Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBƯỚC NGOẶT MỚI CHO GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

BƯỚC NGOẶT MỚI CHO GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

(BĐN) – Chiều 22/01/2013, Bộ Ngoại giao Philippin đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philippin Mã Khắc Thanh để trao Công hàm chính thức khởi kiện Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Cùng với Công hàm Philippin đã chuyển cho Đại sứ Trung Quốc thông báo trọng tài và Nội dung đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 theo Điều 287 Công ước 1982.

Trong đơn kiện, Philippin nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Philippin ở “Biển Tây Philippin” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippin theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin Del Rosario cũng đã ra Tuyên bố chính thức thông báo việc Philippin đã chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong Tuyên bố Ngoại trưởng Del Rosario nêu rõ Philippin khởi kiện Trung Quốc là nhằm thực thi chính sách của Tổng thống Aquino tìm kiếm một giải pháp hòa bình và lâu dài dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Philippin đã sử dụng hết các khả năng chính trị và ngoại giao của mình để giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc trước khi quyết định sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước. Ông Del Rosario nói “Từ năm 1995, Philippines đã nhiều lần trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa có bóng dáng của một giải pháp nào”.

Năm 1995, Trung Quốc đã đánh chiếm bãi Vành Khăn (Mischief), Philippin đã có nhiều nỗ lực ngoại giao đề nghị Trung Quốc rút khỏi bãi Vành khăn (Mischief) của Philippin. Năm 1995, ASEAN đã ra Tuyên bố lên án hành động sai trái của Trung Quốc chiếm bãi Vành khăn (Mischief), nhưng Trung Quốc đều phớt lờ ý kiến của Cộng đồng quốc tế và Philippin tiếp tục chiếm đóng trái phép ở bãi Vành khăn (Mischief) cho đến nay. Tháng 4/2012, Trung Quốc sử dụng tàu cá dưới sự yểm trợ của tàu hải giám và ngư chính gây căng thẳng kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough. Philippin tiếp tục kiên trì với nhiều nỗ lực ngoại giao mong muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đàm phán. Dưới sự dàn xếp của Mỹ cả Philippin và Trung Quốc đều cam kết rút hết tàu khỏi khu vực bãi cạn Scarborough. Để tỏ thiện chí, từ tháng 6/2012 Philippin đã rút hết tàu ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, 7 tháng trôi qua, Trung Quốc vẫn không chịu rút hết tàu của họ ra khỏi khu vực này. Thậm chí Trung Quốc còn có nhiều bước leo thang mới, đưa bãi cạn Scarborough vào cái gọi là “thành phố Tam Sa”; đồng thời liên tiếp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Scarborough tại các diễn đàn quốc tế. Chính cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai nước tại bãi cạn Scarborough. Đến nay, Trung Quốc tỏ ra hoan hỷ vì đã “thành công” trong việc “nuốt trọn” bãi cạn Scarborough của Philippin.

Từ tháng 5/2012, Philippin đã chính thức đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề bãi cạn Scarborough ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế, song Trung Quốc từ chối. Có lẽ họ đã nhận ra rằng, các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đều không có cơ sở pháp lý. Như Ngoại trưởng Philippin đã khẳng định trong Tuyên bố đơn phương khởi kiện Trung Quốc, Philippin không còn sự lựa chọn nào khác. Đây được coi là sự lựa chọn khôn ngoan mang tính chiến lược của Philippin trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Để ngăn cản việc giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng bằng cơ chế tài phán quốc tế, năm 2006 của Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ việc áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc và ràng buộc đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền và phân định biển của các cơ quan tài phán quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, để vượt qua bảo lưu này của Trung Quốc, trong Thông báo khởi kiện Trung Quốc ra Trọng tài theo Phụ lục VII, Philippin đã nói rõ nước này không khởi kiện về vấn đề chủ quyền đối với các cấu trúc địa chất ở khu vực “Biển Tây Philippin” cũng như về vấn đề phân định biển. Với cách tiếp cận này, nhiều khả năng đơn kiện của Philippin sẽ được chấp thuận phán quyết. Đây sẽ là vụ kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng liên quan đến tranh chấp “đường 9 đoạn” vì lần đầu tiên Trung Quốc bị một quốc gia láng giềng khởi kiện trong tranh chấp Biển Đông.

Đây là một động thái mang tính bước ngoặt của Philippin trong tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông. Không biết rồi Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước việc Philippin khởi kiện. Sự việc Philippin đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế đang đặt Trung Quốc vào một tình huống bất lợi và tạo cho Philippin thế chủ động trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Philippin đã chính thức chỉ định Thẩm phán Rudiger Wolfrum (người Đức) của Tòa án quốc tế về Luật Biển làm Trọng tài viên cho vụ kiện này. Theo thủ tục xử lý tranh chấp tại Trọng tài theo Phụ lục VII, Trung Quốc cũng sẽ phải lựa chọn và cử thẩm phán của mình, nếu Trung Quốc từ chối không cử thì Tòa án Luật biển sẽ chỉ định Thẩm phán cho Trung Quốc như vậy sẽ bất lợi hơn cho Trung Quốc. Dù muốn hay không Trung Quốc cũng phải đưa ra các lập luận của mình với Tòa. Theo kinh nghiệm giải quyết các vụ tranh chấp trước kia, quá trình pháp lý giải quyết vụ kiện dự kiến kéo dài 3 đến 4 năm.

Theo báo Philippines Star, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippin đã đưa ra phản ứng ban đầu khá thận trọng, nhấn mạnh Trung Quốc muốn thông qua đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mục tiêu khởi kiện của Philippin là Tòa trọng tài theo Phụ lục 7 đưa ra phán quyết “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi lý. Yêu sách “đường 9 đoạn” còn vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Cả cộng đồng quốc tế từ chính giới đến các học giả, luật sư, nhà nghiên cứu… đều phê phán yêu sách phi lý này của Trung Quốc, do vậy quyết định khởi kiện “đường 9 đoạn” của Philippin chắc chắn sẽ nhận đượng sự hoan nghênh và đồng tình rộng rãi của dư luận quốc tế. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Các nhà phân tích đã nhiều lần kêu gọi các bên liên quan đưa tranh chấp Biển Đông ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế vì quyết định của Tòa án là công bằng nhất cho mỗi quốc gia.

Đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế là một quyết định khó khăn của Philippin – một nước nhỏ với tiềm lực kinh tế yếu hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng đây là một sự lựa chọn đúng đắn thể hiện sự quyết tâm đi đến cùng của Philippin. Việc khởi kiện của Philippin mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo hướng sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế như đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trung Quốc là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nên hy vọng Trung Quốc sẽ có thái độ tích cực đối với việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông tại cơ quan tài phán quốc tế.

Các chuyên gia quốc tế đang chăm chú theo dõi phản ứng của Trung Quốc và quá trình xem xét vụ kiện của Tòa trọng tài theo Phụ lục 7 vì kết quả vụ kiện sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài, hòa bình, công bằng ở Biển Đông mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hòa bình ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một vụ kiện lý thú vì lần đầu tiên một nước lớn cộng sản Trung Quốc bị khởi kiện về các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Trong thời gian qua, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tập trung chĩa mũi nhọn vào Việt Nam và Philippin. Philippin đã có sự lựa chọn sáng suốt khi sử dụng Trọng tài theo Phụ lục 7 để khởi kiện Trung Quốc. Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ việc làm của Philippin, đồng thời cần có phản ứng tương tự trong việc khởi kiện Trung Quốc, đưa các tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế, trước mắt là khởi kiện việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam tháng 6/2012. Đây là sự lựa chọn tối ưu cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, gây sức ép mạnh đòi “cùng khai thác” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Việc Philippin đi đầu trong khởi kiện Trung Quốc là dịp hết sức thuận lợi để Việt Nam cùng tham gia khởi kiện Trung Quốc bác bỏ yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình ở Biển Đông. Hy vọng Chính phủ Hà Nội nhanh chóng ra quyết định đưa các tranh chấp ở Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế để tiếp thêm sức mạnh cho Philippin trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông./.

BĐN

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới