Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ SHANGRI - LA 12

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ SHANGRI – LA 12

BienDong.Net: Hội nghị cấp cao an ninh Châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri – la ra đời từ năm 2002 và đã được tiến hành hàng năm, nhằm tạo diễn đàn cho các quan chức, chuyên gia an ninh hàng đầu về quốc phòng của các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh.

Đối thoại Shangri – la lần thứ 12 đã diễn ra tại Singapore trong 3 ngày từ ngày 31/5 đến 02/6. Năm nay, Đối thoại có sự tham gia của đại diện 31 quốc gia, trong đó có nhiều bộ trưởng quốc phòng cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và học giả.

Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua đã thu hút sự chú ý của không ít đại biểu tham dự Shangri – La. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nóng bỏng được nhiều quan chức của các nước đề cập trong các phát biểu của mình.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ngày 31/5/2013, đưa ra khái niệm mới về xây dựng lòng tin chiến lược; đánh giá về tình hình ở Biển Đông thời gian qua: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Với những từ ngữ mạnh mẽ trong phát biểu của mình, ông Dũng đã ám chỉ đến Trung Quốc, kẻ đang gây mối đe dọa cho không chỉ các nước khu vực mà của cả cộng đồng quốc tế. Có lẽ ông Dũng là người duy nhất dám công khai lên tiếng ám chỉ Trung Quốc là kẻ “áp đặt và chính trị cường quyền”.

Về tầm quan trọng của Biển Đông đối với kinh tế thế giới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”. Như vậy, có thể nói rằng Biển Đông là tuyến đường hàng hải hết sức quan trọng của cả thế giới, các nước sẽ không thể ngồi nhìn để Trung Quốc hoành hành, thôn tính Biển Đông

Nhiều đại biểu tại Hội nghị bày tỏ lo ngại trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực và tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc phòng Singapore Dr Ng Eng Hen thì ám chỉ về chủ nghĩa dân tộc Đại hán đang tạo ra nguy cơ đối với Biển Đông nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng khi cho rằng: “chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở một số quốc gia có thể tạo nên tình thế thắng – bại nếu đe doạ các mối quan tâm toàn cầu đã mang lại ổn định và các biện pháp thúc đẩy sự phát triển tiến bộ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đang tồn tại một mối đe dọa đã thể hiện rõ ở một số tình huống – như các vấn đề tranh chấp chủ quyền và các yêu sách lãnh thổ đối kháng. Ở biển Hoa Đông, làn sóng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ đã nổi lên ở cả Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Căng thẳng đang leo thang cao độ do việc Lực lượng bảo vệ Bờ Biển Philippine đã bắn chết một ngư dân đài Loan ở Biển Đông. Manila từ đó đã trở thành đối tượng của các phản đối kịch liệt và các biện pháp cấm vận kinh tế từ Đài Loan. Ngoài các mối quan ngại về an ninh, các vụ việc đó còn cản trở phát triển. Là một ví dụ điển hình, sẽ khó cho một khu vực rộng lớn chưa nhiều dầu khí có thể được tìm kiếm và khai thác trong bối cảnh các căng thẳng hiện nay ở các vùng biển Châu Á. Vẫn có các cuộc đụng độ định kỳ giữa các tàu biển của các quốc gia khác nhau, một số là tàu quân sự ở Biển Đông”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể với sự có mặt của 31 đoàn tham dự đối thoại an ninh Shangri – la lần thứ 12. Trong phát biểu của mình ông Chuck Hagel cũng bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông, gián tiếp phản đối những hành động gây hấn nhằm phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc: Mỹ đã tỏ rõ quan điểm rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp về chủ quyền trong các trường hợp này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có lợi ích trong việc làm cách nào những tranh chấp này được giải quyết. Mỹ cương quyết chống lại bất kỳ nỗ lực cưỡng chế nào để thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các sự cố hay tranh chấp nên được giải quyết theo cách thức duy trì hoà bình và an ninh, phù hợp với luật pháp quốc tế, và bảo vệ thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như tự do hàng hải và hàng không”.

Phát biểu về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera, nhấn mạnh: “Nhật Bản coi trọng 3 lĩnh vực sau: Thứ nhất, là về an ninh hang hải, Nhật Bản tin tưởng vào vai trò quan trọng của việc thiết lập và của việc tuân thủ các quy tắc và quy phạm hàng hải.

Nhật Bản chủ động ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Cùng phối hợp vói các nước liên quan, chúng tôi hy vọng đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc duy trì các nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và tuân thủ các quy định về hàng hải mà trung tâm là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển”.

Vai trò của ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông được đề cập nhiều trong các phát biểu tại Đối thoại Shangrila lần này. Các ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông và cho rằng ASEAN cần có tiếng nói chung và phát huy vai trò trung tâm trên vấn đề Biển Đông. Trong phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có COC phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.

Các ý kiến tại Hội nghị yêu cầu Trung Quốc cần sớm tiến hành đàm phán chính thức với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đề cập đến vấn đề này tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean – Yves Le Drian nhấn mạnh: Cuối cùng, thúc đẩy kiến trúc an ninh khu vực và các biện pháp xây dựng lòng tin: Về lĩnh vực này, ý chí chính trị để xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực như ASEAN, một định chế dường như là một giải pháp cơ bản. Nếu con đường vẫn dài, ASEAN với tư cách là cơ chế tiên phong trong việc đa phương hoá và an ninh chung, chính là ví dụ điển hình. Liên quan đến vấn đề này, Pháp ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử của ASEAN về an ninh hàng hải được xây dựng nhanh chóng”.

Về giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông, các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri – la 12 ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; trước hết, các nước liên quan cần có những biệt pháp thiết thực để ngăn chặn xung đột, giảm căng thẳng. Bộ Trưởng Quốc phòng Singapore Dr Ng Eng Hen nhấn mạnh: “chúng ta cần phải nhanh chóng thành lập các kênh thông tin và các cơ chế khác ở các cấp làm việc và chính trị nhằm ngăn chặn và giảm thiểu leo thang căng thẳng. Vấn đề này đã được theo luận tại ADMM lần thứ 7 vào tháng trước, nơi mà các Bộ trưởng Quốc phòng đã thể hiện sự ủng hộ đối với cam kết của các Lãnh đạo chúng ta tại Cấp cao ASEAN lần thứ 22 để ASEAN có thể làm việc một cách chủ động với Trung Quốc nhằm tiến đến ký kết sớm Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ở đó, Đại tướng Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đã đề xuất các quốc gia yêu sách cùng ký thoả thuận ‘trước tiên không sử dụng vũ lực”. Singapore đã ủng hộ ý tưởng này nhằm để các quốc gia yêu sách cùng ký một thoả thuận như vậy. Đây là một cách tạo hiệu lực cho nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp trong Hiệp ước Hoà Bình và Hợp tác mà các đối tác đối thoại của ASEAN đã gia nhập. Brunei cũng đề xuất thêm việc thành lập các “đường dây nóng” để nhanh chóng xoa dịu căng thẳng trên Biển. Chúng tôi rất hoan nghênh các ý tưởng này, và khuyến khích các lực lượng quân sự ở khu vực xem xét có thể làm được gì hơn nữa về vấn đề này – Ví dụ như tăng cường trao đổi thông tin, đặc biệt giữa các lực lượng hải quân, về các Quy trình Điều hành Chuẩn trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển”.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì cho rằng: “Ở Biển Đông, Mỹ tiếp tục kêu gọi các bên yêu sách thực hiện kiềm chế như các bên này đã công khai cam kết vào năm 2002, và tìm kiếm các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp này. Theo đó, chúng tôi ủng hộ Thoả thuận gần đây gữa Trung Quốc và ASEAN thiết lập đường dây nóng nhằm hỗ trợ quản lý các sự cố hàng hải. Mỹ cũng hoan nghênh các nỗ lực để khởi động thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích các bên yêu sách tìm kiếm tất cả các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật Biển. Các nỗ lực đó không nên cản trở những tiến triển nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ràng buộc”.

Trước việc Trung Quốc tăng cường uy hiếp, xua đuổi, trấn áp tàu cá, ngư dân Việt Nam ở Biển Đông, thậm chí tàu hải quân Trung Quốc bắn và đâm vào tàu cá Việt Nam, tại Hội nghị Shangri – la lần này ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phải lên tiếng: “Chúng tôi đề nghị các bên có liên quan đến Biển Đông tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại”.

Đáng chú ý là trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”. Phát biểu của ông Dũng có hàm ý rất rộng, bao gồm cả việc Việt Nam sẵn sàng đưa vấn đề Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế vì điều này phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Bên lề Hội nghị đã diễn ra nhiều cuộc gặp song phương giữa các nước, mà nội dung hầu hết các cuộc gặp song phương này cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, tại cuộc hội đàm bên lề Đối thoại Shangri – La 12 giữa Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Australia, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước đã cùng nhau đi đến một Tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho bất kỳ xung đột nào dựa trên luật pháp quốc tế và phản đối bất kỳ nỗ lực nào mang tính cưỡng chế để thay đổi hiện trạng các vùng biển tranh chấp ở Châu Á.

Như vậy, có thể thấy rằng những hành động lấn tới ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã gây mối lo ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế. Các tiếng nói tại Hội nghị đã trực tiếp hay gián tiếp phê phán hành động đe doạ ép buộc đơn phương của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, không được bắt nạt các nước láng giềng xung quanh; các ý kiến kêu gọi một giải pháp đa phương cho các tranh chấp ở Biển Đông; nhiều tiếng nói ủng hộ cho vụ kiện của Philippines, kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế. Những nội dung phát biểu khá mạnh mẽ của ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Chí Vịnh ở Hội nghị là một sự dũng cảm, phản ánh sự bức xúc của người dân Việt Nam đối với chính sách bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh. Nhận xét về điều này ông Andrew Seibert Billo, Trợ lý Giám đốc các chương trình chính sách – Hội Châu Á của Mỹ nói: “Tình hình hiện nay rõ ràng là cần phải có một cuộc đối thoại đa phương hiệu quả hơn và cuộc đối thoại Shangrila là cuộc đối thoại quan trọng đáp ứng yêu cầu này. Theo tôi điều quan trọng là tất cả các nước liên quan ngồi lại với nhau trong một diễn đàn đa phương để cùng giải quyết vấn đề an ninh đang tồn tại hiện nay như tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, vấn đề đánh bắt cá, tự do hàng hải”.

RELATED ARTICLES

Tin mới