Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQui hoạch phát triển hải dương và mưu đồ độc chiếm biển...

Qui hoạch phát triển hải dương và mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

BienDong.Net: Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc vừa công bố “Quy hoạch phát triển hải dương 5 năm lần thứ 12” (quy hoạch đến năm 2015, triển vọng đến năm 2020) trong mưu đồ thúc đẩy tham vọng bành trướng biển của Bắc Kinh.

Với nội dung chính xoay quanh các vấn đề: phát triển du lịch biển, quy hoạch biển, thăm dò, khai thác dầu khí, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý tài nguyên trên biển, đặc biệt là đánh giá và xác định chiến lược phát triển tài nguyên dầu khí tại các khu vực như Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông).

Qui hoạch xác định Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí tại các khu vực này, thực hiện khai thác kinh doanh dầu khí, đầu tư trang bị kỹ thuật thăm dò nước sâu và hoàn tất việc nghiên cứu các khu vực dầu khí trọng điểm trên biển.

Tàu tuần tra Trung Quốc uy hiếp trên biển Đông – Ảnh: Chinanews

Quy hoạch xác định Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền lợi trên biển bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sâu các đối sách, tăng cường khống chế thật sự đối với các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ quyền lợi trên biển.

Quy hoạch nhấn mạnh việc tăng cường đảm bảo và giám sát hàng hải, phân bố tốt hơn nữa hệ thống quản lý giao thông tàu bè, hoàn thiện hệ thống nhà giàn trên biển tại “quần đảo Tây Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của VN) và “Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của VN). Kế hoạch của Trung Quốc còn nhằm mở rộng việc tuần tra an toàn đường biển đến khu đặc quyền kinh tế và các vùng biển khác.

Quy hoạch còn đặc biệt chú trọng việc tăng cường đầu tư tàu bè, máy bay và xây dựng các trạm bảo vệ, nâng cao khả năng giám sát và liên lạc thông tin. Theo đó, các hoạt động bảo vệ quyền trên biển sẽ được “bình thường hóa” để đảm bảo việc khai thác ngư nghiệp tại các ngư trường gọi là “truyền thống” của Trung Quốc. Việc tổ chức các tuyến du lịch đến Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng nằm trong “quy hoạch” này.

alt

Giàn khoan dầu nước sâu của Trung Quốc trên Biển Đông

Cũng liên quan đến Biển Đông, Quy hoạch còn bao gồm các vấn đề như: tăng cường công tác quản lý các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép; nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo vệ, khai thác tài nguyên Biển Đông; đẩy mạnh hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, dầu khí…

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc yêu cầu tỉnh Hải Nam, các doanh nghiệp kinh tế biển tăng cường xây dựng ngư trường (trái phép – PV) tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động kinh tế tại các đảo không người; tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, cho vay lãi suất thấp đối với những ngư dân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên Biển Đông; tăng cường hiệu quả chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ của chính phủ…

Quy hoạch yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), tập đoàn hóa dầu và các công ty dầu khí đẩy mạnh hoạt động hợp tác với nước ngoài; tăng cường hoạt động khoan thăm dò, khai thác, dịch vụ phục vụ dầu khí; tăng cường công tác điều tra, đánh giá trữ lượng các giếng dầu; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dầu khí, hóa dầu, trong đó trọng điểm đột phá thăm dò, khai thác là tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2015, sản lượng khai thác đạt 220-260 vạn m3 khí mỗi ngày.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hoạch định kế hoạch khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển trên Biển Đông.

Có thể thấy, với những định hướng chiến lược trên, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ triển khai toàn diện nhiều hoạt động trên các lĩnh vực nhằm triệt để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông và các nguồn tài nguyên của nó.

BDN (theo Tuổi trẻ và Petrotimes)

RELATED ARTICLES

Tin mới