BienDong.Net: Sau phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 17/3/2013, ở Trung Quốc đang dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa với “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình nhắc lại nhiều lần trong phát biểu của mình.
Trong những ngày gần đây, nhiều bài viết về “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” xuất hiện trên các báo và các trang mạng để khẳng định việc “Trung Quốc đi theo con đường phát triển hoà bình” và giải thích rằng việc Trung Quốc theo đuổi “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” mang lại hoà bình và cơ hội cho thế giới.
Những lời giải thích đó chỉ là sự nguỵ biện cho những việc làm đầy hiếu chiến để thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc thành cường quốc quân sự trên thế giới. Qua những phát biểu của Lãnh đạo Trung Quốc và những hành động trên thực tế của họ, chúng ta nhận thấy một sự thật là để thực hiện “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa”, Trung Quốc đã, đang và sẽ đẩy mạnh thực hiện chiến lược biển để xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển; để trở thành cường quốc biển, Trung Quốc cần khống chế, độc chiếm Biển Đông. Theo logic đó thì việc Trung Quốc theo đuổi “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” đang tạo ra mối lo ngại mới cho các nước láng giềng và cả cộng đồng quốc tế. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong những hành động của Trung Quốc những ngày qua ở Biển Đông.
Để thực hiện “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” lực lượng hải quân Trung Quốc đã không hề run tay khi tấn công, bắn cháy tàu cá Việt Nam hôm 20/3/2013; đồng thời cho tàu chiến, tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa và các tàu chấp pháp khác (như Hải giám, Ngư chính, Hải tuần…) ào ạt tiến vào Biển Đông để diễu võ dương oai, đe doạ các nước láng giềng ven Biển Đông. Đặc biệt ngày 26/3/2013, lần đầu tiên lực lượng quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận quân sự quy mô lớn ở điểm cực Nam của yêu sách “đường lưỡi bò”. Trung Quốc đã cho 4 tàu đổ bộ của Hải quân tiến đến sát bãi Tăng Mẫu (James Shoal) để diễn tập quân sự. Trong số 4 tàu đó, có tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc được thiết kế để tấn công các đảo nhỏ và có thể mang theo máy bay trực thăng, tàu đệm hơi, tàu đổ bộ nhỏ và một tiểu đoàn bộ binh.
Thời gian qua, tàu Hải quân Trung Quốc thường xuyên tuần tiễu và tập trận ở Biển Đông nhưng việc tiến xa xuống phía Nam như vậy là điều hiếm thấy. Năm 1983, một phân đội Hải quân của Trung Quốc đã tuần tra khu vực này; năm 1994, Hải quân Trung Quốc đã ghé thăm và thả bia chủ quyền ở khu vực này và năm 2010, Hải quân Trung Quốc tiếp tục thả bia chủ quyền ở khu vực bãi Tăng Mẫu. Trung Quốc coi bãi Tăng Mẫu là điểm cực Nam trong yêu sách của họ ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò”. Malaysia cũng có yêu sách với bãi này vì nó chỉ cách bờ biển của Malaysia khoảng 50 hải lý; Brunei có yêu sách về vùng biển gần khu vực bãi Tăng Mẫu.
Lâu nay, Malaysia và Brunei thường ít khi lên tiếng công khai phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vì các hoạt động đó chưa tiến đến khu vực yêu sách vùng biển của hai nước này. Malaysia và Brunei có quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc nên họ thi hành chính sách “ngậm miệng ăn tiền” trong vấn đề Biển Đông để khỏi “mất lòng” Trung Quốc. Hai nước này thường im lặng trước các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông vì họ cho rằng im lặng để Trung Quốc không gây sự ở các vùng biển mà họ yêu sách. Tuy nhiên, Malaysia và Brunei đã nhầm to vì với tham vọng độc chiếm Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào và không loại bỏ bất kỳ khu vực nào ra khỏi âm mưu thôn tính của họ. Vấn đề chỉ là Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động gây hấn ở những khu vực đó khi nào mà thôi. Với yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, sau khi tiến hành các hoạt động gây hấn với Việt Nam và Philippines là 2 nước có vị trí gần Trung Quốc, vùng biển liền kề với Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục những hoạt động leo thang ở các khu vực xa hơn thuộc vùng biển của Malaysia và Brunei.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2013 tại Brunei, với một loạt hành động leo thang mới ở Biển Đông dường như Trung Quốc đang thách thức cả khối ASEAN và cộng đồng quốc tế. Chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng tại Hội nghị ASEAN sắp tới. Hành động ngạo mạn của Trung Quốc đã kéo đến tận vùng biển của Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2013. Không mua chuộc được Brunei gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Brunei (vì Brunei luôn tuyên bố tiếp tục duy trì nội dung vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN 2013), có vẻ như Trung Quốc đang muốn gia tăng hoạt động trên thực địa ở ngay vùng biển của Brunei để gây áp lực lên Brunei trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Brunei khác Campuchia trong năm 2012 ở chỗ Brunei không thiếu tốn về tài chính như Campuchia, hơn nữa Brunei là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nên có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì nội dung Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN.
Hành động diễn tập quân sự của Trung Quốc tại khu vực bãi Tăng Mẫu đã làm cho Washington không thể im lặng. Ngày 29/3/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã phát biểu khá mạnh mẽ về vấn đề này. Bà Nuland nhấn mạnh: “Cho đến khi khu vực xây dựng được chiến lược chung để quản lý và ngăn ngừa tranh chấp, những hành động quyết đoán của các bên tranh chấp có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng, xung đột. Hoa kỳ yêu cầu các bên yêu sách khi lên kế hoạch tập trận quân sự trong các cấu trúc địa lý bị tranh chấp, đang bị chiếm giữ hoặc không bị chiếm giữ, phải tính đến việc điều đó có thể gây bất đồng, có thể có những hậu quả không mong muốn, và thực tế có thể dẫn đến xung đột, do vậy Hoa Kỳ yêu cầu các bên tránh những hành động khiêu khích.
Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và được sử dụng biển hợp pháp về mặt quốc tế liên quan đến các quyền tự do nói trên trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Những hoạt động này bao gồm cả hoạt động quân sự. Tuy nhiên, lo ngại ở đây là về tình hình căng thẳng chính trị hiện tại, các cuộc tập trận có vẻ như là sự khiêu khích….”
Các học giả quốc tế cũng đã lên tiếng phê phán việc làm này của Trung Quốc. Báo Straits Times của Singapore đăng bình luận của chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore Ian Storey cho rằng vụ việc chứng tỏ Hải quân Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện xuống phía Nam, cực cuối cùng của “đường lưỡi bò”, gây quan ngại lớn cho Malaysia và Brunei vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của 2 nước này. Trung Quốc muốn phô trương khả năng có thể chiếm các đảo bằng quân sự nếu họ muốn. Ngoài ra, hành động này còn củng cố tính chính danh của Ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc vốn đang bị ảnh hưởng do các vấn đề nội bộ. Cùng với việc bắn vào tàu cá Việt Nam, hành động này cho thấy Trung Quốc có ý đồ theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với các bên tranh chấp trên Biển Đông trong năm 2013.
Trung Quốc đã gây ra những vụ việc phức tạp mới ngay sau khi Trung Quốc vừa hoàn tất ban lãnh đạo thế hệ thứ 4 của Tập Cận Bình. Với học thuyết mới “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đã hơn chục lần nhắc đến trong phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ nhất khoá 12 của Trung Quốc, cùng với mục tiêu chiến lược đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển”, Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông, làm cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Như vậy, việc theo đuổi “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” của Trung Quốc không mang lại hoà bình ổn định cho khu vực và thế giới như những lời giải thích ngọt ngào của những người Lãnh đạo ở Bắc Kinh, được giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi. Trái lại, việc Trung Quốc theo đuổi “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” đang là mối đe doạ lớn cho các nước láng giềng của Trung Quốc, trước hết là các nước ven Biển Đông, đồng thời là mối lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế về một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến, hung hăng./.