Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNGĂN CHẶN THẢO LUẬN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG: MƯU ĐỒ CỦA BẮC...

NGĂN CHẶN THẢO LUẬN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG: MƯU ĐỒ CỦA BẮC KINH LẠI BỊ PHÁ SẢN

BienDong.Net: Sau khi dùng con bài Campuchia phá rối ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào tháng 7 – 2012, Bắc Kinh hí hửng cho rằng mưu đồ của họ ngăn chặn thảo luận vấn đề Biển Đông đã thành công.

Từ đó họ ráo riết đẩy mạnh vận động các nước ASEAN cũng như các nước khác không thảo luận vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Những gì đã và đang xảy ra hoàn toàn ngược lại mong đợi của Bắc Kinh. Từ đầu năm 2013 đến nay, câu chuyện Biển Đông lại trở thành chủ đề nổi bật không những tại các diễn đàn chính trị chính thức mà còn được thảo luận sôi nổi tại nhiều hội thảo khoa học ở một loạt quốc gia ở Á Châu, Mỹ Châu và Âu Châu. Hơn thế nữa với việc Phi Luật Tân khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế và việc Tòa án quốc tế về Luật Biển hoàn thành việc lựa chọn 5 trọng tài viên cho vụ kiện này đã tạo ra một bước ngoặt mới – vấn đề Biển Đông được thảo luận tại diễn đàn tư pháp quốc tế.

Từ các diễn đàn chính trị chính thức

Từ đầu năm 2013 đến nay, khối ASEAN có hai Hội nghị lớn là Hội nghị Ngoại trưởng các thành viên của khối vào ngày 11 – 4 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào 24 và 25 – 4.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Mohamed Bolkiah khẳng định Biển Đông tiếp tục là một trọng tâm của ASEAN trong năm 2013 và hoàn tất COC là ưu tiên hàng đầu của nước Chủ tịch. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Brunei ưu tiên giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các cách thức hoà bình trên tinh thần đảm bảo an ninh và ổn định, đồng thời sẽ tham vấn các nước lớn và các nước liên quan về vấn đề này. Ngoại trưởng 10 nước ASEAN khẳng định Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông năm 2012 của ASEAN và giao nhiệm vụ cho các Quan chức cấp cao của khối (SOM ASEAN) làm việc với Trung Quốc nhằm sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trước Hội nghị Bắc Kinh tiếp cận các nước ASEAN gây sức ép với họ bằng cách đưa điều kiện là nếu ASEAN muốn thảo luận COC thì Phi Luật Tân phải rút đơn kiện. Với việc tiếp tục khẳng định thúc đẩy thảo luận COC nói trên, Hội nghị đã bác bỏ thủ đọan của Bắc Kinh.

Trả lời phóng vấn báo chí sau khi kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho rằng việc nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc để sớm hoàn tất COC là kết quả nổi bật nhất của Hội nghị lần này và những vấn đề các bên cùng quan tâm sẽ tiếp tục được đề cập trong các Hội nghị quan chức cấp cao lần tới để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23, hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), dự kiến sẽ diễn ra trong quý cuối cùng của năm nay.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 (24 và 25 – 4 – 2013), nguyên thủ và thủ tướng các nước ASEAN dành rất nhiều thời gian thảo luận vấn đề Biển Đông, coi đây là vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN và ASEAN cần có tiếng nói chung vì liên quan đến hoà bình, an ninh khu vực. Lãnh đạo các nước đều khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và đảm bảo giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định tất cả các bên phải kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hay gia tăng căng thẳng trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC đi đôi với thúc đẩy đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hội nghị cũng nhấn mạnh Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; nhất trí giao các Ngoại trưởng và các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN tiếp tục làm việc với Trung Quốc nhằm thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Tại Hội nghị, ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết và phát huy tiếng nói chung vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tăng cường xây dựng lòng tin và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại Hội nghị AMM 45 tại Cambodia năm ngoái, Bắc Kinh đã đạt được ý đồ gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN bằng cách không để thông qua Tuyên bố của Hội nghị. Trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22, cũng có ý kiến băn khoăn liệu khối ASEAN có thêm một lần nữa lùi bước trước sức ép của Bắc Kinh hay không? Riêng nhà cầm quyền Bắc Kinh mơ mộng về một kết cục như AMM 45. Rút bài học của quá khứ, khối ASEAN đã đưa ra câu trả lời dứt khoát và rõ ràng. Đoạn 22 trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị lần thứ 22 là “ Chúng tôi tái khẳng định những cam kết chung trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đảm bảo giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà không cần phải đe doạ, hay sử dụng vũ lực, thay vào đó tự kiềm chế trong hành xử”.

Một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận là việc Báo cáo ngày 14.3 của Ủy ban Đối ngoại thuộc Nghị viện Âu Châu về quan hệ EU – Trung Quốc cũng đã kêu gọi Trung Quốc cam kết tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu ở hải ngoại. Xét tầm quan trọng của tuyến đường giao thương của Biển Đông, Nghị viện Âu Châu bày tỏ lo ngại về tình trạng căng thẳng đang leo thang và vì thế kêu gọi các bên “tránh có những hành động quân sự và chính trị đơn phương”.

Vào cuối tháng 3 – 2013, Nghị viện Ấu Châu lần đầu tiên tổ chức cuộc điều trần về Biển Đông. Ông Janathan Holslag (Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Bruxelles) nêu rõ các nước Âu Châu lo ngại trước tình hình hiện nay tại Biển Đông, nhất là từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển này, gây nên phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia Đông Nam Á. Tại cuộc điều trần, các nghị sĩ Âu Châu bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của các nước nhỏ xung quanh vùng Biển Đông, trước một Trung Quốc to lớn và tham vọng và bảo đảm thông thương hàng hải. Âu Châu có lợi ích khi tham gia giải quyết căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, dựa trên các luật lệ được quốc tế thừa nhận và áp dụng từ nhiều năm nay. Cơ chế đàm phán đa phương và lựa chọn giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế được nhắc tới như các giải pháp phù hợp để làm dịu tình hình tại vùng biển này.

Đến các hội thảo hội nghị khoa học

Trung tuần tháng 3, Hội thảo về Biển Đông đã được tổ chức tại New York với 4 chủ đề khác nhau: nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông, quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc ở Biển Đông, vai trò của luật pháp quốc tế và quan điểm của ASEAN về Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Christopher Hill nêu rõ Trung Quốc không có lợi khi họ làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Giáo sư Robert Becman (Đại học quốc gia Singapore) khẳng định Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, Giáo sư My Jerome A. Cohen (Đại học New York) nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng luật pháp quốc tế và thể chế quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tiếp đó vào cuối tháng 3, Hội thảo về Biển Đông với chủ đề: “Biển Đông và môi trường an ninh khu vực của Úc Đại Lợi” diễn ra tại thủ đô Canberra của Úc Đại Lợi với sự tham dự của khoảng 50 học giả, chuyên gia luật, quân sự, an ninh, ngoại giao, nhà bình luận quốc tế. Hội thảo đã nghe các diễn giả trình bày về nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông, vai trò của luật pháp và quản trị quốc tế, quan điểm của ASEAN và các bên tranh chấp về vấn đề Biển Đông, lợi ích của Hoa Kỳ tại vùng biển nay, sự liên quan của Úc Đại Lợi tại Biển Đông. Bài tham luận của học giả Việt Nam giới thiệu quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII cùng những bằng chứng cụ thể đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của những người tham dự Hội thảo. Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm ổn định, tránh xung đột tại Biển Đông, các bên cần tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhất trí với đề xuất của ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) cũng như các đề xuất về ngăn chặn xung đột, hợp tác thể chế hàng hải. Hội thảo nhấn mạnh rằng quá trình tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông rất cần sự tham gia tích cực của Trung Quốc.

Trung tuần tháng 4, một Hội thảo khác về Biển Đông được tổ chức ở London của Anh Quốc. Ông Henry Bensurto Jr, Trợ lý cao cấp tại Văn phòng Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân, cho rằng “tuyên bố chủ quyền về cái mà Trung Quốc gọi là đường 9 đoạn là bất hợp pháp xét dưới góc độ luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Theo GS Robert Beckman, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, nhất là những điều khoản về giải quyết tranh chấp, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy một giải pháp toàn diện cho tranh chấp ở Biển Đông. Chuyên gia từ Việt Nam khẳng định Việt Nam đã thu thập hàng trăm chứng cứ pháp lý và lịch sử để chứng minh việc thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Diễn giả Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan tới Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam hoan nghênh sự đóng góp tích cực của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Và diễn đàn tư pháp quốc tế

Việc Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế vào cuối tháng 1 – 2013 đã nhận được sự tán đồng của dư luận quốc tế và khu vực. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Edward Royce tuyên bố Trung Quốc nên đồng ý đối diện với Phi Luật Tân tại Toà Trọng tài quốc tế nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng quan hệ song phương. Trong điện đàm với Ngoại trưởng Phi Luật Tân vào ngày 13 – 2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ quyết định của Manila. Nghị viện Âu Châu kêu gọi các bên tại Biển Đông sử dụng cơ chế trọng tài quốc tế theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết tranh chấp.

Luật sư Paul Reichler khẳng định: “Chắc chắn sẽ là đạt được một điều gì đó vì quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên sẽ được xác định, dù Trung Quốc có quyết định ra trước tòa trọng tài để trình bày lý lẽ của mình hay không. Tòa sẽ ra phán quyết về các vấn đề mà Phi Luật Tân nêu ra và các quyết định của tòa sẽ có tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Phi Luật Tân theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Một khi các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên rốt cuộc được xác định một cách chắc chắn và rõ ràng, nó sẽ giúp giải quyết các tranh chấp”.

Ông này phân tích rất có cơ sở rằng “ Một khi tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông bị tòa (gồm các chuyên gia xuất sắc và có uy tín về luật biển) tuyên bố là không có giá trị, Trung Quốc sẽ khó mà có thể tiếp tục duy trì các tuyên bố chủ quyền không có giá trị và trái luật… Một khi nhóm các thành viên có uy tín trên trường quốc tế của tòa trọng tài xác định rằng không một quốc gia nào có thể thiết lập vùng biển xa hơn 12 hải lý đối với bất kỳ hòn đảo nào mà họ tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay bãi cạn Scarborough thì Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục có những tuyên bố chủ quyền trái pháp luật và không có cơ sở. Một khi các quyền và nghĩa vụ pháp lý được tòa trọng tài xác định, sẽ dễ dàng cho các quốc gia tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề tranh chấp”.

Một loạt các chuyên gia có uy tín về luật pháp quốc tế như GS Jerome Cohen và GS Robert Beckman ủng hộ việc Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế. Ông Cohen còn nói rằng Việt Nam cũng nên làm thế. Còn chuyên gia hàng hải Sam Bateman nói rằng việc Trung Quốc từ chối tham gia Tòa Trọng tài sẽ là một thảm họa đối với hình ảnh của nước này.

Đứng trước tình thế bất lợi khi ra hầu Tòa Trọng tài, Bắc Kinh đã trốn tránh trách nhiệm theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 bằng cách trả lại đợn kiện của Phi Luật Tân. Nhưng bước đi đó của Bắc Kinh đã không có bất kỳ một tý giá trị gì. Thể theo các quy định của bản Công ước, đến ngày 24 – 4 vừa qua, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển đã hoàn tất việc cử 5 Trọng tài viên cho Toà Trọng tài. Như vậy giai đoạn tổ chức Tòa Trọng tài theo đon kiện của Phi Luật Tân đã hoàn thành. Dù Bắc Kinh không muốn, vấn đề Biển Đông, trong đó có bản chất sai trái của yêu sách đường lưỡi bò của họ sẽ được quốc tế mổ xẻ tại một diễn đàn tư pháp quốc tế.

Rõ ràng, mưu đồ của Bắc Kinh ngăn cản các nước ASEAN nói riêng và các nước trên thế giới nói chung thảo luận vấn đề Biển Đông tại các hội nghị chính thức cũng như các hội thảo, hội nghị khoa học không chính thức một lần nữa lại bị phá sản./.

RELATED ARTICLES

Tin mới