Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cho biết, Washington đang tìm cách làm rõ tuyên bố mới gần đây của Trung Quốc về việc cho phép cảnh sát nước này tiếp cận và kiểm tra các tàu nước ngoài tại Biển Đông.
Quy định được tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông báo vào tuần trước không rõ ràng về phạm vi và mục đích, ông Locke nói.
“Chính phủ Mỹ rất muốn làm rõ ý nghĩa của những quy định đó, nó sẽ được chính quyền Hải Nam và các cơ quan chấp pháp trên biển diễn dịch như thế nào, và mục đích của những quy định là gì”, ông Locke nói với Reuters bên lề một diễn đàn đầu tư ở Bắc Kinh hôm 5.12.
Các chuyên gia cho rằng Quy định có hiệu lực từ ngày 1.1.2013 của tỉnh Hải Nam cho phép cảnh sát biên phòng khám xét các tàu được cho là hoạt động trái phép trong khu vực mà Trung Quốc coi là vùng biển của họ có thể khiến cho nguy cơ xung đột ở các vùng biển tranh chấp sẽ tăng rất cao.
Một số nhà phân tích coi động thái của chính quyền tỉnh Hải Nam là một bước đi khác trong nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 4-12 đăng bài cho rằng ẩn sau quy định khám xét tàu bè ở biển Đông là mưu đồ của TQ nhằm tạo ra “một tình trạng bình thường mới”.
“TQ làm ra vẻ thực thi quyền tài phán trên biển nhằm tạo ra không khí bình thường lên các tuyên bố chủ quyền. Và nếu các nước không phản đối, tình hình này sẽ tạo nên một nguyên trạng mới ở Biển Đông”, bài báo viết.
Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, cho tới hiện tại, một số nước châu Á vẫn tin rằng, Trung Quốc không muốn có xung đột xảy ra đồng thời trên hai “mặt trận” hàng hải: Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với một số nước khác. Nhưng, việc Hải Nam thông qua những quy định mới đã chứng minh giả định ấy là không chính xác.
Trong bài viết trên tờ The Washington Times ngày 4.12 đô đốc Hải quân về hưu của Mỹ, James A. Lyons, cho rằng những hành vi gây hấn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là bất hợp pháp, không thể chấp nhận và phải bị lên án mạnh mẽ vì điều đó vi phạm nghiêm trọng tự do hàng hải, một nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke
Đài RFI cho biết trước phản ứng của dư luận, ngày 5.12.2012, ông Ngô Sĩ Tồn, lãnh đạo sở Ngoại Vụ tỉnh Hải Nam, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông, đã công nhận rằng : Các quy định mới về chặn xét và xua đuổi tàu ngoại quốc – được tỉnh này thông qua vào cuối tháng 11/2012 – chỉ là một sáng kiến cấp tỉnh.
Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. (Ảnh Reuters)
Trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại, quan chức này cho biết : “Đó không phải (là sáng kiến của Bắc Kinh). Chính các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đã khởi xướng điều này”. Ông Ngô Sĩ Tồn nói rõ thêm là các quan chức tỉnh của ông “ chắc chắn sẽ phải báo cáo lên trên và chắc chắn sẽ phải xin ý kiến từ ban bộ hữu trách”.
Như đã phát biểu gần đây với đặc phái viên nhật báo Mỹ New York Times, ông Ngô Sĩ Tồn nhắc lại rằng các quy tắc được cơ quan luật pháp Hải Nam thông qua vào tuần trước, một phần là nhằm đối phó với sự gia tăng của các tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Theo ông, các quy định mới đã được bàn bạc thảo luận từ một năm nay, nhằm bổ sung các quy tắc đã có từ năm 1999.
Một lần nữa nhân vật này chĩa mũi dùi vào Việt Nam khi nhấn mạnh : « Quy định mới nhắm vào các nước láng giềng mà các hành vi xâm nhập chủ yếu quanh vùng quần đảo Hoàng Sa rất nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập vào vùng Hoàng Sa… nhưng cho đến nay không có cơ sở luật định để trừng phạt họ ».
Nhưng trong một lập luận có thể coi là nhằm chia rẽ Việt Nam với phần còn lại của khu vực đang công khai tỏ thái độ rất quan ngại là các tuyến hàng hải quốc tế đi ngang qua Biển Đông bị quyết định khám soát của Trung Quốc gây trở ngại, quan chức Trung Quốc này đã nhắc lại lời hứa của chính quyền Bắc Kinh : “ Trung Quốc đã cam kết là tàu thuyền ngoại quốc luôn được hưởng quyền tự do lưu thông tại vùng Biển Đông, không hề bị ảnh hưởng của các quy định mới đó, cũng như không bị tác động của các tranh chấp chủ quyền”.
Biển Đông có nguy cơ trở thành vấn đề “Palestine của Châu Á”
Trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, một nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Nam Á vừa lên tiếng cảnh báo rằng các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có nguy cơ trở thành vấn đề ‘Palestine của Châu Á’, xấu đi thành cuộc xung đột bạo lực gây chia rẽ các nước và gây bất ổn toàn bộ khu vực.
Báo Anh The Financial Times dẫn lời ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước thành viên, nói rằng Châu Á đang bước vào một giai đoạn ‘cam go nhất’ trong những năm gần đây khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông cũng như có đụng độ với Việt Nam, Philippines và các nước khác trên vùng biển này.
Nhà ngoại giao Thái Lan nói rằng nếu các nước không tìm cách hóa giải tình thế một cách mạnh mẽ hơn mà vẫn có tiếp tục gây căng thẳng, thì vùng Biển Đông ‘có thể biến thành một Palestine khác’.