Sở dĩ ông Trương Chí Quân phải có bài phát biểu nói trên là vì có nhiều ý kiến trong nội bộ Trung Quốc cho rằng thời gian qua Trung Quốc đã xử lý không tốt quan hệ với các nước láng giềng xung quanh, thậm chí “thất bại trong việc tạo dựng hình ảnh đối tác tin cậy với các nước láng giềng”; cách hành xử thô bạo của Trung Quốc trong vấn đề trên biển với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã làm cho Trung Quốc “mất bạn bè, thêm đối thủ”; đặc biệt, những hành động quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong vòng 2 tháng qua kể từ Đại hội 18 đã làm cho dư luận quốc tế và khu vực lo ngại về chính sách đối ngoại cứng rắn của Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh và nhìn nhận những lời nói của những người lãnh đạo Trung Quốc về “chính sách phát triển hòa bình” chỉ là những lời nói xuông.
Mục tiêu bài viết của ông Trương Chí Quân là để lấp liếm cho những việc làm sai trái của Trung Quốc đang gây ra cho các nước láng giềng xung quanh trong vấn đề trên biển; che đậy bản chất thực sự trong chính sách đối ngoại cường quyền của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng xung quanh và để lừa bịp cộng đồng quốc tế.
Trong bài phát biểu ông Trương nhiều lần nhắc đến cụm từ “phát triển hòa bình” và nhấn mạnh “hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Trên thực tế, Trung Quốc đang thực hiện một chính sách hoàn toàn ngược lại. Với một loạt các hoạt động gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua đã cho thấy Trung Quốc đang triển khai chính sách đe dọa, ép buộc và gây sức ép đối với các nước ven Biển Đông và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Trung Quốc đã điều máy bay, tàu chiến, các tàu chấp pháp và hàng trăm tàu cá xâm phạm vùng biển của Nhật Bản và các nước ven Biển Đông, điều đấy phải chăng là Trung Quốc đang muốn hợp tác hữu nghị với các nước này.
Ông Trương Chí Quân. Ảnh: Internet.
Ông Trương Chí Quân nói rằng Trung Quốc “bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế” thì tại sao họ lại khước từ việc áp dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông với các nước lãng giềng, với việc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà họ đã ký với các nước ASEAN liệu Trung Quốc có xứng tầm nước lớn để “bảo vệ công bằng chính nghĩa Quốc tế”. Phải chăng cái gọi là chính nghĩa của họ chính là bất chấp luật pháp quốc tế, là các nước láng giềng phải chịu”khuất phục”. Ông Trương còn nói rằng Trung Quốc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác” vậy mà trong suốt cả năm 2012, Trung Quốc đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước ASEAN; dùng tiền để mua chuộc một số nước trong ASEAN để chia rẽ, phân hóa nội bộ ASEAN; gây áp lực lên Cămpuchia để gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi văn kiện của ASEAN và cuối cùng là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM45) không ra được Tuyên bố của Chủ tịch.
Ông Trương Chí Quân nói Trung Quốc “phản đối bá quyền và chính trị cường quyền” nhưng việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với một vùng biển rộng lớn trên 2 triệu km2, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông và việc Trung Quốc kéo dài thềm lục địa của họ ở biển Hoa Đông đến tận rãnh sâu Okinawa, gần sát đến bờ biển Nhật Bản thì lại chính là hành động của kẻ bành trướng, bá quyền.
Ông Trương còn dám lớn tiếng đưa ra những lời răn dạy người khác “ăn thịt lẫn nhau không phải là cách nhân loại chung sống” khi mà Trung Quốc đang từng ngày từng giờ “gặm nhấm” vùng biển của các nước ven Biển Đông và Nhật Bản ở biển Hoa Đông; đồng thời, mưu toan “ăn sống, nuốt tươi” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bãi cạn Scraboro của Philippin, quần đảo Senkaku của Nhật. Ông ta nói Trung Quốc “chiếu cố đến quan tâm hợp lý của các nước khác, vậy mà cả thế giới mong muốn hòa bình ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nhưng Trung Quốc đều phớt lờ những mối quan tâm này của cộng đồng quốc tế và vẫn ngang nhiên tiến hành rất nhiều hoạt động gây nguy hại đến hòa bình, ổn định khu vực, tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc dùng các tàu hải giám, ngư chính cỡ lớn và cả tàu quân sự để uy hiếp, bắt bớ, thu giữ trái phép ngư cụ, hải sản, đập phá tài sản của tàu cá, ngư dân (những người nghèo khổ phải lam lũ kiếm sống trên biển cho thấy rõ dã tâm của họ. Đây chính là hành động “ăn thịt lẫn nhau” của những kẻ không có tính người. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh nghĩ gì về những hành động tội ác này của các quan chức của họ?
Khi đề cập đến chính sách với các nước láng giềng, ông Trương Chí Quân quả quyết rằng Trung Quốc “kiên trì phương châm ngoại giao thân thiện với các nước láng giềng”, nhưng trên thực tế thì đâu phải vậy mà họ đang thực hiện chính sách “cá lớn nuốt cá bé”, “bắt nạt nước khác” trong quan hệ với các nước láng giềng xung quanh, chĩa mũi nhọn vào Việt Nam, Philippin, Nhật Bản, li gián các nước này với các nước trong khu vực và luôn lớn tiếng đe dọa “đừng đùa với lửa” và “dạy cho một bài học”….
Ông Trương nói “xưng bá và bành trướng không phải là văn hóa của Trung Quốc” nhưng cả thế giới đều hiểu rõ tư tưởng bá quyền, bành trướng, Đại Hán, luôn muốn “đè đầu cưỡi cổ thiên hạ” của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Trong lịch sử Trung Quốc đã từng xảy ra chém giết đẫm máu ngay trong nội bộ Trung Quốc. Thời cận đại, Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã có hàng chục triệu người bị “hành quyết dã man”. Đó chính là nét văn hóa mang đậm bản sắc Trung Quốc. Cái tư tưởng Đại Hán đó luôn chế ngự trong suy nghĩ của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Trung Quốc mạnh lên họ càng muốn thống trị cả thế giới mà trước hết là bắt các nước láng giềng xung quanh phải quy phục. Đây chính là nền tảng trong chính sách đối ngoại của những người cầm quyền ở Bắc Kinh sau Đại hội 18 vì chính họ đã trưởng thành qua thời kỳ chết chóc đẫm máu ở Trung Quốc trong cách mạng văn hóa.
Tóm lại, cho dù đại diện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Trương Chí Quân có cố gắng để dùng những lời lẽ văn hoa giải thích cho đường lối đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 18 thì cũng không thể che đậy được những âm mưu thủ đoạn và việc làm sai trái của Trung Quốc đối với các nước láng giềng; cả thế giới vẫn rất dễ nhận ra “bộ mặt thật” của họ với bản chất thực sự của đường lối đối ngoại bành chướng, bá quyền nước lớn của Trung Quốc với các nước láng giềng. Chính sách đó đã được phản ánh rất rõ qua những hành động leo thang ngày càng thô bạo, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về “nguy cơ” và “mối đe dọa” ngày càng lớn từ Trung Quốc. Không ai có thể tin vào những lời nói “đường mật” của ông Trương Chí Quân về chính sách “phát triển hòa bình” của Trung Quốc. Các nước láng giềng cần hết sức tỉnh táo, không nên bị “ru ngủ” trước những lời nói văn hoa của người đại diện cho ngành ngoại giao Trung Quốc để mất cảnh giác trước âm mưu thôn tính của Bắc Kinh.
Comments are closed.