Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC MỞ DU LỊCH RA HOÀNG SA – MỘT BƯỚC LEO...

TRUNG QUỐC MỞ DU LỊCH RA HOÀNG SA – MỘT BƯỚC LEO THANG MỚI XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM

BienDong.Net: Việc mở du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là nằm trong kế hoạch từng bước khống chế Biển Đông của Trung Quốc đã được chuẩn bị từ rất lâu. Việc làm này của Trung Quốc là một bước leo thang mới gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Cùng với việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh cơ sở hạ tầng ở “Tam Sa” để chuẩn bị cho việc mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.

Từ tháng 3/2013, các quan chức của tỉnh Hải Nam đã nhiều lần đề cập đến việc mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa nhằm tạo dư luận cho việc làm bất chính này của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trong buổi thảo luận của đoàn đại biểu tỉnh Hải Nam tại kỳ họp Nhân đại ngày 06/3/2013, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam La Bảo Minh đã phát biểu “công tác xây dựng cơ sở hạ tầng của “Tam Sa” đang được tiến hành gấp rút, các công việc chuẩn bị cho du lịch “Tam Sa” chỉ chờ cơ hội là có thể đưa vào hoạt động”; cũng trong buổi thảo luận này, Bí thư kiêm thị trưởng “Tam Sa” Tiêu Kiệt cho biết “các công việc liên quan như đóng tàu du lịch, xác định tuyến đường, xác định các điểm… về cơ bản đã hoàn thành, công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang được nghiên cứu để có được sự chuẩn bị tốt nhất và sẽ chọn thời cơ để mở cửa, tin rằng thời gian sẽ không còn quá lâu”.

Trước khi kỳ họp Nhân đại kết thúc, ngày 16/3/2013 trang mạng Nhân dân đưa tin, Bí thư kiêm Thị trưởng “Tam Sa” cho biết “công tác chuẩn bị cho du lịch “Tam Sa” đã đi đến hồi kết, sơ bộ đưa ra tuyến du lịch tàu khách trong vòng 2 – 3 ngày và trong năm 2013 có hy vọng chính thức đưa ra sản phẩm du lịch tàu khách “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa) ”. Tiêu Kiệt còn nhấn mạnh: “Tam Sa” có điều kiện tự nhiên rất tốt để phát triển du lịch và đây là một bộ phận hợp thành quan trọng để phát triển kinh tế đặc sắc của “Tam Sa”.

Ngày 06/4/2013, tại cuộc họp báo về xây dựng đảo du lịch quốc tế do Chính quyền tỉnh Hải Nam tổ chức tại Bác Ngao, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam Đàm Lực cho biết “sẽ thúc đẩy nhanh du lịch đặc sắc “Tam Sa”; điểm thăm qua và điểm lên bờ của tuyến du lịch “Tam Sa” về cơ bản đã được xác định, tranh thủ khai thông du lịch “Tam Sa” trước ngày 01/5/2013. Đàm Lực còn thông báo: du lịch “Tam Sa” sẽ được tiến hành bằng hình thức du lịch tàu khách, việc ăn, ở đều trên tàu, du khách xuống đảo tiến hành hoạt động thăm quan….

Cũng trong thời gian này, nhân dịp đến Hải Nam dự Diễn đàn kinh tế Bác Ngao thường niên, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm cảng tàu khách quốc tế đảo Phượng Hoàng Tam Á, một trong những địa điểm sẽ là nơi xuất phát của các chuyến tàu du lịch đến quần đảo Hoàng Sa. Tại đây, Tập Cận Bình nhấn mạnh cần đẩy mạnh hình thành đầu tàu ngành nghề du lịch, làm tốt chính sách ủng hộ Hải Nam phát triển du lịch của Trung ương. Như vậy, có thể thấy chủ trương phát triển du lịch đến quần đảo Hoàng Sa là nằm trong chiến lược lâu dài độc chiếm Biển Đông của những người Lãnh đạo Bắc Kinh. Động thái mới này của người Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là nhằm khuyến khích cho việc mở tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17/4/2013, trang mạng Buổi sớm Trùng Khánh đưa tin: đoàn đầu tiên đi du lịch “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa) sẽ chính thức khởi hành từ Hải Khẩu vào ngày 29/4/2013. Trang mạng này cho biết có 3 phương thức để đi du lịch “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa) là đi tàu khách, đi tàu tiếp tế và máy bay trực thăng. Máy bay trực thăng sẽ xuất phát từ Tam Á, tỉnh Hải Nam ra đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm) và trở về trong ngày. Trước mắt, tàu Coconut Princess và Quỳnh Sa 03 sẽ đảm nhận nhiệm vụ chở khách, hành trình du lịch quần đảo Hoàng Sa là 3 – 4 ngày, du khách sẽ thăm quan các đảo và ăn ở trên tàu.

