết nội bộ” theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” không đưa vấn đề ra công khai; phản đối khu vực hoá, quốc tế hoá vấn đề Biển Đông; luôn yêu cầu các bên liên quan không nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, bao gồm cả các diễn đàn của Liên hợp quốc. Thậm chí, Trung Quốc còn dùng cả tài chính để lôi kéo, mua chuộc, phân hoá, chia rẽ các nước ASEAN như họ đã làm với Cămpuchia để ngăn cản việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN AMM 45 tại PhnomPenh tháng 7 vừa qua không ra được Tuyên bố chung.

Trong khi đó, Trung Quốc chủ động quốc tế hoá vấn đề quần đảo Senkaku trong tranh chấp với Nhật Bản và chủ động đưa tin công khai rộng rãi về các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Senkaku. Ngay sau khi Nhật công bố quyết định mua lại quyền sở hữu các đảo thuộc quần đảo Senkaku từ các công dân Nhật, Trung Quốc đã ra Tuyên bố về đường cơ sở của nhóm đảo Senkaku và các đảo phụ cận và ngày 13/9/2012, Trung Quốc đã nộp hồ sơ về đường cơ sở lên Liên hợp quốc; ngày 24/9/2012, Trung Quốc trình hồ sơ về thềm lục địa lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên hợp quốc, khẳng định những việc làm này là phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; ngày 25/9/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng trình bày quan điểm lập trường của Trung Quốc khẳng định Senkaku (Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc). Đặc biệt, tại phiên họp thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 67 cuối tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong phát biểu của mình đã chủ động nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Điều Ngư), trích dẫn một số sự kiện lịch sử để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, coi việc Chính phủ Nhật mua lại các đảo thuộc quần đảo Senkaku là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, là phủ nhận và thách thức nghiêm trọng trật tự thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2; đổ lỗi cho Nhật Bản “đánh cắp” nhóm đảo này của Trung Quốc.

alt

 

Tàu Ngư chính TQ. Ảnh: Internet.

Hai là, trong vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc luôn không tôn trọng luật pháp quốc tế; phủ nhận các giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 áp dụng cho các nước ven Biển Đông, thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông được quy định rõ ràng trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trong khi đó trong tranh chấp ở biển Hoa Đông thì Trung Quốc luôn đề cao các nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Báo chí Trung Quốc có nhiều bài viết viện dẫn các căn cứ của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để phản bác lại những lập luận của Nhật Bản đưa ra.

Ba là, trong vấn đề Biển Đông, để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đang có xu hướng đòi các đảo đá thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Trong Công hàm gửi Liên hợp quốc tháng 4/2011, Trung Quốc lần đã nêu yêu sách các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế riêng.

Trong khi đó, đối với các đảo đá ở biển Đông Hải thì Trung Quốc lại cho rằng không đủ điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 15 của Cơ quan quyền lực đáy đại dương của Liên hợp quốc họp ở Jamaica tháng 6/2009, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã cho rằng “yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ đảo đá của Nhật như điểm cơ sở đã ảnh hưởng đến các nguyên tắc quan trọng của Công ước và lợi ích của cộng đồng quốc tế” và “nếu quyền tài phán 200 hải lý được dựa trên quyền sở hữu các đảo không người ở, xa xôi hoặc rất nhỏ thì hiệu quả của việc quản lý quốc tế đối với không gian đại dương bên ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ bị suy yếu nghiêm trọng”. Tại Hội nghị lần thứ 19 của các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 tháng 6/2009 tại New York, Trung Quốc tái khẳng định “theo điều 121 của Công ước Luật biển 1982, các đảo đá không thích hợp cho con người ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng”. Quan điểm này của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những yêu sách của họ với các đảo đá ở Biển Đông.

Mặc dù trong lập trường của Trung Quốc được đăng tải trên các trang mạng của Liên hợp quốc, Trung Quốc phản đối việc thực hiện “tiêu chuẩn kép” đối với các tranh chấp, nhưng trên thực tế rõ ràng là Trung Quốc đang thực hiện một “tiêu chuẩn kép” đối với các tranh chấp ở Biển Đông và biển Đông Hải.

Vì sao Trung Quốc đang thực hiện “tiêu chuẩn kép” đối với các vấn đề liên quan ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Trung Quốc áp dụng 2 quan điểm và 2 cách làm khác nhau như vậy là để bảo vệ những yêu sách phi lý về các vùng biển của họ. Ở biển Đông Hải thì Trung Quốc muốn mở rộng thêm thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền của mình nên Trung Quốc đòi các đảo đá của Nhật Bản không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Còn đối với Biển Đông Trung Quốc đòi các đảo đá ở đây có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là nhằm mục tiêu biến các khu vực không tranh chấp (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được quy định trong Công ước Luật biển 1982) thành những khu vực tranh chấp để bảo vệ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ. Ở Biển Đông Trung Quốc không muốn quốc tế hoá tranh chấp để còn dùng sức mạnh của mình lấn át, “bắt nạt” các nước nhỏ ven Biển Đông. Còn ở biển Đông Hải, Nhật Bản thì do tiềm lực kinh tế của Nhật cũng chẳng thua kém Trung Quốc, có nhiều điểm còn nổi trội hơn và hơn nữa Nhật đang chiếm đóng trên thực tế nên Trung Quốc không còn cách nào khác là quốc tế hoá, làm rùm beng vấn đề để cố tình tạo ra khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 cần phải được áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ, công bằng đối với tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, ở tất cả các khu vực trên thế giới. Dù xét từ bất cứ góc độ nào thì việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế hay trong các vấn đề liên quan đến biển đảo đều bị lên án. Chỉ có những kẻ cường quyền muốn áp đặt ý kiến của mình thì mới áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với các vấn đề liên quan trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần thể hiện vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế, cần tôn trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Trung Quốc luôn khẳng định thi hành chính sách “phát triển hoà bình” và chính sách “láng giềng tốt” với các nước xung quanh. Do vậy, Trung Quốc hãy từ bỏ ngay quan điểm và cách làm theo kiểu “tiêu chuẩn kép” trong các vấn đề liên quan đến biển đảo. Thế giới chỉ có một chuẩn mực luật pháp quốc tế áp dụng cho cùng một loại vấn đề. Yêu sách về vùng biển ở Biển Đông hay biển Hoa Đông đều cần xác định theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, theo đó vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven biển cần được tôn trọng, quy chế của các đảo đá ở Biển Đông cần xác định theo điều 121 Công ước Luật biển 1982 nghĩa là chỉ có 12 hải lý, không có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

                                                                      Quang Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới