Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng

Trung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng

BienDong.net.: Trung Quốc vừa công bố ngân sách quân sự năm 2013 lên tới 720.168 tỉ NDT (115,7 tỉ đôla), tăng 10,7% so với năm 2012.

Trong báo cáo trước kì họp thường niên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), thủ tướng Ôn Gia Bảo công bố mục tiêu đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng vũ trang để tăng cường khả năng quốc phòng và quân sự, cương quyết duy trì chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

 alt

Các đại biểu thuộc giới quân sự Trung Quốc dự phiên họp Quốc hội tại Đại Lễ đường Nhân dân ( ảnh AP )

Như vậy liên tục trong hai thập kỉ qua, ngân sách quân sự hàng năm của Trung Quốc đã tăng hai con số, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn hàng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Không phải là con số thực

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chi tiêu thực sự của Trung Quốc cho quân đội, nếu tính cả những chi phí ngầm ẩn thì sẽ cao hơn rất nhiều so với con số mà Trung Quốc công khai với thế giới.

Tờ South China Morning Post đưa ví dụ như chi phí cho nhập khẩu vũ khí, phần lớn là các vũ khí kỹ thuật cao từ Nga, không nằm trong ngân sách quốc phòng, trong khi các nhà phân tích nói rằng việc nghiên cứu và phát triển vũ khí của chính Trung Quốc đang được tài trợ từ một ngân sách riêng của Bộ Khoa học và Kỹ thuật.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ bao nhiêu tiền trong số các khoản chi phí quốc phòng tại các doanh trại địa phương là do chính quyền địa phương chi trả từ ngân sách của họ.

Năm ngoái, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London ước tính nếu gộp cả các chi phí ngầm này thì ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc có thể lớn hơn tới 40% so với con số chính thức.

 

Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân ( ảnh Tân Hoa Xã )

Còn một yếu tố khác chưa được tính vào giá trị ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Ai cũng biết, vũ khí là mặt hàng không được bán tự do, và giá cả khác nhau rất nhiều giữa các nước. Chi 1 tỉ USD cho hệ thống radar thì người ta sẽ mua sắm được nhiều thứ hơn tại Trung Quốc so với tại Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu tính riêng sự khác biệt về sức mua ở từng nước thì giá trị ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ lớn hơn tới gần 50% so với con số chính thức vừa được công bố.

Theo BBC, điều này có nghĩa là nếu tính gộp cả hai yếu tố trên thì ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi con số công bố, cho dù như vậy thì ngân sách quân sự của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với ngân sách quân sự trị giá 614 tỉ USD/năm hiện nay của Mỹ.

Năm nay chính phủ Trung Quốc đã phá vỡ thói quen truyền thống công bố ngân sách quân sự một ngày trước phiên họp khai mạc Quốc hội- có vẻ như để giảm bớt sự chú ý tới chủ thể của thông tin này.

“Dường như Trung Quốc mỗi năm lại phải giải thích với thế giới về việc tại sao chúng tôi phải tăng cường nền quốc phòng, và vì sao chúng tôi phải tăng ngân sách quân sự”- bà Phó Doanh, Thứ trưởng ngoại giao, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc nói với AFP. Bà khẳng định: Sẽ không phải là điều tốt cho thế giới nếu như một nước lớn như Trung Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh của chính mình. Việc tăng cường phòng thủ chính là để bảo vệ bản thân Trung Quốc, để bảo vệ an ninh và hòa bình, và không phải để đe dọa các nước khác, bà Phó Doanh khẳng định.

Tuy nhiên, theo phóng viên báo Tây Ban Nha El Pais thường trú tại Bắc Kinh, Hoa Kỳ và các nước láng giềng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc như Nhật Bản và Philippines không nghĩ như vậy- Phóng viên này nhận xét: Các nước trên lo ngại trước khoản chi tiêu ngày càng tăng của Trung Quốc dành cho việc phát triển máy bay, tàu chiến, trực thăng hay tàu ngầm thế hệ mới nhất và tố cáo Bắc Kinh thiếu minh bạch trong tham vọng quân sự của họ.

Trong khi đó, tờ báo Anh Financial Times ngày 6.3 cho rằng điều khiến dư luận khu vực và quốc tế lo ngại nhất hiện nay chính là lập trường hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo. “Một tiềm lực quân sự mạnh phục vụ cho chính sách hiếu chiến theo hướng bất chấp luật pháp quốc tế sẽ đẩy cả khu vực tới nguy cơ bùng nổ xung đột”, báo này phân tích.

Theo các nhà quan sát, việc gia tăng ngân sách quân sự cũng cho phép Trung Quốc tiếp tục theo đuổi kế hoạch sản xuất và hiện đại hóa các hệ thống vũ khí bao gồm máy bay chiến đấu, tàu chiến tàng hình, tàu ngầm hạt nhân và máy bay không người lái có vũ trang.

Theo phóng viên báo El Pais, kì họp quốc hội Trung Quốc, kéo dài khoảng hai tuần sẽ là cơ hội để quan sát quan hệ giữa giới chức quân sự và ông Tập Cận Bình, người được cử làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội lần thứ 18 ĐCS Trung Quốc khi ông được bầu làm Tổng Bí Thư, và được cho là hợp với giới quân sự hơn so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Cũng theo phóng viên El Pais, trong ba tháng đảm đương cương vị TBT, ông Tập Cận Bình đã tăng cường liên hệ với quân đội qua các chuyến thăm các đơn vị lục quân, hải quân, không quân và các căn cứ tên lửa. Tuy nhiên ông cũng đã ban hành những qui định mới nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng và loại bỏ những khoản chi tiêu phù phiếm xa hoa. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết những qui định này yêu cầu kiểm soát chặt chẽ những khoản chi tiêu xây dựng những cơ sở hạ tầng không thiết yếu, hạn chế mua sắm và tiếp khách chính thức, và mọi khoản chi tiêu đều phải nhằm thực hiện sứ mệnh chủ yếu của quân đội, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm khả năng chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Hồi tháng 12 năm ngoái, một tháng sau khi Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, Trung Quốc đã ra lệnh cấm các sĩ quan cao cấp tiệc tùng xa hoa và rượu chè. Qui định mới cũng nhắc nhở các sĩ quan không được để cho người trong gia đình và người thân của họ nhận hối lộ.

BDN ( nguồn: El Pais, BBC )

RELATED ARTICLES

Tin mới