Ngày 20/4/2013, tỉnh Hải Nam chính thức công bố lịch trình du lịch ra quần đảo Hoàng Sa; đồng thời nhấn mạnh rằng Chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ căn cứ vào nhu cầu khách trong nước và triển vọng phát triển du lịch tại “thành phố Tam Sa” để tiến hành mở rộng tuyến du lịch này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có liên quan.

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), tour du lịch trái phép đầu tiên này sẽ kéo dài bốn ngày trong đó có 100 khách du lịch với giá khoảng từ 7.000 nhân dân tệ (tức 1.135 USD) đến 9.000 nhân dân tệ (tức 1.359 USD) cho một tour. Theo kế hoạch, mỗi tour du lịch trái phép này sẽ được thực hiện hàng tháng hoặc hai chuyến mỗi tháng nếu chuyến du lịch đầu tiên thành công.

Như vậy, có thể thấy rằng việc tổ chức du lịch phi pháp ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản và được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người Lãnh đạo ở Bắc Kinh nhằm triển khai chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển.

Ngày 28/4/2013, tàu du lịch Coconut Princess (Gia Hương công chúa) của Công ty vận tải biển eo biển Hải Nam đã ngang nhiên chở hơn 200 người Trung Quốc từ Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) ra du lịch tại quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Vậy mà một bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu lại biện hộ cho việc đưa du khách ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam rằng “du lịch Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) của Trung Quốc không liên quan gì đến các nước láng giềng”. Một điều không bình thường trong tour du lịch này là 2/3 số khách (140 người) là những cán bộ công chức thuộc các cơ quan chính quyền ở tỉnh Hải Nam.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao đa số “khách du lịch” lại là các quan chức? Một số chuyên gia cho rằng việc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa chủ yếu vì mục đích chính trị trong kế hoạch tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Hơn thế nữa, con tàu được gọi là “tàu du lịch này” đang được hộ tống bởi những tàu thuộc lực lượng chấp pháp và quân sự của Trung Quốc. Đây phải chăng là một trong những kế hoạch được lãnh đạo Trung Quốc chính thức đề cập trong Đại hội Đảng cuối năm 2012 là dùng hoạt động kinh tế để thực hiện mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng?

Phản ứng về kế hoạch du lịch Hoàng Sa phi pháp của Trung Quốc, ngày 12/4, Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch này”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối kế hoạch tổ chức cho du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 30/4/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và các hành động khác của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa như việc Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc ra Hoàng Sa cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng như việc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ông Nghị nhấn mạnh “những việc làm của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”; yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Cũng trong ngày 30/5/2013, Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phát biểu khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo của Thành phố Đà Nẵng, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ông Chiến nhấn mạnh “Việc Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây bất bình đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng”. Ông Chiến phản đối mạnh mẽ các hành động phi pháp của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc tổ chức du lịch cũng như các hoạt động khác tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những bước đi hung hăng với tham vọng chiếm đoạt các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam và 80% diện tích ở Biển Đông, dựa trên bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý bị cả thế giới lên án. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đe doạ các nước láng giềng ven Biển Đông và gây mối lo ngại của cho cả cộng đồng quốc tế. Ngay chính phủ Hoa Kỳ cũng từng bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc kinh đối với các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông. Đặc biệt ngày 03/8/2013, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản đối việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” và thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mới đây nhất, trước việc tàu Hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối các hành động sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực hoặc ép buộc đối với ngư dân ở Biển Đông.

Đáng chú ý là cuối tháng 4/2013, trong lúc Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho việc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, Ông Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã đến Đà Nẵng gặp gỡ, làm việc với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa. Những động thái mới này cho thấy Hoa Kỳ đã mặc nhiên thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phải chăng những hành động leo thang, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng đang thúc dục Hoa Kỳ phải có sự điều chỉnh quan điểm của mình trên vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo hướng tôn trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các nước có đủ căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định việc thực thi chủ quyền của mình.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chủ động tích cực trong việc đưa ra quốc tế các chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ; đồng thời sẵn sàng đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế./.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới