Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh bộc lộ mưu đồ chia rẽ ASEAN

Bắc Kinh bộc lộ mưu đồ chia rẽ ASEAN

BienDong.Net: Trung Quốc Nhật báo (China Daily) – tờ báo tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc – vừa đăng bài nói rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải kiềm chế các thành viên, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, để giữ quan hệ với Trung Quốc.

Số ra ngày 4.5 của báo trên có bài bình luận của tác giả Ruan Zongze, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, với thông điệp chính là ASEAN cần ngăn chặn một số thành viên đối chọi lại với Bắc Kinh “để bảo đảm quan hệ giữa Trung Quốc với khối Đông Nam Á được phát triển.”

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Bangkok

Bài báo giải thích “Thái Lan có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Indonesia có vị trí quan trọng trong khối ASEAN, Singapore là bộ não của ASEAN, Brunei là chủ tịch đương nhiệm”, trong khi dẫn chứng vô căn cứ rằng Việt Nam và Philippines lại “tìm cách đe dọa quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc để thủ lợi thông qua việc gây sự trên Biển Hoa Nam (Biển Đông)”.

Bài viết cáo buộc “Việt Nam và Philippines xâm chiếm các vùng biển, hải đảo của Trung Quốc và đang tìm cách sử dụng các thế lực ngoại bang để củng cố sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình”. Các “thế lực ngoại bang” này là Mỹ và Nhật Bản, hai nước mà Trung Quốc nói đang “dây máu ăn phần”.

Trung Quốc cho rằng tuy Indonesia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng hai nước này muốn dàn xếp tranh chấp qua thương lượng chứ không có thái độ như Việt Nam và Philippines.

Bài báo viết: “Thái Lan và Singapore, tuy cũng chia sẻ Biển Hoa Nam, không muốn tranh chấp làm ảnh hưởng tới quan hệ thân thiện và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”. Tác giả bài báo chốt lại bằng lời kêu gọi ngang ngược rằng ASEAN “phải có nỗ lực chung để chặn tay một số thành viên của mình”, không để các nước này gây ảnh hưởng lên quan hệ với Trung Quốc.

Bài báo được đăng đúng lúc tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm tới bốn quốc gia ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei từ ngày 30.4 – 5.5. Việt Nam và Philippines, không nằm trong danh sách các điểm dừng chân của ông Vương lần này.

Đài BBC nhận định rằng rõ ràng qua chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Vương Nghị đã tái xác lập quan điểm của Trung Quốc, chia các nước ở khu vực này ra làm hai “phe” – thân thiện và bất hợp tác.

Dư luận cũng vạch rõ rằng thông điệp của China Daily khiến người ta đặt dấu hỏi khi ngày 2.5, trong chuyến công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông.

Liệu đây có phải là một bước xuống thang mới trong vấn đề Biển Đông hay chỉ là phép thử ngoại giao của Trung Quốc trước thách thức ASEAN đang ngày càng đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề này?

Tờ Straits Times (Singapore) nhận định, lần đầu tiên trong 15 năm qua, một tân ngoại trưởng Trung Quốc lựa chọn các quốc gia Đông Nam Á làm điểm công du nước ngoài đầu tiên. Động thái này cho thấy Trung Quốc muốn làm dịu căng thẳng với một số nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Điều đáng chú ý là cả 4 quốc gia ASEAN mà Ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm đều không phải là các nước phản đối mạnh mẽ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như Philippines hay Việt Nam.

Theo ông Xu Liping thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trung Quốc mong muốn chuyến thăm của ông Vương Nghị sẽ thuyết phục 4 quốc gia này duy trì tiếng nói trung lập trong bối cảnh cuộc gặp ASEAN – Trung Quốc bàn về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) diễn ra vào tháng 8.

Chuyến công du của Tân Ngoại trưởng Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Đối thoại Shangri – La) lần thứ 12 sẽ khai mạc ngày 31/5 tới đây tại Singapore.

Giáo sư C. Thayer (ảnh nhandan.com.vn)

Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đối thoại Shangri – La sẽ nêu ra 6 chủ đề chủ yếu và quan trọng trong các phiên họp toàn thể. Đó là: cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia và phòng tránh xung đột; hiện đại hóa quân sự và sự minh bạch chiến lược; vai trò của Trung Quốc trong an ninh toàn cầu; các định chế khu vực và toàn cầu với an ninh Châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, giáo sư cũng khẳng định, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được thảo luận, dù không được chính thức nêu rõ trong chương trình nghị sự.

BDN (theo VietNam Plus và Đất Việt)

RELATED ARTICLES

Tin mới