Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG LIỆU CÓ ĐƯỢC BÌNH YÊN MÙA GIÓ LẶNG?

BIỂN ĐÔNG LIỆU CÓ ĐƯỢC BÌNH YÊN MÙA GIÓ LẶNG?

BienDong.Net: Tháng 4 là tháng bắt đầu cho mùa sóng yên biển lặng, nhưng dường như Biển Đông vẫn ẩn chứa những đợt sóng ngầm có thể bùng phát vươn lên mặt biển bất cứ lúc nào.

Trung Quốc tiếp tục có các hành động khiêu khích, xâm phạm vùng biển của các nước xung quanh khiến cả thế giới lo ngại.

Vừa rồi, Vụ trưởng Vụ Châu Á – Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy rêu rao trên mạng Tân Hoa khi trao đổi với cư dân mạng, đưa thành tích “bảo vệ chủ quyền” lên thành điểm đột phá đầu tiên trong công tác ngoại giao của Trung Quốc năm 2012; liệt kê tỉ mỉ “Đối diện với việc Philippines khơi lên tranh chấp đảo Hoàng Nham (Scarborough), Việt Nam thông qua Luật Biển, Nhật Bản mua đảo Điếu Ngư, ba sự kiện lớn, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đáp trả mạnh mẽ, tổng hợp thi hành chính sách, đánh ba trận đẹp mắt, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển”.

Nhìn lại năm 2012, có thể thấy đây chính là năm Trung Quốc khởi động cho chiến dịch bành trướng hung hăng trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng. Về mặt pháp lý, Quốc vụ viện phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, in bản đồ đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông điện tử cấp cho công dân Trung Quốc, xuất bản bản đồ “Tam Sa” trong đó phạm vi bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đẩy mạnh quy hoạch và pháp chế hóa khai thác, quản lý biển nhưng lại phản đối những việc làm bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Trong khi ban hành một loạt các văn bản có tính pháp quy như “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc”, “kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 về tiêu chuẩn hóa hải dương toàn quốc”, “Điều lệ quản lý dự báo quan trắc hải dương” hết sức vô lý, ngang ngược… Trung Quốc lại có hành động nực cười là phản đối Việt Nam thông qua Luật Biển hôm 21/6/2012.

Chưa hết, trên thực địa, Trung Quốc cũng ráo riết triển khai các hành động thực tế nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Trung Quốc cho thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa; đưa đoàn tàu cá với quy mô lớn gồm 30 chiếc đến đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập; đưa giàn khoan 981 vào hoạt động tại Biển Đông, bắt bớ ngư dân Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho tàu cá vào quần đảo Hoàng Sa tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản của ngư dân. Trung Quốc còn ngang nhiên gọi thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có lô cách Đảo Cây – quần đảo Hoàng Sa vài hải lý rồi lại gây áp lực, yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông cũng như tiếp tục có hành động cản trở hoạt động thăm dò của Việt Nam. Thay vì dùng tàu Hải giám cắt cáp tàu khảo sát Việt Nam như năm 2011, Trung Quốc đổi chiêu cho hai tàu cá cố tình cản trở và làm đứt cáp của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vị trí chỉ cách đảo Cồn Cỏ khoảng 43 hải lý vào tháng những ngày cuối năm 2012.

Đặc biệt, ngay sau khi Quốc vụ viện phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc đã đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây như một thành phố trên đất liền, từ xây dựng nhà cho thuê giá rẻ đến xây dựng cơ sở tập kết, nhà máy xử lý rác thải trên đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc vẫn hay gọi là Vĩnh Hưng), chuẩn bị phê duyệt đăng ký kinh doanh để thu hút thêm nhiều công ty đầu tư, quy hoạch 31 dự án lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 13,3 tỷ NDT tương đương 2,1 tỷ USD… Và việc nâng cấp hành chính này cũng chỉ là bước đệm để từ đó Trung Quốc hợp pháp hóa tăng cường bố trí quân sự. Ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm. Mục đích của tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và bố trí quân sự là: Một, thông qua công tác dã chiến kết hợp với xây dựng công trình quân sự vĩnh cửu, công trình chiến đấu và sinh hoạt để tạo trận địa phòng ngự theo chiều rộng và hệ thống phòng ngự ở các điểm xung yếu; Hai, thông qua việc xây dựng các điểm phòng ngự như lô cốt, nhà giàn, kết hợp với sự yểm hộ của lượng lớn tàu thuyền tuần tra để hình thành thế trận “đảo khống chế biển”.

Sau Đại hội 18, Tập Cận Bình nhận chức Tổng bí thư đã tiến hành khảo sát tại Quảng Đông là nơi có hạm đội Nam Hải. Tại đây Tập đã khảo sát chiến khu Quảng Châu, thăm tàu Hải Khẩu thuộc Hạm đội Nam Hải. Trong buổi gặp gỡ cán bộ lãnh đạo quân đội ở Quảng Châu, Tập nhấn mạnh “thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa từ cận đại trở lại đây. Có thể nói, giấc mơ này là giấc mơ cường quốc, đối với quân đội mà nói, cũng là giấc mơ quân đội mạnh”. Tập chỉ rõ yêu cầu của quân đội mạnh chính là có thể đánh trận và đánh thắng trận, phải xây dựng và chuẩn bị theo tiêu chuẩn của đánh trận, đảm bảo quân đội luôn luôn gọi là đến ngay, đến là có thể đánh và đánh là chắc thắng. Hành động này báo hiệu cho các hành động ngày càng ngang ngược và chính sách cứng rắn đe dọa các nước láng giềng, bất chấp cộng đồng quốc tế của Trung Quốc dưới thời của Tập.

Điều này đã được minh chứng ngay khi bước sang năm 2013, Trung Quốc liên tiếp có những động thái hung hăng, hiếu chiến hơn ở Biển Đông. Tháng 1/2013 Quốc vụ viện phê chuẩn quy hoạch phát triển năng lượng 5 năm lần thứ 12 trong đó nhấn mạnh tăng cường mức độ khai thác năng lượng trên biển, tăng cường mức độ thăm dò khai thác ở khu vực biển phía nam và quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc 5 năm lần thứ 12 nhấn mạnh phát triển kinh tế biển trong đó có vành đai kinh tế Biển Đông; phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa; cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B – 7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này; cử tàu khảo sát khoa học nghề cá “Nam Phong” đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Và mới đây nhất, để cổ vũ cho chiến dịch tiến xuống Nam Hải (Biển Đông), Tập Cận Bình trong thời gian tham dự Diễn đàn Bác Ngao ở Hải Nam đã tiến hành thị sát cảng Đàm Môn/thành phố Chu Hải. Tại đây Tập tuyên bố sẽ hậu thuẫn cho ngư dân nước này đánh bắt trái phép ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ ngư dân đẩy mạnh các hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển. Bên cạnh đó, lực lượng chấp pháp Trung Quốc cũng sẽ tăng cường các biện pháp tuần tra, chấp pháp bảo đảm an ninh cho ngư dân nước này. Trong đợt thị sát, Tập nhấn mạnh lực lượng hạm đội Nam Hải đóng tại quân cảng Tam Á phải tăng cường giáo dục tinh thần chiến đấu, bồi dưỡng nâng cao tác phong chiến đấu, đặc biệt nhấn mạnh sĩ quan, binh sĩ chú ý: “Đi lính là đánh trận, cầm quân biết đánh trận và luyện quân biết đánh trận”. Vậy là đã rõ, trong thời gian tới, các biện pháp thô bạo, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, thậm chí sử dụng chiêu thức “mô hình Hoàng Nham/Scarborough” lấy chấp pháp trên hiện trường là chính, ngoại giao là bổ sung và quân sự là hậu thuẫn sẽ được Trung Quốc áp dụng cho tranh chấp trên Biển Đông với Việt Nam và các nước nhỏ khác.

Không những thế trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tại các diễn đàn song phương và đa phương, giới cầm quyền Bắc Kinh vẫn ra rả rêu rao lừa dối dư luận quốc tế rằng Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường đối thoại và liên lạc với các nước ASEAN để cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, muốn biến “Biển Đông thành vùng biển hòa bình, vùng biển hợp tác”, cố tình đổ lỗi kêu Việt Nam dựng chuyện, xâm phạm “chủ quyền Trung Quốc” rồi ngụy biện “đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc mới là chính đạo, phải đạo”. Thêm vào đó, cư dân mạng Trung Quốc và một số quan chức quân sự luôn cổ vũ Chính phủ sử dụng biện pháp quân sự để “thu hồi các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Không hiểu khi phát ngôn, những người này có biết mình đang vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực của Luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc hay không? Lẽ nào Trung Quốc lại muốn đi ngược lại sự tiến bộ của nhân loại, tự mình phá hoại hình ảnh “nước lớn có trách nhiệm” mà bản thân Trung Quốc đang cố xây dựng? Và phải chăng họ đã quên rằng trong lịch sử, Việt Nam chưa từng bị khuất phục bởi quân đội phương Bắc. Những trận Chi Lăng, Bạch Đằng giang lịch sử vẫn còn đó là minh chứng sát thực cho thấy đâu cứ phải là hùng mạnh, là ngang ngược thì sẽ nuốt chửng được người yếu hơn đâu.

Như vậy, với những gì Trung Quốc đã làm thời gian qua cho thấy chắc chắn Trung Quốc sẽ thi hành chính sách hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược. Hành động và lời nói của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau. Để đối phó lại, để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển, đảo, Hà Nội cần đầu tư hiện đại hóa hải quân, huy động sức mạnh tổng lực trong và ngoài nước cả về kinh tế, chính trị – ngoại giao, công luận và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sẵn sàng mời Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp./.

RELATED ARTICLES

Tin mới