Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLUẬT BIỂN VIỆT NAM NĂM 2012 THỂ HIỆN QUỐC SÁCH HOÀ BÌNH...

LUẬT BIỂN VIỆT NAM NĂM 2012 THỂ HIỆN QUỐC SÁCH HOÀ BÌNH CỦA VIỆT NAM

altNgày 21/6/2012 Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam bằng đa số tuyệt đối 99,8% số đại biểu ủng hộ. Ngày 1/1/2013 Bộ Luật quan trọng đó bắt đầu có hiệu lực. Nhân dịp này Biendongnet xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả An Bình “Luật Biển Việt Nam năm 2012 thể hiện quốc sách hoà bình của Việt Nam”.

Quy định của Luật Biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp UNCLOS 1982

Luật Biển Việt Nam được xây dựng và thông qua đúng 30 năm sau khi Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982) được ra đời.

Việt Nam là một trong số 164 bên tham gia ký kết văn kiện pháp lý đa phương quan trọng này. Luật pháp quốc gia của Việt Nam không thể trái với các quy định của UNCLOS 1982. Vì vậy, mục đích của việc xây dựng và thông qua Luật Biển Việt Nam là nội luật hoá các quy định của UNCLOS 1982, nói cách khác là chuyển các quy phạm và nguyên tắc của luật biển quốc tế thành quy phạm và nguyên tắc luật pháp quốc gia của Việt Nam.

Cũng như các đạo luật về biển của các nước ven biển khác, trọng tâm của Luật Biển Việt Nam là quy định về các vùng biển của Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và các hải đảo. Khi đối chiếu nội dung các điều khoản của Luật Biển Việt Nam và UNCLOS 1982, dễ dàng thấy rằng quy định của các điều 9, 10 , 11, 12, 13, 14, 15, 15, 17, 18 và 19 v.v… trong Luật Biển Việt Nam về chiều rộng và quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam là bản sao các quy định tương ứng trong các Điều 2, 3, 19, 21, 23, 33, 57, 58, 76 và 77 v.v… của UNCLOS 1982. Về các quyền tài phán hình sự và dân sự ở trên một tàu nước ngoài, quy định của các Điều 30 và 31 Luật Biển Việt Nam cũng tương tự như quy định của các Điều 28 và 29 trong UNCLOS.

alt

 Ảnh minh họa: Internet.

 

Về quy chế đảo, Điều 20 của Luật Biển Việt Nam có 3 khoản quy định: “Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Nhà nước Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác như Philipies, Indonesuia, Malaysia, Brunei đều cho rằng các đảo đá san hô ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Còn Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định: “2.Với điều kiện tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.”và “3.Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Rõ ràng, ở khía cạnh này, nội dung Luật Biển Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung của UNCLOS 1982.

Dư luận quốc tế và khu vực (trừ Trung Quốc) phản ứng tích cực và đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam. Lý do ở đây là Luật Biển Việt Nam đã xử lý hài hoà, thoả đáng mối quan hệ giữa các quyền của Việt Nam và quyền của các nước khác trong các vùng biển Việt Nam. Luật Biển Việt Nam đã khẳng định rõ các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình. Đó là chủ quyền đối với vùng nội thuỷ và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Đó là quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rông 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý kể từ đường cơ sở.

Bên cạnh đó, Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định quyền hợp pháp và chính đáng của các nước khác trong các vùng biển của Việt Nam. Khoản 2 Điều 12 của Luật nêu rõ “tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam”. Riêng tàu thuyền quân sự phải thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi thực hiện quyền này. Điều cần nhấn mạnh là Luật năm 1992 về lãnh hải của Trung Quốc (Điều 6) hoặc luật về biển của một số nước khác đòi hỏi tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi thực hiện quyền đi qua không gây hại. Mức độ yêu cầu của Luật Biển Việt Nam thấp hơn luật của Trung Quốc và một số nước khác liên quan đến quy chế tàu quân sự nước ngoài. Thời điểm thông báo trước cho cơ quan chức năng của Việt Nam cũng rất linh hoạt. Tàu quân sự nước ngoài có thể thông báo trước 3ngày, 5 ngày, 7 ngày v.v…, nhưng họ cũng có thể thông báo trước 3-5 tiếng.

