Friday, July 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBỨC TRANH ĐÔNG NAM Á NĂM 2012

BỨC TRANH ĐÔNG NAM Á NĂM 2012

altĐông Nam Á năm 2012 trải qua những biến động sâu sắc về kinh tế, chính trị – xã hội và an ninh. Trong khi một bộ phận các nước thành viên ASEAN phục hồi nhanh và đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, tích cực tham gia liên kết khu vực, thì thình hình kinh tế – xã hội của một số thành viên ít được cải thiện; chênh lệch phát triển và xu hướng ly tâm trong ASEAN có chiều hướng gia tăng.

Thêm vào đó, sự tranh đua giành ưu thế địa chính trị giữa các nước lớn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là giữa Mỹ và TQ ngày càng phức tạp, đã vang đang tác động mạnh đến ASEAN và từng nước thành viên.

            KINH TẾ – XÃ HỘI KHU VỰC

            Với số dân hơn 600 triệu (năm 2012) và lực lượng lao động dồi dào, ASEAN trở thành một trong những thị trường quan trọng và là một trung tâm kinh tế phát triển năng động. Mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, sự suy yếu của kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế TQ và Ấn Độ, song trong năm 2012, kinh tế khu vực ASEAN vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm nay đạt khoảng 5,2%, trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Lào cao nhất khoảng 8,4%, tiếp đến là Campuchia (6,4%), Indonesia (khoảng 6,1%), Brunei khoảng 3,2%, Malaysia khoảng 4,4%, Myanmar khoảng 6,0%, Philippines khoảng 4,2%, Singapore khoảng 2,7%, Thái Lan khoảng 5,5%, Việt Nam khoảng 5,5%.

            Nhằm đảm bảo sự ổn định nền kinh tế vĩ mô đang bị tác động bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới, các quốc gia ASEAN đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát và đã tỏ ra khá hiệu quả. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp ở một số nước vẫn ở mức cao, chẳng hạn như ở một số quốc gia như Myanmar khoảng 28,4% (thang 7/2012), Philippines khoảng 7% (tính đến tháng 7/2012)…

alt

            Về mặt kinh tế đối ngoại, ASEAN tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác quan trọng như TQ, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, EU… Hiện nay, TQ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của TQ; ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ; Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ nhất trong số các nước nhập khẩu vào ASEAN đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 2 của khối. Hoạt động thương mại giữa ASEAN với Hàn Quốc, EU, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga… cũng không ngừng gia tăng.

            ASEAN đang xúc tiến tiến trình hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thúc đẩy mạnh mẽ các Hiệp định thương mại và hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), thỏa thuận Khu vực Mậu dịch tự do (FTAs)/ Đối tác kinh tế toan diện (CEP)… nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh, phát triển cân bằng, bền vững.

            Trong năm vừa qua, ASEAN đứng trước những thách thức to lớn, song vẫn duy trì vai trò trung tâm của các thể chế hợp tác đa phương khu vực.

            GIA TĂNG CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC GIỮA CÁC NƯỚC LỚN TÁC ĐỘNG TỚI KHU VỰC

            Một trong những đặc điểm nổi bật của tình hình chính trị Đông Nam Á năm 2012 là chiều hướng gia tăng mạnh mẽ sự tranh giành ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và TQ. Trong khi Mỹ đang nỗ lực chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang Châu Á – Thái Bình Dương, thì TQ cũng tích cực gia tăng ảnh hưởng của minh đối với khu vực, đồng thời, các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU cũng tích cực can dự tới Đông Nam Á.

            Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, chính quyền Obama đã từng bước điều chỉnh lại các ưu tiên đối ngoại quốc gia cũng như chiến lược toàn cầu của Mỹ, chuyển hướng trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông. Về mặt chính tri – ngoại giao, Mỹ can dự ở mức cao nhất với tổ chức ASEAN. Tháng 7/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Campuchia, ghi nhận sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ liên tục trong 4 năm (2009 – 2012) tại ARF, góp phần tạo cho ARF một vị thế nổi bật trong đời sống chính trị, an ninh khu vực. Mới đây Tổng thống tái đắc cử Barack Obama tiến hành chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Đông Nam Á từ ngày 17 đền 20/11/2012, thăm Myanmar và Thái Lan đồng thời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Campuchia và gặp gỡ cá nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEAN. Đây là lần thứ 2 Tổng thống Mỹ tham dự EAS và lần thứ tư gặp gỡ cấp cao Mỹ – ASEAN, thể hiện cam kết ở cấp cao nhất của Mỹ đối với một khu vực như Đông Á và Đông Nam Á.

            Về mặt an ninh – chiến lược, Mỹ đã tăng cường hợp tác an ninh – quân sự với các nước Đông Nam Á, cả với đối tác truyền thống và phi truyền thống nhằm tập hợp lực lượng, tạo ra cái cớ hợp pháp để can dự nhiều hơn vào các vấn đề khu vực, ngăn chặn đối thủ tiềm tàng. Tại ARF tổ chức tại Singappore thàng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố, đến năm 2020, Mỹ sẽ điều chuyển đến khu vực Thái Bình Dương 60% năng lực hải quân của mình, thay vì cân bằng tỉ lệ 50-50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương hiện nay.

Việc Mỹ quan tâm nhiều hơn tới Đông Nam Á, một mặt đóng vai trò tích cực, giúp duy trì cân bằng chiến lược và quyền lực tại khu vực, thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và an ninh khu vực; mặt khác, tạo ra những điều khó xử trong nội bộ ASEAN và quan hệ của ASEAN với các đối tác khác, nhất là với TQ. Hơn nữa vấn đề này có thể thúc đẩy thêm cuộc chạy đua vũ trang và tâm trạng chống cường quyền của các nước trong khu vực.

            TQ gia tăng ảnh hưởng và vai trò của mình trong khu vực nhằm hạn chế sự “bao vây kiềm tỏa” của Mỹ đối với mình. Bằng phương thức “ngoại giao kinh tế và viện trợ”, TQ tích cực lôi kéo một số quốc gia Đông Nam Á trở thành “đồng minh” của mình, và gia tăng áp lực đối với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với mình ở khu vực…

            Các cường quốc khác cũng gia tăng can dự với Đông Nam Á. Ấn Độ, Nhật Bản, Nga… không ngừng mở rộng quan hệ kinh thương mại, hợp tác đầu tư với các nước ASEAN.

            NHỮNG VẤN ĐỀ AN NINH ĐE DỌA TỚI SỰ ỔN ĐỊNH CỦA KHU VỰC NĂM 2012

            Trước hết là sự leo thang trong tranh chấp biển Đông. Năm 2012, khu vực đã chứng kiến sự leo thang mạnh mẽ trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa TQ với một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam. Điều này đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực, và tác đông đến sự điều chỉnh chính sách chiến lược của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có lợi ích ở biển Đông, cũng như làm gia tăng bất đồng quan điểm các quốc gia ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp giữa một số quốc gia có liên quan với TQ, thách thức với việc hiện thực hóa Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC) vào năm 2015.

            Thứ hai là nguy cơ leo thang trong xung đột tôn giáo – sắc tộc và “chạy đua vũ trang”. Các xung đột giữa các nhóm tôn giáo – sắc tộc chủ yếu liên quan đến vấn đề Hồi giáo, chủ yếu xẩy ra ở miền Tây Myanmar, miền Nam Philippines, miền Nam Thái Lan, Indonesia…

            “Chạy đua vũ trang” trong năm 2012 ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục gia tăng với việc các nước Đông Nam Á tăng mạnh chi phí quốc phòng nhằm xúc tiến hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng tự vệ, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia. Năm 2012, Thái Lan chi 167,5 tỷ Baht (5,5 tỷ USD), theo một số báo cáo do chính phủ Thái Lan công bố, chi tiêu quốc phòng tài khóa năm 2012 chiếm 7% tổng chi ngân sách nhà nước và gần 1,4% GDP nước này.

            Tóm lại, bức tranh Đông Nam Á năm 2012 tuy có phần phức tạp hơn so với những năm trước đó, nhưng nhìn chung là ổn định. Về cơ bản khu vực duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tâm trong các hợp tác quốc tế ở khu vực. Tuy nhiên, những biểu hiện về sự không thống nhất trong nội bộ ASEAN trong một số vấn đề năm vừa qua đang đặt cho tổ chức này thách thức to lớn về năng lực giải quyết các vấn đề liên quan đến khối và các thành viên.

RELATED ARTICLES

Tin mới