Ngày 11/12/2012, Đại hội đồng LHQ khoá 67 đã họp phiên toàn thể thảo luận đề mục “Luật Biển và Đại dương”. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã đọc tham luận, nói: “ Trung Quốc chủ trương tuân theo tinh thần của Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Trung Quốc luôn thi hành chính sách ngoại giao hoà bình, độc lập và tự chủ, thi hành chính sách hữu nghị hoà hợp láng giềng. Vê tranh chấp biển đảo và quyền lợi biển, Trung Quốc xưa nay chủ trương giải quyết trực tiếp thông qua thương thảo hữu nghị và đàm phán theo luật quốc tế, kể cả Công ước LHQ về Luật Biển 1982”.
Phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại LHQ nghe có vẻ rất phù hợp với xu thế hợp tác và phát triển hòa bình hiện nay trên thế giới, có vẻ như Trung Quốc đang tỏ ra là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến cả cộng đồng quốc tế. Có vẻ như Trung Quốc là một quốc gia rất tôn trọng việc thực thi Công ước. Nhưng nếu đơn giản chỉ tin vào điều Trung Quốc nói mà không xem trên thực tế Trung Quốc đang làm gì, Trung Quốc có thực sự tôn trọng và thực thi nghiêm túc những quy định nêu trong Công ước hay không, thì sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Trung Quốc là một quốc gia lớn ven biển, có đường bờ biển dài khoảng 18.000 km, hướng ra biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc là một trong 107 quốc gia ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982 tại Mongtego Bay ngày 10/12/1982 và phê chuẩn, trở thành thành viên của Công ước từ năm 1996. Với vị trí và vị thế một nước lớn như vậy, nếu Trung Quốc thực lòng tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển và theo đuổi chính sách phát triển hoà bình thì hẳn sẽ là một đóng góp lớn cho nhân loại, đóng góp lớn cho hoà bình trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh minh họa: Internet.
Nhưng nếu thực sự Trung Quốc tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thì vì sao Biển Đông, và cả Biển Hoa Đông trong những năm qua luôn luôn gia tăng căng thẳng, chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn của một cuộc xung đột vũ trang trên biển, lôi kéo sự can dự của nhiều quốc gia, đe doạ hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của các nước trong và ngoài khu vực. Vậy nguyên nhân là do đâu ?
Nguyên nhân trực tiếp của tình hình căng thẳng trên Biển Đông chính là từ cái yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc chính thức nêu trong Công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ngày 7/5/2009, trong đó nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy của vùng biển đó (xem bản đồ kèm theo)”.
Và cái bản đồ kèm theo là đường 9 nét đứt đoạn mơ hồ, không tọa độ nhưng chiếm gần trọn Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratleys), Trung Sa (Macclesfield Bank) và Đông Sa (Pratas), có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 hải lý. Đường này chạy sát bờ biển Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Trong công hàm nói trên, Trung Quốc đã sử dụng những khái niệm pháp lý được ghi nhận trong các văn kiện của luật biển quốc tế hiện đại, được quy định đầy đủ nhất trong Công ước LHQ về Luật biển 1982. Nhưng nếu đem soi những quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 để xem yêu sách của Trung Quóc có phù hợp với Công ước hay không, người ta có thể dễ dàng nhận thấy yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không tuân thủ các quy định của Công ước, thậm chí còn đi ngược lại nội dung cũng như tinh thần mà Công ước chứa đựng. Công ước quy định một quốc gia ven biển được phép có lãnh hải (chiều rộng tối đa 12 hải lý); quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải (hợp với lãnh hải thành vùng biển có chiều rộng tối đa 24 hải lý); vùng đặc quyền kinh tế (có chiều rộng rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở) và thềm lục địa (rộng tối thiểu 200 hải lý và tối đa là 350 hải lý). Như vậy, với cái “đường lưỡi bò” chiếm 80% diện tích Biển Đông, thì theo Công ước, yêu sách này đã đi quá mức các giới hạn pháp lý của các vùng biển mà Công ước đã quy định cho Trung Quốc, một quốc gia ven biển như bao quốc gia ven biển khác. Hơn nữa, yêu sách này còn lấn át thô bạo chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, những quốc gia có chủ quyền, thành viên của Công ước, và hoàn toàn bình đẳng với Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.
Ngay cả khi Trung Quốc lập luận rằng yêu sách “đường lưỡi bò” có được là do Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông (gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa và Đông Sa) thì lập luận này cũng không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Các đảo thuộc bốn quần đảo nói trên là những đảo, đá và bãi ngầm, không thích hợp cho con người đến ở và không có đời sống kinh tế riêng. Theo điều 121 của Công ước, những đảo này không có vùng ĐQKT và thềm lục địa, nên Trung Quốc không thể lợi dụng áp đặt chủ quyền đến gần hết diện tích Biển Đông. Các đảo này cũng không đủ điều kiện cấu thành quốc gia quần đảo để Trung Quốc lợi dụng cho các đảo được hưởng chế độ pháp lý quy định trong điều 46 và điều 47 của Công ước. Hơn nữa, các quần đảo nói trên đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney, cũng có tuyên bố chủ quyền với một phần hay toàn bộ các quần đảo này. Yêu sách “đường lưỡi bò” rõ ràng đã vi phạm những quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Kể từ năm 2009 đến nay, nhà cầm quyền Trung Quốc phớt lờ những tiếng nói phản đối từ cộng đồng quốc tế, ngang ngược tiến hành nhiều hành động nhằm pháp lý hoá và hiện thực hoá cái yêu sách vô căn cứ này. Năm 2012 là năm kỷ niệm 30 năm Công ước ra đời nhưng cũng là năm chứng kiến những hoạt động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Công ước.
Đầu tiên là sự kiện Scarborough tháng 4/2012 khi Trung Quốc gây hấn với Philippines tại Bãi cạn này, tuy nằm trong vùng ĐQKT của Philippines nhưng lại nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định rằng bãi cạn Scarborough và các vùng nước liền kề thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, là bộ phận cấu thành lãnh thổ của Trung Quốc tại quần đảo Đông Sa, một trong bốn quần đảo nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò”. Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì các tầu hải giám tại lối vào khu vực Bãi cạn, gây cằng thẳng quan hệ Trung – Phi, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực.
Tiếp đến tháng 6/2012, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, “quản lý” vùng biển rộng hơn 2 triệu Km2 nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò”. Từ đó đến nay, Trung Quốc ráo riết đẩy nhanh việc triển khai các hành động hợp thức hoá sự hoạt động của cái thành phố phi pháp này. Từ việc tổ chức bầu Chủ tịch và Hội đồng nhân dân; quy hoạch cơ sở hạ tầng cho “Tam Sa”; xây dựng các công trình phục vụ dân sự và quân sự; bố trí quân đội cấp sư đoàn đồn trú tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) đến xuất bản bản đồ “Tam Sa”; ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, cho phép cảnh sát biên phòng Hải Nam được khám xét, bắt giữ và trục xuất tầu thuyền nước ngoài “xâm nhập trái phép các vùng biển do chính quyền Hải Nam quản lý”(trong đó có vùng biển trong yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông)… Ngang ngược và trắng trợn hơn nữa là việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc ngày 23/6/2012 đã công khai mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, chỗ gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý của Việt Nam 30 hải lý, chồng lên các lô dầu khí mà Việt Nam đang hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài.
Công ước LHQ về Luật biển 1982, đến nay đã trở thành một văn bản pháp lý quốc tế có tính phổ cập, được 164 quốc gia tham gia. Công ước được đánh giá là bản hiến pháp về đại dương, là thành tựu của nhân loại, là kết quả của một quá trình hợp tác – đấu tranh – thoả hiệp lâu dài giữa các quốc gia có hệ thống chính trị, mức độ phát triển kinh tế và góc nhìn pháp luật khác nhau, cùng xây dựng lên một trật tự thế giới công bằng trong các hoạt động liên quan đến biển và đại dương. Là một thành viên của Công ước nhưng Trung Quốc lại đòi một vùng biển rộng lớn trên Biển Đông, ngang nhiên coi thường Công ước, lấn át các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông.
Để giải thích cho những hành động ngang ngược của mình, Trung Quốc không bao giờ viện dẫn đến các quy định của Công ước, chỉ ngang ngược nói đến “chủ quyền lịch sử”, chủ quyền “không thể tranh cãi” mà trên cơ sở luật pháp quốc tế Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được lập luận đáng để xem xét, bởi một lẽ rất đơn giản là nước này chưa bao giờ tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Trung Kiên.