Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCÁCH HÀNH XỬ HUNG HĂNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ LỢI ÍCH CỦA...

CÁCH HÀNH XỬ HUNG HĂNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ LỢI ÍCH CỦA MỸ Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trong những năm vừa qua, TQ đã tiến hành nhiều hoạt động gây hấn và ngày càng hung hăng trên Biển Đông.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong cách hành sử của TQ xuất phát từ: Thứ nhất, sự tự tin sau ba thập kỷ duy trì được một tốc độ phát triển kinh tế cao và năm 2010 đã trở thành nền kinh tể lớn thứ 2 chỉ sau Mỹ; thứ 2 là TQ đã lợi dụng sự yếu đi của Mỹ và sự do dự của Nhật Bản để đạt được lợi thế chiến lược ở khu vực mà TQ coi mình có “lợi ích cốt lõi”.

Nếu không phải vì TQ – một cường quốc kinh tế và quân sự đang nổi là một bên trong tranh chấp, thì Mỹ cũng không quan tâm nhiều đến tình hình Biển Đông, bởi bản thân các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không có tầm quan trọng lớn nào đối với Mỹ.

Song thời gian qua, chính sách hành xử hung hăng của TQ đã tác động tới nhiều khía cạnh lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. Về mặt chiến lược, vấn đề uy tín, mức độ tin cậy của những cam kết của Mỹ đối với đồng minh và các đối tác trong khu vực và lợi ích về kinh tế – thương mại, Mỹ đã có những động thái và tuyên bố lập trường phản ánh sự can thiệp sâu hơn vào các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở khu vực này.

Bài viết phân tích cách hành xử và sự hung hăng thể hiện trong các yêu sách, tuyên bố, hành động trên thực địa và việc hiện đại hóa hải quân/ chiến lược chống xâm nhập (anti-access) của TQ đối với lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, xem xét hệ lụy trong việc khiến Mỹ “trở lại châu Á”, và tái khẳng định cam kết về an ninh một cách chủ động hơn ở khu vực; từ đó, làm nổi bật lên những điểm chính trong sự điều chỉnh chính sách của Mỹ thời gian qua.

1. Các tuyên bố và hành động liên quan đến quyền tài phán của TQ ở vùng đặc quyền kinh tế

Theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), các quốc gia ven biển được tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển khác nhau, bao gồm: 1) Vùng lãnh hải (kéo dài 12 hải lý tính từ đường cơ sở); 2) Vùng tiếp giáp lãnh hải (nằm phía ngoài, tiếp liền lãnh hải và rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở); 3) Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (nằm phía ngoài và tiếp liền lãnh hải, kéo dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở); 4) Thềm lục địa: Gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phía bên ngoài của lãnh hải trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, Công ước cũng thừa nhận quyền của quốc gia ven biển trong việc kiểm soát và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa kéo dài không quá 350 hải lý.

Đối với vùng lãnh hải 12 hải lý, theo UNCLOS, quốc gia ven biển có chủ quyền đầy đủ. Các nước khác không được quyền tự do bay, chỉ được bay trên vùng lãnh hải nếu được phép của quốc gia ven biển. Tàu của nước có quyền đi qua vùng lãnh hải của quốc gia ven biển, nhưng việc qua lại phải đảm bảo “không gây hại” (được hiểu là việc đi lại không gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, trật tự hay các lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển). Đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, quốc gia ven biển được thực thi quyền chủ quyền với việc khảo sát, khai thác, bảo tồn… các tài nguyên tự nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng biển bên trên đáy biển, thuộc đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển… Đồng thời, UNCLOS cũng thừa nhận nguyên tắc tự do hàng hải và tự do bay trong vùng đặc quyền kinh tế.

Là một thành viên tham gia UNCLOS, song TQ cho rằng quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên của quốc gia ven biển ở vùng đặc quyền kinh tế phải được đặt cao hơn các quyền tự do hàng hải và tự do bay quốc tế, và các quốc gia ven biển có quyền quy định tất các hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế. Đó là bởi vì các hành động quân sự trong vùng nước này là vi phạm UNCLOS, theo cách diễn giải luật quốc tế của TQ, thì các hoạt động đó không “sử dụng biển hòa bình” (peaceful use of sea) hoặc vì “mục đích hòa bình” (peaceful purpose). Chính phủ TQ cho rằng các tàu quân sự nước ngoài phải thông báo trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế, TQ phản đối mạnh mẽ và coi tất cả các hoạt động liên quan đến việc thăm dò, thu thập thông tin trong vùng đặc quyền kinh tế là phạm pháp. Hiện nay TQ đang đưa ra các lập luận để áp dụng những quy định về giới hạn này cho cả không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng UNCLOS coi các vùng đặc quyền kinh tế như vùng nước quốc tế ở đó quyền tự do hàng hải và tự do bay của các quốc gia được đảm bảo, còn các quốc gia ven biển chỉ có quyền liên quan đến việc khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Do vậy, cách TQ diễn giải UNCLOS đã và đang thách thức quyền được hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế của hải quân Mỹ. Các nỗ lực chống lại các hoạt động thu thập thông tin tình báo của hải quân Mỹ, cũng như củng cố quyền tài phán của TQ đối với vùng đặc quyền kinh tế đã gây ra nhiều vụ va chạm giữa hải quân Mỹ và TQ. Tháng 4/2011, xảy ra vụ va chạm giữa máy bay trinh thám EP-3 của Mỹ và máy bay J-8 của TQ, kết quả là phi công TQ mất tích và máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Tháng 3/2009, trong khi tàu USNS Impeccable của Mỹ đang tiến hành nghiên cứu quân sự liên quan đến các hoạt động của tàu ngầm TQ ở căn cứ hải quân Du Lâm, TQ đã đưa 5 tàu bao vây và yêu cầu tàu Impeccable rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của TQ.

Tháng 4/2011, trong bản đệ trình lên Liên Hợp Quốc, TQ lần đàu tiên chính thức tuyên bố yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh từng đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì các tàu hải quân nước ngoài bao gồm của cả Mỹ cũng sẽ bị hạn chế tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế thuộc các đảo ở khu vực này.

Lợi ích của Mỹ còn bị tác động theo một chiều hường khác. “Một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là luật phát triển khi các chuẩn mực hỗ trợ luật phát triển. Vì thế, nếu quốc gia khác chấp nhận quan điểm của TQ rằng các quốc gia ven biển được quyền ngăn cấm các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế, thì TQ đã đưa một chuẩn mực mới vào luật, và điều này sẽ làm thay đổi sự cân bằng hiện nay giữa các quyền trên biển của quốc tế và quốc gia ven biển. Một nguyên tắc quan trọng khác là luật quốc tế áp dụng như nhau ở mọi nơi. Do vậy, nếu TQ thành công trong việc làm thay đổi những chuẩn mực này ở Đông Á, các quốc gia ở khu vực khác cũng sẽ đòi các quyền tương tự. Gần đây và tháng 5/2011, có vẻ như TQ đã gây áp lực với Thái Lan khi nước này tuyên bố phê chuẩn UNCLOS. Thái Lan đã chấp nhận quan điểm này của TQ. Trong tuyên bố phê chuẩn, Thái Lan cho rằng tự do hàng hải không bao gồm quyền của hải quân nước ngoài tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế “hoặc các hoạt động khác có thể ảnh hưởng tới quyền hoặc lợi ích của quốc gia ven biển”. Nhìn theo hường này, thì các hành động và tuyên bố của TQ còn có những tác động quan trọng khác đến trật tự khu vực và thế giới, do Mỹ thiết lập nhiều thập kỷ qua, hiện đang góp phần đảm bảo an ninh, ổn định trên biển.

Trước việc các quyền được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của hải quân Mỹ bị đe dọa bởi cách diễn giải và động thái thực tế của TQ, mà theo Peter Dutton, TQ đang tìm cách ngăn cản hải quân nước ngoài tiến hành hoạt động ổn định hóa trên biển bao gồm cả Biển Đông. Từ năm 1995, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng “việc đảm bảo tự do hàng hải là một lợi ích cơ bản của Mỹ. Hàng hải tự do, tàu bè và máy bay ở vùng biển Đông không bị cản trở là điều thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ”. Tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF, tháng 7/2012, một lần nữa, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định “lợi ích quốc gia” bao gồm tự do hàng hải, quyền đi lại chung, tiếp cận mở với các vùng biển chung tại châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

2. Tuyên bố chủ quyền “không thể chối cãi” và yêu sách đường 9 đoạn của TQ.

Một động thái thể hiện sự hung hăng của TQ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông là việc trình Công hàm kèm theo tấm bản đồ “đường 9 đoạn” lên Tổng Thư ký liên hợp quốc vào tháng 5/2009. Trong Công hàm, TQ không chỉ tuyên bố “có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông, và các vùng nước phụ cận”, mà đây là lần đầu tiên TQ chính thức đệ trình bản đồ đường 9 đoạn để củng cố những yêu sách chủ quyền của mình. Tuy nhiên, TQ không có bất cứ một giải thích cụ thể nào.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel đã kêu gọi chính phủ TQ làm rõ thực chất của những yêu sách trên và cho rằng, trước kia sự mơ hồ trong tuyên bố về chủ quyền của TQ ảnh hưởng không nhiều tới lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, sự mập mờ này lại khiến Mỹ quan ngại, bởi nó liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế gắn liền với hoạt động của các công ty năng lượng của Mỹ ở Biển Đông. Các công ty này của Mỹ đang chịu áp lực do một số khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi là đối tượng phản đối nhưng các khu vực này lại không nằm trong yêu sách chủ quyền của TQ. Ngoài ra cũng liên quan đến cách diễn giải về các quyền của TQ trong vùng đặc quyền kinh tế, nếu một phần hoặc toàn bộ đường 9 đoạn của TQ được cộng đồng quốc tế công nhận, thì sự diễn giải này cùng với sự áp đặt các quy định hạn chế hoạt động hàng hải sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung ngày 4/2/2010, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David B.Shear cũng cho rằng những tuyên bố chủ quyền biển mà không xuất phát từ sự kéo dài của đất liền (nguyên tắc đất thống trị biển – TG), là không phù hợp với tập quán quốc tế, như đã thể hiện trong Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc.

Cũng tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF (23/7/2011), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định lợi ích của Mỹ tại Biển Đông và nhấn mạnh rằng các bên liên quan cần làm rõ yêu sách theo những điều khoản phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng: “Các tuyên bố chính đáng đối với không gian biển ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ những đòi hỏi hợp pháp trên ranh giới đất liền…” . Đây rõ ràng một sự không thừa nhận đường 9 đoạn, và các tuyên bố của TQ – các tuyên bố mà chủ yếu dựa trên các chứng cứ lịch sử và quyền phát hiện hơn là sự kéo dài tự nhiên của đất liền. Theo một quan chức Mỹ, những tuyên bố trên của Hillary Clinton có nghĩa là các yêu sách của TQ đối với toàn bộ Biển Đông là không có giá trị.

3. Cách hành xử hung hăng trên thực tế của TQ ở Biển Đông.

Kể từ năm 2007, TQ đã tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông như thiết lập nhiều cơ chế mới để củng cố các tuyên bố đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông. Phản đối báo cáo về thềm lục địa mở rộng, trong hồ sơ chung VN – Malaysia đệ trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (Commision shelf – CLCS) của Liên hợp quốc năm 2009. Trên thực địa, TQ đã tăng cường tuần tra hải quân ở quần đảo Trường Sa, và hai sự kiện đã thể hiện rõ nhất tính chất gây hấn trong những hành động của TQ là việc quấy rối, cản trở và cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02, và tàu Vikinh II của VN khi đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của VN vào giữa năm 2011. Sự hung hăng của TQ đã dẫn đến phản ứng từ phía Mỹ nhất là khi lợi ích của Mỹ trực tiếp bị đe dọa. Đầu năm 2012, TQ đã gây sức ép lên các công ty dầu lửa, trong đó có tập đoàn dầu lửu Mỹ ExxonMobil phải ngừng mọi hoạt động theo hợp đồng với Chính phủ VN trên Biển Đông, và đe dọa lợi ích thương mại của ExxonMobil ở TQ nếu tập đoàn này vẫn tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí với VN. Với Mỹ, mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích kinh tế nước này ở Biển Đông chính là sự bất ổn, xung đột bùng phát hoặc sự cản trở khai thác tài nguyên do các bên tranh chấp gây ra.

Từ năm 2008, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, đã cảnh báo và phản đối việc sử dụng bạo lực. Tháng 9/2008, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ John Negroponte đã khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyền được tiến hành các hoạt động kinh doanh, khai thác ở Biển Đông của các công ty Mỹ. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel nói rằng, Mỹ có lợi ích sống còn trong việc đảm bảo sự ổn định, tự do hàng hải và quyền tiến hành các hoạt động thương mại hợp pháp trong các vùng nước ở Đông Á. Đề cập trực tiếp đến việc TQ đe dọa các công ty dầu lửa Mỹ làm việc với VN, Scot Marricel nhấn mạnh “Mỹ phản đối mọi hành động hăm dọa các công ty của Mỹ”. Năm 2010, Bộ trưởng Gates lại tái khẳng định lập trường và quan ngại của Mỹ, việc bảo đảm ổn định, tự do hàng hải và không bị cản trở trong phát triển kinh tế là điều thiết yếu. Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực,… đe dọa sử dụng vũ lực và chống lại mọi nỗ lực đe dọa các tập đoàn Mỹ hoặc tập đoàn của quốc gia khác tiến hành các hoạt động kinh tế hợp pháp ở Biển Đông.

Nhiều người coi những hành động trên của TQ như một chiến dịch đe dọa các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác. Không dừng ở đó, trong hơn 6 tháng đầu năm 2012, TQ lại tiếp tục có một loạt động thái “đơn phương” nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 4/2012, tàu Hải giám TQ đã ngăn cản tàu Cảnh sát biển Philippines bắt tàu cá TQ đang hoạt động trái phép tại vùng biển ở bãi cạn Scaborough (TQ gọi là bãi Hoàng Nham), vốn là ngư trường của các tàu cá Philippines mà Philippines đã có kiểm soát thực tế. Không lâu sau đó, vào giữa tháng 4, việc TQ tiếp tục đưa tàu Ngư chính 310, cùng hai tàu hải giám 75 và 81 đến vùng biển này để thực thi cái gọi là “chấp pháp trên biển”, xua đuổi không cho tàu cá Philippines đánh bắt ở vùng TQ tuyên bố thuộc chủ quyền của mình đã khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Tháng 6/2012, TQ mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Gần đây nhất, TQ đã tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, và sau đó nâng cấp lên thành phố cấp địa khu, tổ chức họp “Hội đồng nhân dân khóa I”. Ngày 20/7/2012, TQ chính thức phê chuẩn thành lập và triển khai quân đồn trú tại Tam Sa.

Chính sự hung hăng trong cách hành sử của TQ ở Biển Đông, sự kỳ vọng về một vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực và sự ngờ vực về giá trị của các bên cam kết ở khu vực mà Mỹ tuyên bố đã khiến Mỹ chủ động hơn. Đối với tranh chấp ở bãi Scaborough giữa TQ và Philippines, dù Mỹ tuyên bố giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp, song Chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Thái Bình Dương – Trung tướng Duane Thiessen đã có một trong những bài mạnh mẽ nhất về Biển Đông khi khẳng định Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung, và theo Hiệp ước này “chúng ta sẽ tham gia vào các hoạt động bảo vệ lẫn nhau”. Ngày 9/5, Mỹ tuyên bố tôn trọng Hiệp ước phòng chủ chung ký năm 1951 và chính thức cam kết sẽ bảo vệ Philippines khỏi các cuộc tấn công trên Biển Đông.

Tiếp theo, một loạt những hành động khiêu khích bành trướng của TQ, ngày 2/8, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua Nghị quyết 254, tuyên bố các hành động gần đây của TQ để khẳng định quyền kiểm soát ở Biển Đông là “đi ngược lại với những nguyên tắc để giải quyết tranh chấp và ngăn cản một giải pháp hòa bình”. Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với việc thông qua COC giữa ASEAN và TQ, kêu gọi các bên kiềm chế trong các hành động có thể gây gia tăng và làm phức tạp tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á. Nghị sỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, Thượng viện Mỹ, cho rằng hành động của TQ là vi phạm luật pháp quốc tế, vô căn cứ và nhấn mạnh “Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy cách tiếp cận giải quyết đa phương các tranh chấp lãnh thổ …”. Ngay sau nghị quyết 524, ngày 3/8, lần đàu tiên chính quyền Tổng thống Obama đã chính thức ra tuyên bố về Biển Đông. Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ về việc nâng cấp thành phố Tam Sa và đưa quân đồn trú là đi ngược với nỗ lực ngoại giao để giải quyết bất đồng và gây nguy cơ căng thẳng leo thang ở khu vực. Đồng thời tin rằng các quốc gia phối hợp chặt chẽ và sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp, “không sử dụng các biện pháp ép buộc, dọa dẫm, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Lần đàu tiên chính quyền Obama cũng chính thức thể hiện trong tuyên bố “quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông và đang theo dõi sát sao tình hình tại khu vực này. Đây có thể coi là những động thái và nỗ lực ngoại giao một mặt nhằm tăng cường uy tín của Mỹ, mặt khác để củng cố lòng tin của các nước Đông Nam Á đối với những cam kết của Mỹ trong khu vực trước những hành động khiêu khích và chèn ép ngày càng gia tăng của TQ.

4. Hiện đại hóa hải quân TQ.

Động cơ ban đầu của chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ từ giữa những thập niên 1990 là để chuẩn bị cho xung đột ở eo biển Đài Loan, bao gồm răn đe, cản trở và làm suy giảm sự hỗ trợ về quân sự cho Đài Loan. Theo đó, quân giải phóng nhân dân TQ (PLA) tập trung vào xây dựng khả năng chống tiếp cận/ ngăn chặn khu vực (anti-access/ area denial – A2/AD) gồm các tàu ngầm chiến đấu hiện đại, các tàu khu trục hạng sovremmeny và gần đây TQ phát triển tên lửa DF-21D như một tên lửa đạn đạo chống tàu chiến có khả năng tấn công tàu sân bay và tàu nổi. Theo Đô đốc Robert F.Willard, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, tên lửa này có thể đe dọa nghiêm trọng cho hải quân Mỹ, thậm chí có thể vô hiệu hóa khả năng triển khai sức mạnh của hải quân Mỹ. Trong khi vũ khí nhằm phục vụ chiến lược A2/AD được phát triển xuất phát từ vấn đề Đài Loan, song chúng có thể sẽ được sử dụng ở mọi nơi trong vùng biển ngoại vi của TQ, bao gồm cả Biển Đông.

Năm 2004, Chính phủ TQ kêu gọi PLA đảm nhận thêm “những nhiệm vụ lịch sử mới” trong đó có “việc bảo vệ lợi ích phát triển quốc gia”, bao gồm bảo vệ an ninh cho các tuyến đường thông thương trên biển. Rõ ràng, điều này đã đẩy nhanh hơn sự chuyển hướng – từ “tích cực phòng thủ biển gần” sang “phòng thủ biển xa” – hay từ Chuỗi đảo thứ nhất sang Chuỗi đảo thứ hai và xa hơn nữa. Chiến lược phòng thủ này là nhằm đẩy hải quân Mỹ ra xa và ở một khoảng cách đủ để không thể gây cản trở cho việc triển khai hải quân của TQ ở khu vực này. Cùng với đó, TQ muốn chia vùng ảnh hưởng ở phía tây Thái Bình Dương với Mỹ. Leszek Buszynsky cho rằng nếu thỏa thuận đó đạt được trong khi Mỹ đang yếu đi về kinh tế, thì TQ sẽ thực sự trở thành cường quốc thông trị ở Tây Thái Bình Dương.

Cũng liên quan đến chiến lược tăng cường hải quân ở Biển Đông, năm 2007, TQ đã xây dựng căn cứ hải quân Du Lâm (Yilin) trên đảo Hải Nam. Theo nhận định của GS. Carlyle Thayer, nếu hoàn thành thì căn cứ này sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng, bởi nó sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân TQ tới Thái Bình Dương và Biển Đông. Hiện nay, đây là căn cứ chính để triển khai các chiến dịch của hải quân TQ ở Biển Đông. Tháng 10/2012, hai tàu ngầm hạt nhân (nuclear attack submarines) lớp thượng đã được đóng tại căn cứ này và có vẻ như tàu sân bay Liêu Linh cũng đồn trú ở đó. Việc xây dựng căn cứ này càng làm tăng thêm tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, và trong tương lai các vụ va chạm kiểu như Impeccable có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn trên vùng biển này. Hơn nữa do vị trí gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối với Ấn Độ Dương, mà căn cứ này cùng với hoạt động của hải quân TQ có thể ảnh hưởng tới khả năng ngăn chặn cảu hải quan Mỹ từ ngoài khơi.

Trong lịch sử, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền duy nhất sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông. Những nỗ lực hiện đại hóa hải quân và sẵn sàng đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều thách thức an ninh đối với các nước láng giềng và Mỹ. Tháng 1/2011, Đô đốc Robert Willard nói rằng chương trình hiện đại hóa quân sự “hiếu chiến” của Trung Quốc dường như là nhằm thách thức sự tự do hoạt động của Mỹ trong khu vực, và nếu cần thiết, áp đặt ảnh hưởng của mình lên các nước láng giềng. Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói về khả năng đe dọa của chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ: Khi cân nhắc chương trình hiện đại hóa quân sự của những nước như Trung Quốc, cần quan tâm đến khả năng của những nước đó sẽ cản trở sự tự do đi lại và sự lựa chọn chiến lược của Mỹ đến đâu. Việc đầu tư vào vũ khí chống tàu, khả năng tác chiến phòng không, tên lửa đạn đạo… có thể sẽ đe dọa việc triển khai sức mạnh hải quân Mỹ và việc trợ giúp các nước đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.

Song trên hết, việc hiện đại hóa hải quân phản ánh một cách rõ ràng về một Trung Quốc đang lớn mạnh và ngày càng ưu thế vượt trội của Hải quân Mỹ ở khu vực. Thực tế rằng Trung Quốc đang “thực thi chủ quyền” ráo riết hơn ở Biển Đông với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự ngày càng được tăng cường sẽ dấy lên sự nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy đối với sức mạnh quân sự, và ưu thế của Mỹ ở khu vực hàng thập kỷ nay. Đồng thời đặt vấn đề liệu Mỹ còn duy trì được khả năng kiểm soát tin cậy ở khu vực này không?

Mục tiêu đặt ra của chính quyền Obama, đồng thời cũng là lợi ích chiến lược quan trọng nhất của Mỹ là đảm bảo được địa vị thống trị ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tận dụng cơ hội này, bên cạnh việc tái khẳng định lợi ích tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông, Mỹ đã có những bước đi nhằm củng cố quan hệ quốc phòng với các nước thành viên ASEAN, cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực. Ngày 23/7/2010, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm thiết lập quan hệ với các lực lượng đặc biệt Indonesia, áp đặt từ 1997. Với Philippines, Mỹ tiếp tục hỗ trợ tăng cường khả năng quân sự, viện trợ thiết bị, tàu quân sự, chia sẻ thông tin tình báo. Đồng thời, Mỹ cùng một số nước ASEAN tiến hành tập trận với quy mô lớn hơn với các năm trước đó… Các tàu hàng không mẫu hạm Mỹ như USS George Washington có các chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2011. Đặc biệt là trong chuyến thăm Australia tháng 11/2011, tổng thống Obama tuyên bố đưa 2.500 lính đánh bộ đến căn cứ ở phía bắc nước này, đồng thời các tàu hải quân và máy bay Mỹ cũng sẽ tăng cường sử dụng các căn cứ của Mỹ. Tháng 3 vừa qua, Mỹ đã bắt đầu cho triển khai quân ở đây. Ngoài ra cũng trong một bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cuối năm 2011., Obama tuyên bố Mỹ sẽ quay trở lại trong khu vực. Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã sử dụng tranh chấp này để thúc ép Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước luật Biển 1982. Nếu được phê chuẩn, thì động thái này sẽ mở đường cho Hải quân Mỹ tiến hành nhiều hơn các hoạt động tuần tra trên Biển Đông.

5. Kết luận

Thông qua các tuyên bố của quan chức cấp cao trong chính quyền Obama trước cách ứng xử của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua cũng như nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, cách tiếp cận chính sách của Mỹ “đã mạnh dạn, can dự sâu hơn với Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích và giá trị”. Mặc dù những nguyên tắc cơ bản của chính sách về vấn đề Biển Đông của Mỹ trong các tuyên bố bao gồm: 1) Không thể hiện lập trường liên quan đến vấn đề pháp lý trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, 2) duy trì tự do hàng hải là “lợi ích quốc gia” cơ bản của Mỹ; 3) và các nước không được hạn chế các hoạt động khảo sát quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế là không thay đổi, song đã có những thay đổi trong giọng điệu và các vấn đề trọng tâm. Nói một cách khác, Mỹ tránh đối dầu về quân sự, song bắt đầu có dấu hiệu không tránh né đối đầu về ngoại giao với Trung Quốc.

Sự hung hăng và thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua đã đe dọa đến lợi ích nhiều mặt của Mỹ, quan trọng nhất là lợi ích và chiến lược, thách thức vị thế cường quốc của Mỹ ở khu vực này, đã góp phần khiến Mỹ “quay lại” châu Á một cách chủ động hơn. Theo lời của Bronson Percival, Trung Quốc đã mang lại cho Mỹ một cơ hội vàng để tái khẳng định lập trường về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đặc biệt khẳng định quyền tự do hàng hải, để từ đó tăng cường quan hệ đồng minh, đối tác với các nước khác ở châu Á. Những hành động và cách hành xử hung hăng của Trung Quốc đã đánh thức các lợi ích của Mỹ ở khu vực, và giúp Mỹ có một vị thế có vẻ thắng thế về mặt ngoại giao. Bởi trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng hiện nay với Trung Quốc ở châu Á, thì Washington chỉ có thể có lợi từ việc khẳng định lợi ích, duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp; trong khi yêu sách bành trướng không thể biện hộ dưới góc độ luật pháp quốc tế, và hành xử cứng rắn đang khiến các nước xa lánh Trung Quốc.

Cuối cùng, chính sách hành xử hung hăng của Trung Quốc đã khiến những vấn đề về Biển Đông từ chỗ không phải là vấn đề song phương quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc hay với các quốc gia Đông Nam Á trong nhiều năm, giờ thì Biển Đông lại trở thành một thành phần chính trong chính sách của Mỹ ở Châu Á. Sau những phản ứng bằng các tuyên bố của quan chức cấp cao Mỹ, và những động thái nhằm tăng cường hiện diện quân sự, Trung Quốc đã có những bước đi làm dịu căng thẳng và trấn an các nước láng giềng, song Trung Quốc cũng không thể thay đổi được thực tế rằng Biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề ngoại giao quan trọng ở khu vực đối với Mỹ trong tương lai gần, và theo như tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton, 2010 tại ARF ở Hà Nội, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu”.

Như đã nêu ở trên, chính những hành động gây hấn gia tăng nhằm khẳng định “đường 9 đoạn” trên thực tế của Trung Quốc trên Biển Đông là nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ trở lại châu Á. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng điều chỉnh chiến lược ngoại giao và cách hành xử trên thực tế của mình, thì Trung Quốc sẽ tự đánh mất đi “thời cơ chiến lược quan trọng” và làm xấu đi hình ảnh của một nước lớn có trách nhiệm trong mắt người dân các nước.

Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, có dũng khí chính trị thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc, mạnh dạn từ bỏ đường 9 đoạn và cái gọi là yêu sách dựa trên quyền lịch sử của đường 9 đoạn ở Biển Đông; sau đó cùng ngồi lại đàm phán với các bên tranh chấp theo Công ước luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên và Tuyên bố về úng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc cũng đã ký kết, biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Điều đó, không chỉ có lợi cho nhân dân Trung Quốc, nhân dân các nước và vùng lãnh thổ có liên quan, mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực và trên toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới