Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamCHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN – VĂN BẢN PHÁP LÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ...

CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN – VĂN BẢN PHÁP LÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG

BienDong.Net: Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về Châu bản. Dưới thời Gia Long 1802 – 1819, tổ chức bộ máy nhà nước được chấn chỉnh dần nhằm xây dựng một thể chế quân chủ quan liêu chuyên chế. Bộ máy chính quyền trung ương do vua đứng đầu, nắm toàn quyền quyết định mọi công việc lớn của đất nước.

Dưới vua có 6 bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công). Đứng đầu mỗi bộ là thượng thư, giúp việc cho thượng thư có các quan chức tả hữu tham tri, tả hữu thị lang. Mỗi bộ theo phạm vi công việc mà chia thành các ty chuyên trách.

Giúp việc cho sáu bộ còn có bốn tự là: Thái thường tự, Hồng lô tự, Thái bộ tự, Quang lộc tự, đứng đầu tự là một tự khanh và một thiếu khanh giúp việc, ngoài ra một số nhân viên thư lại. Bên cạnh Thị thư viện có Hàn lâm viện. Ngoài ra trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thời Gia Long còn có một số cơ quan sự vụ, chuyên môn như Nội tào, Ty thông chính, Quốc tử giám, Thái y viện, Tào chính, Hành nhân, Vũ khố, Khâm thiên giám, Tư tế ty, Tượng y viện.

Thị thư viện có nhiệm vụ giúp nhà vua thảo các chiếu, chỉ, sắc, dụ gửi cho các quan lại. Hàn lâm viện phụ trách công việc biên soạn sách phục vụ cho việc học tập, giúp vua thảo các sách, mệnh chỉ, chế, cáo. Quốc tử giám là cơ quan giáo dục cao nhất của nhà nước có nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức học tập, thi cử, có tài liệu cho rằng để tập trung quyền lực độc tôn vào hoàng đế.

Dưới triều Nguyễn, Châu bản là một loại hình tài liệu Hán – Nôm. Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Châu bản là các tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn được phân thành các loại khác nhau. Các văn bản do nhà Vua ban hành gồm chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế; các văn bản do các quan ở các bộ tâu lên nhà Vua về những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hoá… của đất nước gọi là tấu, biểu, bẩm; các văn bản do các bộ, nha và địa phương vâng lệnh nhà Vua thực hiện một vấn đề nào đó gọi là tư, sớ… Ngoài ra còn có nhiều dạng văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Đây chính là các văn kiện hành chính do đích thân các Hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt. Châu bản triều Nguyễn đã để lại giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của nước Việt. Châu bản triều Nguyễn còn có giá trị lịch sử về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các Châu bản triều Nguyễn, hiện đã tìm thấy 19 Châu bản đề cập đến nhiều sự kiện liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những Châu bản đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu chữ quốc gia I, Hà Nội đã phần nào cho thấy bức tranh tổng thể về các hoạt động thực thi chủ quyền của triều đình Huế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều quan trọng là trong các Châu bản có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có bút phê của nhà vua, đây chính là những bằng chứng sống động và rõ ràng cho thấy sự quan tâm ở cấp cao nhất của chính quyền phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 – 1835 xuất xứ từ Nội Các là một minh chứng.

Nội các tâu:

Bộ Hộ dâng một tập trình bầy về sự thiệt hại lúa vụ hè và xét nghĩ bàn miễn giảm một phần cho hai tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên. Bộ thần vâng mệnh chiếu xét theo lệ là phù hợp. Kính xin chỉ ban cho chuẩn y lời tấu.

Lại ba bản sách thẩm tra của Gia Định, Quảng Nam. Kính xin ban chỉ giao cho tam pháp ty cùng nhau xem xét, rồi tấu trình lại đầy đủ.

Lại hôm trước, Nội giám Nguyễn An chuyển truyền cật vấn bề tôi (Nội) các về việc lần này các viên binh tượng được sai phái đi Hoàng Sa trở về quá hạn. Viên cai đội Phạm Văn Nguyên cùng những người nào có hay không những tư tệ, cần phải nói thực. Nếu có tư tệ gì phải giao cho bộ Hình nghị tội, nếu không có tư tệ gì thì lập tức tha cho Phạm Văn Nguyên không phạt đòn 80 trượng và khôi phục lại chức cũ cho viên ấy. Viên Giám thành vẽ bản đồ không rõ ràng bị phạt đòn 80 trượng nhưng đều cho tha. Đích danh các viên dẫn đường mỗi viên được thưởng tiền bạc loại nhỏ ba mai, binh đinh mỗi viên được thưởng tiền một quan. Dân phu (đi trong đợt này) nếu chưa được miễn trừ lệ thuế cũng được thưởng mỗi viên tiền một quan.

Tiếp đến là sự kiện về các Cai đội thủy binh được điều đi Hoàng Sa, công tội được phân sử ràng, Châu bản có đoạn:

Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện tư tệ. Vả lại lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho Bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân tha, cho khôi phục lại chức cũ. Các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ nhưng chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha. Viên dẫn đường là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ ba mai. Các viên binh, tượng đi đợt này được thưởng tiền một quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ hai viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người một quan để tỏ rõ sự ưu ái.

Lại chiếu xét, các dân phu đi trong đợt này chưa được miễn trừ thuế thân, lại tra xét năm trước, những dân phu này được phái đi, khi trở về, cững được thưởng tiền một quan.

Vậy xin tấu trình.

Thần Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt.

Vâng mệnh duyệt Nguyễn Văn ký

Đương trực đối chiếu Hà Duy Phiên ký.

Nội dung Châu bản cho thấy triều đình Nhà Nguyễn đã có sự phân minh, thưởng phạt rõ ràng đối với những người được phái đi thực thi chủ quyền và khai thác các sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ai có công thì được thưởng, ai không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu những hình phạt. Điều này cho thấy mức độ quản lý hành chính cao của triều đình Nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới