Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG HÀNH ĐỘNG MỚI CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

NHỮNG HÀNH ĐỘNG MỚI CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Chỉ mới bước vào những ngày đầu năm 2013, Trung Quốc đã liên tiếp có các hành động quá khích mới ở Biển Đông, tập trung trên 2 lĩnh vực: một là, Trung Quốc tăng cường tập trận ở Biển Đông; hai là, Trung Quốc tăng cường các lực lượng chấp pháp (tàu hải giám, ngư chính, hải cảnh…) để trấn áp tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Báo chí Trung Quốc ngang nhiên đưa nhiều tin, bài khuyếch trương cho các hoạt động bất hợp pháp này của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo báo China Daily ngày 20/3/2013, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc đã đưa tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu thuộc khu trục mang tên lửa Lan Châu, 2 khinh hạm Ngọc Lâm và Hành Thuỷ cùng 1 tàu đệm khí và 4 trực thăng vào tập trận ở Biển Đông. Báo này cho biết biên đội tàu nói trên của Trung Quốc sẽ thực hiện các bài huấn luyện lập chốt chỉ huy, tác chiến linh hoạt trên biển, chi viện tác chiến cấp tốc và hộ tống thuyền… nhằm “nâng cao khả năng chiến thắng” và thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ lợi ích biển đảo quốc gia”. Hiện Hạm đội Nam Hải có 3 tàu đổ bộ lớn là Tỉnh Cương Sơn, Côn Luân Sơn và Trường Bạch Sơn có thể triển khai hoạt động ở Biển Đông.

Báo China Daily của Trung Quốc còn đưa tin Trung Quốc đã công bố nhân sự của Cục Cảnh sát biển vừa được cơ cấu lại sau kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mãnh Hồng Quân sẽ kiêm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Cảnh sát biển và Cục phó Cục Hải dương quốc gia. Hai cục này sẽ phối hợp với nhau chỉ đạo hoạt động của các lực lượng “chấp pháp trên biển” như Hải giám, Ngư chính, Tuần duyên …. Trong thời gian gần đây, các lực lượng này, nhất là Hải giám và Ngư chính liên tục hoạt động sâu trong vùng biển của Việt Nam, thường xuyên uy hiếp, bắt bớ tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường ở Biển Đông.

Ngày 10/3/2013, Tân Hoa xã của Trung Quốc ngạo mạn đưa tin về việc khởi động chương trình “tuần tra bảo vệ ngư dân Trung Quốc” của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc với việc đưa 2 tàu Ngư chính 310 và Ngư chính 301 vào hoạt động ở Biển Đông. Quan chức của Trung Quốc Lưu Quế Mậu còn ngang nhiên tuyên bố trong năm 2013 sẽ có 21 tàu ngư chính với khoảng 3.000 nhân viên sẽ vào hoạt động ở Biển Đông, xuống tận khu vực quần đảo Trường Sa.

Cũng trong thời gian này, 3 tàu hải giám của Trung Quốc là Hải giám 83, Hải giám 262 và Hải giám 263 chở theo trực thăng tiến hành tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 07/3/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến của đó của Việt Nam, các tàu chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục uy hiếp, đe doạ tàu cá và ngư dân Việt Nam với mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ việc tàu Hải giám và Ngư chính của Trung Quốc uy hiếp, đe doạ tàu cá và ngư dân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Thời gian qua, nhiều ngư dân đã lên tiếng tố cáo hành động của Trung Quốc như: ngày 11/3 tàu QNg 96697 TS của ông Lê Khởi ở Quảng Ngãi đã bị tàu Hải giám xua đuổi. Khi tàu chấp pháp Trung Quốc dồn ép không thành thì bắt đầu phun vòi rồng vào thuyền nhằm mục đích nhấn chìm tàu cá, thậm chí các lực lượng chức năng của Trung Quốc chĩa súng vào các tàu cá của Việt Nam đe doạ. Ngày 16/3 tại khu vực đảo Xà Cừ tàu QNG 50949 TS của ông Bùi Văn Lâm cùng 8 thuyền viên của xã Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bị tàu tuần tra sơn trắng (Hải giám) mã hiệu 306 đe dọa. Thấy tàu cá Việt Nam, tàu Hải giám Trung Quốc huy động ca nô truy đuổi. Khi bắt kịp, các quan chức Trung Quốc nhảy lên tàu, đập phá ngư cụ, cướp hải sản, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Đáng chú ý là các tàu chấp pháp của Trung Quốc còn uy hiếp, đe doạ cả các tàu cứu nạn của Việt Nam. Ngày 17/3/2013, ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II (Danang MRCC) tiết lộ, Ngày 12/3/2013 trong khi tàu SAR 412 của Việt Nam đang tiến hành cứu nạn một ngư dân tại Hoàng Sa đã bị một tàu Trung Quốc đuổi bắt trong vùng biển giữa hai đảo Bom Bay và Tri Tôn. Mặc dù phía Trung Quốc nhận diện đây là tàu cứu nạn của Việt Nam nhưng vẫn rọi đèn, đe dọa. Đây là vụ quấy rối tàu chính phủ Việt Nam đầu tiên của năm 2013 được công khai trên báo chí, ngay sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam. Cái được gọi là lực lượng chấp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc đang ngày càng hung hăng, nguy hiểm trên Biển Đông.

Không dừng ở đó, hành động của tàu Trung Quốc ngày càng hành động táo tợn hơn. Nghiêm trọng hơn là ngày 20/3/2013, tàu Trung Quốc đã chính thức nổ súng vào tàu cá Việt Nam, kéo dài chuỗi hành động từ uy hiếp và đến nay đã đe dọa tính mạng ngư dân. Khoảng 10h sáng ngày 20/3, trong khi chuẩn bị kết thúc phiên đánh bắt tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg 96382 TS của thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã bị tàu Trung Quốc hùng hổ truy đuổi; tàu QNg 96382 TS buộc phải chạy thẳng. Sau 30 phút rượt đuổi, lực lượng chức năng Trung Quốc đã nổ súng vào tàu QNg 96382 TS. Lửa bắt vào nóc cabin phủ nhựa cháy ầm ầm, cá bị bắn tả tơi, đồ đạc cháy nham nhở.

Việc làm nói trên của các lực lượng chức năng Trung Quốc chẳng khác nào hành động của những kẻ côn đồ cướp biển. Không rõ khi hành động như vậy những quan chức đó của Trung Quốc có nghĩ đến “16 chữ vàng” hay “tinh thần 4 tốt” mà những người cầm quyền ở Bắc Kinh luôn rêu rao trong quan hệ với Việt Nam hay không? Và không rõ những người lãnh đạo ở Hà Nội có nhận ra bộ mặt thật của Bắc Kinh “giả danh những người cộng sản” để ru ngủ họ hay không. Hành động của Chính phủ Hà Nội trong việc bảo vệ ngư dân thời gian qua còn quá yếu ớt, đây chính là nguyên nhân làm cho Trung Quốc càng được đà lấn tới.

Cuối tháng 11/2012, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ban hành Điều lệ cho phép các lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra, lục soát các tàu của nước ngoài ở Biển Đông và ông Giám đốc Ngoại vụ tỉnh Hải Nam lớn tiếng nói rằng Điều lệ này là nhằm vào tàu cá, ngư dân Việt Nam. Hành động của tàu chấp pháp và các lực lượng chức năng Trung Quốc từ đầu năm 2013 đến nay quả thật là đúng như lời của ông Giám đốc Ngoại vụ tỉnh Hải Nam.

Những vụ việc gây hấn với tàu cá Việt Nam kể trên mới chỉ là bước khởi đầu cho việc triển khai thực hiện Điều lệ của tỉnh Hải Nam, có thể sẽ có thêm nhiều vụ tương tự khi biên đội Hải giám, Ngư chính Trung Quốc ngày càng hoạt động trắng trợn, dồn ép ngư dân Việt Nam. Chính phủ Hà Nội cần phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối những hành động cướp biển của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời phải đầu tư hiện đại hóa các lực lượng giám sát trên biển để bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Với việc đưa vào Biển Đông 21 tàu Ngư chính loại cực lớn có trang bị cả trực thăng, vũ trang hùng hậu với tổng cộng 3.000 nhân viên như nêu ở phần đầu bài viết nếu không có sự bảo vệ và hậu thuẫn của chính phủ thì dù ngư dân Việt Nam có kiên cường bám biển đến bao nhiêu cũng sẽ bị đánh bật ra khỏi các ngư trường truyền thống lâu nay.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, liên tục ít nhất là từ thế kỷ 17 – 18. Đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Bất chấp sự đe doạ của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Bên cạnh việc đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân, Chính phủ Hà Nội cần có những chính sách thoả đáng hỗ trợ về vật chất cho họ yên tâm bám biển. Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới Hà Nội cần tính đến việc đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết vì hành động của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế./.                                             

RELATED ARTICLES

Tin mới