Về hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, khoản 2 Điều 16 và và khoản 4 Điều 17 Luật Biển Việt Nam quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tương tự các quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam nêu rõ cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép nghiên cứu khoa học, đặt dây cáp và ống dẫn ngầm trong các vùng biển của Việt Nam với sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam có những quy định rõ ràng về bảo vệ và gìn giữ môi trường trong các vùng biển Việt Nam cũng như hàng hải quốc tế. Thực chất, nội dung của các quy định này trong Luật Biển Việt Nam được chuyển hoá từ nội dung các điều khoản liên quan trong UNCLOS 1982.

Luật Biển Việt Nam luật hoá chủ trương của Việt Nam giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông

Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này không phải là điều gì mới mẻ. Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về việc phê chuẩn UNCLOS 1982 cũng đã nêu Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này. Năm 2003 Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biên giới quốc gia. Điều 1 của Luật này cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định công khai lâu nay. Tháng 11-2011, khi trả lời ý kiến của các vị đại biểu, Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đã nêu rõ các quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.Ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và Ông Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nhiều lần nêu rõ vấn đề này.

Tuy nhiên, hai quần đảo này đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và một số nước láng giềng (Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei). Chính phủ Việt Nam luôn luôn khẳng định chủ trương giải quyết hoà bình các tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các tranh chấp liên quan khác ở Biển Đông. Quy định tại khoản 4 Điều 5 của Luật Biển Việt Nam đã luật hoá chủ trương này “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.

Luật Biển Việt Nam không nêu các loại biện pháp hoà bình. Theo luật pháp quốc tế hiện đại thì đó là thương lượng, môi giới, trung gian, hoà giải, trọng tài quốc tế và toà án quốc tế. Lâu nay Việt Nam đang sử dụng biện pháp thương lượng với Trung Quốc và các nước láng giềng khác. Thương lượng là biện pháp tốt. Nhưng Trung Quốc luôn từ chối thương lượng để giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa. Họ cũng đòi các nước thương lượng như là biện pháp duy nhất. Họ đòi thế vì họ có thể lợi dụng ưu thế để ép các nước liên quan. Họ cũng sử dụng thủ thuật cứ đàm phán, nhưng kéo đàm phám triền miên, không đưa lại kết quả. Nhiều học giả trong nước và quốc tế đã nêu rõ Việt Nam không thể ảo tưởng đàm phán mãi vopứi Trung Quốc. Không sử dụng các biện pháp, đặc biệt là cơ chế toà án quốc tế Lahay và Toà án Luật Biển là Việt Nam mắc bẫy của Trung Quốc. Đã đến lúc chính quyền Việt Nam sử dụng cơ chế trọng tài quốc tế và toà án quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc, kể cả tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam không chỉ tham gia UNCLOS 1982 mà còn ký nhiều hiệp định, thoả thuận quốc tế về biển với các nước khác (Hiệp định phân định biển với Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Cambodia, Malaysia). Có thể các quy định của các văn bản đó khác, mâu thuẫn với các quy định của Luật Biển Việt Nam. Để xử lý những trường hợp như vậy, Quốc hội Việt Nam đã đề ra cách xử lý là áp dụng các quy định của UNCLOS 1982 và các hiệp định, thoả thuận đã ký với các nước khác (khoản 3 Điều 2). Có thể nói Luật Biển Việt Nam đã thể hiện chủ trương của Việt Nam ưu tiên luật pháp quốc tế so với luật pháp Việt Nam.

Điểm cuối cũng ở đây là Luật Biển Việt Nam đã tuyên bố chủ trương của Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực trong các vấn đề liên quan đến biển. Điều 6 của Luật liệt kê một loạt các lĩnh vực hợp tác về biển. Đó là điều tra, nghiên cứu biển và đại dương, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ biển; ứng phó với bíen đỏi khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; bảo vệ đa dạng sinh học biển và hệ sinh thái biển; bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, phòng chống tội phạm trên biển v.v…

Tóm lại, tuy rằng việc xây dựng và thông qua Luật Biển Việt Nam có chậm. Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn việc làm này của Việt Nam. Sau khi Luật Biển Việt Nam được thông qua, họ hồ đồ chỉ trích và can thiệp thô bạo vào một công việc nội bộ của Việt Nam. Việc thông qua bộ Luật này là một thành công của các nhà lập pháp nuớc nhà. Không thể vì mình là nước nhỏ mà chấp nhận để nước lớn chèn ép một cách phi lý. Luật Biển Việt Nam đã không phụ kỳ vọng của người dân Việt Nam cũng như của quốc tế và khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới