Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG ĐỘNG THÁI MỚI XUNG QUANH VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TRƯỚC HỘI...

NHỮNG ĐỘNG THÁI MỚI XUNG QUANH VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TRƯỚC HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN CUỐI THÁNG 4/2013

BienDong.Net: Hội nghị cấp cao các nước ASEAN sẽ diễn ra tại Brunei từ 24-26/4/2013. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề nóng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong năm 2013 của những người lãnh đạo các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã tiến hành Hội nghị Ngoại trưởng ngày 11/4/2013.

Vấn đề Biển Đông đã được bàn thảo nhiều tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này. Kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra một thông cáo báo chí về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh để tránh nảy sinh xung đột giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đề nghị các bên tranh thủ thời gian đàm phán và sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Thông cáo báo chí nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, tin cậy và hợp tác trong khu vực; kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; yêu cầu các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp hóa tranh chấp.

Theo một số nguồn tin cho biết, trước Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN Thái Lan, nước đang giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đã đưa ra bản dự thảo “Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông” để thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng. Theo một quan chức của Thái Lan cho biết Nhóm quan chức cấp cao các nước ASEAN (SOM ASEAN) đã đạt được nhận thức chung về nội dung quan trọng của Tuyên bố chung. Tuy nhiên, nước chủ nhà Brunei cho rằng việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ra một “Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông” có thể trở thành hành động kích thích Trung Quốc không cần thiết, do vậy cuối cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí trước mắt Ngoại trưởng các nước ASEAN ra Thông cáo báo chí thay cho việc ra Tuyên bố chung.

Thông cáo báo chí có mức độ ảnh hưởng thấp hơn so với Tuyên bố chung. Tuy nhiên việc ra được Thông cáo báo chí về vấn đề Biển Đông cũng đã là một bước tiến mới quan trọng thể hiện sự đồng thuận giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu dự đoán rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp do các hành động của Trung Quốc, rất có thể Tuyên bố chung này sẽ được các nước ASEAN ký kết, thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tháng 4/2013. Nếu như Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông được thông qua thì đây là Tuyên bố chung đầu tiên của các nước ASEAN liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Hiển nhiên là Trung Quốc đang tìm mọi cách để ngăn cản việc này xảy ra. Họ đang ráo riết vận động nước chủ nhà Brunei và một số nước ASEAN khác không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông.

Ngay trước khi diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN, Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã có một loạt các hoạt động ở tỉnh Hải Nam, nhân dịp ông ta tới dự diễn đàn kinh tế Bắc Ngao tại Hải Nam.

Ngày 09/4/2013, Tập Cận Bình đã đến thị sát căn cứ hải quân Trung Quốc ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ông Tập Cận Bình đã mặc trang phục quân đội thăm quân cảng của một chi đội tàu khu trục, tiến hành duyệt đội nghi lễ hải quân cùng 11 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải. Ông Tập Cận Bình cũng đã thị sát tàu đổ bộ tỉnh Cương Sơn (tàu vừa tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông). Trong buổi thị sát, ông Tập Cận Bình đã phát biểu nhấn mạnh việc xây dựng quân đội vững mạnh, nỗ lực đưa lý tưởng cá nhân hòa chung với “giấc mơ quân đội cường thịnh”. Ông ta yêu cầu đề cao công tác bồi dưỡng tinh thần chiến đấu, tác phong chiến đấu, tăng cường tư tưởng sẵn sàng ra trận chiến đấu, tìm tòi xây dựng cơ chế hữu hiệu bồi đắp tinh thần chiến đấu.

Trước đó, ngày 8/4/2013, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đến thăm cảng cá Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam; lên thăm một tàu cá vừa đánh bắt từ quần đảo Trường Sa trở về, hỏi thăm về tình hình đi biển đánh bắt; thăm đại đội dân quân trên biển do ngư dân Đàm Môn thành lập.

Ngày 10/4/2013, khi đến thăm cảng tàu khách quốc tế đảo Phượng Hoàng Tam Á, Tập Cận Bình nhấn mạnh cần đẩy mạnh hình thành đầu tàu ngành nghề du lịch, làm tốt chính sách ủng hộ Hải Nam phát triển du lịch của Trung ương.

Những hoạt động kể trên của ông Tập Cận Bình cùng với những phát biểu vừa qua của ông ta và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang triển khai chính sách ngày càng cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Hoạt động của ông Tập Cận Bình ở đảo Hải Nam là nhằm phát đi một sự cảnh báo đối với các nước láng giềng trên biển xung quanh Trung Quốc.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao thường niên năm 2013, ông Đàm Lực, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam thông báo Hải Nam dự kiến mở tuyến tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa; các tuyến thăm quan du lịch, địa điểm xuống tàu và điểm thăm quan về cơ bản đã được xác định; chính quyền thành phố “Tam Sa” đang nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Đây là bước đi leo thang mới gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều đáng chú ý là tại Diễn đàn Bắc Ngao lần này, các nước đang có tranh chấp nhiều với Trung Quốc về vấn đề trên biển như Nhật Bản, Phi-líp-pin, Việt Nam đều không được mời để Trung Quốc tranh thủ truyền bá những quan điểm sai trái của Trung Quốc đối với các vấn đề trên biển.

Chuyến thăm Hải Nam của ông Tập Cận Bình và những hoạt động mới của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy tình hình Biển Đông thời gian tới sẽ diến biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt là những động thái mới này của Trung Quốc đối với Biển Đông lại diễn ra ngay trước Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN và Hội nghị cấp cao các nước ASEAN ở Brunei cho thấy Trung Quốc đang hành động bất chấp dư luận và như một sự thách thức đối với các nước ASEAN.

Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN không thể không thảo luận vấn đề Biển Đông vì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả khu vực và quốc tế. Việc cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN thảo luận để đạt được thỏa thuận về nội dung Tuyên bố chung liên quan đến đề tài Biển Đông và Hội nghị Ngoại trưởng các nứoc ASEAN ra Thông cáo báo chí về vấn đề Biển Đông là một bước tiến mới thể hiện rõ sự lo lắng của các nước ASEAN trước những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông. Đây là cơ sở để Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN vào cuối tháng 4/2013 tiếp tục trao đổi cề vấn đề Biển Đông.

Hơn thế nữa, trong khi các nước ASEAN đang tỏ rõ mong muốn sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thì Trung Quốc tiếp tục khước từ việc khởi động đàm phán chính thức với ASEAN về COC sẽ là một nhân tố nữa thúc đẩy việc Lãnh đạo các nước ASEAN bàn thảo về vấn đề Biển Đông cũng như việc xây dựng COC tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Các nước ASEAN có quan điểm khá nhất quán là không chấp nhận việc đàm phán COC ở kênh II (kênh học giả) theo đề nghị của Trung Quốc mà yêu cầu Trung Quốc cần sớm tiến hành đàm phán chính thức về COC; đồng thời không chấp nhận việc Trung Quốc lấy việc Phi-líp-pin rút đơn kiện như là điều kiện để Trung Quốc tiến hành đàm phán về COC với các nước ASEAN hoặc không chấp nhận việc tiến hành đàm phán về COC theo công thức 9 nước ASEAN và Trung Quốc mà loại Phi-líp-pin ra khỏi tiến trình này. Quan điểm này của các nước ASEAN nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nước ngoài khu vực, kể cả Hoa Kỳ.

Chính sách cứng rắn của Trung Quốc đối với Biển Đông cả trong lời nói và hành động đòi hỏi các nước ASEAN phải có thái độ kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông. Do vậy, nếu Lãnh đạo các nước ASEAN ra được một Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ có tác động rất tích cực đối với việc kiềm chế các hành động lấn tới của Trung Quốc./.

RELATED ARTICLES

Tin mới