BienDong.Net: Trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đang áp dụng những chiến lược mới xen kẽ những chiến lược cũ. Đó là nhận xét của Lye Liang Fook, Trợ lý Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore.
Trong bài viết đăng trên trang mạng của Viện tháng 1/2013 ông Lye Liang Fook cho rằng một trong những chiến lược đó là thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu và khí đốt tại Biển Đông, kể cả tại những khu vực tranh chấp với các nước ASEAN.
Dàn khoan nước sâu 981 của CNOOC trên Biển Đông ( ảnh Internet )
Trước đây, Trung quốc vẫn trao quyền thăm dò dầu và khí đốt tại những khu vực không có tranh chấp trên Biển Đông. Ví dụ, tháng 9.2010, Chevron China và BP China được phép để thăm dò dầu khí tại ba lô là 42/05, 64/18 và 53/30 tại vùng nước sâu ngoài khơi Biển Đông. Tuy nhiên, trái với cách làm trước, tháng 5.2011, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu các công ty nước ngoài tham gia thăm dò dầu khí tại 9 khu vực ngoài khơi, trong đó có một khu vực Việt Nam đòi chủ quyền (đặc biệt là lô 65/24). Đi xa hơn nữa, tháng 6.2012, 9 lô ngoài khơi mà Trung Quốc mời thầu thăm dò với các công ty nước ngoài lại bao gồm một khu vực mà Việt Nam khẳng định đó không phải là khu vực tranh chấp mà còn nằm sâu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Việc Trung Quốc sử dụng dàn khoan nước sâu khổng lồ đầu tiên của họ ở Biển Đông hồi tháng 5.2012 giúp cho Trung Quốc có thêm phương tiện để tham gia vào cuộc cạnh tranh trực tiếp và mạnh mẽ hơn với các nước ASEAN khác đòi chủ quyền ở vùng biển này.
Một chiến lược mới khác mà Trung Quốc áp dụng, đó là tăng cường xua đuổi và thậm chí làm gián đoạn hoạt động của các tàu nước ngoài thăm dò địa chấn, thăm dò dầu lửa hoặc đánh cá trên Biển Đông. Tháng 3.2011, Philippines tố cáo các tàu tuần tra Trung Quốc quấy rối các tàu thăm dò dầu lửa của họ ở Bãi Vành Khăn ( cách tỉnh Palawan của Philippines 50 dặm ). Cũng trong năm 2011 còn xảy ra các sự cố khác trong đó Philippines tố cáo tàu Trung Quốc nổ súng vào những người đánh cá Philippines, cũng như tình trạng tàu hải giám Trung Quốc thâm nhập vùng biển mà cả Philippines và Trung quốc cùng đòi chủ quyền. Cũng như vậy, Việt Nam tố cáo một tàu hải giám Trung quốc cố tình cắt đứt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5.2011.
Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng thông thạo trong việc sử dụng các biện pháp hành chính và pháp lý để khẳng định yêu sách của họ tại Biển Đông, như việc thành lập thành phố Tam Sa vào tháng 7.2012 để quản lí các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Tuy nhiên, theo tác giả, có lẽ điều quan trọng hơn đó là quyết tâm của Trung Quốc thách thức đến cùng yêu sách chủ quyền của các nước ASEAN khác. Trung Quốc đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng đánh cược và thi hành một loạt các biện pháp từ gây áp lực chính trị và ngoại giao đến việc gia tăng các lực lượng hải quân, thậm chí áp dụng các biện pháp kinh tế để buộc đối phương phải lùi bước.
Người tra còn nhớ sự kiện bãi san hô Scarborough nổ ra hồi tháng 4.2012 khi tàu hải quân Philippines tìm cách bắt giữ một số người đánh cá Trung Quốc được cho là đang săn cá mập và thu lượm trai sò và san hô hiếm trong khu vực. Khi đó hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc đã can thiệp để ngăn cản việc bắt giữ. Điều này đã gây ra một tình trạng bế tắc kéo dài suốt vài tuần lễ, liên quan đến một bên là một số tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc và bên kia là tàu hải quân và tàu phòng vệ bờ biển của Philippines.
Trên phương diện chính trị và ngoại giao, cả hai bên vẫn tiếp tục ăn miếng trả miếng. Tháng 5.2012, có tin Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh nói rằng Trung Quốc không lạc quan về tình hình xung quanh đảo Hoàng Nham/ Scarbourough khi phía Philippines vẫn tiếp tục đưa tàu đến đảo này và liên tục đưa ra những “nhận xét sai trái” đánh lừa công chúng Philippines và cộng đồng quốc tế. Tin cho biết bà Phó Doanh còn nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng đáp trả mọi hành động của phía Philippines làm cho tình hình leo thang. Sau đó hai bên đã đạt được thỏa thuận rút tàu chiến của mình ra khỏi khu vực này vào tháng 6.2012. Trong khi phía Philippines đã thực thi thỏa thuận thì phía Trung Quốc dường như vẫn chưa chịu thực hiện.
Trong một hành động rõ ràng khác hẳn cách hành xử trước đây, Trung Quốc đã buộc Philippines phải nhượng bộ trong yêu sách của họ đối với bãi san hô Scarborough. Đối với Philippines, ngoài các biện pháp ngoại giao, Trung Quốc còn gia tăng sức ép kinh tế như vào tháng 5/2012, họ ra lệnh kiểm tra chặt chẽ hơn việc nhập khẩu hoa quả của Philippines vào Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc được khuyến cáo không nên đi du lịch Philippines do vấn đề về an ninh./.