Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh tiếp tục phá hoại hoạt động kinh tế của Việt...

Bắc Kinh tiếp tục phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông

Sáng ngày 30/11/2-12, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn tại toạ độ 17026’02’’ vĩ tuyến Bắc và 10800 phút 02 giây kinh tuyến Đông thì Bắc Kinh cho 02 tàu cá số hiệu 16025 và 16028 cản trở và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, Bắc Kinh có hành động phá hoại hoạt đọng kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm ngoại giao phản đối hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Hà Nội nêu rõ hành động của Bắc Kinh đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành động sai trái tương tự. Tiếp đó, ngày 3/12/2012, Hà Nội đã công bố vụ việc cho dư luận biết. Bắc Kinh lấp liếm rằng Việt Nam thăm dò dầu khí trong vùng biển Trung Quốc và ngư dân Trung Quốc đánh cá trong vùng biển Trung Quốc. Bắc Kinh trắng trợn đòi Việt Nam đình chỉ hoạt động dầu khí tại vùng biển này.

1. Từ góc độ pháp lý. Vụ việc xảy ra ở khu vực phía Nam đảo Cồn Cỏ, nằm giữa bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc và tỉnh Quảng Trị của Việt Nam. Khi đo trên các loại hải đồ, mọi người đều thấy vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp lần này cách đường trung tuyến Việt Nam – Trung Quốc 20 hải lý về phía Tây. Như vậy, khu vực tàu Bình Minh 02 thăm dò hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển, tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh 02 ở phía Tây đường trung tuyến là hợp pháp, bình thường. Ở phía Đông đường trung tuyến, lâu nay Bắc Kinh vẫn triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí. Hà Nội không có ý kiến vì đó là vùng thềm lục địa Trung Quốc. Bắc Kinh không có bất cứ một cơ sở nào để yêu cầu Hà Nội dừng các hoạt động thăm dò tại đáy biển phía Tây đường trung tuyến.

Vùng nước ở phía Đông đường trung tuyến là vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc. Trước đây có trường hợp tàu đánh cá của Việt Nam vào đánh cá ở phía Tây đường trung tuyến và đã bị phía Trung Quốc bắt, tịch thu tàu và ngư cụ. Còn vùng nước phía Tây đường trung tuyến là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Tàu cá Trung Quốc chỉ được đánh cá ở phía Tây đường trung tuyến khi được phép của Việt Nam. Việc 2 tàu cá 16028 và 16025 của Trung Quốc tự tiện vào đánh cá trong khu vực tàu Bình Minh 02 đang thăm dò đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lâu nay, việc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang là một vấn nạn. Trong 10 năm qua có 4557 tàu cá Trung Quốc, tức là bình quân 450 tàu/năm, vào đánh cá trái phép ở vùng biển Đà Nẵng. Tại vùng biển Quảng Bình có 3319 tàu Trung Quốc vi phạm, tức là khoảng 310 tàu/ năm. Ngày 9/12/2012 trang mạng Vnexpess cho biết trong thời gian gần đây lực lượng biên phòng Hải Phòng đã xử lý 65 lượt tàu cá Trung Quốc với 460 ngư dân đánh cá trái phép trong vùng biển Việt Nam. Biên phòng Hải Phòng đã đã lập biên bản, cảnh cáo và sau đó phóng thích ngay trên biển 35 tàu với 315 ngư dân Trung Quốc.

2. Từ góc độ chính trị và quan hệ. Việc tàu cá Trung Quốc đánh cá tại khu vực tàu Bình Minh 02 hoạt động rõ ràng là sai trái. Vậy việc 02 tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp của tàu Bình Minh 02 là ngoài dự kiến hay trong dự kiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh?

Ngày 5/12/2012 ông Tập Cận Bình Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc có cuộc đối thoại với các chuyên gia nước ngoài. Ông Tập nói Trung Quốc đang theo con đường phát triển hoà bình và sẽ không trở thành mối đe doạ với bất kỳ nước nào; Trung Quốc sẽ không theo đuổi bá quyền hoặc theo chủ nghĩa bành trướng. Với Việt Nam, Bắc Kinh luôn khẳng định tăng cường phát triển quan hệ với Hà Nội theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Thông điệp của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rất hay. Đáng tiếc những việc làm của họ liên quan Biển Đông lại hoàn toàn trái ngược với thông điệp hoa mỹ đó.

Đặc biệt, Bắc Kinh tăng cường chèn ép Hà Nội hết sức thô bạo. Ngày 26/5/2011 họ cho tàu hải giám cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ở lô 148 thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày 11/6/2011, họ dùng tàu cá mưu toan cắt cáp thăm dò của tàu Viking II tại lô 136 cũng thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 23/6/2012, Bắc Kinh lại công bố mời quốc tế đấu thầu thăm dò dầu khí ở 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Bắc Kinh chưa hề gây ra những vụ việc nghiêm trọng như vậy với các nước láng giềng khác. Trên thế giới chưa có nước nào gây ra những vụ việc như vậy với các nước láng giềng. Nga là một cường quốc hùng mạnh. Nhưng Nga chưa gây ra những vụ việc tương tự với các nước láng giềng nhỏ bé như Latvia, Litva, Estoniav.v… Mỹ là một cường quốc hùng mạnh. Nhưng Mỹ cũng chưa gây ra những vụ việc tương tự đối với những nước láng giềng yếu hơn như Mexico, Canada. Thậm chí Mỹ coi Cuba là một quốc gia thù địch, nhưng Mỹ cũng không có các hành động bá quyền như vậy đối với Cuba.

Ở quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh tiếp tục chính sách bắt nạt Việt Nam. Vừa qua, tỉnh Hải Nam ban hành Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam với nhiều biện pháp cưỡng chế mạnh. Việc một quốc gia ven biển ban hành mới hoặc bổ sung các văn bản để quản lý các vùng biển của nước mình là bình thường. Cái không bình thường là phạm vi áp dụng của Điều lệ ôm cả các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, chính Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam Ngô Sĩ Tồn công khai tuyên bố là việc ban hành Điều lệ là nhằm vào Việt Nam. Trong 3-4 năm gần đây, Bắc Kinh đã chỉ đạo binh lính thu giữ tài sản của ngư dân Việt Nam hoặc bắt giữ ngư dân Việt Nam khi họ đánh cá ở Hoàng Sa. Dân Việt Nam nộp tiền chuộc là lính Trung Quốc thả người. Tiền chuộc đó tuy không lớn. Số cá cướp được tuy không nhiều. Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, những đồng tiền và những mớ tép như vậy cũng góp phần nhất định vào GDP của Trung Quốc cũng như trực tiếp cải thiện đời sống binh lính Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 1/12/2012 đúng lúc ông Lý Kiến Quốc, UV Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đang thăm Hà Nội, phía Trung Quốc đã cho người nhảy lên tàu QNg 90133 của ngư dân Huỳnh Quang Vũ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tại vùng biển Hoàng Sa ném toàn bộ lưới, dàn câu của tàu 90133 xuống biển. Sau đó lính Trung Quốc còn lấy đi hơn một tấn cá.

Từ đó, một điều mà người nào cũng nhận thấy: vụ cắt dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh ở phía Tây đường trung tuyến khu vực vùng biển giữa bờ biển Hải Nam và bờ biển tỉnh Quảng Trị ngày 30/11 vừa qua không phải là việc ngẫu nhiên. Đó là việc làm chủ ý, có tính toán. Bắc Kinh biết rõ nếu sử dụng tàu hải giám thì họ không thể che dấu, bào chữa, lừa bịp dư luận. Họ sử dụng ngư dân như là bia đỡ chỉ trích của dư luận quốc tế. Họ đã làm như vậy vào ngày 9/6/2011 tại lô 136 với tàu VikingII. Lúc đó họ đã không thành. Kịch bản này đã được lặp lại vào ngày 30/11/2012 ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Và lần này họ đã đạt được mục đích cắt cáp của tàu Việt Nam.

       Bắc Kinh sai Hồng Lỗi bào chữa cho việc làm bẩn thỉu của họ và đòi Việt Nam ngừng thăm dò tại khu vực biển này. Lâu nay Bắc Kinh vẫn tiến hành thăm dò dầu khí, thậm chí đặt đường ống, ở phía Đông đường trung tuyến của khu vực biển này. Họ làm được ở nửa phía Đông thì tại sao họ lại đòi Việt Nam ngừng thăm dò nửa phía Tây. Họ có sẵn sàng cam kết với Việt Nam là họ sẽ dỡ bỏ các công trình đang có ở đó không? Họ có sẵn sàng cam kết là không thăm dò ở nửa phía Đông không? Phần phía Đông họ làm nhưng phần phía Tây thì lại không cho Việt Nam làm. Có gì phi lý hơn nữa không? Có phải họ đưa ra chủ trương phi lý như vậy vì họ là cường quốc còn Việt Nam là nước nhỏ? Bắc Kinh nói khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là khu vực chồng lấn. Hà Nội liên tục đề nghị Bắc Kinh đàm phán để phân chia rạch ròi vùng biển của hai nước, nhưng Bắc Kinh cự tuyệt không chịu phân định. Hà Nội và Bắc Kinh đã phân định được toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Tại sao khu vực nhỏ hơn còn lại ở ngoài cửa Vịnh thì Bắc Kinh từ chối đàm phán phân định.

       Từ chối phân định rạch ròi, ngang nhiên thăm dò và tiến hành hoạt động kinh tế ở nửa phía Tây đường trung tuyến, nhưng lại cản trở, phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam ở nửa phía Tây. Đó chính là chính sách bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngày 30/11/2012 là một cái tát vào mặt các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Bắc Kinh cần hiểu rằng Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới