Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN SẮP TỚI

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN SẮP TỚI

BienDong.Net: Cuối tháng 4 này, Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2013 sẽ được tổ chức tại Brunei. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới phức tạp, nhất là từ đầu năm 2013 đến nay.

Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 mở ra một cục diện mới cho giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý, đồng thời đặt Trung Quốc vào thế khó khăn phải đối phó trên mặt trận pháp lý.

Các nước ASEAN phản ứng công khai một cách dè dặt, chỉ có Việt Nam, Singapore và Thái Lan bày tỏ thái độ công khai về vụ kiện của Philippines . Trung Quốc ráo riết vận động các nước ASEAN (cử các đoàn đi các nước ASEAN) ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vụ kiện này. Tuy nhiên, không một nước nào, kể cả “chú ngựa ô” Cămpuchia dám công khai ủng hộ quan điểm của Trung Quốc vì việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 là một biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như: Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982. Việc làm của Philippines hoàn toàn không phải là một hành động khiêu khích Trung Quốc mà chỉ là muốn dùng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông. Đây là biện pháp giải quyết tranh chấp khoa học nhất giúp tránh được các xung đột leo thang, kéo dài để duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông.

Trung Quốc đã khước từ việc tham gia vào vụ kiện, không hợp tác cùng Philippines cử Trọng tài viên của Trung Quốc. Tuy nhiên, tiến trình vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng các trình tự quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Chánh án Toà án quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã cử ông Pawlak người Ba Lan làm Trọng tài viên cho Trung Quốc. Dự kiến đến cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 Toà sẽ được thành lập.

Trung Quốc gia tăng sức ép chính trị yêu cầu Philippines rút đơn kiện với những việc làm hết sức lố bịch như coi việc Philippines rút đơn kiện là điều kiện để Trung Quốc có thể triển khai thảo luận với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hoặc đề nghị đàm phán về COC giữa Trung Quốc và 9 nước ASEAN loại Philippines ra ngoài. Tuy nhiên, các nước ASEAN đã thấy rõ âm mưu của Trung Quốc là muốn phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN, nên không đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, tiếp tục yêu cầu Trung Quốc sớm triển khai đàm phán về COC với cả 10 nước ASEAN. Còn Philippines thì khẳng định rõ quyết tâm tiến hành vụ kiện đến cùng.

Đáng chú ý là Hoa Kỳ ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ việc Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines tại Washington ngày 02/4/2013, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng trên Biển Đông và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp biển của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông thông qua Toà Trọng tài quốc tế; đồng thời, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết tranh chấp biển giữa các nước.

Vậy liệu các nước ASEAN có thể tìm được tiếng nói chung để có thể bày tỏ thái độ công khai về vụ kiện của Philippines hay không? Xét tổng thể thì việc Philippines khởi kiện Trung Quốc có lợi cho hoà bình ổn định trong khu vực, là cơ sở để hướng Trung Quốc phải tôn trọng những chuẩn mực và luật pháp quốc tế trong quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, các nước ASEAN khó có thể tìm được tiếng nói chung để bày tỏ thái độ công khai trong vấn đề vụ kiện vì trong số 10 nước ASEAN thì có đến 4 nước (Thái Lan, Cămpuchia, Lào, Mianma) không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, trong số đó có những nước đã từng bán rẻ lợi ích của ASEAN trong năm 2012.

Một quan điểm chung trong ASEAN hiện nay liên quan đến vụ kiện là cần tách bạch vụ kiện của Philippines với các hoạt động của ASEAN, kể cả việc xây dựng COC. Không thể lấy lí do Philippines khởi kiện để trì hoãn tiến trình thảo luận về COC. Bản thân Philippines trong Tuyên bố khởi kiện của minh vẫn cam kết nỗ lực thực hiện DOC và thúc đẩy xây dựng COC. Tuy nhiên, tại cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN – Trung Quốc tại Bắc Kinh đầu tháng 4/2013, mặc dù các nước ASEAN đã nỗ lực yêu cầu Trung Quốc sớm tiến hành thảo luận về COC, nhưng Trung Quốc tiếp tục từ chối. Trung Quốc đề nghị thảo luận về COC ở kênh II (giữa các nhà học thuật), nhưng các nước ASEAN không đồng ý mà kiên trì yêu cầu Trung Quốc thảo luận về COC ở kênh chính thức (cấp SOM). Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Trung Quốc chưa đàm phán với ASEAN về COC vì Trung Quốc biết rằng COC sẽ cản trở những hành động leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông; Trung Quốc muốn tiếp tục có thời gian để gia tăng hoạt động, phá vỡ cục diện hiện nay ở Biển Đông; Trung Quốc chỉ ngồi vào thảo luận với ASEAN về COC sau khi Trung Quốc đã thiết lập được một “trật tự” mới do Trung Quốc khống chế ở Biển Đông. Vì lẽ đó, dù ASEAN có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa thì tiến trình xây dựng COC vẫn còn rất xa vời.

Trong bối cảnh đó, nên chăng các nước ASEAN hãy tự xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông như đề nghị của Indonesia? Tháng 7/2012, các nước ASEAN đã đạt được nhất trí về nội hàm các thành tố chính của COC. Đây là cơ sở để ASEAN tự mình xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và để mở cho các nước khác tham gia, thậm chí cả Hoa Kỳ. Nếu làm được điều này, các nước ASEAN sẽ tạo nên một áp lực rất lớn cho Trung Quốc.

Cùng với việc từ chối thảo luận về COC, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông với cường độ nhiều hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn, hành động táo tợn hơn. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc gia tăng số lượng tàu chiến, tàu khu trục và các tàu chấp pháp (Hải giám, Ngư chính, Hải tuần…) hoạt động trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông; tăng cường diễn tập quân sự quy mô lớn với sự tham gia của tàu chiến, máy bay và kéo đến tận bãi Tăng Mẫu, điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”. Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh tăng cường trấn áp tàu cá và ngư dân, trong vòng 3 tháng qua đã có đến hơn 1 chục vụ Trung Quốc xua đuổi, đe doạ trấn áp tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường ở các ngư trường truyền thống ở Biển Đông, thậm chí Trung Quốc còn sử dụng cả lực lượng Hải quân để trấn áp tàu cá. Điển hình là việc tàu Hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam hôm 20/3/2013.

Đáng chú ý là từ đầu năm 2013, các lực lượng chức năng của Trung Quốc triển khai diễn tập ngăn chặn, kiểm soát cả các tàu chở hàng hoá ở Biển Đông và phong toả các tuyến vận tải. Tờ Minh Báo của Hồng Công ngày 30/3/2013 đưa tin: ngày 28/3/2013, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tiến hành luyện tập khoa mục kiểm tra đột xuất, lục soát các tàu thương mại. Chỉ huy cuộc diễn tập nói kiểm tra bắt giữ là một biện pháp hưu hiệu “cắt đứt tuyến đường giao thông” trong tác chiến quy mô lớn. Tàu hộ vệ “Ngọc Lâm” của Hạm đội Nam Hải điều 2 nhóm kiểm tra truy bắt dùng tàu cao tốc đuổi theo tàu thương mại. Nhóm kiểm tra tiến hành khống chế buồng lái và hệ thống thông tin, điều khiển tàu đến vùng biển chỉ định. Đây phải chăng là bước chuẩn bị cho việc triển khai “Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam” để tiến hành kiểm tra, lục soát, bắt bớ tàu nước ngoài ở Biển Đông? Cuộc diễn tập này của Trung Quốc gây phản ứng rất mạnh từ phía Hoa Kỳ vì nó đe doạ đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, một lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Khi đề cập đến cuộc diễn tập này của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc, Người phát ngôn Chính phủ Hoa Kỳ Victoria Nuland nhấn mạnh trước khi các bên liên quan đưa ra các biện pháp quản lý và đề phòng xung đột tại các vùng biển có tranh chấp, bất cứ hành động nào quá khích cũng có thể dẫn đến căng thằng tình hình hoặc xung đột.

Với những diễn biến căng thẳng từ đầu năm 2013 đến nay xung quanh vấn đề Biển Đông, chắc chắn tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối tháng 4 này vấn đề Biển Đông sẽ lại trở thành một chủ đề được các nước bàn thảo nhiều. Mặc dù, Trung Quốc ra sức vận động, lôi kéo Brunei để gạt nội dung về Biển Đông ra khỏi các chương trình nghị sự của Hội nghị, nhưng thực tế cho thấy việc trao đổi về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN từ các hội nghị năm 2010 ở Hà Nội là không thể đảo ngược được. Brunei là nước nhỏ chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc nhưng Brunei liên quan trực tiếp đến các tranh chấp ở Biển Đông và có lợi ích trong việc thảo luận tìm giải pháp hoà bình cho vấn đề Biển Đông. Quốc vương Brunei đã nhiều lần khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được bàn thảo tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN được tổ chức ở Brunei trong năm 2013. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ đang hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc gây sức ép trên vấn đề Biển Đông, ủng hộ việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đích danh Tổng thống Barack Obama khi tiếp Quốc vương Brunei sang thăm Hoa Kỳ đã khẳng định Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại diễn đàn Đông Á (EAS) được tổ chức tại Brunei trong năm 2013. Chúng ta hãy cùng chờ xem những diễn biến mới trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2013, trước hết là Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng 4 tới đây./.

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới