Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dư luận thế giới đang trông đợi những căng thẳng ở khu vực biển Đông Hải trước đây sẽ giảm đi nhờ vào những chính sách ngoại giao của ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh.
Nhưng có vẻ sự hy vọng đó đã nhanh chóng tan biến khi gần đây, những căng thẳng đó gần như không giảm đi mà ngày một gia tăng thể hiện rõ chính sách sách cường quyền và áp đặt của ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ động cử Đặc phái viên sang Trung Quốc cố gắng làm dịu tình hình, còn Trung Quốc thì kêu gọi đàm phán về Senkaku, nhưng Nhật Bản không chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc.
Trung Quốc một mặt kêu gọi Nhật có bước đi cụ thể trên vấn đề quần đảo Senkaku, mặt khác tiếp tục tăng cường tàu chiến, tàu cá đến khu vực Senkaku để gây sức ép với Nhật Bản làm cho căng thẳng ở biển Hoa Đông tiếp tục leo thang. Sau khi Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở biển Hoa Đông, kéo dài thềm lục địa của Trung Quốc đến tận rãnh sâu Okinawa, Nhật Bản đã có Công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc phản đối Báo cáo của Trung Quốc. Công hàm của Nhật nhấn mạnh khoảng cách bờ biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc hầu hết đều dưới 400 hải lý, nên việc Trung Quốc nộp Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở biển Hoa Đông lên Liên hợp quốc đã vi phạm nghiêm trọng Điều 83 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đồng thời Nhật Bản khẳng định quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản, không chấp nhận việc có tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku.
Đặc biệt trong những ngày cuối năm 2012, nhiều tàu cá Trung Quốc đã vi phạm vùng biển của Nhật Bản. Ngày 30/12/2012, lực lượng tuần duyên Nhật Bản thông báo bắt giữ tàu cá Trung Quốc cùng Thuyền trưởng Lâm Thế Khâm vì tàu này hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật đánh bắt trái phép san hô. Vị trí của tàu khi bị bắt chỉ cách bờ biển của Nhật thuộc tỉnh Kagoshima 130 km. Ngày 31/12/2012, Nhật Bản đã thả Thuyền trưởng Trung Quốc Lâm Thế Khâm cùng tàu cá và các thuyền viên sau khi Tổng Lãnh sự quán của Trung Quốc tại Fukuoka bảo đảm ông Lâm sẽ nộp phạt gần 50.000 USD trong vòng 30 ngày.
Theo thống kê của Nhật Bản, trong năm 2012, tàu công vụ của Nhật đã tiến hành tổng cộng 91 ngày tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku, cao cấp 7 lần so với năm 2011. Trong các ngày 22/12, 24/12, 25/12, 26/12/2012, máy bay trinh thám của Trung Quốc đã xuất hiện trên bầu trời gần quần đảo Senkaku; ngày 25/12/2012, Nhật đã điều máy bay chiến đấu F15 ra khu vực quần đảo Senkaku. Ngày 03/01/2013, Bộ Quốc phóng Nhật Bản đã cho công bố bản đồ hành trình của các máy bay Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Senkaku.
Trước những động thái mới của Trung Quốc gia tăng lực lượng hải quân, lực lượng chấp pháp (tàu hải giám và ngư chính) và lực lượng số đông tàu cá ở biển Đông Hải, Nhật Bản đã xem xét khả năng dùng lại các tàu tuần tra cũ và thuê lại nhân viên đã về hưu để bổ sung cho lực lượng tuần duyên của Nhật; đồng thời thành lập đội tàu mới gồm 12 chiếc để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku. Nhật Bản còn xem xét kế hoạch mua máy bay do tham không người lái hiện đại Global Hawk của Mỹ nhằm giúp lực lượng phòng vệ Nhật Bản tăng nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo để ứng phó hiệu quả hơn đối với áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên vấn đề biển đảo. Ngoài ra, Nhật Bản còn cân nhắc khả năng trang bị máy bay vận tải quân sự MV-22 Osprey cho lực lượng phòng vệ Nhật.
Ngày 01/01/2013, trong Thông điệp năm mới, Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập đến các vụ máy bay, tàu thuyền của Trung Quốc xâm nhập không phận và vùng biển của quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Ông Abe tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát, phòng vệ và phát triển các đảo hẻo lánh của Nhật Bản.
Theo một số nhà phân tích, do cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không chịu nhượng bộ nên căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku có thể dẫn đến đụng độ quân sự trong năm 2013 và Mỹ sẽ phải thực hiện cam kết hỗ trợ, bảo vệ Nhật Bản.
Theo một số nguồn tin, Nhật Bản đã sẵn sàng đối đầu với các động thái quận sự từ Trung Quốc trong vòng 10 đến 20 năm tới. Chính phủ Nhật cũng vừa thông qua chiến lược quốc phòng, trong đó có việc kết hợp các lực lượng phòng vệ trên không, trên biển và trên mặt đất để ứng phó với việc Bắc Kinh tấn công quần đảo Senkaku. Nhật Bản cũng đang xem xét việc triển khai 2200 lính thủy đánh bộ tại khu vực gần quần đảo Senkaku nhằm sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào. Ngoài ra, Nhật sẽ thực hiện các bước ngăn chặn nguy cơ bị các đơn vị du kích nước ngoài xâm nhập cơ sở hạt nhân của Nhật.
Mặt khác, để đối phó với những áp lực ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh, Nhật đang tích cực tăng cường củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Các quan chức quốc phòng Mỹ – Nhật sẽ nhóm họp ở Washington vào trung tuần tháng 01/2013 để thảo luận về hợp tác quốc phòng song phương. Để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng khả năng quân sự và đẩy mạnh các hoạt động trên biển, cuộc gặp Mỹ – Nhật sẽ tập trung vào mục tiêu xác định lại vai trò của Nhật và Mỹ trong lĩnh vực tình báo và do thám. Một nội dung quan trọng sẽ được bàn thảo là củng cố lực lượng tên lửa, mở rộng quy mô tập trận chung và tăng cường chia sẻ các cơ sở quân sự. Theo một số nguồn tin thì Mỹ muốn lực lượng phòng vệ Nhật không chỉ hoạt động giới hạn ở khu vực gần quần đảo Senkaku mà còn mở rộng ra ngoài lãnh thổ của Nhật.
Văn kiện Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Để có thể trở thành cường quốc biển, trước hết Trung Quốc phải khống chế được Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động theo hướng ngày càng leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển của Trung Quốc. Do vậy, tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ còn diễn biến ngày càng phức tạp, căng thẳng hơn và sẽ tiếp tục đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực. Ban Lãnh đạo mới đầy tham vọng ở Bắc Kinh sẽ bằng mọi thủ đoạn để thực hiện ý đồ và những mục tiêu mà Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về “nguy cơ” bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới.