BienDong.Net: khi ở Hà nội Đón Tết Quí tỵ và bước sang một ngày mới thì ở Bắc Kinh đã là 1 giờ sáng của ngày hôm sau, nhưng ở Matxcơva mới là 8 giờ tối của ngày hôm trước.
Vì sao vậy? Vì Trái đất là một quả cầu quay từ Tây sang Đông, thời điểm sáng, trưa, chiều, tối lần lượt xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên thế giới một cách tuần hoàn. Vậy một ngày mới trên Trái đất được bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?
Vấn đề này đã có không ít những cuộc tranh luận và cũng xảy ra rất nhiều phiền toái. Để tránh sự hỗn loạn về ngày tháng, Hội nghị quốc tế về kinh tuyến họp tại Washington năm 1884 đã quy định một đường đổi ngày quốc tế (Day Night Terminator). Đây là con đường tưởng tượng, nằm trên kinh độ 180 trên Thái Bình dương, bắt đầu từ Bắc cực, chạy qua eo biển Bering rồi xuyên qua Thái Bình Dương tới Nam cực. Đường đổi ngày Quốc tế là nơi khởi đầu của mỗi ngày mới trên Trái đất. Ngày “ra đời ” ở đây và bắt đầu cuộc “du hành vòng quanh Trái đất” một vòng theo hướng Tây rồi lại trở về nơi xuất phát để sang một ngày mới. Nửa đêm trên đường này lại đúng là 0 giờ, giờ địa phương. Đây cũng chính là đường ranh giới giữa “hôm nay” và “ngày mai“. Để tránh việc trong cùng 1 nước lại có 2 ngày tháng khác nhau, đường ranh giới này trên thực tế không phải là một đường thẳng, mà chạy gấp khúc tránh cắt ngang một số quốc đảo.
Đường đổi ngày quốc tế là ranh giới sự bắt đầu và kết thúc của 1 ngày, vì thế nên múi giờ 12 Đông Tây mà nó đi qua trở thành một múi giờ đặc biệt. Trong múi giờ này, thời gian thống nhất nhưng ngày tháng lại không thống nhất, chỉ cách nhau 1 vạch. Vậy là lại chênh nhau 1 ngày, phía Tây sớm hơn phía Đông 1 ngày. Những người sống trên bán đảo Kamchatka sẽ đón giao thừa sớm nhất thế giới, còn người sống ở Alaska lại phải đợi 1 ngày đêm nữa mới được ăn Tết, trong khi họ chỉ cách nhau trong gang tấc.
Đối với quốc đảo Samoa trên Thái Bình Dương, đường đổi ngày có vị trí đặc biệt. Cuối năm 2011, nước này đã quyết định bỏ qua ngày thứ sáu 30.12.2011 để nhảy đến tương lai bằng cách chuyển múi giờ để tạo thuận lợi cho việc làm ăn với các đối tác thương mại ở châu Đại dương. Với quyết định nhảy qua đường đổi ngày quốc tế, Samoa đã từ nơi cuối cùng thấy ánh mặt trời trên trái đất trở thành nơi đầu tiên chào đón bình minh.
Trước khi thực hiện quyết định này, Samoa nằm sau London 10 tiếng đồng hồ, sau New York 5 tiếng và quan trọng nhất là sau gần một ngày so với Australia và New Zealand.
Do phần lớn giao thương của Samoa được thực hiện với Australia và New Zealand, chính phủ nước này tin rằng họ sẽ có lợi hơn nếu gần gũi hai nước này về mặt thời gian.
Thủ tướng Malielegaoi phát biểu: “Khi buôn bán với New Zealand và Australia, chúng tôi mất hai ngày làm việc trong một tuần. Trong khi ở đây là thứ sáu, thì tại New Zealand đã là thứ bảy và khi chúng tôi đang dự lễ nhà thờ trong chủ nhật thì họ đã làm việc tại Sydney và Brisbane”.
Cảnh đường phố ở đảo Samoa ( ảnh Internet )
Quyết định này đảo ngược một quyết định cách đây hơn 120 năm khi Samoa chuyển sang phía đông của đường đổi ngày vì phần lớn giao thương của họ lúc đó được thực hiện với Mỹ và châu Âu.
Samoa không phải là khu vực duy nhất trên thế giới không tuân theo nguyên tắc chung của đường đổi ngày. Quốc đảo Kiribati trên Thái Bình Dương là một ví dụ khác.
Trước nửa đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, đường đổi ngày quốc tế chia Kiribati thành hai phần, khiến cho phần phía Tây sớm hơn một ngày so với phần phía Đông. Điều này làm cho các giao dịch kinh tế diễn ra khó khăn.
Giờ đây, đường đổi ngày quốc tế đã đi vòng một quãng đường dài hơn 2.400 km, quanh các đảo phía Đông của Kiribati để cho cả Quốc đảo này nằm trong khu vực có chung một ngày lịch.
Gần phía trên của địa cầu, đường đổi ngày quốc tế chuyển hướng đông để đưa toàn bộ Siberia vào cùng giờ với phần còn lại của nước Nga.
Tương tự, đường đổi ngày quốc tế chuyển sang xa về phía Tây để quần đảo Aleutian có thể dùng lịch cùng ngày với phần còn lại của Alaska.
BBT ( tổng hợp theo tài liệu trên internet và các báo)