Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC KHÔNG NGĂN CẢN ĐƯỢC VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

TRUNG QUỐC KHÔNG NGĂN CẢN ĐƯỢC VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

BienDong.Net: Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo quy định tại Phần XV, Mục 2 và Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm đạt được một phán quyết có giá trị ràng buộc về pháp lý đối với các bên tham gia vụ kiện.

Quan điểm bao trùm trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines là quyền của mỗi quốc gia ven biển phải được xác lập phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quyền đó phải được tôn trọng bởi các quốc gia khác, cụ thể ở đây là Trung Quốc.

Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa mang tính bước ngoặt, tạo đột phá khẩu trong đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông bởi lâu nay vấn đề Biển Đông chỉ được giải quyết bằng chính trị, ngoại giao. Với việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài, lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được xử lý theo phương thức quốc tế hoá. Vụ kiện tập trung bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Trung Quốc tìm mọi cách để ngăn cản Philippines tiếp tục vụ kiện như: công khai phản đối việc Philippines khởi kiện; cử đoàn đi các nước ASEAN vận động ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vụ kiện, phản đối việc Philippines khởi kiện; bắn tin coi việc Philippines rút đơn kiện là điều kiện để đàm phán về COC; đòi loại trừ Philippines ra khỏi tiến trình đàm phán về COC…). Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đe doạ trên Biển Đông như: dùng tàu chấp pháp (tàu ngư chính, hải giám, hải tuần…) xua đuổi tàu cá, ngư dân Việt Nam, thậm chí tàu Hải quân của Trung Quốc bắn vào tàu cá của ngư dân ta; tăng cường tuần tiễu và tiến hành diễn tập quân sự với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đến tận bãi Tăng Mẫu, điểm cực Nam của yêu sách “đường lưỡi bò” giáp với Ma – lai – xia và Bru – nây; tăng cường các hoạt động củng cố “Tam Sa”; tổ chức du lịch ra Hoàng Sa…. Đáng chú ý là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành thị sát căn cứ hải quân Trung Quốc ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, thị sát tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (tàu này vừa tiến hành tập trận ở Biển Đông trở về); thăm cảng cá Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, khuyến khích ngư dân đánh bắt ở Biển Đông; thăm cảng tàu khách quốc tế đảo Phượng Hoàng Tam Á, nhấn mạnh Hải Nam cần đẩy mạnh du lịch tàu biển….

Theo quy định của Phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982, Toà Trọng tài gồm 5 Trọng tài viên. Ngay sau khi khởi kiện, Philippines đã cử ông Uôn – phờ – rum thẩm phán người Đức tại Toà án Luật Biển (nguyên Chánh án Toà án Luật Biển) là Trọng tài viên của Philippines. Hết thời hạn 30 ngày (22/02/2012), Trung Quốc không cử Trọng tài viên của mình, do vậy Chánh án Toà án Luật Biển đã cử ông Xờ – ta – nít – lo Pô – lắc, thẩm phán người Ba Lan tại Toà án Luật Biển là Trọng tài viên cho Trung Quốc.

Bất chấp việc Trung Quốc phản đối vụ kiện của Philippines nhưng tiến trình vụ kiện vẫn được Toà trọng tài Phụ lục VII triển khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Ngày 24/4/2013, Chánh án Toà án Luật biển đã cử 3 Trọng tài viên còn lại và Toà trọng tài cho vụ kiện của Philippines đã chính thức được thành lập gồm 5 Trọng tài viên:

1. Thẩm phán Chris Pinto, người Sri Lanka là Chủ tịch Tòa;

2. Ông Rudiger Wolfrum, người Đức, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển là thành viên;

3. Ông Stanislaw Pawlak, người Ba Lan, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển là thành viên;

4. Ông Jean – Pierre Cot, người Pháp, Thẩm phán đương nhiệm của Tòa án quốc tế Luật biển là thành viên;

5. Ông Alfred Soons người Hà Lan, Giáo sư Công pháp quốc tế, Giám đốc Viện Công pháp quốc tế và Giám đốc Viện Luật biển quốc tế, Đại học Tổng hợp Utrecht, Hà Lan là thành viên

Việc Trung Quốc không hợp tác trong việc cử các Trọng tài viên đã tạo ra lợi thế cho Philippines. Với thành phần các Trọng tài viên là những người có kinh nghiệm và ủng hộ cho việc thực thi nghiêm túc các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển thì chắc chắn chẳng ai có thể ủng hộ được cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Dự kiến ban đầu, vụ kiện sẽ kéo dài 3 – 4 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, có thể phiên toà sẽ diễn ra nhanh hơn do Trung Quốc không tham gia.

Sau khi Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển chính thức chỉ định các trọng tài viên cho Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở Thông báo và Tuyên bố khởi kiện ngày 22/01/2013 của Philippines, ngày 26/4/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu lập trường 5 điểm về vụ kiện:

1. Việt Nam được biết ngày 22/01/2013, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Philippines đã chuyển cho Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Philippines công hàm kèm theo Thông báo và Tuyên bố về việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và ngày 24 tháng 4 năm 2013, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển đã chỉ định xong các Trọng tài viên cho Tòa Trọng tài nói trên.

2. Là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam.

3. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng khác của mình ở Biển Đông phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

4. Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình ở Biển Đông.

5. Việt Nam đề nghị các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm DOC và mong muốn các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sớm tiến hành đàm phán chính thức xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tuyên bố 5 điểm nói trên của Chính quyền Hà Nội tuy vẫn còn khá thận trọng do phải cân nhắc không để mất lòng “người anh em láng giềng” phương Bắc, nhưng đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết hơn của Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Với tuyên bố “sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết”, Chính quyền Hà Nội đã để ngỏ khả năng tham gia vào vụ kiện bất cứ lúc nào hoặc sẵn sàng khởi kiện riêng rẽ Trung Quốc khi cần thiết. Đây là một bước tiến lớn trong quan điểm của Chính quyền Hà Nội về đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông, song có lẽ Chính quyền Hà Nội cần có bước đi mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của Việt Nam. Chớ có e ngại Trung Quốc mà không dám đấu tranh pháp lý vì một nước nhỏ như Việt Nam bên cạnh “người khổng lồ” Trung Quốc với tham vọng lớn thì công cụ pháp lý là vũ khí sắc bén nhất để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.

Như vậy, Trung Quốc đã không ngăn cản được Philippines tiếp tục vụ kiện, còn các nước ASEAN thì không đồng ý với đòi hỏi của Bắc Kinh về loại trừ Philippines ra khỏi tiến trình đàm phán COC; kiên trì yêu cầu Trung Quốc sớm đàm phán về COC với cả 10 nước ASEAN; đồng thời, cũng không ủng hộ việc Trung Quốc coi Phi – lip – pin rút đơn kiện là điều kiện để triển khai đàm phán về COC. Điều này đang làm đau đầu những người Lãnh đạo ở Bắc Kinh. Sau khi Toà Trọng tài cho vụ kiện của Philippines được thành lập, ngày 26/4/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời câi hỏi của phóng viên nhắc lại lập trường và những luận điệu cũ rích lâu nay của họ trên vấn đề Biển Đông; đổ vấy cho Philippines chiếm đóng trái phép “một số đảo” của họ ở Biển Đông, trong khi họ không có bất cứ bằng chứng nào để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc mà thực tế là các cấu trúc này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Điều đáng chú ý là Trung Quốc chỉ dám lớn tiếng phản đối Philippines khởi kiện, hăm doạ để Philippines phải rút đơn kiện, nhưng Philippines tỏ ra khá kiên cường, trên nhưng thực tế Trung Quốc cũng chưa dám áp dụng biện pháp “trả đũa” nào đối với Philippines kể từ khi Philippines chính thức khởi kiện. Còn đối với Toà Trọng tài thì trong suốt gần 4 tháng qua, kể từ khi bắt đầu vụ kiện Trung Quốc chưa dám ho he một câu nào mang tính phê phán. Xem ra Bắc Kinh cũng không dám “đùa rỡn” với các quan toà. Chính quyền Hà Nội cần lưu ý điểm này để có bước đi mạnh bạo hơn trong việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế./.

RELATED ARTICLES

Tin mới