Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNam Đại Dương: Đại dương thứ 5 của thế giới

Nam Đại Dương: Đại dương thứ 5 của thế giới

BienDong.Net: Năm 2000, Tổ chức Thủy văn quốc tế (the International Hydrographic Organization- IHO) đã quyết định thiết lập đại dương thứ năm – Nam Đại dương – bao gồm các phần phía nam của Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Đại dương mới nhất này bao trọn xung quanh châu Nam Cực.

Nam Đại Dương trải dài từ bờ biển phía bắc châu Nam cực tới vĩ tuyến 60 độ nam. Nam Đại Dương là đại dương lớn thứ tư trong số 5 đại dương (sau Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, nhưng lớn hơn Bắc Băng Dương).

alt

Nam Đại dương

Trong một thời gian dài, các nhà địa lí đã tranh luận liệu có 4 hay 5 đại dương trên trái đất.

Trước đây, Đại Tây DươngThái Bình Dương và Ấn Độ Dương được coi là mở rộng tới tận châu Nam Cực. Định nghĩa này hiện nay vẫn còn được một số tổ chức địa lý sử dụng, trong đó có Hiệp hội Địa lý Quốc gia (NGS) của Mỹ. Với định nghĩa này, thế giới chỉ có 4 đại dương.

Giờ đây, những người chủ trương con số 5 có thể bổ sung đại dương thứ 5 và gọi tên nó là Nam Đại Dương, hay Đại dương Nam cực (Antarctic Ocean) nhờ quyết định của Tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO).

Trong văn kiện chính thức của mình, năm 2000 Tổ chức thủy văn quốc tế, cơ quan có thẩm quyền đặt tên và xác định vị trí của các biển và đại dương trên thế giới đã quyết định rằng Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 của thế giới.

Vì sao lại cần có một đại dương mới – Nam Đại Dương? Theo Thuyền trưởng John Leech làm việc cho IHO, rất nhiều các công trình nghiên cứu về hải dương học trong những năm gần đây liên quan đến các dòng hải lưu, trước hết là do hiện tượng El Nino, và do mối quan tâm ngày càng lớn đối với hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Các công trình nghiên cứu này cũng xác định rằng một trong những động lực chủ yếu của hệ thống đại dương thế giới chính là “dòng lưu chuyển phương Nam”, nó tách Nam Đại Dương thành một hệ sinh thái riêng biệt. Chính vì thế, thuật ngữ Nam Đại Dương được dùng để chỉ vùng biển khổng lồ nằm ở phía nam giới hạn bắc. Nếu cho rằng vùng biển này là những phần thuộc Đại Tây Dương, Ấn độ Dương và Thái Bình Dương thì sẽ không có ý nghĩa khoa học. Có đầy đủ lí do để xác định đây là một đại dương mới.

Với diện tích gần 20,3 triệu km 2, Nam Đại Dương bao gồm biển Amundsenbiển Bellingshausen, một phần của hành lang Drake, biển Ross, một phần nhỏ của biển Scotia và biển Weddell, với bờ biển kéo dài 17.968 km.

Các tọa độ địa lý của Nam Đại Dương về danh nghĩa là 65°00′ nam và 0°00′ đông, nhưng Nam Đại Dương có nét đặc biệt duy nhất do người ta vẫn coi nó như là một vùng nước lưu thông lớn có dạng vòng tròn bao quanh châu Nam Cực; vòng tròn này nằm giữa vĩ tuyến 60° nam và bờ biển của châu Nam Cực và chứa đựng đủ 360° tính theo kinh độ.

Tuy nhiên, định nghĩa này không phải là phổ biến. Tại Australia thì Nam Đại Dương được xác định giống như định nghĩa của IHO nhưng bao gồm toàn bộ vùng nước còn lại nằm giữa châu Nam Cực và các bờ biển phía nam của Australia và New Zealand cũng như được thể hiện trên bản đồ giống như vậy. Cụ thể, các bản đồ bờ biển của Tasmania và Nam Australia luôn luôn đánh dấu các khu vực biển là Nam Đại Dương mà không bao giờ là Ấn Độ Dương.

Nam Đại Dương có độ sâu từ 4.000 đến 5.000 mét tại phần lớn các khu vực của nó, với một diện tích nhỏ các vùng nước nông. Điểm sâu nhất của Nam Đại dương là 7.235 km dưới mực nước biển, trong rãnh Nam Sandwich.Thềm lục địa Nam Cực nói chung là hẹp và sâu bất thường, các gờ của nó nằm ở độ sâu từ 400 đến 800 m (trung bình toàn cầu chỉ khoảng 133 m). Dòng hải lưu quanh châu Nam Cực (dài 21.000 km) chuyển động liên tục về hướng đông; nó là dòng hải lưu lớn nhất thế giới, đem theo 130 triệu m³ nước mỗi giây – gấp 100 lần lưu lượng của tất cả các dòng sông trên thế giới cộng lại.

Các trận bão, gió xoáy di chuyển theo hướng đông xung quanh châu Nam Cực và thường có cường độ mạnh do sự chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng đóng băng và đại dương. Khu vực đại dương từ khoảng vĩ tuyến 40° nam cho tới vòng Cực Nam thường có các trận gió mạnh nhất trên Trái Đất. Nhiệt độ trung bình ở đây là từ -2 độ C đến 10 độ C. Các vùng đóng băng của Nam Cực dao động từ ít nhất là 2,6 triệu km² vào tháng 3 tới khoảng 18,8 triệu km² vào tháng 9, gấp khoảng 7 lần khi nhỏ nhất. Về mùa đông, đại dương bị đóng băng tới vĩ tuyến 65° nam ở khu vực Thái Bình Dương và 55° nam ở khu vực Đại Tây Dương.

Nam Đại dương được cho là có nhiều tiềm năng dầu lửa, hơi đốt và nguồn nước ngọt khổng lồ dưới dạng các núi băng. Vùng biển này còn nổi tiếng về sự phong phú của các loài mực ống, cá voi, hải cẩu, nhuyễn thể và các loài cá.

Nam Đại Dương là chủ thể của mọi hiệp ước quốc tế liên quan tới các đại dương trên thế giới. Ngoài ra, nó còn là đối tượng của các thỏa ước liên quan tới khu vực như: Ủy ban nghề săn bắt cá voi quốc tế (cấm săn bắt cá voi cho mục đích thương mại ở phía nam của vĩ tuyến 40° nam); Hiệp ước về bảo tồn hải cẩu Nam Cực(giới hạn việc săn bắt); Hiệp ước về bảo tồn các nguồn sinh vật biển Nam Cực (điều tiết việc đánh cá)…

Mặc dù IHO đã có quyết định về vị trí của đại dương mới, tuy nhiên, cuộc tranh luận về con số các đại dương có thể vẫn tiếp tục. Suy cho cùng, rốt cục cũng chỉ có một “ đại dương thế giới”, bởi lẽ toàn bộ 4 (hay 5) đại dương trên hành tinh chúng ta đều nối liền với nhau.

BDN (theo Geography – About.com)

RELATED ARTICLES

Tin mới