Friday, July 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC NÓI GÌ, LÀM GÌ TRÊN BIỂN ĐÔNG THÁNG 5 VỪA...

TRUNG QUỐC NÓI GÌ, LÀM GÌ TRÊN BIỂN ĐÔNG THÁNG 5 VỪA QUA?

BienDong.Net: Không nói thì mọi người cũng biết, Trung Quốc luôn luôn là tác giả cũng như nhân vật chính trong các vụ việc phức tạp liên quan đến Biển Đông.

Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, tuyên truyền.., Trung Quốc vừa là chủ mưu, vừa trực tiếp, chủ động gây ra những căng thẳng trên Biển Đông.

Vẫn không lạ gì Bắc Kinh nói một đằng, làm một nẻo. Miệng nói Trung Quốc muốn “hòa bình”, muốn “an lân”, “mục lân”, “hợp tác cùng thắng”… với các nước láng giềng nhưng thực tế thì Trung Quốc luôn tìm mọi cách chèn ép các nước nhỏ hơn, ngang nhiên và bạo ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác, nhằm thực hiện cho được những đòi hỏi phi lý, phi pháp của mình đối với hầu hết Biển Đông, mặc cho những phản đối không ngừng nghỉ của các nước trong khu vực cũng như dư luận trên thế giới. Chúng ta hãy xem trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc nói gì và đã làm gì đối với Biển Đông.

Trong những ngày đầu của tháng 5, tân ngoại trưởng Vương Nghị, sau khi nhậm chức đã tiến hành thăm 4 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei. Năm 1998, sau khi lên chức ngoại trưởng, Đường Gia Triền cũng xuất ngoại về hướng Đông Nam Á với chuyến thăm Indonesia để giải quyết vấn đề người Hoa ở quốc gia này. Giới phân tích, bình luận đánh giá chuyến thăm Đông Nam Á trên cương vị ngoại trưởng của Vương Nghị thể hiện sự quan tâm của Bắc Kinh đến những vấn đề nổi cộm trong khu vực và vấn đề Biển Đông sẽ là nội dung chính trong các tiếp xúc của nhà ngoại giao họ Vương. Quả đúng vậy, ở Thái Lan, Vương Nghị, thông qua Thái Lan, nước được ASEAN giao làm đầu mối trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với các nước láng giềng thông qua đối thoại, đàm phán. Tại Indonesia, Vương Nghị nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp và hợp tác với ASEAN nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Báo chí Trung Quốc đưa tin rất rầm rộ về chuyến đi Vương Nghị và cho rằng đây là một trong những bước đi thành công trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhưng dư luận thế giới thì không ít hoài nghi về những gì Vương nói. Dư luận cho rằng thực chất chuyến thăm của Vương Nghị là ve vãn, lôi kéo số một nước ASEAN không có lợi ích đối kháng trực tiếp với Trung Quốc, để qua đó chia rẽ ASEAN, tiếp tục ép Việt Nam và Philippines nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông. Nhà ngoại giao họ Vương có đưa ra đưa ra một chút sáng kiến về tiến trình COC giữa Trung Quốc và ASEAN như đồng ý thảo luận một mục riêng về COC trong khuôn khổ nhóm công tác chung về DOC, nhưng Vương nghị lại cho rằng từ DOC tiến tới COC là một quá trình từ từ và phải cảnh giác với “một số nước cá biệt” muốn làm dấy lên sóng gió ở Biển Đông.

Đúng như dư luận quốc tế hoài nghi về những lời hứa của Vương Nghị, ngay khi ông ta kết thúc chuyến công du đầu tiên tới một số nước Đông Nam Á thì tình hình Biển Đông trong tháng 5 lại tiếp tục diễn ra các sự kiện phức tạp, trái ngược với những cam kết của Bắc Kinh. Báo Giải phóng quân Trung Quốc số ra ngày 6/5/2013, cố tình chờ Vương Nghị về nhà rồi mới đưa tin ngày 25/4/2013, đại đội tàu ngầm của hạm đội Nam Hải tiến hành tập luyện đối kháng phòng không trong vùng Biển Đông để “rèn luyện bản lĩnh vững vàng trong thực chiến”. Ngày 14/5, truyền thông Trung Quốc đưa tin “Hạm đội Nam Hải tuần tra chuẩn bị chiến đấu thường xuyên ở quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa), phối hợp hành động hiệu quả với ngư chính, hải giám”. Trung Quốc bố trí một số lượng lớn máy bay J10 ở Biển Đông. Trong những ngày cuối tháng 5, ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải phối hợp diễn tập quân sự với quy mô lớn trên Biển Đông. Liên quan đến hoạt động ngề cá, ngày 6/5/2013, đội tầu đánh bắt, sản xuất hải sản quy mô lớn của tỉnh Hải Nam, gồm 32 tầu lớn trọng tải từ 100 tấn trở lên, bắt đầu xuất hành đi Trường Sa đánh bắt cá trái phép trong 40 ngày, trùng vào thời gian mà Bắc Kinh ngang nhiên, trơ tráo ban hành cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá năm 2013 từ 16/5 đến 1/8/2013”, từ 12obắc trở lên. Đi cùng với đội tầu đánh bắt cá Trung Quốc có từ 5 đến 7 tầu hải giám, hải cảnh, ngư chính có trang bị vũ khí, thậm chí có cả tầu hải quân để sẵn sàng uy hiếp và quấy nhiễu, ngăn chặn tầu cá của ngư dân các nước khác đánh bắt cá trên Biển Đông. Và rồi cái gì đến cũng đến, tầu thuyền và ngư dân Việt Nam đánh bắt cá bình thường trên Biển Đông đã trở thành những nạn nhân đầu tiên của chính sách “tin cậy và theo đuổi hòa bình” của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Ngày 20/5/2013, tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị các tàu Trung Quốc có trang bị vũ khí tiến hành ngăn cản 3 lần không cho tàu chạy về hướng đất liền và cố tình đâm liên tiếp 3 lần vào mũi tàu, mạn phải của tàu và đuôi tàu, làm tàu bị hư hỏng nặng. Ngày 26 và 27/5 đã liên tiếp xảy ra vụ các tầu chấp pháp của Trung Quốc ngang nhiên uy hiếp đe dọa tàu cá của Việt Nam khi các tầu này đang đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ việc này đã dấy lên vấn đề an toàn sinh mạng và tầu thuyền của ngư dân Việt Nam khi hoạt động nghề cá bình thường trên Biển Đông.

Tháng 5 vừa qua còn chứng kiến một loạt các hoạt động khác của Trung Quốc trong việc ráo riết củng cố “chủ quyền” phi pháp trên cái gọi là “thành phố Tam Sa” như liên tục cử đoàn đi khảo sát, điều tra, nghiên cứu chuyên đề về “Tam Sa” (Hoàng Sa); lắp đặt cột mốc, tên gọi 15 đảo, bãi ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa; hạ thủy tầu giao thông giữa các đảo trong quần đảo Hoàng Sa; thành lập trạm thu vệ tinh Tam Á và Trung tâm nghiên cứu Tam Á… Về hoạt động dầu khí, truyền thông Trung Quốc cuối tháng 5 cũng loan báo sẽ đưa ra Biển Đông giàn khoan Lệ Loan 3 – 1, là giàn khoan lọc dầu, khí nước sâu lớn nhất Châu Á do Trung Quốc tự thiết kế, để phục vụ cho việc khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Những động thái được liệt kê trên đây chắc là chưa đầy đủ để mô tả những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông trong tháng 5 vừa qua nhưng phần nào cũng để mọi người thấy lời nói và việc làm của Bắc Kinh đối với Biển Đông không bao giờ nhất quán với nhau. Chỉ có điều duy nhất nhất quán là Bắc Kinh đang tìm mọi cách, ráo riết thực hiện những mưu đồ toàn diện nhằm độc chiếm Biển Đông để phục vụ lợi ích riêng của mình, ngang ngược cướp đi những lợi ích chính đáng và tự nhiên nhất mà Biển Đông còn giành cho các nước khác xung quanh nó, trong đó có Việt Nam. Phải chăng các hoạt động trên là sự đóng góp của Trung Quốc cho hoà bình và ổn định tại Biển Đông, mà Vương Nghị đã cam kết??. Câu trả lời chắc chắn là không, bởi vì đó chỉ là những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại lời hứa của Trung Quốc cam kết phấn đấu cho Biển Đông hòa bình ổn định và phát triển. Những hoạt động trên của Trung Quốc không có gì ngoài mục đích gây căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa an ninh hàng hải, lợi ích của các nước khác. Chính vì thế nên Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích, phê phán mạnh mẽ của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines và các nước ngoài khu vực. Những ngày cuối tháng 5 vừa qua cũng diễn ra một số hội nghi quốc tế liên quan đến Châu Á như Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 19 tổ chức tại Nhật Bản; Hội nghị quan chức cấp cao diễn đàn Châu Á (SOM ARF) tại Brunei; Đối thoại Sangri – La lần thứ 12 tại Singapore. Trong các Hội nghị này, nhiều đại biểu đã kết luận rằng nguyên nhân của tình hình Biển Đông luôn luôn căng thẳng là do Trung Quốc đang ngày càng ngang nhiên hơn trong việc dùng sức mạnh của mình để thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông có lợi cho mình. Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo sự kiện để tiến tới giải quyết các vấn đề mà Trung Quốc cần. Các đại biểu cũng nhấn mạnh Bắc Kinh cần chấm dứt việc thử thách giới hạn chịu đựng của các quốc gia khác. Bắc Kinh cần hành xử đúng mực để đảm bảo uy tín và hình ảnh nước lớn của mình.

Cũng cần đặt ra câu hỏi ở đây là nếu như Trung Quốc thực tâm muốn đóng vai trò quan trọng cho hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng, thì tại sao Trung Quốc chỉ cử cấp thấp tham dự các Hội nghị quốc tế quan trọng như Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế trường Đại học Thanh Hoa tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á (22 đến 24/5); Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc tham gia đối thoại Sangri – La lần thứ 12 (31/5 đến 1/6), trong khi các nước khác đều đánh giá cao tầm quan trọng của các Hội nghị và cử nguyên thủ quốc gia hoặc quan chức cấp Bộ trưởng tham dự và đóng góp cho thành công của các hội nghị. Câu trả lời là: Trung Quốc thực tâm không muốn Biển Đông hòa bình, ổn định và phát triển và thịnh vượng.

Xin trích dẫn bài viết “Điểm nóng Châu Á và Trung Quốc” của tờ “Nam Dương Thương Báo” Malaysia để làm lời khuyên cho Bắc Kinh và lời kết cho bài viết này: “Trung Quốc dường như đều dính líu tới hầu hết các điểm nóng ở Châu Á. Trung Quốc vừa là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ vừa là nước lớn. Vì vậy, Trung Quốc cần tỏ rõ thái độ trách nhiệm của nước lớn đối với khu vực, không nên can thiệp quá sâu vào khu vực. Đối với các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc nên dùng biện pháp kinh tế, ngoại giao, văn hóa để tăng cường quan hệ hơn là dùng vũ lực và thái độ ứng xử thô bạo như thời gian qua. Việc Mỹ trở lại Châu Á – Thái Bình Dương một mặt do tính toán chiến lược của Mỹ, nhưng cũng có nguyên nhân về thái độ ứng xử và lập trường thô bạo, thiếu thiện chí của Trung Quốc đối với các nước láng giềng gây ra”./.

RELATED ARTICLES

Tin mới