BienDong.Net: Các nước trong khu vực cần giữ vững lập trường, kiên quyết giữ “thái độ lạnh” với Trung Quốc, đảm bảo an ninh trên Biển Đông.
Ông Andrew Billo, trợ lý giám đốc Chương trình Chính sách của Asia Society có trụ sở đặt tại New York (Mỹ), đã phân tích tình hình Biển Đông và các hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc hiện nay.Những động thái mang tính “hăm dọa”…
Ông Andrew Billo từng nhận xét, Trung Quốc thỉnh thoảng lại hứa hẹn những giải pháp hòa bình về tranh chấp biển đảo trong cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng hành động và lời nói của Trung Quốc hoàn toàn bất nhất. Những động thái của nước này nhằm xác lập chủ quyền Biển Đông được đánh giá là mang đầy tính “hăm dọa”. Cụ thể là việc Trung Quốc đuổi tàu cá Philippines ra khỏi ngư trường của họ, hay việc ngư dân Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc dùng biện pháp mạnh xua ra khỏi khu vực đánh bắt hải sản của mình. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại không thừa nhận việc Trung Quốc gây thiệt hại cho ngư dân các nước khác. Trong bài phát biểu của mình, ông Hồng Lỗi thừa nhận hành động đuổi các tàu cá, nhưng lại tuyên bố Trung Quốc làm vậy để cảnh báo các ngư dân, yêu cầu họ tránh xa vùng biển thuộc “chủ quyền của Trung Quốc”, mà rõ ràng khu vực đó thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Billo phân tích rằng, thực tế, các nước láng giềng của Trung Quốc đều nhỏ bé, yếu hơn về tiềm lực kinh tế… nên việc “dồn Trung Quốc vào một góc” là điều bất khả thi. Điển hình là việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông lên Tòa án Quốc tế, ngay Tòa án Quốc tế về luật biển cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì Trung Quốc liên tục từ chối tham gia vụ kiện. Theo ông Billo, nếu các nước trong khu vực phản ứng một cách khôn ngoan, tính toán kỹ càng với “thái độ lạnh” thì có thể đạt được nhiều lợi thế trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ông Billo nhấn mạnh rằng, không ai thích một kẻ hay bắt nạt hăm dọa và lấn lướt.
Tự mình hại mình?
Theo quan điểm của nhà phân tích, các nước cờ do Trung Quốc tung ra đang đi ngược lại với nhiều thông lệ và luật pháp quốc tế. Hành động huênh hoang chứng tỏ sức mạnh của một cường quốc đang lên khiến Trung Quốc tự biến mình thành một nước “được chú ý nhất trên thế giới” như một “nhân vật vô trách nhiệm”. Ông Billo cho rằng, hành động “khẳng định chủ quyền” của Trung Quốc thực sự đang tự làm hại chính mình và có khả năng sẽ không đạt được tham vọng mà Trung Quốc đặt ra.
Phân tích sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận định, lý do khiến Mỹ xoay trục sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chính là vì tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Billo cho rằng Việt Nam và các quốc gia khác không nên bị kích động vì những tuyên bố “hung hăng” của Trung Quốc. Không chỉ các nước trong khu vực Biển Đông mà cả thế giới cũng đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc và hi vọng sẽ có bước chuyển biến tốt đẹp.
Trong một diễn biến khác, mới đây, khi trả lời câu hỏi của hãng tin Bloomberg tại Manila “Trung Quốc có khả năng tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc hay không?”, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc có thể gây tổn hại cho mối quan hệ với các đối tác thương mại nếu Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về luật biển ITLOS. Tổng thống Aquino khẳng định, nếu Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng, nước này cần tiếp cận được các thị trường và nguồn tài nguyên. Nhưng với cách “tiếp cận” như hiện nay và cách khẳng định chủ quyền một cách vô căn cứ, thì các đối tác thương mại sẽ e sợ khi quan hệ với Trung Quốc. Như vậy, việc tiếp cận cả hai yếu tố này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhắc lại vụ kiện của Philippines đối với việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, cách đây không lâu, ITLOS thông báo cho phía Philippines biết là đã chọn được ba thẩm phán còn lại tham gia vào Tòa án trọng tài gồm năm người, trong đó có một thẩm phán do Philippines chỉ định, một thẩm phán cho chánh án ITLOS chỉ định đại diện cho Trung Quốc bởi Bắc Kinh từng bác đơn kiện của Philippines và từ chối hầu tòa. Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện là việc Trung Quốc ngang nhiên “chiếm hữu” và duy trì thường trực ba tàu tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống của mình. Hơn nữa, Trung Quốc còn thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự, ra oai, khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tăng cường máy bay trên biển
Không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên Biển Đông, Trung Quốc còn tự ý cho rằng, không phận vùng biển này cũng là của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc đã đưa tin, đến năm 2015, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số chuyến tuần tra ở không phận các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, vùng biển Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình. Theo đó, lực lượng tuần tra biển của Trung Quốc sẽ tăng cường máy bay có tầm hoạt động hơn 4.500km. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm nhiều máy bay với chu vi hoạt động khác nhau nhằm phục vụ mục đích tuần tra khác nhau.
Như vậy, không chỉ cố ý đẩy mạnh tuần tra phi pháp bằng lực lượng tàu hải giám và ngư chính trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, Trung Quốc còn muốn “bành trướng” cả không phận trên các vùng biển này. Thậm chí, Trung Quốc còn giải thích, việc tăng cường tuần tra trên không này là do những tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay ở các vùng xung quanh Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa cho an ninh biển của Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc không từ bỏ tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình. Liệu nước cờ của Trung Quốc còn gì nữa? Và cho dù có là gì đi nữa, nó cũng không phải quá khó đoán.
Tham vọng
Theo phân tích của giáo sư Carlyle A.Thayer – chuyên gia về Đông Nam Á thuộc trường đại học New South Wales (Australia), trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ gây áp lực ở hậu trường đối với các nước ASEAN để họ vận động Philippines từ bỏ đơn kiện ở Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên Hợp Quốc (ITLOS), đổi lại Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng từ nay đến tháng 8, khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, hải quân và các tàu hải giám, ngư chính của nước này sẽ tăng cường hoạt động để làm rõ hơn hành động mà họ gọi là “thực thi pháp luật và khẳng định chủ quyền”. Các hành động của Trung Quốc được tính toán rất cẩn thận, không quá lộ liễu để xảy ra xung đột vũ trang nhưng cũng để thể hiện rõ tham vọng của Bắc Kinh.