Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTìm hiểu về bãi ngầm Scarborough/Hoàng Nham

Tìm hiểu về bãi ngầm Scarborough/Hoàng Nham

BienDong.Net: Bãi ngầm Scarborough (người Philippines gọi là Panatag Shoal, Bajo de Masinlóc, người Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) thực chất là một bãi san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 198 km và đảo Luzon 220 km về phía tây.

Bãi Scarborough mang tên một thuyền buôn chè bị đắm ở bãi đá này vào ngày 12 tháng 9 năm 1784 khiến mọi người trên tàu đều thiệt mạng.

Hiện nay, Đài LoanPhilippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scarborough; Đài Loan và Trung Quốc coi bãi này là một phần của quần đảo Trung Sa. Philippines thì cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi ngầm này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển công nhận. Scarborough cách đảo Hải Nam (điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc) tới 472 hải lý trong khi chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý.

alt

Bãi ngầm Scarborough/Hoàng Nham

Bãi Scarborough được tạo thành từ một chuỗi rạn san hô và đá có hình tam giác với chu vi 55 km và tổng diện tích (gồm cả vùng nước cạn) là 150 km2Phá nước nông có diện tích 130 km2 và độ sâu 15 m. Bãi Scarborough nhô lên từ đồng bằng biển sâu 3.500 m. Một vài hòn đá, trong đó có hòn mà Trung Quốc gọi là Nam nham, cao từ 0,5 đến 3 m so với mặt nước; nhiều rạn đá ngầm chìm dưới nước khi thuỷ triều lên.

Tranh chấp liên quan đến bãi ngầm Scarborough phát sinh từ những xung đột liên quan đến tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines trên cơ sở phát hiện cũng như chiếm giữ. Tình hình đã trở nên gay gắt sau khi lực lượng hải quân Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này hồi đầu tháng 4.2012 và tìm cách can thiệp nhưng đã bị tàu chiến Trung Quốc chặn lại. Trong vụ đối đầu ở Scarborough/Hoàng Nham, kéo dài hàng tháng trời, phía Trung Quốc có lúc điều cả gần 100 tàu dân sự đến khu vực này.

Sau một thời gian dài đối đầu, hai bên đã thỏa thuận rút khỏi khu vực bãi ngầm, nhưng thực tế là sau khi phía Philippines rút đi, Trung Quốc đã độc chiếm bãi ngầm này.

alt

Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động xung quanh bãi Scarborough

Xét trên quan điểm địa lý, địa mạo, giới nghiên cứu quốc tế cho rằng việc Trung Quốc gộp chung bãi Macclesfield với bãi Scarborough (vốn chỉ có vài đá nổi lên mặt nước) thành “quần đảo” Trung Sa là vô lí vì hai bãi này không có “đảo” nào gọi là “đảo” theo quy ước quốc tế. Hơn nữa, hai bãi này hoàn toàn tách biệt nhau, thiếu sự liên tục của thềm lục địa, cách nhau đến 318km, nên cũng không thể gọi là “quần đảo”. Theo UNCLOS 1982 (phần 8, điều 121), bãi ngầm Scarborough không phải là quần đảo, cũng không phải là đảo. Nó là bãi san hô ngầm dưới biển, mang đặc trưng vành đai san hô của Thái Bình Dương.

Phía Trung Quốc lập luận rằng, họ phát hiện ra đảo Hoàng Nham đầu tiên và đã hoạch định bản đồ toàn bộ Biển Đông từ thời nhà Nguyên (1271 – 1368 sau Công nguyên). Thậm chí, họ còn tuyên bố đảo Hoàng Nham có trong bản đồ được vẽ lại vào năm 1279 sau Công nguyên của nhà thiên văn học Trung Quốc Guo Shoujing trong chuyến khảo sát các đảo xung quanh Trung Quốc.

Về phần mình, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi cạn bằng các dẫn chứng lịch sử, sớm nhất là Bản đồ Thủy văn và Địa chí Quần đảo Philippines (Carta Hydrographical y Chorographics De Las Yslas Filipinas). Xuất bản năm 1734, bản đồ của Velarde xác định bãi ngầm này là một phần của Zambales. Những cuộc thám hiểm sau này như cuộc khảo sát của Alejandro Malaspina (1808) cũng xác định đây là vùng lãnh thổ của Philippines.

Thậm chí, theo Hiệp ước an ninh ký kết với Hoa Kỳ năm 1951, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân Mỹ đóng ở Vịnh Subic, bãi Scarborough được xem như là một tiền trạm, do vùng biển lặng của bãi này khá rộng và sâu, tàu chiến Mỹ thường xuyên neo ở đó.

Về mặt pháp lý, từ năm 1997, Philippines đã chính thức lên tiếng đòi chủ quyền vì cho rằng bãi ngầm Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo UNCLOS 1982. Cuộc đối đầu vừa qua và việc Trung Quốc chiếm giữ bãi ngầm đã khiến Philippines thêm quyết tâm đưa vấn đề này lên Toà án LHQ về Luật Biển.

Theo PhilStar, nếu dựa trên vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa, bãi Scarborough dù là một bãi đá không có giá trị “lãnh thổ” để có thể chiếm hữu như đảo, nhưng nó tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của Philippines, do đó thuộc quyền tài phán của Philippines. Thực tế, từ lâu Philippines đã thực hành chủ quyền và quyền tài phán tại bãi cạn này qua việc cho phép hải quân Mỹ đồn trú tại đây cũng như việc xây hải đăng (dù không thành) trong quá khứ. Tờ báo Anh Globe & Mail cũng cho rằng bãi cạn Scarborough xa bờ biển Trung Quốc gấp 5 lần so với bờ biển Philippines, do đó Philippines rất đúng đắn khi yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển giải quyết tranh chấp bởi lý lẽ của Philippines mạnh về tính pháp lý hơn nếu căn cứ yếu tố địa lý.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lợi thế về tính pháp lý hay khoảng cách địa lý của Philippines, trong bài báo “Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh bãi Hoàng Nham: ai là chủ của bãi cạn này?” đăng trên nhật báo Tài Tân của Trung Quốc, tác giả Cao Kiến Quân, Giáo sư Luật quốc tế thuộc ĐH Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, vẫn nhấn mạnh: “Sự thật là bãi Hoàng Nham có nằm trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa của đảo Luzon đi nữa thì điều này cũng chẳng liên quan gì đến việc xác định lãnh thổ. Do đó, dù bãi Scarborough có nằm gần Philippines hơn Trung Quốc thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì trong việc giải quyết tranh chấp”.

Với những lý lẽ như trên, sự tranh chấp chủ quyền giữa hai nước Trung Quốc và Philippines đối với bãi Scarborough/Hoàng Nham xem ra còn lâu mới có hồi kết.

Theo nhiều nguồn tin, trong khi tranh cãi xung quanh vấn đề chủ quyền đối với Bãi ngầm Scarborough vẫn tiếp diễn, trên thực tế khu vực này đã chính thức bị Trung Quốc chiếm đóng, Bắc Kinh thường xuyên duy trì ít nhất 3 tàu công vụ (Hải giám, Ngư chính) án ngữ tại cửa vào đầm phá bãi ngầm này để ngăn chặn mọi tàu thuyền của Philippines. Một quan chức cao cấp Philippines nhận định đây là một phần của “chiến lược xâm lấn lãnh hải” Bắc Kinh đang thực hiện trên Biển Đông. Theo chuyên gia Francois Xavier Bonnet tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) có trụ sở đặt tại Bangkok Thái Lan, việc chiếm đóng bãi cạn Scaborough là vô cùng quan trọng trong việc tìm cách “hiện thực hóa” bản đồ “lưỡi bò” hay còn gọi là đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.

BDN (nguồn: Wikipedia, báo Thế giới và GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới